Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

(THVL) Lễ nghi Trung Hoa


Theo người Trung Quốc, lễ nghi là bài học cơ bản mà mỗi người cần phải học qua trong đời. Tôn trọng bậc bề trên, hiếu kính với cha mẹ, khiêm nhường với người khác là nội dung quan trọng của lễ nghi Trung Hoa. Lễ nghi là nét đặc trưng văn hóa đã thẩm thấu vào trong máu thịt người Trung Quốc.
Hơn 1.800 năm trước có một cậu bé tên Khổng Dung đáng yêu và ngoan ngoãn sinh sống cùng với gia đình ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Từ nhỏ, Khổng Dung đã được dạy về những nét văn hóa tốt đẹp. Khổng Dung tuy đứng hàng thứ 6 trong số 7 anh em, nhưng cậu được cha mẹ thương yêu nhiều nhất.
Vào một ngày nọ, cha của Khổng Dung mua một ít trái lê về nhà. Ông lấy trái lớn nhất đưa cho Khổng Dung. Cậu bé liền lắc đầu rồi cầm lấy trái lê nhỏ nhất và nói: “Con còn nhỏ nên chỉ ăn quả nhỏ. Quả to dành cho cha mẹ và các anh ăn mới đúng”. Nghe xong, người cha cảm động ôm lấy Khổng Dung mà nói rằng: “Đây mới thật sự là con cháu của họ Khổng nhà ta”.  Trải qua hàng ngàn năm, câu chuyện “” đã trở thành bài học luân lý cho giới trẻ Trung Quốc.
Khổng Dung sinh vào cuối đời Đông Hán, là cháu đời thứ 20 của đức Khổng Tử. Khổng Tử là một nhà tư tưởng, nhà chính trị, nhà giáo dục nổi tiếng của Trung Quốc. Các bài giảng và triết lý của ông có ảnh hưởng rộng lớn đối với đời sống và tư tưởng của các nền văn hóa Đông Á. Những lời dạy và nguyên tắc thể hiện lễ phép trong cuộc sống hằng ngày của đức Khổng Tử đã được ghi lại trong quyển Luận ngữ.
Lễ tiết là hình thức thể hiện quan trọng của lễ nghi. Lễ tiết còn là bộ phận quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần. Lễ tiết còn có ý nghĩa thể hiện ý tưởng về cuộc sống trường tồn, khao khát của con người về thiên địa hài hòa ban cho vụ mùa tươi tốt, bội thu, đàn gia súc sinh sôi nảy nở.
Khi gặp trưởng bối, sư huynh hay người lớn tuổi, người Trung Quốc sẽ chắp tay vái chào để thể hiện sự tôn kính. Bàn tay phải nằm ở trong, bàn tay trái bao bên ngoài, tạo thành nắm tay để trước ngực chào. Nắm tay này để cao ngang mũi, đầu hơi gật về trước và lưng hơi cong, thể hiện sự kính trọng. Với những người đồng trang lứa, nắm tay để ngang ngực, khuôn mặt cười tươi, mắt nhìn vào người mình chào. Tuy nhìn vào có vẻ đơn giản nhưng có một điểm cần phải chú ý đó chính là bàn tay trái ôm lấy nắm tay phải. Nếu làm ngược lại sẽ được cho là vô lễ và không có thành ý.
Từ khi xuất hiện vào thời cổ cho đến nay, hành động chắp tay vái chào đã có lịch sử hơn 3.000 năm. Có ý kiến cho rằng, vào thời xa xưa, người cổ đại quen dùng tay phải cầm vũ khí để săn bắt động vật hoặc tấn công kẻ thù. Vì thế, tay phải tượng trưng cho sự tấn công. Dùng tay trái bao bọc lấy tay phải hàm ý cho người đối diện biết rằng, mình có thành ý trong việc chào hỏi.
Theo quan niệm Nho gia, mỗi người đều phải phấn đấu trở thành một người quân tử có đạo đức cao thượng. Người quân tử là người có đầy đủ các đức tính trong ngũ thường: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, trong đó, Nhân là quan trọng nhất. Người quân tử cũng là người nắm được mệnh trời và sống theo mệnh trời.
Người quân tử cũng cần chú ý đến lễ nghi trong những cuộc thi thố. Vào thời cổ, trước khi diễn ra trận thi đấu võ thuật, hai đối thủ cần làm lễ chắp tay vái chào lẫn nhau. Sau khi trận đấu kết thúc họ phải chắp tay chào nhau một lần nữa. Trải qua thời gian dài, cử chỉ lễ phép chào hỏi lẫn nhau này đã trở thành một quy tắc không thể thiếu trong những cuộc thi đấu và biểu diễn võ thuật.
Vào thời Trung Quốc cổ đại, chắp tay vái chào không phải là một cử chỉ biểu thị sự tôn kính trang trọng nhất. So với cử chỉ quỳ lạy thì chắp tay vái chào chỉ là một cử chỉ lễ phép rất nhẹ nhàng. Quỳ lạy là hành động của người trẻ đối với người lớn tuổi, cấp dưới với cấp trên và học trò với giáo viên. Quỳ lạy là cử chỉ biểu thị sự tôn kính của hậu bối với các bậc bề trên.
Quỳ lạy là một hình thức phổ biến để biểu thị sự tôn kính, chúc tụng, phúng viếng vô cùng trang trọng và thường được dùng trong nhiều trường hợp quan trọng như gặp mặt hoàng đế, vái lạy trời đất, vái lạy tổ tiên, chúc tết thầy, hành lễ trong hôn lễ vào thời cổ.
Ngày nay, ở Trung Quốc vẫn còn một cử chỉ lễ phép rất thú vị khác trong lúc uống trà. Khi có người rót trà, người được rót trà sẽ dùng hai ngón tay của bàn tay phải gõ xuống bàn ba cái, ngụ ý cảm ơn người rót trà. Nguồn gốc của cử chỉ gõ nhẹ xuống bàn này có liên quan đến việc quỳ lại.
Vào đời Thanh, Hoàng đế Càn Long thường cải trang vi hành để tìm hiểu thêm cuộc sống người dân. Khi đến một quán trà, vì không muốn ai biết mình là hoàng đế đương triều nên ông đã đứng lên rót trà cho những tùy tùng thân cận theo hầu.
Thông thường, khi được nhà vua ban cho vật gì thì người nhận phải lạy ba lạy tạ ơn. Trong lúc vua cải trang thành người dân và nhóm tùy tùng đang giấu tên hộ giá, họ không thể cúi đầu lạy tạ nhà vua theo đúng phép tắc triều đình nhà Thanh. Hoàng đế Càn Long đã nghĩ ra cách là dùng hai ngón tay của bàn tay phải gõ xuống bàn ba cái, tượng trưng cho việc đang quỳ lạy vua ba lạy. Theo quan niệm xưa, trong một bàn tay thì hai ngón ở giữa tượng trưng cho cái đầu cúi xuống, còn hai ngón ở hai bên tượng trưng cho đôi vai. Từ đó, người Trung Quốc cũng dùng cách này để tỏ lòng cảm ơn khi có ai đó rót trà mời mình. Cử chỉ dùng hai ngón tay của bàn tay phải gõ xuống bàn ba cái đã được sử dụng phổ biến vào đời Thanh và lưu truyền ở một số nơi của Trung Quốc.
Hình thức cúi người chào vẫn còn sử dụng phổ biến ở Trung Quốc, thậm chí, nó còn truyền bá sang các nước châu Á. Cách hành lễ cúi gập người chào đẹp nhất là hai tay đặt nhẹ vào hai bên đùi, thân đổ người về phía trước nhưng lưng và đầu gối không được cong lại, sau đó từ từ thẳng người lên.
Vào hơn 2.000 năm trước, trong nghi thức cúng tế trời đất, người Trung Quốc cổ đại dùng con trâu, bò, dê làm vật phẩm cúng tế. Họ không cắt nhỏ thịt các con vật mang dâng cúng mà cuộn cong các con vật theo hình cái cung, biểu thị lòng tôn kính với trời đất. Về sau, người xưa đã mô phỏng động tác uốn cong của những vật phẩm cúng tế này để biểu thị lòng tôn kính, từ đó hình thành nghi thức cúi gập người chào.
Nghi thức cúi gập người chào truyền thống xuất hiện vào thời cổ và được sử dụng phổ biến hiện nay. Mỗi khi gặp nhau mọi người không cần quỳ lạy hay chắp tay vái chào mà đổi sang cúi gập người chào. Hình thức quỳ lạy trong hôn lễ cũng theo đó mà chuyển sang cúi người chào. Ba lần cúi người chào của đôi tân giai nhân là nghi thức không thể thiếu trong hôn lễ, nó đại diện cho nghi thức quỳ lạy trời đất thời xưa, biểu thị từ đây về sau đôi vợ chồng mới cưới sẽ kính trọng yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau.
Không chỉ được sử dụng phổ biến ở Trung Quốc mà nghi thức cúi người chào còn truyền bá đến các nước và khu vực xung quanh, ảnh hưởng mạnh mẽ đến lễ nghi của những nơi này. Lễ nghi cúi người chào được xem là cách hành lễ cơ bản ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Đối với người Nhật Bản, việc cúi người chào đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày.
Lễ nghi là một hiện tượng văn hóa đặc trưng của xã hội loài người. Nghi thức chào hỏi khác nhau đã phản ánh đặc điểm văn hóa khác nhau của các dân tộc và phía sau sự ra đời của một nghi thức chào hỏi đều kèm theo một câu chuyện văn hóa. Tuy hình thức thể hiện chào hỏi khác nhau nhưng mọi người đều hy vọng xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp và vững bền.
Hồng Mẫn
 

Không có nhận xét nào: