Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

(THVL) Chuông gió Nhật Bản


Không chỉ tạo tiếng động để kích thích thính giác, người Nhật còn sử dụng cả âm thanh để xoa dịu cái nóng của trưa hè. Nghe có vẻ lạ nhưng người dân đất nước hoa anh đào tin rằng, tiếng kêu leng keng của những chiếc phong linh, hay còn gọi là chuông gió, có thể mời gọi gió đến giữa lúc khí trời mùa hè oi bức.
Chuông gió phát ra tiếng kêu leng keng mời gọi gió đến, xua tan cái nóng oi ả của mùa hè
Chuông gió treo ở hiên nhà hoặc khu vực gần cửa sổ nên khi có gió, chuông sẽ phát ra tiếng kêu. Chuông kêu báo hiệu có gió đến, vì vậy, người Nhật có quan niệm chuông gió có thể “mời” gió mang theo sự mát lành. Chuông gió được làm từ nhiều chất liệu khác nhau từ kim loại, thủy tinh, gốm, sứ và cả gỗ. Tuy nhiên, những chiếc chuông bằng thủy tinh rất được mọi người ưa chuộng vì sự đa dạng về màu sắc của chúng.
Chuông gió làm bằng thủy tinh rất được mọi người ưa chuộng
Vào tháng 7 hàng năm, tại thành phố Kawasaki sẽ diễn ra hội chợ chuông gió. Trên 800 loại chuông gió với khoảng 30.000 chiếc đủ màu sắc, hình dáng từ khắp nơi trên đất nước được mang ra triển lãm và bày bán.
Hội chợ chuông gió tại Kawasaki
Trước đây, chuông gió vốn được treo ở mái hiên của các ngôi chùa, chúng được gọi là Futaku. Sau đó, việc sử dụng chuông gió dần được phổ biến ra cộng đồng, người Nhật bắt đầu dùng chuông gió để treo ở đầu hè hoặc trong sân vườn. Hiện nay, chuông gió trở thành người bạn thân thuộc của mỗi gia đình ở Nhật.
Chuông gió được du nhập vào Nhật Bản từ Trung Quốc. Người Trung Quốc quan niệm rằng, tiếng kêu leng keng của chuông gió giúp xua đuổi tà ma. Quan niệm này được người Nhật tiếp nhận và duy trì.
Những chiếc chuông gió xinh xắn đã trở thành hình ảnh tượng trưng cho mùa hè ở Nhật Bản
Những chiếc chuông gió xinh xắn đã trở thành hình ảnh tượng trưng cho mùa hè ở Nhật Bản. Vào những buổi trưa tiết trời oi ả, người Nhật có thói quen ngồi hóng mát ngoài hiên nhà và lắng nghe âm thanh trong trẻo của chiếc phong linh đung đưa trước gió.
Ngoài ý nghĩa là vật trang trí dùng để tạo ra tiếng kêu vui tai, chiếc chuông gió còn mang lại cảm giác bình an. Đi kèm với chuông gió thường là một mảnh giấy nhỏ được nối với dây chuông bên dưới. Trên mảnh giấy được trang trí những họa tiết xinh xắn và một bài thơ ngắn như thể thơ Hai-ku 17 âm tiết hoặc thơ Wa-ka 31 âm tiết.
Chuông gió còn mang lại cảm giác bình an
Chuông gió có tầm ảnh hưởng sâu sắc trong cuộc sống của người Nhật, tuy nhiên, cũng có một vật dụng phát ra âm thanh khác mang ý nghĩa quan trọng không kém. Đó là chiếc chuông đồng. Với người Nhật, tiếng chuông chùa chứa đựng âm hưởng rất độc đáo, từ lâu, họ đã xem tiếng chuông như là một phần của cuộc sống tâm linh.
Tại thành phố Kawagoe thuộc tỉnh Saitama có một tháp chuông báo giờ được gọi là “Toki no Kane”. Mỗi ngày, chuông được gióng lên 4 lần để báo giờ cho người dân trong vùng và tiếng chuông đầu tiên trong ngày vang lên vào lúc 6 giờ sáng; lần thứ 2 là 12 giờ trưa, kế đến là 3 giờ chiều và 6 giờ chiều. Tháp chuông báo giờ được xây dựng vào giữa thế kỉ XVII và trong 350 năm qua, nó giữ vai trò là chiếc đồng hồ công cộng và là biểu tượng của thành phố Kawagoe.
Toki no Kane
Những chiếc chuông đồng khổng lồ treo tại thiền viện hay chùa chiền ở Nhật Bản có xuất xứ từ Trung Quốc cùng với quá trình truyền bá đạo Phật. Nhanh chóng sau đó, chuông chùa trở thành biểu tượng tâm linh quan trọng trong đời sống tinh thần của người Nhật.
Khi viếng chùa, người Nhật có thói quen cầu nguyện bình an và sức khỏe bên dưới chiếc chuông đồng treo nơi gác chuông trong khuôn viên chùa. Với nhiều người, chiếc chuông chùa chứa đựng năng lực thần bí.
Để tạo ra âm thanh của tiếng chuông, người ta sử dụng một đoạn gỗ to tròn để làm dùi gióng chuông. Vị trí chạm dùi vào chuông được gọi là Tsu-ki-ya. Tsu-ki-ya là một biểu tượng hình tròn mô phỏng theo hình dáng của hoa sen, 1 trong 8 biểu tượng của Phật giáo. Hoa sen đại diện cho những giá trị đạo đức, sự thuần khiết, thánh thiện và giác ngộ.
Chuông chùa trở thành biểu tượng tâm linh quan trọng trong đời sống tinh thần của người Nhật
Ngoài ra, người ta đã quan niệm rằng, tiếng chuông chính là giọng nói của Đức Phật. Tiếng chuông chùa được gióng lên vào buổi sáng sớm hay chiều tà, vào những dịp đặc biệt như lễ tết. Với người Nhật, đó là âm thanh của sự linh thiêng.
Vào ngày 31/12 hàng năm cũng là thời điểm chào đón Năm Mới ở Nhật bản. Người Nhật có thói quen đến chùa dùng tiếng chuông để cầu mong năm mới bình an, hạnh phúc. Bất chấp cái giá lạnh, họ xếp hàng dài dưới cơn mưa tuyết để chờ đến lượt mình rung chuông. Truyền thống tốt đẹp này đã duy trì trong nhiều thế kỉ qua, và giờ đây, nó vẫn tiếp tục được phát huy bởi những người trẻ tuổi.
Thanh Tâm

Không có nhận xét nào: