Cây tre Moso được trồng rất nhiều Giang An, một huyện nằm ở vùng Đông Nam của tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Nhờ có những tính năng tuyệt vời nên cây tre được xem là một loại vật liệu tốt để sáng tạo nghệ thuật thủ công. Đối với dân địa phương, loại tre này có màu sắc tươi sáng rất đẹp và được ví như ngà voi với màu vàng nhạt.
Nghệ thuật chạm khắc tre có lịch sử lâu đời ở Giang An. Huyện này đã được cả thế giới biết đến với những sản phẩm nghệ thuật chạm khắc bằng tre từ những năm đầu thế kỷ XX. Ngày nay, sự phát triển của kỹ thuật sản xuất hiện đại đã khiến ngành thủ công truyền thống dần bị lãng quên.
Chạm khắc tre đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của Trung Quốc.
Trong quá khứ, người dân thường ít có cơ hội được học hỏi những kỹ năng làm nghề từ các bậc thầy về chạm khắc tre. Tuy nhiên ngày nay, tình hình đã có nhiều thay đổi. Các sinh viên ở trường kỹ thuật Giang An có rất nhiều điều kiện để tiếp thu những kỹ thuật mới từ các bậc thầy về công việc chạm khắc tre, làm thành các sản phẩm nghệ thuật.
Rừng tre Moso ở huyện Giang An có hơn 25.300 ha. Rừng nằm ở bờ Nam của sông Dương Tử thuộc vùng Đông Nam của tỉnh Tứ Xuyên. Sâu trong khu rừng, những cây tre Moso phải vươn lên càng cao và càng lớn càng tốt để có thể thu nhận được thật nhiều ánh nắng mặt trời để tồn tại. Chính vì vậy, cây tre Moso rất thích hợp cho việc chế tác thành những món đồ thủ công.
Tre Moso cao và thẳng |
Cây tre Moso cao và thẳng đứng như cây Phoebe bournei. Tre Moso có thể đề kháng trước sự tấn công của các loại côn trùng và không dễ bị mục. Khi một cây tre Moso được 4 hoặc 5 năm tuổi là nó đã đủ cứng để có thể chạm khắc. Ở giai đoạn này, cây tre đã trưởng thành tương đương với giai đoạn 30 hoặc 40 tuổi của con người. Nếu cây tre quá già, các sợi sẽ quá cứng hoặc dễ bị gãy khiến món đồ dễ bị biến dạng và mục. Nếu cây tre quá non, các sợi sẽ có chứa quá nhiều nước và tinh bột. Như vậy, việc chạm khắc tre có những yêu cầu rất nghiêm ngặt về chất lượng của cây tre.
Sau khi bị đốn hạ, cây tre sẽ nhanh chóng chuyển từ màu xanh sang màu đen rồi trở nên mềm trong 7 hoặc 8 ngày. Vì vậy, ngay sau khi đốn tre, người ta sẽ nhanh chóng gọt bỏ phần vỏ bên ngoài. Phần ruột tre cần được xử lý nhanh chóng, nếu không, chúng sẽ không thể được dùng làm các sản phẩm thủ công có màu như ngà voi. Đốt nóng ở nhiệt độ cao và luộc trong nước sôi là cách những người thợ thủ công thường làm để biến một khúc tre có hình tròn, không có vỏ thành một miếng tre phẳng. Sau quá trình xử lý ở nhiệt độ cao, các loài côn trùng và nấm mốc sẽ bị giết chết.
Chạm khắc tre đòi hỏi rất nhiều ở sự tỉ mỉ cùng những dụng cụ đặc biệt để những người thợ tạo hình. Mỗi một bậc thầy trong nghề chạm khắc tre bắt đầu bằng việc chạm khắc với những kỹ thuật đơn giản. Quá trình rèn luyện để trở thành những nghệ nhân nhiều kinh nghiệm đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Tuy nhiên, bằng tất cả lòng đam mê cùng mong muốn duy trì nghề truyền thống của cha ông, người dân huyện Giang An, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc hy vọng những kỹ thuật chạm khắc tre độc đáo nơi đây ngày càng được duy trì và phát triển hơn nữa.
Thanh Trúc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét