Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

(THVL) Nhạc cung đình Gagaku

Gagaku là thể loại nhạc tao nhã truyền thống của Nhật Bản có lịch sử tồn tại rất lâu đời. Trong 1.000 năm qua, nhạc cụ sử dụng trong Gagaku không hề thay đổi. Hiện nay, chúng vẫn được chế tạo và trình diễn theo nguyên mẫu ban đầu.


Gagaku là thể loại nhạc tao nhã truyền thống của Nhật Bản

Gagaku được đánh giá là một trong những hình thức âm nhạc cổ xưa nhất trên thế giới. Ngày xưa, Gagaku chỉ dùng trong các nghi lễ cung đình nên nó còn được gọi là nhạc cung đình. Hiện nay, Gagaku thường được biểu diễn tại các buổi lễ ở đền thờ Thần Đạo, chẳng hạn như lễ cưới hoặc lễ cầu phúc.
Gagaku có 3 hình thức trình diễn. Hình thức trình diễn thứ nhất gọi là Kangen. Đó là màn hòa tấu của các nhạc cụ, trong đó có sáo, đàn, trống lớn và trống nhỏ.
Bugaku là hình thức trình diễn thứ 2 trong Gagaku. Bugaku là sự phối hợp giữa âm nhạc và vũ đạo. Người trình diễn đeo mặt nạ và múa những động tác chậm rãi, họ không sử dụng lời thoại mà dùng điệu múa để thể hiện tâm trạng nhân vật và ý nghĩa câu chuyện.

Bugaku

Hình thức trình diễn thứ 3 có tên gọi Kayo. Những người tham gia biểu diễn ngâm thơ hoặc hát dưới sự hổ trợ của dàn nhạc. Họ ngâm thơ waka Nhật Bản hoặc thơ cổ của Trung Quốc.


Trong Gagaku, các nhạc cụ được chia ra làm 3 nhóm gồm bộ gõ, bộ dây và bộ hơi

Trong Gagaku, các nhạc cụ được bố trí theo một qui tắc cụ thể. Có 8 loại nhạc cụ khác nhau được sử dụng trong Gagaku và được chia ra làm 3 nhóm gồm bộ gõ, bộ dây và bộ hơi. Khi trình diễn, bộ gõ được xếp ở hàng thứ nhất với 3 loại nhạc cụ gồm trống Taiko lớn Gakudaiko, đặt ở chính giữa; bên trái là cồng Shoko, nhạc khí bằng kim loại hiếm hoi trong Gagaku; bên phải là chiếc trống nhỏ Kakko có hình dáng giống như đồng hồ cát. Trống Kakko được sử dụng từ rất lâu và hiện vẫn còn tồn tại.

Trống nhỏ Kakko có hình dáng giống như đồng hồ cát

Hàng thứ 2 là bộ dây với 2 nhạc cụ là đàn Gakuso 13 dây, có nguồn gốc từ Trung Quốc và đàn 4 dây Gakubiwa.
Xếp cuối cùng ở hàng thứ 3 là nhóm trình diễn bộ hơi gồm 3 nhạc cụ là sáo trúc ngang Ruyteki, sáo trúc dọc Hichiriki và Sho hay còn gọi là đàn ống thổi bằng miệng.

Gagaku là sự phối hợp âm thanh của 8 loại nhạc khí để tạo ra một âm hưởng đặc sắc rất dịu dàng và tao nhã

Gagaku là sự phối hợp âm thanh của 8 loại nhạc khí để tạo ra một âm hưởng đặc sắc rất dịu dàng và tao nhã
Gagaku mô phỏng theo nhiều sắc thái thanh âm trong tự nhiên. Từ thời cổ đại, người Nhật đã có sự quan tâm đặc biệt đối với âm thanh của thiên nhiên, họ chắt lọc và mang nó vào trong âm nhạc, thơ ca. Âm thanh đó có thể là tiếng chim hót líu lo, tiếng rừng trúc xào xạc trong gió, tiếng rả rích của côn trùng….

Gagaku mô phỏng theo nhiều sắc thái thanh âm trong tự nhiên

Cảm nhận cái hay của âm thanh tự nhiên, bằng trí tuệ và đôi tay khéo léo, nghệ nhân Nhật Bản bắt đầu nghĩ ra cách dùng nguyên liệu trong tự nhiên như tre, nứa để làm cho chúng phát ra những âm thanh tương tự như thế. Và Gagaku ra đời từ đó.
Tinh thần cốt lõi của Gagaku thể hiện rất rõ qua 3 nhạc cụ trong bộ hơi. Sho là đàn ống thổi bằng miệng được làm từ nhiều ống tre. Theo truyền thuyết, hình dáng của loại nhạc khí này mô phỏng theo tư thế của chim phượng hoàng đang xếp cánh nghỉ ngơi.
Nguyên liệu chính dùng để làm đàn ống Sho là tre. Tuy nhiên, đó không phải là tre bình thường mà là những thanh tre được lấy từ mái bếp của nhà cổ Minka. Tuổi thọ của chúng từ 100 năm trở lên. Những thanh tre này có màu nâu bóng vì được hun khói trong một thời gian dài, đây cũng là lợi thế giúp tre không bị mối mọt tấn công. Cùng với những nhạc cụ khác, Sho góp phần tạo nên thế giới âm thanh dịu dàng và thanh nhã của nhạc cung đình Gagaku.

Sho là đàn ống thổi bằng miệng được làm từ nhiều ống tre

Trong Gagaku, Sho là nhạc cụ dùng để hòa âm. Theo âm nhạc phương Tây, những loại nhạc cụ giữ chức năng này có âm thanh rất hay và đặc sắc. Từ xa xưa, người ta đã có sự liên tưởng rất lạ về âm thanh của tiếng đàn ống Sho. Họ cho rằng, đó là hiện thân của dòng ánh sáng từ thiên đàng soi rọi xuống trần gian.
Sáo trúc ngang Ruyteki được làm bằng tre. Trong tiếng Nhật, Ruyteki có nghĩa là “Ống sáo rồng”. Âm thanh của Ruyteki thể hiện hình ảnh rồng thăng thiên, uốn lượn trên bầu trời.

Sáo trúc ngang Ruyteki

Khác với sáo trúc ngang Ruyteki, Hichiriki là sáo trúc dọc có 7 lỗ. Sáo được làm bằng tre, chiều dài 20 cm. Theo quan niệm của người Nhật, tiếng sáo dọc Hichiriki là đại diện cho âm thanh vang vọng ở cõi trần gian, nơi con người đang sinh sống.

Hichiriki là sáo trúc dọc có 7 lỗ

Âm thanh của Sho, Hichiriki, Ryuteki tượng trưng cho Trời, Đất và Không gian - những nhân tố hình thành nên thế giới tự nhiên và cũng chính là tinh thần cốt lõi trong nhạc cung đình Gagaku Nhật Bản.

Âm thanh của Sho, Hichiriki, Ryuteki tượng trưng cho Trời, Đất và Không gian
Gagaku xuất hiện tại Nhật Bản từ rất lâu, bắt nguồn từ Trung Quốc và Triều Tiên. Gagaku là loại hình âm nhạc cổ xưa nhất của người Nhật, được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.
Gagaku là loại hình âm nhạc cổ xưa nhất của người Nhật

Âm nhạc đã được du nhập đến quần đảo Nhật Bản vào thế kỉ thứ V. Vào năm 752, chùa To-dai-ji ở Nara tổ chức lễ khánh thành tượng Đại Phật và rất nhiều nhạc sĩ từ Trung Quốc, Ấn Độ và bán đảo Triều Tiên đã đến thăm chùa To-dai-ji để chúc mừng sự kiện này. Đây là cơ hội để người Nhật tiếp nhận văn hóa âm nhạc và vũ đạo của các nước. Những nhạc sĩ và vũ công chuyên nghiệp này mang theo rất nhiều nhạc cụ để phục vụ cho các buổi trình diễn.

Chùa To-dai-ji và bức tượng Đại Phật

Vào thời điểm này, nhạc cụ của người Nhật rất nghèo nàn. Các nghệ nhân Nhật Bản bắt đầu lĩnh hội phương pháp chế tạo nhạc cụ từ Trung Quốc, Triều Tiên sau đó, cải biến đôi chút để trở thành sản phẩm của họ. Ngày nay, quang cảnh lễ khai quang điểm nhãn tượng Đại Phật thường được tái hiện tại chùa To-dai-ji. Người tham dự vào vai những nhạc sĩ đến từ các nước Châu Á.
Năm 794, bắt đầu thời Heian, chính quyền Nhật Bản quyết định dời đô về Kyoto, đây là thời điểm nhạc cung đình Gagaku phát triển mạnh mẽ.
Gagaku được trình diễn trong các buổi tiệc hoàng tộc hoặc trong các nghi lễ của triều đình, trở thành một trong những thú tiêu khiển rất được giới quí tộc yêu thích.
Cuối thế kỉ thứ IX, những sứ giả Nhật Bản được cử sang Trung Quốc nghiên cứu tinh hoa của văn hóa đại lục lần lượt trở về nước. Họ bắt đầu phổ biến những kiến thức đã học được, nó như luồng gió mới chấn hưng văn hóa Nhật Bản. Thời Heian cũng là giai đoạn Nhật Bản đánh dấu sự hoàn thiện trong lĩnh vực ca hát, âm nhạc và vũ đạo.
Gagaku được chơi bởi các nhạc công xuất thân từ những phường hội mang tính chất cha truyền con nối. Vào thời Kamakura, Nhật Bản đặt dưới sự chi phối của thế lực quân sự, Gagaku hiếm khi được trình diễn ở triều đình, thay vào đó là tại nhà của giới quí tộc.
Bên cạnh việc bảo lưu nét truyền thống, gần đây, tại Nhật xuất hiện nhóm nhạc Tenchi Gagaku. Họ trình diễn nhạc Gagaku mang phong cách hiện đại. Tiết tấu nhạc sôi động, cuốn hút người nghe. Nhóm nhạc này đang là tâm điểm chú ý của công luận trong nước, họ từng thực hiện chuyến lưu diễn ở Châu Âu. Các thành viên của Tenchi Garaku xuất thân từ trường Đại học âm nhạc, nguyện vọng của họ là muốn mang Gagaku vào cuộc sống của các bạn trẻ, những người chuộng phong cách nhạc hiện đại.

Nhóm Tenchi Gagaku trình diễn nhạc Gagaku mang phong cách hiện đại

Ra đời cách đây hơn 1000 năm, trải qua nhiều thăng trầm, Gagaku, hình thức âm nhạc truyền thống biểu hiện cho tự nhiên đang được nhiều thế hệ người Nhật nổ lực duy trì và tạo cho nó một sức sống mới.
Thanh Tâm

Không có nhận xét nào: