Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2011

Món ngon Ả Rập



Nhắc đến ẩm thực Ả Rập, ở Việt Nam nhiều người mới chỉ biết đến hai món là cơm couscous và món nướng kebab. Thế nhưng, theo chân những người sành ăn ở Sài Gòn, bạn có thể sẽ khám phá ra được một thế giới ẩm thực hết sức phong phú cả về hình thức, hương vị, cách chế biến của vùng Trung Đông.
Shawarmas - quen mà lạ
  
Shawarmas rau củ 
Lá bạc hà, dưới dạng này hay dạng khác, hầu như không bao giờ vắng mặt trong các món ăn, thức uống của người Ả Rập. Lá bạc hà xay nhuyễn được dùng làm gia vị hoặc nguyên liệu trang trí, giúp các món ăn thêm bắt mắt. Nếu ai đã quen với những đĩa salad đầy ắp rau xanh mơn mởn, xốt mayonnaise bóng nhẫy có thể bị hụt hẫng trong lần đầu tiên gọi món salad Ả Rập, vì nói một cách nôm na, đĩa salad chỉ cần “quơ một đũa” đã hết nhẵn. Thế nhưng có thưởng thức qua mới biết món ăn này có tác dụng kích thích vị giác, để thực khách đi vào món ăn chính.
Salad Ả Rập gồm bắp cải trắng, cà chua xắt sợi, đặc biệt có vị the và mùi thơm nhẹ của lá bạc hà xay nhuyễn. Salad bắp cải trắng giòn giòn, khá chua (đa số các món ăn Ả Rập dùng rất nhiều nước cốt chanh), the mát, rất thích hợp để ăn kèm với shawarmas - một món ăn vừa quen vừa lạ. Quen vì đó là món ăn theo kiểu “gói gói cuốn cuốn”, không chỉ được người Trung Đông yêu thích mà nhiều thực khách châu Á cũng ưa chuộng.
Những gia vị thường dùng trong món ăn Ả Rập 
Shawarmas thực chất là bánh mì cuộn, bên ngoài là lớp bánh mì tươi trắng nõn nà, bên trong là các loại nhân khác nhau như thịt gà, thịt cừu xắt nhuyễn, tẩm ướp gia vị khá tỉ mỉ. Ngoài ra, những người ăn kiêng hoặc ăn chay có thể chọn vegetable shawarmas với phần nhân bên trong được làm từ nhiều loại rau củ.
Khi ăn shawarmas, ít ai dùng tay đưa cả cuốn vào miệng như các món gói, cuốn khác mà từ tốn dùng dao cắt ra từng khoanh mỏng như shushi, gắp một ít salad bắp cải trắng để lên mặt rồi chấm vào đĩa nước sốt tahini - nước sốt loãng, rất phổ biến trong các món ăn Ả Rập. Cách ăn này giúp thực khách thưởng thức trọn vẹn vị dẻo, thơm của bánh mì trắng, vị ngọt của nhân thịt và rau củ, vị chua và hơi the đặc trưng của salad hòa quyện vào nhau.
Shish tawook cầu kỳ
Một suất shish tawook gà 
Bánh mì trắng góp mặt trong nhiều món ăn ưa thích của người Ả Rập, trong đó có shish tawook. Món ăn này hấp dẫn thực khách trước hết bởi cả hình thức lẫn cách ăn đều lạ và thú vị. Mỗi suất shish tawook gồm hai xiên thịt gà được nướng chín, tỏa hương thơm phức, treo lủng lẳng trên một giá nhỏ đầy vẻ mời gọi.
Bánh mì trắng được cắt thành từng miếng nhỏ, bên trên phủ một lớp xốt cà chua và ớt đỏ lựng, ăn kèm với khoai tây, hành tây và dưa chuột nướng. Nhờ cách bày biện khá thịnh soạn cùng với thành phần giàu đạm và chất béo nên chỉ cần một suất shish tawook là thực khách vừa no bụng vừa “no mắt”.
Làm nên sức hấp dẫn của shish tawook không thể thiếu nước xốt tỏi. Cùng với tahini, xốt tỏi cũng là loại nước xốt đặc trưng của ẩm thực Ả Rập. Tỏi đã qua xử lý để khử mùi hăng và nồng, hòa cùng phô mai thơm lựng tạo ra một loại nước xốt đặc, sánh có vị béo béo, bùi bùi mà thực khách Đông, Tây đều dùng được.
Couscous biến tấu
Thịt cừu hầm ăn cùng couscous 
Couscous là dạng cơm khô, thường ăn kèm với các món tajine (hầm) có thành phần chính là thịt cừu, thịt gà hoặc cá. Đầu bếp nhà hàng Warda (71/7 Mạc Thị Bưởi, quận 1) cho biết: “Các món ăn này được chế biến theo đúng nguyên tắc của đạo Hồi nên tuyệt nhiên không sử dụng thịt heo. Thịt cừu, gà và cá đều được nhập khẩu từ các nước Hồi giáo nhằm đảm bảo nghi thức nguyện cầu trước khi giết chết con vật”.
Đối với đa phần người Việt Nam, các món tajine hơi khó ăn vì sử dụng nhiều gia vị đặc trưng của vùng Trung Đông (hơn 20 loại gia vị cả tươi và khô, chủ yếu để tạo mùi). Nhưng dù sao thì cũng có một số món ăn rất hợp khẩu vị của người Việt Nam như eggplant finger và tomato calamari.
Eggplant finger khá dân dã, thoạt nhìn có vẻ giống chả giò của Việt Nam nhưng thành phần hoàn toàn khác. Đó là cà tím bọc couscous (chưa ngâm nước) rồi đem chiên trên chảo nóng. Món này phải ăn ngay khi vừa lấy ra khỏi chảo, còn bốc khói nghi ngút và lớp couscous giữ màu vàng ươm như trứng cá để thưởng thức được hết vị giòn tan của lớp couscous chiên vàng bên ngoài, lớp cà tím nóng hổi bên trong, mềm mại, béo ngậy và ngọt đậm đà.
(Nguồn Amthuc365)

Bắp cải ủ chua: Món ăn may mắn



Ở nhiều nước trên thế giới, nhất là ở châu Âu bắp cải chua không chỉ đơn thuần là món ăn ngon, có hương vị độc đáo mà còn được xem như là một món ăn mang lại may mắn.
Cách chế biến món bắp cải chua cũng khá quen thuộc với người Việt. Nó cũng tương tự như khi ta muối cà, muối dưa chua. Người Việt vốn rất khoái các món có vị chua như canh chua, dưa góp… Cũng là vị chua nhưng nó mang âm hưởng mới, màu sắc mới. Trong quá trình ủ, tạo ra axit lactic nhờ chất này mà món bắp cải muối chua có hương vị rất độc đáo, hấp dẫn.
 
Dưới đây là một số quốc gia rất khoái khẩu món bắp cải ủ chua và xem nó như là món ăn phổ biến không chỉ trong những ngày cuối năm hay đầu năm mà còn trong bữa cơm hàng ngày, bởi họ coi nó là một món ăn đem lại nhiều may mắn.
Đức
Sauerkraut - Món giò heo ăn với bắp cải muối chua là món ăn truyền thống nổi tiếng nhất của ẩm thực Đức bên cạnh bia Đức. Món ăn này không chỉ có mặt thường xuyên trong bữa cơm của người dân Đức mà vị ngon của nó còn chinh phục rất nhiều đất nước lân cận.
Ẩm thực nước Đức vốn đa dạng và thay đổi tuỳ theo vùng. Đơn giản trong trình bày, trang trí nhưng lại ngon miệng khi thưởng thức chính là đặc trưng của các món ăn thuộc đất nước nằm ở vùng Trung Âu này.

Cải thảo đem bổ đôi, ngâm rửa sạch rồi xắt sợi. Cho vào lọ, rắc muối, đảo đều lên cho muối ngấm sâu vào cải. Dùng vật nặng đè lên như khi người ta muối cà, dưa nén vậy. Chỉ sau một ngày đêm là có thể dùng kết hợp với món giò heo béo ngậy. Cải thảo muối này có thể để trong tủ lạnh và ăn trong vòng một tháng kể từ khi muối.
Mỗi lần sử dụng bắp cải chua để nấu món ăn, lấy ra một số lượng cần dùng rồi đem nấu chín. Tùy khẩu vị của từng người mà có thể thêm một ít dầu, muối hoặc bia để tăng thêm hương vị cho món ăn.Người ta có thể chế biến rất nhiều món ăn từ bắp cải muối chua như súp, canh, hầm, salad...
Cải thảo muối chua có màu vàng hấp dẫn, vị hơi chua, mềm và thơm. Không chỉ ngon mà nó còn là món ăn rất tốt cho sức khoẻ. Người Đức còn thường dùng nó để ăn kèm với xúc xích hay các món quay, rán. Nó giúp tăng thêm sự ngon miệng và giảm đi độ béo, dễ tiêu hoá.
Vị chua rôn rốt ứa ra từ những sợi cải thảo xắt mỏng ngấm vào từng miếng thịt heo béo bùi, ngọt lừ rất thú vị. Cứ một miếng thịt heo người ta lại gắp ăn kèm với nhúm cải thảo. Khi nhai vị chua, ngọt, béo hoà quện vào nhau làm người thưởng thức ngây ngất.
Trung Quốc
Có người cho rằng, cải thảo, bắp cải muối chua có nguồn gốc từ Trung Hoa cách đây hơn 2.300 năm. Đầu tiên, người ta thái nhỏ bắp cải và ngâm trong rượu. Những người xây dựng Vạn Lý Trường Thành đã được thưởng thức món ăn này đầu tiên. Từ cuối thế kỷ 16, người ta thay rượu bằng muối để chế biến và cách làm này được sử dụng đến ngày nay. Từ đó, món này trở nên quen thuộc với người Trung Quốc trong các bữa ăn thường nhật.
Hà Lan
Món bắp cải chua lại được người Hà Lan thưởng thức vào những dịp lễ quan trọng. Để đánh dấu sự kết thúc của một năm, người ta ăn món gà nhồi với bắp cải chua. Còn để đón chào năm mới, mong muốn có được một năm nhiều may mắn và tốt đẹp, người ta lại thưởng thức món thịt heo với bắp cải chua. Bắp cải chua không còn là một món ăn đơn thuần của người Hà Lan nữa mà nó còn mang trong mình những nét văn hóa, tín ngưỡng rất riêng.
Việt Nam
 
Có lẽ đó cũng là lí do tại sao trong mâm cơm ngày tết dầu năm mới cúng tổ tiên của người dân Việt thường có món dưa chua làm từ bắp cải. Nhưng dưới sáng tạo của người Việt, món bắp cải mang những màu sắc mới phù hợp với khẩu vị Việt. Không chỉ có bắp cải, người ta còn dùng củ kiệu, hành, răm để muối cùng. Nhưng sau khi món cải bắp muối dưa kiệu này bắt đầu có vị chua thì được dùng để ăn ngay chứ không đêm nấu như người Đức.
Mỗi quốc gia đều có những nét văn hoá ẩm thực đặc trưng và vì thế bắp cải ủ chua cũng có nhiều hương vị khác nhau ở từng nước khác nhau. Tuy nhiên, dù mang một hương sắc nào đi nữa thì món ăn này không chỉ rất hấp dẫn mà còn rất tốt cho sức khoẻ. Và, một điều nữa thật đặc biệt, ở nhiều quốc qia bắp cải chua còn là món ăn màn lại những điều may mắn, tốt đẹp.
(Nguồn Monngonhanoi)

Doner kebap “du hí” khắp thế giới



Nhắc đến Doner kebap thì lập tức người ta hình dung ngay đến một xiên thịt thẳng đứng quay tròn, người ta nghe được cả tiếng mỡ đang cháy xèo xèo rất vui tai. Xuất hiện đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kì và hiện món thịt nướng này đã trở thành món khoái khẩu ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Doner Kebap không phải tên một loại bánh mì. Doner có nghĩa là quay, xoay. Kebap là thịt nướng. Doner kebap chính là một món thịt nướng đặc biệt bằng cách quay tròn trên một cái xiên thẳng đứng. Cách nướng này khiến cho tất cả phần thịt đều được nướng đều, chín cả trong và ngoài mà thịt không hề bị khô cháy. Các loai thịt có thể là thịt cừu, dê, bò, gà, heo (tùy mỗi nơi) và ăn kèm với cơm, bánh mì, salad… Lúc đầu nó chỉ dành cho người theo đạo Hồi, sau đó những người Thổ sống ở Đức đã biến đổi nó một chút để phù hợp với số đông người thưởng thức và mọi tôn giáo. Cũng từ đó món này phát triển rất mạnh tại Đức, rồi mới lan rộng ra khắp thế giới như ngày nay.
Quê hương đầu tiên: Thổ Nhĩ Kì
 
Doner Kebap ở Thổ Nhĩ Kì là bánh mì kẹp thịt cừu là chính. Thịt cừu có mùi hơi nồng mà nếu không ăn quen thì có cảm giác khó chịu, tuy nhiên nó lại rất hợp với khẩu vị của người đạo Hồi ở đây. Ngoài ra người ta còn có thể kẹp với thịt gà nữa. Thịt nướng được ướp thơm lừng với rất nhiều loại gia vị đặc biệt chỉ có ở Thổ Nhĩ Kì. Chính vì thế mà Doner Kebap ở đây có một mùi vị rất đặc trưng mà không nơi nào bắt chước được. Thịt luôn luôn được để nguyên miếng và tẩm ướp kĩ càng.
Ở các nhà hàng, món này được phục vụ như một món ăn chính. Người ta ăn món thịt nướng này với bánh mì ổ dẹt hoặc cơm rang thập cẩm kèm bơ. Có thêm những miếng khoai tây, hành và ớt xanh để bài trí trông rất hấp dẫn, bắt mắt. Còn khi phục vụ theo kiểu fastfood thì nó ăn kèm với sandwich, kẹp khoai tây, hành và rau diếp nhưng không trộn ướp gia vị.
Và, đặc biệt nhất đó là những miếng thịt nướng này được gói trong một cái bánh làm từ nguyên liệu lúa mì cứng. Người ta gọi đó là Durum.
Như vậy, từ những xiên thịt nướng người Thổ Nhĩ Kì đã sáng tạo ra khá nhiều món ăn, có thể là món ăn chính hay món ăn nhanh tuỳ theo loại nguyên liệu mà người ta chọn để ăn kèm.
Quê hương thứ hai: Đức
Ở Đức, món thịt nướng xoay tròn này chỉ được gọi ngắn gọn là Doner nhưng nó phổ biến hơn cả humburgers và xúc xích, đặc biệt đối với teens. Giới trẻ Đức thường ăn Doner vào bữa trưa, tối và đêm muộn sau khi trở về từ các club. Salad gồm có rau diếp, cải bắp, hành, dưa chuột và khoai tây thái nhỏ. Điều đặc biệt ở Đức có đến bốn loại nước sốt để chọn lựa: nước sốt nóng, nước sốt thảo dược, nước sốt tỏi và sữa chua. So với Doner của Thổ Nhĩ Kì thì mùi vị của nó dễ ăn hơn vì vậy nó cũng dễ hợp khẩu vị với nhiều người hơn.
Ở Anh
Doner kebap là một phần quan trọng của văn hóa ẩm thực đêm ở Anh. Người Anh thường ăn nó trên đường về nhà sau các buổi party đêm vì vậy, loại bánh này được bán rất chạy vào các đêm cuối tuần. Đây là món ăn khoái khẩu của những người dân nhập cư vào xứ sở sương mù. Vì thế Kebap ở đây thường là sự pha trộn của nhiều gia vị khác nhau để hợp khẩu vị với tất cả mọi người. Nước sốt ở đây vô cùng đa dạng: tương ớt và nước sốt sữa chua tỏi, nước sốt nóng, nước sốt của thịt nướng, nước chanh hoặc bạc hà…
Mới điểm qua vài quốc gia nơi mà Doner kebap “ghé qua” mà chúng ta đã thấy nó được khoác trong mình những màu sắc mới, âm hưởng mới, hương vị mới tuỳ theo khẩu vị và sở thích của mỗi nước. Những dù được ăn kèm với loại nguyên liệu nào và kết hợp với loại nước sốt nào thì Doner kebap vẫn được người ta nhớ nhiều nhất đến hình ảnh thú vị của những xiên thịt thẳng đứng cứ xoay tròn xoay tròn cũng với âm thanh xèo xèo của mỡ…
(Nguồn Monngonhanoi)

Gà Satay - niềm tự hào quốc đảo Singapore



Cùng với sự giao thoa văn hoá của nhiều dân tộc, ẩm thực đảo quốc sư tử Singapore đã hấp thụ nhiều tinh tuý và tạo nên bức tranh ẩm thực đầy màu sắc. Gà satay nướng xiên là một trong những món ăn đặc biệt của đảo quốc này. Đây là món ăn mang tính đa văn hoá luôn được những người đam mê ẩm thực của đảo quốc tự hào khi giới thiệu cùng bạn bè thế giới.
Có người nói chưa ăn món Satay coi như chưa đi qua Đông Nam Á. Sẽ thật đáng tiếc  khi đến Singapor mà du khách lại không bớt chút thời gian thưởng thức món ăn độc đáo này. Satay là món thịt xiên nướng mang phong vị của vùng Nam Dương.
Ẩm thực Singapore là sự hội tụ của các phong cách ẩm thực Trung Hoa, Malaysia, Ấn Độ… Tuy nhiên, những món ăn đã được người dân Singapore chấp nhận thì đều được biến tấu cho phù hợp với khẩu vị và trở thành những món “quốc hồn quốc túy” mang phong cách đặc biệt của nền ẩm thực này.
Satay có nguồn gốc từ Malaysia nhưng theo thời gian nó dần trở thành món ăn mang âm hưởng đặc trưng của ẩm thực quốc đảo Sư tử. Những món ăn độc đáo của Singapore như cơm gà Hải Nam, cua sốt ớt, sườn bak kut tek… đã nổi tiếng khắp thể giới. Nhưng giờ đây, món thịt nướng xiên Singapore đã bổ sung vào danh sách những món ăn mà du khách ưa thích nhất.
Món này được chế biến khá cầu kì và dành nhiều tâm huyết. Những miếng thịt bò, thịt dê được xiên vào que tre đã được vót nhọn đầu sau đó nướng trên lửa với nhiệt độ thích hợp. Ngon nhất phải kể đến là món Satay chế biến từ thịt gà. Thịt gà xắt miếng dài và dày khoảng 2cm rồi đem ướp sả, bột rau mùi, hành tím, tỏi, bột nghệ, bột quế, hạt nêm, đường, bột đậu phộng, mật ong, dầu ăn. Để món ăn thơm ngon, đậm đà thì thịt gà nên  ướp trong khoảng 30 phút.
Món này có đặc trưng riêng do sự kết hợp của rất nhiều loại gia vị. Đặc biệt, người ta quết thêm một lớp dầu ớt lên trên thì món ăn mới dậy mùi. Nhưng không chỉ có vậy, nếu chỉ dừng ở đó thì món ăn trông có vẻ giống như món thịt heo xiên nướng dân dã có thể dễ dàng tìm thấy ở Việt Nam. Món gà xiên nướng này càng nổi vị hơn khi dùng với nước sốt đậu phông. Nước sốt cũng là một hỗn hợp phong phú các loại nguyên liệu và nhờ đó đem lại hương vị độc đáo cho món ăn.
Để làm nước sốt đậu phộng ngon, người ta đun dầu cho nóng lên rồi cho sả, giềng, tỏi, ớt khô. Đem xào hỗn hợp đó lên rồi cho thêm ít bột năng pha loãng. Cho tiếp nước cốt me vào đun sôi rồi nêm gia vị cho vừa miệng sau đó thả đậu phộng giã nhuyễn vào đun liu riu cho đến khi sốt sánh lại. Chính nhờ vị chua đặc trưng của nước me và vị thơm bùi của đậu phộng đã tạo nên sự hấp dẫn riêng biệt cho món Satay. Ngay từ khi nước sốt được chế biến xong, thực khách đã bị quyến rũ bởi mùi thơm của nó.
Nước sốt đã xong, xiên gà đã ướp gia vị vào xiên tre, cho lên bếp than hoặc lò nướng. Nướng và trở đều hai mặt cho chín vàng đều và thơm là ăn được. Người dân quốc đảo này thường ăn kèm với dưa leo xắt lát để có thêm vị tươi mát tự nhiên cho món ăn.
Món Satay Singapore không chinh phục thực khách bởi màu sắc sặc sỡ, trang trí cầu kì càng không phải được chế biến từ những nguyên liệu quý hiếm, đắt đỏ. Chỉ là những xiên thịt nướng nhưng món satay làm du khách “mê tít” bởi vẻ ngoài đơn giản nhưng hương vị thì phong phú và độc đáo vô cùng. Từng miếng thịt gà trên xiên tưởng như khô khốc ấy khi được chìm ngập trong  nước sốt  thì lại trở nên mỡ màng, đậm đà khiến ai cũng muốn được một lần trải nghiệm. Vị ngọt ngào của thịt gà hoà với vị chua của me, vị bùi thơm của đậu phộng… làm du khách thêm lưu luyến muốn nán lại ở đảo quốc sư tử này.
(Nguồn Monngonhanoi)

Chuyện cổ tích từ những chiếc bánh Wagashi


Là loại bánh truyền thống của người dân xứ Phù Tang, Wagashi tự hào được coi là một phần quan trọng trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản.
Wagashi có tên phiên âm tiếng Việt là Hoa quả tử, nghĩa của cái tên  này là “vẻ đẹp tự nhiên”. Nguyên liệu để chế biến bánh Wagashi chính là bột nếp, hoa quả và nhân đậu đỏ. Sự xuất hiện của bánh Wagashi đã giúp cho những bữa tiệc trà đạo của người dân Nhật trở nên đậm đà và có ý nghĩa hơn. Bánh Wagashi xuất hiện từ lâu nhưng chỉ cho tới cuối thời đại Taisho (1912 – 1926) thì cái tên này mới được sử dụng chính thức để phân biệt với sự thâm nhập ồ ạt của các loại bánh ngọt phương Tây.
Vì sử dụng nguyên liệu thiên nhiên nên bánh Wagashi có loại nhân tùy theo từng mùa. Đây cũng chính là nét đặc trưng riêng tạo nên bản sắc đặc biệt của loại bánh này. Như chúng ta đã biết, ẩm thực Nhật luôn tạo cho thực khách cảm giác ngon miệng bởi các món ăn có thể đánh thức các giác quan của người thưởng thức. Wagashi cũng vậy, với sự tài hoa và bàn tay khéo léo của mình, những người thợ làm bánh luôn có thể “biến hóa” những nguyên liệu thành một bức tranh tuyệt đẹp mô phỏng thiên nhiên, hoa, lá, cỏ cây… Nhiều người nói rằng nghệ thuật sáng tạo hình dáng đa dạng của những chiếc bánh Wagashi không thua kém bất cứ loại hình nghệ thuật nào của nền văn hóa Nhật Bản. Và có lẽ đúng như vậy, bởi nếu ai đã từng đến với xứ sở hoa anh đào, có cơ hội ngồi dự một bữa tiệc trà đạo, ngắm nhìn những chiếc bánh Wagashi nhỏ xinh đẹp đến nối không “dám” ăn thì sẽ hiểu rõ hơn ý nghĩa của câu nói trên.
 Những chiếc bánh Wagashi nhiều màu sắc mang vị thiên nhiên, ngọt thanh, mát lạnh tan nơi đầu lưỡi khiến người thưởng  thức phải gật gù mà công nhận rằng “ẩm thực Nhật quả là một điều kỳ diệu”. Vị ngọt thanh của bánh nếu đi kèm với chút chát đắng của cốc trà đạo sẽ tạo nên một cảm giác lâng lâng, nhẹ nhàng khó kiếm ở bất kỳ một nền ẩm thực nào trên thế giới.
Mỗi chiếc bánh Wagashi đều có một tên gọi riêng, những tên gọi này có thể được bắt nguồn từ thơ văn kinh điển hay là “phút ngẫu hứng” của người nghệ nhân tài hoa. Chính vì thế mà mọi người mỗi khi nghe kể về tên một chiếc bánh Wagashi đều có cảm giác như nghe một câu chuyện. Wagashi có nhiều loại, phổ biến nhất là những loại bánh sau:
Hanabiramochi: chiếc bánh mang hình cánh hoa. Ngày xưa, khi đường còn hiếm và đắt thì đây là món chỉ dành cho hoàng gia thưởng thức vào dịp đầu năm.
Mochigashi: làm từ gạo nếp, gói trong lá sồi, ăn vào mùa xuân.
Dango: cũng làm từ bột nếp, vo tròn làm thành từng viên nhỏ sau đó xiên vào cây và rưới lên bánh một lớp mật mía. Đây cũng là thức ăn dễ gặp trên đường phố Nhật Bản cùng với các loại cá viên, tôm viên chiên... Bánh thường để quanh bếp than và được nướng trước khi ăn, trông rất hấp dẫn.
Nerikiri và Namagashi: được làm từ bột đậu trắng, pha với màu tạo ra nhiều hình dạng hoa lá đủ màu sắc.
Dorayaki và Monaka: thường mang hình hoa đào hoặc hoa cúc mà nhân là đậu đỏ, còn lớp vỏ mỏng giòn được làm từ trứng và bột mì.
Manju: bánh bột mì hoặc bột củ từ hấp, nhân đậu xay nhuyễn.
Yokan: làm từ rong biển và đường mía, trông giống thạch, ăn rất mát trong mùa hè. Thời xưa đây là món quà tặng phổ biến của giới quý tộc.
Higashi: làm từ bột nếp và đường mía xay nhuyễn, cho vào khuôn và để khô, tương tự như bánh in.
Nếu những con chiên ngoan đạo có thói quen nguyện cầu trước khi ăn, Phật tử thực hành quán niệm trước khi dùng bữa thì người Nhật ngắm những chiếc bánh Wagashi nhỏ xinh rất lâu trước khi thưởng thức. Văn hóa ẩm thực Nhật phảng phất tính Thiền, dù trong bất kỳ quy trình nào của công việc làm bánh hay thưởng thức thì đó cũng được coi là một quá trình tĩnh tâm, hướng đến cái đẹp. Ở nơi này, người ta thường truyền tai nhau rằng, nếu thời gian qua đi thì chắc chắn nó sẽ quay trở về, theo mùa, theo những thay đổi màu sắc, hình dáng của những chiếc bánh Wagashi.
Kim Thu
(Nguồn Tapchimonngon)

Pastrami, hương vị thịt bò từ New York



Pastrami - thịt bò ướp hun khói là một món ăn rất thịnh hành ở New York. Nó được chế biến theo cách thức của người cổ xưa. Tên món ăn bắt nguồn từ từ Pastrama của người Rumani, thậm chí, có người còn cho rằng nó có nguồn gốc xa xưa hơn nữa từ Thổ Nhĩ Kì. Những người Do Thái theo làn sóng di cư sang Mỹ lại khẳng định Pastrami chính là món ăn do họ tự sáng tạo ra từ những năm đầu thế kỉ 20.

Pastrami ăn với trứng cũng có thể tạo nên một
bữa sáng ngon miệng và đủ chất.
Chế biến được một món Pastrami thơm ngon hoàn hảo thực sự đã là một thắng lợi lớn. Nguyên liệu chính của món Pastrami là thịt bò ở vùng bụng. Thịt phải để cả tảng, đập dập cho thật mềm. Sau đó thịt được đem ướp với muối, có thể thêm vào một chút đường và gia vị, nhưng nhất thiết không thể thiếu hạt tiêu đen xay nhỏ rắc đều, sau đó đem đi hun khói. Chế biến Pastrami cần phải rất kiên trì chờ đợi. Ông Cutlets, một người New York sành sỏi về các loại thịt cho hay công đoạn hun khói thịt bò ở Carnegie kéo dài liên tục trong 2 tuần liền. Sau khi hoàn tất, Pastrami sẽ tiếp tục được luộc lại bằng hơi trong vài giờ trước khi đem ra ăn.

Thịt bò trong món Pastrami.
Loại Pastrami nào là ngon nhất ở New York vẫn đang là đề tài tranh cãi của những người dân ở thành phố này. Trong khi một số người tán thưởng kiểu pastrami đặc trưng ở Carnegie Deli - một nhà hàng rất nổi tiếng ở thành phố New York trên đại lộ 17 , thì một số khác lại chỉ chịu chi tiền vào những thớ bò thịt dày được cắt bằng tay theo kiểu Katz’s – một hàng ăn nhỏ theo kiểu Do Thái ở Houston, phía Đông New York.

Xem những người đầu bếp tại Katz’s cắt từng lát thịt Pastrami c
ũng chính là được thưởng thức nghệ thuật nấu nướng điêu luyện.
Và người ta cũng không ngừng bàn cãi nhau xem Pastrami lúa mạch, với những miếng thịt bò dày, nóng sốt đậm đà gia vị, kẹp ở giữa hai miếng bánh mì trộn hột carun (một loại gia vị) và rưới thêm một chút mù tạt, liệu có phải là thứ đồ ăn lí tưởng của các cửa hàng ăn hay không .

Pastrami lúa mạch nổi tiếng tại nhà hàng Katz’s.
Tuy vậy, dù bàn cãi thế nào đi chăng nữa thì Pastrami nay đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống ẩm thực ở một thành phố với nhiều món ăn đặc sắc như New York.
(Nguồn Monngonhanoi)

Thưởng thức laksa ở Singapore



Tới Singapore, nhảy lên taxi mà kêu chở ra Katong là thế nào bác tài cũng sẽ giới thiệu cho một loạt món ăn “chết cũng phải thử” ở khu này.
Laksa là món ăn truyền thống của người Peranakan, thường được xem là món ăn họp mặt gia đình trong những ngày cuối tuần. Có 2 loại laksa chính: curry laksa với nước dùng là nước cốt dừa nấu cà ri, khá giống cà ri Việt Nam và assam laksa với nước dùng từ cá nấu chua. Assam là nguyên liệu chính tạo ra mùi vị chua nhẹ đặc trưng của assam laksa.
 
Laksa - mì sợi dùng chung với món cà ri nước dừa với tôm, trứng, thịt gà và sò dùng để trang trí món ăn.
Cả hai loại laksa về cơ bản khác nhau ở nước sốt. Nếu như assam laksa có vị chua nhẹ, khi ăn phải kèm theo dưa leo xắt sợi rắc lên bề mặt, dùng kèm với sa tế tôm cay xè đặc biệt của Malaysia, thì curry laksa lại có vị ngọt và béo của nước cốt dừa. Ngày nay trên đất Singapore có rất nhiều quán laksa, mỗi quán có một phong cách riêng với cách nêm nếm vị cà ri và nước cốt dừa khác nhau, nhưng nếu laksa mà không có sò huyết và rau răm thái nhỏ phơi khô rắc lên trước khi dội nước cà ri đang sôi sùng sục vào, thì nhất định không còn là laksa nữa.

Quán laksa đầu tiên tại Singapore, là quán 328 Katong Laksa nằm tại số 51-52 East Coast Road. Dù là quán đầu tiên, có từ đầu thế kỷ 20, nhưng tới giờ vẫn còn tồn tại và được xem là quán laksa ngon nhất tại Singapore. Quán có cái tên 328 là tại vì hồi xưa nó nằm ở căn nhà số 328 Joo Chiat Road. Sau Thế chiến II, chủ quán dời đến khu Katong, định cư hẳn và phát triển thương hiệu lớn mạnh cho tới bây giờ, vượt biên giới Singapore có mặt tận New York (Mỹ).

Laksa 328 hay ở chỗ cái gì cũng có đủ, nhưng cái gì cũng vừa phải, ngay cả đến nước cà ri ngán đến vậy, mà ở đây làm cũng rất thanh, ngọt nhẹ, béo nhẹ, nhưng vẫn khá đậm đặc và thơm lạ lùng. Nghe nói nước laksa chính gốc phải nấu từ nước hầm tôm, chả cá, sốt tôm Peranakan, curry gravy và laksa sauce cô đặc. Laksa không có rau, mà chỉ có giá, được trộn chung với bún sợi to, chả cá thái sợi, tôm nõn tươi, sò huyết tươi, được để lên bề mặt sao cho khi dội nước curry đang sôi sùng sục vào, thì tôm và sò cũng vừa chín tai tái, nhai sần sật, và ngọt lừ. Laksa không nêm bằng hành hay ngò, mà chỉ được rắc một ít rau răm thái nhuyễn như bột, đem phơi khô, khi ăn chỉ cho một lượng vừa phải, kèm theo sa tế tôm được xào từ ớt bột và sốt tôm Peranakan.
Laksa ở 328 không sử dụng đũa. Dù có xin kiểu nài nỉ “chú ơi cho con đôi đũa” thì chủ quán cũng miễn cưỡng lắm mới đưa đũa cho bạn, tại vì kiểu ăn laksa chính gốc, người ta không dùng đũa. Hỏi sao kỳ vậy, ăn bún mà không ăn đũa lấy gì gắp bún? Thì ăn bằng thìa thôi. Việc này bắt đầu từ một câu chuyện khẩu truyền từ xưa. Ở cái quán laksa này, hồi mà nó còn là cái quán tồi tàn xập xệ số 328 Joo Chiat road, có một vị quan chức cải trang thường dân đi ăn laksa.
Thật ra đi ăn laksa không có gì phải xấu hổ mà phải cải trang làm gì cho khổ, nhưng vị này có một thú thưởng thức laksa rất bình dân, là ăn bún mà cứ quăng đũa sang một bên, lấy thìa húp xì xụp xì soạp, tới khi trong tô chỉ còn nước thì bưng lên húp cho sạch sẽ luôn thể. Một lần đi ăn, ông vừa quệt mồm đứng lên, thì có một tên người hầu ở đâu chạy đến lạy bẩm ông về mau bà đang tìm. Thế là bà con mới nhận ra ông này là quan. Sẵn vừa tức vừa quê, ông ra một mệnh lệnh là sau này ai mà ăn laksa chỉ được ăn với thìa, thế mới thấm hết được cái tinh hoa của nước cà ri! Vậy mà hay, ăn bằng thìa, khi vừa ăn xong thì trong tô nước cà ri cũng cạn sạch, chỉ còn việc quệt miệng đứng lên vươn vai khoan khoái.
(Nguồn Chudu24.com)

Bạn biết gì về mù tạc?


Ngoài các loại mù tạc thông dụng như mù tạc xanh và mù tạc vàng thường gặp khi ăn sushi hoặc hot dog, có nhiều loại mù tạc với nhiều hương vị và cách chế biến khác nhau.
 
Mù tạc Anh: Rất thơm và đặc trưng với vị cay nồng được chế biến từ hạt mù tạc trắng và nâu cộng bột mì và nghệ. Mù tạc Anh thường được ăn kèm với các món như: lạp xưởng, thịt nguội và thịt heo quay.
Mù tạc Đức: Có màu và vị dịu nhẹ, không quá nồng, được xem là loại gia vị không thể thiếu cho món xúc xích heo nổi tiếng của người Đức. Mù tạc Đức được chế biến từ hạt mù tạc vàng, giấm, đường và các loại gia vị khác.
 
Mù tạc Dijon: xuất xứ từ Pháp, có màu vàng nhạt và vị cay hăng hắc rất đặc trưng. Mù tạc Dijon là sự tổng hợp của hạt mù tạc nâu, rượu trắng, nước nho ép và một số gia vị khác.
Xuất xứ từ Pháp, có màu vàng nhạt và vị cay hăng hắc rất đặc trưng. Mù tạc Dijon là sự tổng hợp của hạt mù tạc nâu, rượu trắng, nước nho ép và một số gia vị khác.
Mù tạc Wholegrain: Được làm từ hạt mù tạc (loại vỏ cứng, ruột giòn) và vỏ quế nghiền nhuyễn thêm rượu vang trắng và ớt ngọt nên có vị cay ấm. Wholegrain thường được dọn kèm món thịt nguội hoặc sử dụng trộn salad tương tự sốt mayonnaise.
Mù tạc Bavarian: Được chế biến từ hạt mù tạc nâu, đường, giấm, gia vị và mật ong nên có vị chua nhẹ và hơi ngọt, thích hợp cho món xúc xích hoặc phết trên bánh quy nướng giòn.
Mù tạc hương thảo và cỏ xạ hương: Vị cay nóng vừa phải với sự pha trộn độc đáo từ hạt mù tạc, giấm, lá hương thảo và cỏ xạ hương. Mù tạc hương thảo phù hợp với các món: thịt cừu, gà xé phay hoặc rau trộn dầu giấm…
Mù tạc ngải giấm và tỏi: nguyên liệu chính của loại mù tạc này giống như tên gọi của nó gồm giấm, cây ngải giấm, tỏi và các loại gia vị. Mù tạc ngải giấm sẽ giúp tạo nên hương vị đặc biệt cho món rau trộn bên cạnh hương vị truyền thống của sốt mayonnaise.
(Nguồn Tapchimonngon)

Nức danh đậu phụ Tứ Xuyên


Đậu phụ được chế biến từ hạt đậu lành, giàu prôtein, có axit béo không no và béo, có cả muối vô cơ, chất chống ung thư. Nhiều năm nay người Tứ Xuyên thấu hiểu điều đó và không ngừng sáng tạo làm cho món Đậu phụ ngày thêm thơm ngon bổ dưỡng.
Đậu phụ là đặc sản nổi tiếng của vùng đất Tứ Xuyên – món ăn dân dã mộc mạc có lịch sử hơn 100 năm nay với tên gọi ban đầu là “đậu phụ bà chủ Trần” thời nhà Thanh.
 
Xưa kia bên cầu Vạn Phúc ngoại thành Bắc Kinh có một quán cơm nổi tiếng mang tên họ Trần do một người phụ nữ làm chủ. Khách thập phương qua đây đa phần là người bán đậu, thịt bò, dừng chân nghỉ lại quán nhờ bà chủ chế biến đậu thành món ăn. Không ngờ đậu phụ đã được nhà họ Trần với một kỹ thuật đặc biệt, ai nếm thử cũng tấm tắc khen ngon. Đậu phụ bà chủ Trần nức danh từ đó. Hiện giờ nếu qua Tứ Xuyên – Trung Quốc chúng ta vẫn có cơ hội được thưởng thức món “ đậu phụ Trần” chính hiệu.
 
Nguyên liệu làm nên món ăn thơm ngon ấy thật đơn giản: đậu phụ tươi, thịt bò băm nhỏ, hành khô, thêm bột ớt, hạt tiêu, muối, tương, xì dầu. Đơn giản là thế nhưng vận dụng sao cho khéo công thức để có một đĩa đậu phụ chính hiệu như đậu phụ Trần quả là không đơn giản. Miếng đậu phải mềm mà không nát, mùi thơm béo ngậy. Trước khi cho vào chế biến nên ngâm qua nước muối để loại bỏ mùi ngái của đỗ tương và giúp đậu giữ nguyên miếng khi chế biến. Các bước chế biến phải hết sức cẩn thận tỉ mỉ. Cho chảo nóng mỡ rồi cho thịt bò, muối, bột ớt, hạt tiêu sào lăn cho thịt bò săn vàng rồi mới cho đậu phụ, tương, xì dầu vào. Một đĩa đậu phụ ngon, đạt đến nghệ thuật đậu Tứ Xuyên phải sáng lên được màu hồng của thịt bò các loại phụ gia, màu trắng mềm của đậu phụ và mùi thơm beo béo ngây ngất. Theo nhà Trần đặc sắc của đậu phụ được khái quát trong tám hương, vị: tê, cay, nóng bỏng, thơm, giòn, mềm, tươi, tái.
 
Đậu phụ Tứ Xuyên đã, đang và sẽ sống mãi trong lòng văn hoá ẩm thực văn hoá Trung Hoa. Không chỉ thế món đậu phụ còn có sức ảnh hưởng rộng rãi tới nền ẩm thực các nước bạn bè. Từ món đậu phụ Tứ Xuyên, người Việt Nam ta đã chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, phù hợp hơn với nến ẩm thực Việt
(Nguồn Monngonhanoi)

Gà ăn mày


Gà ăn mày Hàng Châu là một trong số những đặc sản hàng đầu của trường phái ẩm thực Triết  Giang (Trung Quốc), rất nổi tiếng trên khắp thế giới bởi cách chế biến độc đáo cũng như mùi vị thơm ngon của nó.
Gà ăn mày được sáng tạo trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Một gã ăn mày vô gia cư người Hàng Châu, trong cơn đói kém, đành phải liều mình bắt trộm gà ở sân vườn một nhà ven đường để xoa dịu những tiếng ùng ục phát ra từ cái dạ dày rỗng đã nhiều ngày qua. Hắn đang nhóm lửa và chuẩn bị làm gà thì bất ngờ, Hoàng thượng và những cận thần của người đang tiến đến ngày một gần. Trong cơn hoảng loạn, gã lấy bùn bọc gà lại và ném vội nó vào lửa. Mùi thơm từ con gà bị ném vào lửa đã thu hút vị Hoàng thượng dừng bước và dùng bữa cùng kẻ ăn mày kia. Thật ngạc nhiên, món ăn ngon đến mức Hoàng thượng khăng khăng muốn biết cách chế biến món ăn này. Kết quả là món gà nướng này đã được đưa vào thực đơn trong cung của vua và trở thành một món ăn rất nổi tiếng cho đến ngày nay.
 
Gà còn nguyên con, bỏ toàn bộ lòng mề là nguyên liệu tối cần thiết cho món ăn này. Để đem lại mùi thơm, vị ngon ngọt cho món ăn, gà phải được rửa sạch bằng rượu gạo rồi nhồi hỗn hợp hành lá, gừng, đậu tương, bột ngũ vị và một vài loại thảo mộc Trung Quốc vào trong bụng gà, khiến thịt gà thêm vị đậm đà và khử hết mùi tanh hôi. Trước khi đem bọc bùn và nướng trong lửa, người ta lấy lá sen hoặc lá cọ để bọc gà.
 
Lá bọc sẽ giúp gà không bị dính bùn mà lại có mùi thơm tự nhiên của lá cây. Bùn bọc gà cũng phải được nhào nặn tỉ mỉ với nước và 1 kg muối. Lượng muối này hoàn toàn không làm thay đổi gì hương vị của gà, ngược lại nó sẽ giúp lớp bùn cứng hơn và không bị long ra trong quá trình nướng.
 
Sau một vào giờ nướng trong lửa, mùi vị thơm của các nguyên liệu nhồi bên trong vẫn không hề bị mất đi. Hơn thế nữa, gà trở nên béo ngậy, mềm, ngọt, không hề bị khô và có mùi thơm rất hấp dẫn. Đặc biệt, tất cả xương gà đã róc hết thịt và chỉ cần dùng một đôi đũa nhỏ cũng có thể nhẹ nhàng tách riêng phần xương và phần thịt.
 
Do cách thức chế biến món ăn rất độc đáo và giá cả khá đắt đỏ, cho tới nay, không có nhiều nhà hàng phục vụ món ăn này trong thực đơn của mình nếu không có khách hàng đặt trước.
Thoạt nhìn ban đầu, món ăn trông có vẻ không được bắt mắt lắm, nếu không muốn nói là hơi kì dị. Nhưng nó thực sự là một món ăn mang hương vị Trung Quốc mà bất cứ ai cũng không nên bỏ lỡ.
(Nguồn Món ngon Hà Nội)

Độc đáo kim chi xứ Hàn


Nhắc đến Hàn Quốc, người ta sẽ nhắc tới mì lạnh, cơm cuốn và tất nhiên không thể thiếu được món ăn dân dã kim chi. Với mùi vị độc đáo, riêng biệt, món ăn này đã góp phần làm nên nét đặc trưng cho văn hóa ẩm thực và trở thành niềm tự hào của đất nước Hàn.
Kim chi ra đời khoảng thế kỉ XII. Bắt đầu từ loại cải muối truyền thống, bằng sự khéo léo tài hoa, người Hàn đã sáng tạo ra 187 loại kim chi có màu sắc và mùi vị khác nhau nhưng đều có một điểm chung là rất cay. Hai vùng Bắc - Nam của Hàn Quốc thường có sự chênh lệch về nhiệt độ khá rõ rệt, vùng phía Bắc Hàn thường lạnh hơn phía Nam, chính điều này cũng tạo nên những phong vị riêng cho món kim chi của mỗi vùng. Kim chi miền Bắc dễ bảo quản tươi nên được ướp ít muối, nhiều nước và ít gắt hơn kim chi miền Nam.
Kim chi được thưởng thức dưới nhiều mức độ đậm đà khác nhau. Khi ăn người ta bày trên một chiếc đĩa sứ màu trắng có bề mặt phẳng để làm nổi bật màu sắc đỏ tươi, ấm nóng, tăng thêm sự quyến rũ cho món ăn này. Ăn kim chi là thói quen từ lâu đời của người Hàn, cũng giống như người Pháp uống rượu vang, hay người Nhật ăn Sushi vậy. Vì thế trong một bữa tiệc dù có to đến mấy mà thiếu Kim chi thì cũng coi như hỏng.
Kim chi đa dạng về chủng loại như: Nabak kimchi (kim chi củ cải nước), Oi-sobagi (kim chi dưa leo), Pa kimchi (kim chi hành), Yangbaechu kimchi (kim chi cải thảo), Gulk- kakdugi (kim chi củ cải xắt khối vuông trộn với hành).v.v… Kim chi là món ăn dễ chế biến, không đòi hỏi quá trình lên men dài ngày, gần giống như món dưa muối của Việt Nam nhưng độc đáo vì nhiều gia vị hơn. Những nguyên liệu thường được dùng để muối  kim chi gồm có cải thảo, củ cải, bắp cải non, dưa leo và tỏi tây. Các gia vị không thể thiếu trong món này là: ớt, hành, hẹ, tỏi, quả lê, cá muối... Trong đó ớt được coi là thành phần chính làm nên màu sắc và hương vị cho kim chi. Nếu thiếu ớt thì món kim chi sẽ không bao giờ được hình thành.

Kim chi cải thảo
Kim chi dưa chuột

Kim chi Nabak
Người Hàn Quốc ăn kim chi không chỉ thông thường như một loại dưa muối mà họ còn chế biến thành nhiều món khác như canh kim chi, bánh rán kim chi… Đặc biệt là món canh rất ngon và được nhiều người Việt Nam ưa chuộng. Canh kim chi được nấu bằng loại kim chi đã chua đậm với thịt ba chỉ thái vuông con cờ, hầm cho đến khi thịt nhừ và ngấm vị chua của kim chi thì cho một ít đậu phụ vào đun sôi chút nữa. Canh kim chi ăn với cơm, vừa chua, cay và rất ngậy.  

Canh kim chi
Hàn Quốc là xứ lạnh, mùa đông nhiệt độ có lúc xuống âm 10 độ C. Đặc biệt, các khu vực miền núi không những phải chịu nhiệt độ thấp mà còn phải đối mặt với những trận tuyết rơi nặng. Vì thế ăn kim chi còn là cách để người Hàn chống chịu với giá lạnh khắc nghiệt. Vị cay nồng nàn của ớt xóa tan đi cái lạnh lẽo, buốt giá cộng hưởng với các gia vị trong món kim chi đem lại cho con người sự ấm áp vô cùng. Trong căn phòng được sưởi ấm bằng hệ thống Ondol (hệ thống lò sưởi dưới sàn nhà rất độc đáo của người Hàn) và thưởng thức một tô Dongchimi cùng với món bánh gạo sẽ thấy rất tuyệt. Để chế biến Dongchimi, cần chọn những củ cải non, sau đó cắt cuống, rửa sạch. Củ cải sau khi lăn đều trong muối sẽ được xếp gọn gàng trong vại và để qua đêm. Củ hành lá, tỏi, gừng được thái mỏng, đựng chung trong một túi nhỏ cũng đặt vào vại. Tiếp theo, người ta đổ nước muối, thêm ớt và ngâm độ mười ngày sau là dùng được. Mùi vị món Dongchimi sẽ thơm ngon, hấp dẫn hơn khi thêm lê, trái thanh yên, rong biển và lá mù tạc.
Tạp chí Sức khỏe của Mỹ đã từng gọi kim chi là một trong năm thực phẩm có lợi cho sức khỏe nhất của thế giới, với khẳng định rằng món ăn này giàu vitamin, giúp tiêu hóa tốt và thậm chí còn có thể có tác dụng phòng bệnh ung thư. Đặc sản bổ dưỡng này của Hàn Quốc đã phổ biến trên toàn thế giới và Hàn Quốc đã được gắn với mỹ danh xứ sở kim chi. Tuy không được làm từ những nguyên liệu đắt tiền nhưng kim chi xứng danh là món ăn truyền thống tinh túy nhất của đất nước Hàn.

Thùy Linh
(Nguồn Tapchimonngon)

Hương vị ẩm thực Chile


Dù là ẩm thực chuyên nghiệp hay chỉ nấu nướng thường ngày, thức ăn châu Mỹ La tinh vẫn luôn được ưa chuộng, không chỉ vì vị cay truyền thống mà còn do tính đa dạng về mùi vị và màu sắc.
Đất nước Chile với địa hình và nền văn hóa độc đáo đã sản sinh ra nhiều món ăn riêng, tiêu biểu cho nền văn hóa ẩm thực của khu vực này. Nằm tại Nam Mỹ, trải dài theo bờ biển Thái Bình Dương , tuy diện tích nhỏ bé nhưng khí hậu Chile rất đa dạng, thích hợp phát triển một nền nông nghiệp phong phú. Thời tiết ở bán cầu Nam cũng trái ngược với bán cầu Bắc nên trái cây tươi và rau củ có thể xuất hiện ở đây ngay trong mùa Đông. Văn hóa Chile cũng là nền văn hóa đa sắc, kết hợp nhiều nền văn hóa khác nhau bao gồm Ấn Độ, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Anh và Ý. Ngay ở Việt Nam, bạn có thể tìm thấy nhiều sản phẩm đến từ Chile trong nhà bếp của mình như nho, kiwi, bơ, dầu ô-liu, đào, mận…
 
Với gần 4287 km bờ biển, Chile có sự đa dạng về thủy hải sản, với nhiều  loại quý hiếm, là nguồn nguyên liệu làm giàu cho nghệ thuật ẩm thực của mình như: hàu, tôm pandan (prawn), cá hồi, bào ngư… Nguồn thực phẩm này được kết hợp với những gia vị đặc biệt đã làm nên danh tiếng của ẩm thực Chile.
Đa số các món của Chile đều có mùi vị riêng từ loại gia vị trộn truyền thống gọi là merkén ở vùng Mapuches, nơi đa số dân cư là người bản xứ. Đây là hỗn hợp bao gồm ớt khô, rau mùi khô, lá thì là và muối. Merkén là một loại gia vị rất linh động trong các thành phần, có màu đồng hấp dẫn và mùi hun khói đặc trưng. Merkén có thể dùng làm gia vị rắc lên các món cá, tôm, bò hoặc các món salad, dùng cho các món súp, nước sốt, bơ và mì pasta. Merkén có mặt ở tất cả những cửa hàng chuyên bán các loại gia vị và cả các trang mua bán trên internet.
Các sản phẩm đặc biệt của Chile còn là mật ong (ulmo honey) và một loại đu đủ đặc biệt gọi là carica. Carica là loại trái cây chỉ có ở Chile, có mùi vị kết hợp giữa mùi của xoài và đào. Nó có thể dùng cho các món khai vị hoặc các món tráng miệng. Mật ong (ulmo honey) lại có thêm vị béo và mùi thơm của bơ tạo thành một sự kết hợp hoàn hảo của món pho mát vị nhẹ.
 
Chile còn là nước lớn thứ năm trong việc sản xuất rượu. Michael Green, người biên tập chuyên môn về rượu của tạp chí Gourmet, từng thán phục: “Chile là đất nuớc có tiềm năng về hương vị, sự đa dạng và giá trị của các loại rượu. Đây là ngôi nhà của nhiều loại rượu ngon nổi tiếng của thế giới.” 
Từng vùng của Chile lại có từng sản vật nổi tiếng khác nhau, mà nếu có dịp đến Chile du khách không thể bỏ qua, vì nếu chỉ nghe tên mà chưa nếm thử thì không thể hình dung nổi hương vị có một không hai của từng món. Có thể kể phía Bắc Chile là thịt dê, lạc đà không bứơu, sò điệp và các loại trái cây cận nhiệt đới như đu đủ carica… Vùng trung tâm là các loại quả bơ, ô-liu, táo, nho, kiwi và đặc biệt là các loại rượu địa phương. Ở khu vực phía Nam và Patagonia là các món chế biến từ thịt bò, thịt cừu và cua (King crab).
(Nguồn Amthuc365)

Đôi nét về ẩm thực Australia


Ẩm thực Australia vốn nổi tiếng có sự dung hoà, kết tinh của nhiều nền văn hoá khác nhau mà vẫn luôn luôn có bản sắc riêng. Đó cũng chính là một điểm khiến người ta sẽ rất khó quên nếu đã một lần thưởng thức các món ăn đến từ đất nước xinh đẹp này
Theo lịch sử thì ẩm thực Australia  là dựa trên ẩm thực Anh đem đến đất nước này bởi những người định cư đầu tiên. Những thứ này bao gồm các loại bánh, các miếng thịt nướng lớn hay xắt nhỏ, và các loại thịt đi kèm với vài thứ rau (tổ hợp này thường được gọi là "thịt và ba thứ rau"). Những thức ăn nguyên gốc này đã bị lấn át bởi sự chú trọng ngày càng tăng vào nền văn hóa đa quốc gia xảy ra trong văn hóa Úc trong 40-50 năm qua, với ẩm thực của người Úc bây giờ chịu ảnh hưởng bởi sự đa dạng về thức ăn của người Địa Trung Hải và người châu Á nhập cư. Truyền thống của người Anh vẫn còn tồn tại ở các mức độ khác nhau trong các cửa hàng bán thức ăn làm sẵn (takeaway food), với các miếng cá và khoai tây chiên vẫn còn phổ biến.
Người dân Australia coi món ăn bản địa truyền thống của mình là “Bush Tucker”. Đây là một món ăn hết sức đặc biệt có nguồn gốc từ các món ăn nguyên thuỷ của thổ dân cổ xưa. Bush Tucker có nguyên liệu là những cây cỏ thực vật hoang dại cùng những loài động vật săn bắt được kể cả sâu, nhộng... Không phải ai cũng sẽ thưởng thức được món ăn này song cũng không thể phủ nhận được rằng nó hết sức ấn tượng và hấp dẫn. Các món ăn hiện đại của người Australia ngày nay lại đưa đến một cảm giác hoàn toàn khác biệt. Phong cách ẩm thực hiện đại của một đất nước phát triển sôi động gắn liền với những món ăn nhanh, nhẹ nhàng nhưng bổ dưỡng. Các nhà hàng cũng được bố trí tiện lợi, thoáng mát mà vẫn tinh tế, sang trọng.
Đặc biệt, ẩm thực Australia rất nổi tiếng với những hải sản tươi ngon, hoa quả cây trái địa phương, thịt bò, thịt cừu và các loại bánh bánh pho mát hàng đầu thế giới. Những người đã từng đến đất nước này đều không thể quên được những món ăn như Barbeque với những miếng thịt nướng thơm giòn được nướng trong khung cảnh thiên nhiên thoáng đãng, trong lành.
Một vài cách ăn uống của người Úc:
Barbie (Barbeque)
 
Thú thư giãn số một của người Úc: Trong vòng bạn bè, gia đình người ta nướng steaks ngoài vườn hoặc ngoài công viên. Khắp nơi trong các công viên đều có chỗ ngồi và chỗ để nướng thịt (steaks). Có những nơi người ta còn gắn cả lò nướng bằng gar (bỏ tiền cắc vào là có thể sử dụng). Những địa điểm nướng này thường được chăm sóc và giữ sạch sẽ. Ngay cả củi để đốt cũng không thiếu. Ngoài ra, các tiệm supermarket có bán thịt đã ướp sẵn.
Bush Tucker
Nguyên thủy là món ăn của thổ dân mà nhiều tay đầu bếp đem ra áp dụng lại. Ăn theo lối Bush Tucker là tất cả những thứ người ta săn được hoặc những loại rau cỏ mọc ngoài rừng như kỳ đà, kỳ nhông, rắn, con nhộng, con sâu, v.v... cũng như các loại đậu hoang, cà chua hoang, mận hoang ...
Thường thường những đồ ăn này phải do đầu bếp bản xứ nấu và người ăn phải có một khẩu vị "phóng khoáng" thì mới thưởng thức được. Thí dụ như những con sâu, con nhộng đầy mỡ, sống trong trùm rễ của các bụi cây. Ăn sống thì toàn là mỡ, nhưng khi nướng trong tro nóng thì nó trở thành một món ăn tuyệt hảo!
(Nguồn Divivu.com)

Khám phá ẩm thực Nhật cùng rượu Sake


Mỗi đất nước đều  có một nền ẩm thực đặc sắc mang phong vị riêng. Không chỉ những món ăn mới làm nên màu sắc đặc trưng của ẩm thực mỗi quốc gia mà phải kể đến cả những loại đồ uống độc đáo và hấp dẫn. Đến với xứ sở hoa anh đào, bạn chắc chắn không thể bỏ lỡ cơ hội tận hưởng hương vị của men rượu Sake ấm nồng…
Ra đời cùng với nghi lễ uống trà, cắm hoa, uống rượu Sake thời Murômi Chi (1933-1573) là một trong những nét đặc trưng nhất của văn hóa Nhật Bản.
Cũng như hầu hết các loại rượu khác, Sake được làm từ gạo. Nó được đựng trong một chai 180ml hoặc một chén có nắp đậy bằng kim loại và được gọi là Kappu Sake hay có nghĩa Shu, nghĩa là loại Sake nguyên chất không sử dụng chất phụ gia nào khác ngoài gạo và men.
Nếm Sake là một nghệ thuật tinh tế. Xưa kia thường có tục thi nếm Sake để biết rượu được làm ở đâu. Ngày nay, những người sành rượu có thể đánh giá được chất lượng của Sake. Họ rót rượu vào một cái chén bằng sứ trắng ở đó có vẽ hai vòng tròn xanh thẫm lồng nhau tượng trưng cho mắt rắn. Đánh giá rượu Sake theo ba bước: nhìn để đánh giá độ trong, màu sắc, ngửi đánh giá hương vị và nếm.
Sake thường được uống trong khi giải trí như ngắm trăng, xem tuyết, ngắm hoa Anh đào.... Có thể uống Sake khi nguội, khi ấm hoặc nóng tùy theo mùa và loại Sake. Thường thì khi mùa đông, người ta hay uống Sake nóng. Để hâm nóng Sake, người ta chuyển Sake sang chứa trong các chai bằng gốm, rồi ngâm chai trong nước sôi.

Chén uống Sake có nhiều loại. Khi uống Sake theo cách tương đối trang trọng và mang tính truyền thống, người Nhật có thể dùng một cái đĩa nhỏ và nông gọi là Sakazuki, hoặc một chiếc chén nhỏ không có quai gọi là Ochoko. Trang trọng và đậm nét truyền thống hơn nữa, người Nhật dùng cốc bằng gỗ gọi là masu. Ở gia đình và ở nước ngoài, Sake có thể uống bằng ly thủy tinh.
Loại rượu Sake quý nhất là Ghiugiô, có hương vị thơm thoảng như táo, chuối, dứa. Trước đây Ghiugiô sản xuất ít thường được sử dụng trong những đợt thi nếm. Ngày nay do cạnh tranh với bia, Whisky, rượu vang, Ghiugiô được sản xuất nhiều hơn. Sake là một thức uống nổi tiếng bởi độ cồn cao. Khi uống sake, mọi người luôn phải rót Sake cho người khác, không bao giờ được tự rót cho mình, nhưng nếu dốc cạn chai thì chỉ được rót vào chén riêng của mình.

Với hương vị đặc biệt, rượu Sake đã trở nên nổi tiếng trên thế giới, trong khu vực là một biểu tượng của đời sống văn hóa tương đối cầu kỳ nhưng tinh tế của người Nhật.
(Nguồn Món ngon Hà Nội)