Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

Ta Prohm - ngôi đền của những rễ cây kỳ dị

Đền Ta Prohm - ngôi đền của những rễ cây khổng lồ kỳ dị cũng chính là một trong những địa điểm mà mà tôi ấn tượng nhất ở chuyến đi Campuchia lần này.


Ta Prohm - ngôi đền của những rễ cây kỳ dị - Ảnh 1.
Một góc Ta Prohm - Ảnh: Mai Hương
Tôi đến Ta Prohm trong chuyến khám phá Campuchia của mình vào tháng 6 giữa hạ. Lần đầu tiên tôi biết đến những bộ rễ khổng lồ của Ta Prohm là qua bộ phim Lara Croft: Tomb Raider (Kẻ cướp lăng mộ) vào năm 2001, nhưng phải đến khi đặt chân đến đây và tận mắt chiêm ngưỡng những bộ rễ khổng lồ kỳ dị này, tôi mới thực sự cảm nhận được sự vĩ đại của thiên nhiên.
Nơi thiên nhiên ngự trị
Ta Prohm như đưa con người ta như đến với một thế giới khác, một thế giới mà thiên nhiên hoàn toàn ngự trị. Nếu Angkor Wat là chứng tích cho sức mạnh và tài năng của những con người Khmer cổ phi thường, thì Ta Prohm lại khiến người ta liên tưởng đến sức mạnh vĩnh hằng đầy kỳ diệu của thiên nhiên.
Ta Prohm là một ngôi đền hoang tàn, đổ nát nhưng đầy hấp lực bởi sự hiện diện của những bộ rễ cây đại thụ trườn trên đá như những con trăn khổng lồ. Những bộ rễ cây xuyên qua cấu trúc của đá từ gần một ngàn năm qua, tạo ra sự kết hợp đáng kinh ngạc của thiên nhiên và kiến ​​trúc.
Có một sự thật rất đặc biệt mà nhiều người không biết. Đó là những bộ rễ cây này không phải mọc từ dưới đất lên mà được mọc từ trên không xuống. Người hướng dẫn viên du lịch nói với cả đoàn rằng chim chóc đã tha hạt rừng tới ngôi đền rồi đánh rơi. Những hạt giống này gặp môi trường thuận lợi thì phát triển thành những cái cây khổng lồ.
Đền Ta Prohm nằm ở phía đông Angkor Thom do vua Jayavarman VII xây dựng năm 1186. Đến nay ngôi đền đã đổ nát rất nhiều nhưng sự điêu tàn của kiến trúc, vẻ rêu phong và những rễ cây khổng lồ dường như càng làm tăng thêm không khí mê hoặc và vẻ đẹp ma mị cho không gian của ngôi đền. Tất cả tạo cho du khách cảm giác như mình là một nhà thám hiểm trong rừng rậm.
Tìm đường đến Ta Prohm
Thời điểm đẹp nhất để cảm nhận toàn bộ vẻ đẹp của Ta Prohm thường là vào sáng sớm khi chỉ có lác đác vài du khách. Có nhiều quầy hàng rong phục vụ thức ăn và nước giải khát cho du khách lựa chọn gần cổng vào đền nhưng đừng quên trả giá.
Đền Ta Prohm nằm trong khu quần thể Angkor, thuộc Angkor Thom. Từ trung tâm Siem Reap, có hai đường chính là đại lộ Sivatha và đường Pokambor, đoạn kế tiếp là Tusamuth. Đến đường Charles De Gaulle là có thể đi đến cuối Angkor Wat. Để đến Ta Prohm bạn có thể thuê xe đạp, xe máy hoặc đi tuk tuk nếu không rành tìm đường.
Vé tham quan khu quần thể Angkor năm 2017 khá cao: vé một ngày là 37 USD, ba ngày là 62 USD và bảy ngày là 72 USD. Trừ phi bạn quá mê mẩn các ngôi đền, còn không thì chỉ nên tham quan trong một đến ba ngày là quá đủ để đi hết các ngôi đền độc đáo nhất.
Nếu thời tiết đẹp thì một ngày bạn có thể tham quan từ bốn đến sáu ngôi đền một ngày. Vì thế nên tránh đến Angkor vào thời điểm nắng nóng cao điểm hoặc mùa mưa.
Cùng ngắm bộ ảnh chụp những rễ cây khổng lồ ở đền Ta Prohm:
Theo Mai Hương (TTO)

Những vệ binh cuối cùng của linh hồn trăn

(NLĐO) - Gần khu rừng tâm linh trên một hòn đảo nhỏ nằm giữa Hồ Victoria – Uganda, hiện diện những vệ binh cuối cùng của linh hồn có hình dạng là một con trăn.

Truyền thuyết kể lại rằng hàng trăm năm trước, quần đảo Ssese – Uganda là nơi sinh sống của bộ tộc Abassese – một chủng tộc không chỉ sở hữu tầm vóc và sức mạnh ấn tượng mà còn có khả năng gắn kết với thế giới siêu nhiên. 
Bộ tộc Abassese tôn thờ Mbirimu – một linh hồn được cho là có thể hóa thành con người hoặc động vật. Một ngày nọ, theo truyền thuyết, Mbirimu cảm thấy cô đơn nên ông ta đã hóa thành một người phụ nữ rồi sinh ra một con trăn và một con người. 
Hai anh em trăn và người sống trên đảo Bugala, hòn đảo lớn nhất trong số 84 đảo của quần đảo Ssese và con trăn lấy tên là Luwala. Người anh em song sinh sau đó xây dựng cho Luwala một ngôi đền và người tộc Abassese bắt đầu thờ cúng, xin ông lời khuyên.
Những vệ binh cuối cùng của linh hồn trăn - Ảnh 1.
Truyền thuyết kể lại rằng quần đảo Ssese từng là nơi sinh sống của bộ tộc Abassese - một chủng tộc có khả năng gắn kết với thế giới siêu nhiên. Ảnh: BBC
Danh tiếng Luwala vang khắp vùng và ngày càng có nhiều người không quản xa xôi đến nhờ ông giúp đỡ. Ông chính là thầy của những thầy lang truyền thống vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay. 
Những thầy lang này được gọi là emandwa, có nghĩa là "thầy lang với một linh hồn ngự trên đầu". Theo quan niệm, emandwa là người được tổ tiên lẫn Luwala lựa chọn và là người duy nhất có khả năng trò chuyện với Luwala, qua đó được ông chỉ bảo. Đổi lại, emandwa phải thờ phụng Luwala suốt đời. Khi emandwa qua đời, một người khác sẽ được lựa chọn thay thế.
Những vệ binh cuối cùng của linh hồn trăn - Ảnh 2.
Đảo Bugala, thuộc quần đảo Ssese, là quê hương của linh hồn Luwala. Ảnh: BBC
Bị cuốn hút bởi truyền thuyết này, phóng viên Amy Gigi Alexander của BBC đã quyết định đến đảo Bugala để tìm kiếm emandwa. 
Theo cô Amy, việc tìm kiếm emandwa không khó nhưng hầu hết du khách đều không được phép. Cô Amy cho biết phải nhận được sự đồng ý của già làng mới được gặp emandwa. Cũng theo cô Amy, emandwa ăn mặc không khác người dân trên đảo: quần dài, áo thun và giày ống. "Lubala Simon" – emandwa tự giới thiệu tên. "Bạn đang ở quê hương của Luwala. Đây là nơi linh hồn ông ta sinh sống" – ông Lubala Simon tiếp tục. 
Không khí xung quanh, theo cô Amy mô tả, cũng không quá khác biệt so với những ngôi làng khác. Một ngọn lửa được đốt bên cạnh túp lều lớn cùng không khí yên lặng khiến người ta có cảm giác như đang ở một nơi linh thiêng, đặc biệt.
Những vệ binh cuối cùng của linh hồn trăn - Ảnh 3.
Thầy lang emandwa, ông Lubala Simon, được tin là có khả năng trò chuyện với linh hồn Luwala. Ảnh: BBC
"Khi muốn trò chuyện với tôi, linh hồn Luwala ngự trên đầu tôi và giao tiếp với tôi thông qua cơ thể tôi" – ông Lubala Simon khẳng định. Nhiều giai thoại ly kỳ về thầy lang emandwa – người được tin là có khả năng trò chuyện với linh hồn Luwala, khiến họ trở thành những người được nhắc đến nhiều trong lịch sử Trung Phi và Đông Phi. 
Theo một giai thoại, một trong những bộ tộc lớn nhất từng sống tại Uganda – tộc Buganda, đã nhờ emandwa giúp đỡ trong cuộc chiến chống lại bộ tộc Banyoro. Emandwa đã trao cho tộc Buganda một cây gậy đặc biệt, được gọi là Damula. Nhờ đó, bộ tộc Buganda đã giành chiến thắng. 
Gậy Damula hiện vẫn là báu vật được các vị vua Buganda truyền lại cho nhau. Truyền thuyết kể rằng gậy Damula được làm từ một cây linh thiêng trong khu rừng nguyên sinh trên đảo Bugala – rừng Buswa.
Những vệ binh cuối cùng của linh hồn trăn - Ảnh 4.
Khu rừng linh thiêng Buswa trên đảo Bugala được canh giữ nghiêm ngặt. Ảnh: BBC
Được ông Lubala Simon và một nhóm người làng dẫn đường, cô Amy đã tìm đến được cây linh thiêng. Ông Lubala Simon bước đến gần cây, chạm nhẹ và ngước lên nhìn nó với sự tôn kính. 
Ở khu vực này, không ai được phép săn bắn động vật hay chặt cây cối. Thậm chí, không ai được phép đến khu vực cây linh thiêng nếu chưa nhận được sự đồng ý và chưa có người hộ tống. 
Cô Amy sau đó được ông Lubala Simon dẫn đến đền thờ linh hồn Luwala. Trong đền có một ngọn lửa nằm giữa các tô chứa thuốc lá, chuỗi hạt, vỏ ốc, trái cây khô, xương, hạt cà-phê và tiền giấy. 
"Lễ vật, quà, tiền. Người ta cầu xin mọi thứ: con cái, tiền tài, sự che chở. Đôi khi họ muốn điều xấu xa xảy ra. Nếu mong muốn của họ quá khó, họ sẽ nhận được một thử thách. Vượt qua được thử thách này, họ sẽ được linh hồn Luwala cân nhắc thực hiện điều ước" – ông Lubala Simon chia sẻ.
Những vệ binh cuối cùng của linh hồn trăn - Ảnh 5.
Người dân trên đảo Bugala cúng tế linh hồn Luwala với hy vọng rằng điều ước của họ sẽ được thực hiện. Ảnh: BBC
Với cuộc sống hiện đại, thế hệ trẻ ngày nay không còn mong muốn trở thành emandwa vì họ không muốn bị "chôn chân" trên đảo Bugala. Trong khi đó, niềm tin của họ với linh hồn Luwala cũng suy giảm. 
Thiên Chúa giáo và Hồi giáo hiện là 2 tôn giáo chính trên đảo. "Ngày càng có nhiều thứ biến mất: đất đai của chúng tôi, những địa điểm đặc biệt của chúng tôi, chúng tôi… Nhưng linh hồn Luwala sẽ tồn tại mãi mãi. Ông ta đã ở đây trước khi mọi thứ xuất hiện. Chúng tôi nguyện bảo vệ ông ấy mãi mãi" – một già làng khẳng định với cô Amy.
Cao Lực (Theo BBC)

Pleiku bên ni, Pleiku xưa bên nớ

Thử bịt tai không nghe tiếng chuyện trò, bỏ không nhìn bảng biểu chữ viết… thì Banlung chẳng khác mấy chốn đi vào thi ca Việt “đi dăm phút đã về chốn cũ”. Lạ hơn nữa khi hai miền đất như đối xứng nhau qua biên giới vậy.

Tôi đi Banlung thị xã thủ phủ tỉnh Ratanakiri từ Sen Monorom, trung tâm tỉnh Mondulkiri. Về mặt địa lý, hai tỉnh này sát lưng nhau, nhưng hôm đó phải theo xe vòng xuống Snoul, ngược bắc lên Kratie, chuyển sang chuyến xe từ Phnom Penh (Campuchia) đi tiếp đến Stung Treng bỏ khách rồi mới quay ngược lại ngã ba đi tiếp Banlung. Đến nơi, dù trật trờ nhập nhoạng hoàng hôn mệt bã người vẫn không quên chụp vội cái xe và cả thân mình phủ đỏ bụi, như những năm 1990 chưa xa lang thang cao nguyên Trung phần bên mình. Mai sớm lội chợ, lang bang phố, leo xe ôm quanh co núi rừng làng bản, cứ ngỡ đang trôi về Pleiku xưa nước Việt.
 pleiku ben ni, pleiku xua ben no hinh anh 1
Con đường chính ở Banlung, dù còn đỏ lòm lòm bụi nhưng đã quy hoạch to lớn đàng hoàng.
Như miền Pleiku bên kia biên giới
Ngang ngang vĩ tuyến với Pleiku, cũng lọt thỏm trong rừng xanh núi đỏ, cách nhau chưa tới 100km đường chim bay khi nhìn bản đồ, cũng không lạ lắm khi thấy phố sơn cước sao quá quen. Nói nào ngay, đêm lếch thếch cõng balô vô phố, mấy bác xe ôm cũng chỉ đường tìm đến mấy khách sạn Việt, nhưng giá quá chát so với lữ điếm giang hồ cho khách đi bụi nên phải dạt sang đó ngụ cùng đám Tây trẻ lang thang. Mất đi nguồn cung cấp thông tin miễn phí tiếng Việt, nhưng chẳng hề hấn gì vì các bạn trẻ trong ngành du lịch ở đây ngoại ngữ khá tốt. Còn nhiệt tình thì miễn bàn.
 pleiku ben ni, pleiku xua ben no hinh anh 2
Hồ Yeak Laom , viên ngọc xanh của Banlung, như Tơ Nưng của Pleiku vậy.
Khác với hầu hết sông Việt đổ ra Biển Đông, dòng Serepok từ Tây Nguyên chảy ngược theo hướng tây sang đây. Nhưng cuối cùng con nước đó theo về đất mẹ, vì chẳng mấy tí sau khi ra khỏi Banlung, con sông ngược hướng tan vào sóng Mekong sau khi tung tẩy trên cung đường xa hơn để đi về biển.
Hai miền Pleiku, Banlung có hai viên “ngọc xanh”. Đều là miệng núi lửa xưa, bên này Biển Hồ xanh biếc, bên kia Yeak Laom lung linh là niềm tự hào của cư dân bản địa hai xứ. Pleiku độc đáo với bản sắc dân tộc đồng bào Ba Na, Gia Rai… Bên nớ Banlung dung hoà văn hoá phong tục của 12 nhóm anh em thiểu số. Lang thang trên con đường bản nhà sàn gỗ na ná, lúc bạo gan mò vô khu mồ mả cũng những hình nhân, tượng gỗ rêu phong… nhiều khi chẳng biết là bên này hay bên kia biên giới.
Chân tình chuyện xưa mới Banlung
Nhưng, Banlung và bản làng, rừng núi vây quanh còn giữ được khá nhiều nét cũ phai phôi nhiều trên đất Việt. Truyền thống xưa như những căn nhà sàn, những phong tục an táng người chết, những tượng gỗ… vẫn còn khá nhiều mà bây giờ về Tây Nguyên dù đi thật xa cũng rất khó tìm. Những cánh rừng, dù đó đây đã vẳng tiếng cưa gỗ không chỉ bởi mỗi người bản xứ, vẫn còn khá xanh ôm ấp những cung trekking yêu thích của các bạn trẻ Âu Mỹ hào hứng khoe kể ở lữ điếm, quán bia đêm… Ngay từ những năm 1996 còn chưa thiệt yên ắng, chính quyền sở tại đã cùng Canada, Liên hiệp quốc khoanh lại khu rừng bảo tồn hơn 5.000ha, ôm cả gương hồ Yeak Laom trong veo xanh ngắt.
 pleiku ben ni, pleiku xua ben no hinh anh 3
Một góc chợ thị xã Banlung mà y như chợ làng, chợ xã bên mình.
Đường sá ngay cả ở vài phố chính Banlung vẫn đất đỏ lòm lòm. Nhưng rất to rộng sẵn, mai kia trải nhựa là đủ lớn khỏi quy hoạch tới lui đào lấp. Sơ sài, nhưng đầy bản sắc xứ bển chứ không xanh đỏ hoè sói hơi hướm xứ lạ như phố Núi bây giờ. Chợ nghèo thiệt, rau trái thịt cá bản địa còi cọc chứ không phổng phao mỡ màng mà nhiều người mình giờ mới sợ. Người quê chân chất, ngay cả những cậu trong ngành du lịch vốn dẻo miệng cũng rất chân tình, nhiệt thành chỉ dẫn đường đi nước bước dù khách tiết kiệm không mua tour. Nên chỉ dừng chân ngắn Banlung vẫn rất ấm lòng.
 pleiku ben ni, pleiku xua ben no hinh anh 4
Con đường ''bụi mù trời'' đi Banlung.
Ấm, thêm câu chuyện nhân văn tình cờ biết làm càng thương nhớ Banlung. Tôi đến đây ngày tháng 3 chưa mưa, thời gian cuối của mùa kiếm tìm đồng đội hàng năm, như chia sẻ của anh bộ đội gặp nơi quán nhỏ bên triền Seropok. Mùa mưa nguồn dữ dội, sình lầy và những con đường đất nơi đây rất khó khăn cho việc tìm kiếm, dù được anh em bên này nhiệt tình giúp đỡ.
Điều này tôi cũng trải nghiệm chút ít, tuy chỉ yên vị trên chiếc xe đò bánh quấn xích sắt để qua được những đoạn lầy trên con lộ chính, chưa nói đến đường rừng. Dù thiên niên kỷ thứ ba đã qua khá lâu, nhiều anh em ngã xuống vẫn chưa được về với đất mẹ. Tôi chia tay về phố lúc anh bộ đội vẫn một mình tư lự nơi quán vắng bên dòng Serepok. Chỉ thầm cầu mong cho công việc nghĩa tình của anh và đồng đội luôn hanh thông. Buổi chiều xuân đó chợt mây xám cuồn cuộn về vần vũ Banlung!
Theo Thái Hoãn (Thế Giới Tiếp Thị)

Top 10 đại học lâu đời nhất thế giới

Linh Trang (Theo Topuniversities)

(Dân Việt) - Theo Bảng xếp hạng QS, trường đại học lâu đời nhất thế giới có lịch sử hơn 1000 năm tuổi.

top 10 dai hoc lau doi nhat the gioi hinh anh 1
1. Đại học Bologna (Italy). Thành lập năm 1088, có khoảng 84.200 sinh viên và 30.000 sinh viên sau đại học. Cựu sinh viên nổi tiếng: nhà thơ Dante và Petrarch, nhà phát minh Guglielmo Marconi, trọng tài bóng đá Pierluigi Collina, nhà thần học Hà Lan Erasmus và nhiều chính trị gia, doanh nhân nổi tiếng người Ý.
top 10 dai hoc lau doi nhat the gioi hinh anh 2
2. Đại học Oxford (Anh). Thành lập năm 1096, lượng sinh viên khoảng 23.195. Cựu sinh viên nổi tiếng: Theresa May là một trong 27 bộ trưởng Anh từng theo học tại Oxford, chính trị gia Myanmar Aung San Suu Kyi, chính trị gia Pakistan Benazir Bhutto và cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton.
top 10 dai hoc lau doi nhat the gioi hinh anh 3
 3. Đại học Salamanca (Tây Ban Nha). Thành lập năm 1134 với lượng sinh viên trên 30.000. Các cựu sinh viên nổi tiếng: tiểu thuyết gia Tây Ban Nha Miguel de Cervantes, cựu tổng thống Panama  Aristides Royo.
top 10 dai hoc lau doi nhat the gioi hinh anh 4
4. Đại học Paris (Pháp). Thành lập năm 1160-1250 là 1 trong những trường đại học lâu đời nhất châu Âu.
top 10 dai hoc lau doi nhat the gioi hinh anh 5
 5. Đại học Cambridge (Anh). Thành lập năm 1209, có số lượng sinh viên khoảng 19.660. Cựu sinh viên nổi tiếng: Isaac Newton, nhà nghiên cứu tự nhiên Charles Darwin, nhà thơ lớn thế kỷ 19 Lord Byron.
top 10 dai hoc lau doi nhat the gioi hinh anh 6
6. Đại học Padua (Italy). Thành lập năm 1222, số lượng sinh viên khoảng 61.000. Cựu sinh viên nổi tiếng: nhà thiên văn học nổi tiếng với thuyết nhật tâm Nicolas Copernicus, nhà thám hiểm Giacomo Casanova, điệp viên người Anh Francis Walsingham.
top 10 dai hoc lau doi nhat the gioi hinh anh 7
7. Đại học Naples Federico II (Italy). Thành lập năm 1224, số lượng sinh viên khoảng 78.000. Cựu sinh viên nổi tiếng: triết gia Saint Thomas Aquinas, các cựu tổng thống Italy Enrico De Nicola, Giovanni Leone và Giorgio Napolitano.
top 10 dai hoc lau doi nhat the gioi hinh anh 8
 8. Đại học Siena (Italy). Thành lập năm 1240, số lượng sinh viên khoảng 20.000. Vẻ đẹp của trường được UNESCO công nhận là di sản thế giới, đón tiếp lượng khách tham quan mỗi năm khoảng trên 160.000 người.
top 10 dai hoc lau doi nhat the gioi hinh anh 9
9. Đại học Coimbra (Bồ Đào Nha). Thành lập năm 1290, số lượng sinh viên khoảng 24.000.  Trường được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 2013. Cựu sinh viên nổi tiếng: nhà thơ vĩ đại của Bồ Đào Nha Luis Vaz de Camoes, cựu Thủ tướng giữ chức 36 năm Antonio de Oliveira Salazar.
top 10 dai hoc lau doi nhat the gioi hinh anh 10
10. Đại học Complutense, Madrid (Tây Ban Nha). Thành lập năm 1293, số lượng sinh viên trên 86.000. Cựu sinh viên nổi tiếng: nhà thơ Federico Garcia Lorca, triết gia Jose Ortega y Gasset.

10 trường đại học hàng đầu cho người yêu biển

Huyền Anh (Theo Business Insider) 

(Dân Việt) Top 10 trường đại học ở Mỹ không đáp ứng đủ 3 tiêu chí: chất lượng giáo dục, chi phí và thu nhập bình quân hằng năm sau khi tốt nghiệp, mà còn đặc biệt thích hợp cho những người yêu biển.

Dựa trên số liệu từ 711 trường đại học, cao đẳng được đánh giá với  27 tiêu chí thuộc 3 phạm trù: Chất lượng giáo dục, chi phí và thu nhập bình quân hằng năm sau khi tốt nghiệp (báo cáo thống kê mức thu nhập của sinh viên sau tốt nghiệp 5 năm), Tạp chí Money đã đưa ra danh sách 10 trường học đáp ứng đủ cả 3 tiêu chí trên.
1. Đại học California-Irvine (bang California)
 10 truong dai hoc hang dau cho nguoi yeu bien hinh anh 1
Xếp hạng chung: 13
Khoảng cách đến bãi biển gần nhất: 11 km
2. Đại học California-San Diego (bang California)
 10 truong dai hoc hang dau cho nguoi yeu bien hinh anh 2
Xếp hạng chung: 32
Khoảng cách đến bãi biển gần nhất:  Dưới 1,6km
3. Đại học Fairfield (bang Connecticut)
 10 truong dai hoc hang dau cho nguoi yeu bien hinh anh 3
Xếp hạng chung: 56
Khoảng cách đến bãi biển gần nhất: 5km
4. Trường Cao đẳng Quân sự Nam Carolina (bang Nam Carolina)
 10 truong dai hoc hang dau cho nguoi yeu bien hinh anh 4
Xếp hạng chung: 67
Khoảng cách đến bãi biển gần nhất: 16km
5. Đại học California-Santa Barbara (bang California)
 10 truong dai hoc hang dau cho nguoi yeu bien hinh anh 5
Xếp hạng chung: 93
Khoảng cách đến bãi biển gần nhất: dưới 1,6km
6. Đại học California-Santa Cruz (bang California)
 10 truong dai hoc hang dau cho nguoi yeu bien hinh anh 6
Xếp hạng chung: 114
Khoảng cách đến bãi biển gần nhất: 6 km
7. Đại học Bang California - Long Beach (bang California)
 10 truong dai hoc hang dau cho nguoi yeu bien hinh anh 7
Xếp hạng chung: 121
Khoảng cách đến bãi biển gần nhất: 5km
8. Đại học Hawaii tại Manoa (bang Hawaii)
 10 truong dai hoc hang dau cho nguoi yeu bien hinh anh 8
Xếp hạng chung: 345
Khoảng cách đến bãi biển gần nhất: 5km
9. Đại học Miami (bang Florida)
 10 truong dai hoc hang dau cho nguoi yeu bien hinh anh 9
Xếp hạng chung: 399
Khoảng cách đến bãi biển gần nhất: 16km
10. Đại học Bắc Carolina-Wilmington (bang Bắc Carolina)
 10 truong dai hoc hang dau cho nguoi yeu bien hinh anh 10
Xếp hạng chung: 426
Khoảng cách đến bãi biển gần nhất: 11 km