Minh họa của Choai
Hồi trước, tôi vốn chết mê chết mệt những món ăn của nàng Dae Jang Gum* trên màn ảnh. Các bữa tiệc hoàng cung do nàng Dae, một siêu đầu bếp, trình diễn thật ngoạn mục, nhìn đã muốn ứa nước miếng. Nên bữa ăn sáng đầu tiên ở Seoul, tôi lấy làm háo hức lắm. Người ta cho chúng tôi ăn “lẩu bò”.
Sáng mùa thu giá lạnh, vừa lò dò xuống sân bay, lại trong lúc bụng đói, chân run, một bữa lẩu bò trong căn phòng ấm áp thì còn gì bằng. Các quán ăn của người Hàn thường ngồi phản, trước mặt là một chiếc bàn vuông bằng gỗ, nom rất ấm cúng. Đầu tiên người ta bưng cho chúng tôi mỗi bàn một bát Kim chi. Không giống Kim chi chua ngọt dễ chịu như trong các quán cơm ta, Kim chi Hàn Quốc cay và mặn. Mãi sau tôi mới biết cái vị mặn đến váng đầu ấy là để dùng vào việc gì.
Kế đó, mỗi người được phục vụ một bát “lẩu bò”, trông giống bát phở, không phải là nồi lẩu như ai cũng nghĩ thế. Thôi không phải lẩu thì phở cũng được, đã đói lắm rồi. Chúng tôi vội vã nhấp một chút nước dùng, song ai nấy đều nhăn nhó mặt mày. Nước dùng có vị ngọt lịm của cốt xương và thịt nhưng nhạt hoét, nó thiếu muối, hay nói đúng hơn là không có chút muối nào.
Cả đoàn hơn hai chục con người nháo nhác đi tìm gia vị. Anh So, hướng dẫn đoàn, vội giải thích rằng chúng tôi phải tự pha chế muối, lẩu bò ở Hàn Quốc là thế, mà tốt nhất là cho Kim chi vào ăn kèm. Chúng tôi loay hoay tự pha chế, rồi cuối cùng cũng xong. Nước dùng đã rất ngon, có những lát thịt bò giống thịt bò chín trong phở, cũng ngon, song bên dưới là mì chứ không phải bánh phở.
Tuy nhiên khi ăn được vài miếng lại thấy có vài hạt cơm bên dưới. Sao thế này? Khuấy lên thấy lõng bõng như cháo. Thôi thì cháo, thôi thì cơm cũng tốt. Ở nhà cơm, cháo, mi vẫn chẳng phải là những món quen thuộc hay sao. Sau khi ăn xong (nghĩa là cố lắm chỉ hết một nửa), một người băn khoăn nhìn vào bát “lẩu bò” nói “Đây là mỳ”. Người khác phản đối “Không phải mỳ, là cháo”.
Tức thì một làn sóng tranh cãi nổi lên. Tất cả nhao nhao chia làm hai phe: Phe cháo và phe mỳ. Cuối cùng một người kết luận “Không phải cháo, không phải mỳ, mà là mỳ - cháo”. Đúng rồi, mỳ cháo, chúng tôi thở dài, vì nó có cả mỳ lẫn cháo. Sau rốt, khi cả đoàn đã yên vị trên xe, anh So hỏi to “Quý vị ăn lẩu bò có thấy ngon không?” - “Ngon lắm, cảm ơn anh So”, tất cả chúng tôi đồng thanh.
Sau tôi thấy nhiều món cũng tương tự lẩu bò, là nhà bếp không cho muối mà để khách tự pha chế. Đặc biệt là món cháo trắng, nấu theo kiểu đặc biệt, nước ở trên cái ở dưới, giống như cơm đang chín một nửa, hạt cơm sượng, lại nhạt hoét, vừa húp một miếng đã thấy tức cả mồm.
Người Hàn thường cho Kim chi vào ăn cùng. Tôi cũng bắt chước như vậy, mặn nhạt pha vào nhau còn tức mồm hơn. Món này khiến tôi liên tưởng tới những bữa ăn sáng ở Trung Quốc, khi thực đơn thường trực là bánh bao chay và cháo trắng cũng không đường không muối như thế, và ăn kèm với Ca la thầu mặn chát. Người Hàn tự hào vì họ có Kim chi, còn người Tàu tự hào vì có Ca la thầu.
Các món ăn Hàn thường có nhiều vị pha trộn cầu kỳ mà Gimbad Gim là một điển hình, có cơm, rong biển, trứng gà sống và lắm thứ khác. Trong những nhà hàng ở trung tâm thương mại, các món ăn thường được đóng sẵn vào đĩa xốp, bọc nilon bên ngoài, trông thẩm mỹ và đẹp mắt như một vườn hoa vì không dưới mười màu sắc.
Tuy nhiên, sau những trải nghiệm về ăn uống trên đất Hàn, tôi không dễ bị nàng Dae Jang Gum đánh lừa thêm lần nào nữa. Ấy vậy mà bữa ăn cuối cùng trước khi ra sân bay, tôi vẫn bị mừng hụt. Anh So thông báo rằng hôm nay quý vị sẽ được ăn món mắm tép. Ái chà, oách quá, lại có hẳn mắm tép. Người ta mang ra một đĩa thịt luộc, thịt thái to đùng và dầy cộp song vẫn đúng là thịt ba chỉ, vậy là đúng kiểu rồi.
Phục vụ bàn bày ra giữa một bát mắm tép con con. Trông màu nó hơi khác, lại còn nguyên những con tép, nhưng cũng chính vì vậy mà nó là mắp tép. Tuy nhiên, sau khi chấm thịt luộc vào bát “mắm tép Hàn Quốc”... xin miễn cho tôi không phải miêu tả nó vì cứ hễ lần nào nhớ đến cái vị ấy là tôi lại thấy tức anh ách. Cả món lòng dồi luộc nữa chứ. Cũng là dạ dày, gan lợn, dồi nhồi đàng hoàng, nhưng là dồi nhồi... miến chấm muối ớt.
Sau về nước, nhiều người đồ rằng có thể do chúng tôi ăn ở quán bình dân nên món ăn không được ngon. Tôi phải thề sống thề chết rằng chế độ ăn ở do công ty nước bạn sắp xếp là chế độ năm sao. Và tất cả các món ăn chúng tôi được thưởng thức trong những ngày lưu lại trên đất Hàn được chủ nhà khẳng định là một trong những món ngon và đặc biệt nhất Hàn Quốc.
Rồi sau nữa, rất nhiều bạn bè người Hàn đang sinh sống ở Việt Nam hỏi thăm tôi về chuyến đi, thấy tôi phàn nàn về các món ăn, họ hết sức ngạc nhiên. Họ nói rằng nếu chỉ một ngày thiếu món Kim chi, họ sẽ không sống nổi, và theo họ, chính những món ăn Việt Nam mới thực sự là kinh hồn. Tôi im lặng, không bình luận gì thêm, vì theo các nhà khoa học, khẩu vị của con người là chủ đề không nên tranh cãi, vì một món ăn có thể là lạc thú của người này song cũng có thể là sự đầy ải đối với người khác.
Chú thích: Bộ phim truyền hình của Hàn Quốc “Dae Jang Gum” nổi danh một thời giữa những năm 2000. Nhân vật chính là nàng Dae Jang Gum một đầu bếp hoàng gia và sau là thần y. Phim có những màn biểu diễn nấu ăn rất ngoạn mục.
LĐCT - 30
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét