Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Những cung đường chinh phục dãy Carpate

Nhắc đến miền đất Transylvania của Rumani, nhiều người chỉ nghĩ đến lâu đài Dracula với những truyền thuyết về ma cà rồng. Thật ra, ở châu Âu, vùng này còn nổi tiếng bởi có nhiều di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Những ngôi làng cổ, những con đường đồng quê uốn lượn quanh pháo đài và nhà thờ gần ngàn năm tuổi nơi đây chính là nét văn hóa truyền thống của người Saxon - một bộ tộc gốc Đức di cư và phát triển phồn thịnh ở đất Rumani vào thời Trung cổ.
.
Brasov, trái tim của Transylvania
Phố cổ Brasov

Từ xa xưa, Transylvania luôn gây trở ngại cho nhiều thế lực quân sự muốn xâm chiếm. Thời La Mã, quân đội của đế chế gặp rất nhiều khó khăn trong việc quy phục những bộ tộc sống rải rác trong vùng vì cỗ máy chiến đấu La Mã không thể chống chọi được với chiến thuật đánh du kích dựa vào lợi thế rừng núi sông ngòi hiểm trở.
Rồi ngay đến cả quân Ottoman hùng mạnh cũng phải dừng bước trước ngưỡng cửa Transylvania. Tại đây, người dân địa phương thường nói đến bộ ba thành phố: Brasov, Sibiu và Sighisoara như là những chốt chặn phân rõ ranh giới giữa vùng Transylvania với thế giới bên ngoài. Ngay từ thời Trung cổ, giữa ba thành phố này đã có sự giao thương rất nhộn nhịp.
Trung tâm Brasov, thành phố bên sườn núi Carpate thật đẹp trong nắng thu vàng nhẹ. Giữa thành phố là quảng trường lớn có nhà thờ mái vòm đen nổi tiếng. Thành phố vẫn giữ được nét riêng và có tiếng là thơ mộng, cổ kính.
Nhà thờ mái vòm đen ở trung tâm Brasov
Brasov hấp dẫn nhiều du khách đến thăm nhất vào mùa đông với các khu trượt tuyết lý tưởng. Ngoài nhà thờ mái vòm đen lộng lẫy, kiến trúc Brasov còn nổi tiếng bởi nhà thờ thánh Bartolomeu khá đồ sộ và có tuổi đời hàng trăm năm.
Luôn là thành phố thịnh vượng hàng đầu của Rumani, khi vùng Transylvania rơi vào tay người Ottoman, Brasov vẫn phát triển kinh tế mạnh mẽ. Nằm ở nút giao giữa đế chế Ottoman và Tây Âu, các thương gia của Brasov được đặc ân miễn thuế và nhờ đó nắm giữ quyền lực chính trị và kinh tế rất lớn trong khu vực. Quá khứ hào hùng này được thể hiện rõ qua huy hiệu của thành phố với biểu tượng vương miện và rễ cây sồi.
Cách Brasov không xa là thị trấn sơn cước Sinaia, nơi có lâu đài Peles tráng lệ nằm trên lưng chừng núi Carpate được coi là biểu tượng của cả vùng.
Lâu đài Peles
Kiến trúc của lâu đài hòa hợp và nổi bật trong khung cảnh của núi rừng, đặc biệt là mùa đông, khi công trình khoác bộ áo tuyết trắng muốt thì trông lại càng nên thơ. Được xây dựng làm nhà nghỉ mát cho hoàng gia, lâu đài Peles mang phong cách kiến trúc Neo-Renaissance (tân phục hưng) Đức với những tháp cao nhọn, màu sắc tươi sáng.
Công trình có 160 phòng được trang hoàng rất tinh tế lộng lẫy. Nào là các phòng tiếp tân, phòng âm nhạc, phòng lát kính sáng ngời, phòng quân phục với nhiều áo giáp sắt thời Trung cổ và tượng đồng chiến sĩ… Nhiều sảnh tiếp khách rộng được trang hoàng theo lối thẩm mỹ của một số nước Âu châu, các loại đá và gỗ quý được chạm khắc thật công phu tinh xảo.
Tu viện theo kiến trúc Rumani
Đặc biệt, Peles có bộ sưu tập hơn 2.000 bức tranh quý hiếm của nhiều trường phái. Gần đó, dòng tu viện Sinaia, xây dựng từ thế kỷ XVII cũng rất thu hút du khách bởi kiến trúc đặc trưng Rumani trông vừa mạnh mẽ vừa duyên dáng.
Hùng vĩ núi Carpate
Sau Brasov, chúng tôi đến thăm Transfagarasan, con đường núi cao nhất Rumani. Công trình cầu đường Transfagarasan là niềm tự hào lớn của người Rumani. Đối với họ, xây thành công con đường này là một kỳ tích phi thường.
Xưa kia, vùng Transylvania bị cách ly với thủ đô Bucarest bởi dãy Carpate. Giao thông đi lại giữa hai vùng vô cùng khó khăn do núi non hiểm trở.
Vào thập niên 1970, cựu tổng thống Nicolae Ceausescu nổi tiếng với sự tàn bạo quyết định tiến hành xây con đường Transfagarasan khai thông dãy Carpate. Công trình này đã cướp đi mạng sống của nhiều công nhân.
Đường vào núi Carpate
Do tuyết rơi nhiều trong mùa đông kéo dài, đường chỉ được sử dụng vào mùa hè từ tháng 7 đến tháng 10. Transfagarasan có chiều dài tổng cộng là 100km nhưng chúng tôi chỉ thăm một khúc ngắn đáng xem nhất với những khúc uốn đến chóng mặt.
Điểm cao nhất mà con đường Transfagarasan đạt tới là hồ Balea ở độ cao tầm 2.000m, đây cũng là điểm dừng chân cuối cùng của mọi người trước khi quay trở lại xuống chân núi. Chỉ đi quá thêm một chút thì con đường này sẽ dẫn đến bên kia sườn dãy núi Carpate và đưa đến thủ đô Bucarest.
Nhìn từ trên cao xuống, hồ Balea nằm gần trên đỉnh núi trông rất đẹp, mặt hồ trong vắt như một tấm gương lớn phản chiếu mây trời xanh biếc.
Cung đường Transfagarasan khai thông dãy Carpate
Hôm sau, chúng tôi đi bộ lên dãy Carpate. Dãy Carpate là quần thể những cụm núi với nhiều độ cao khác nhau, một trong số đó là cụm núi Bucegi nằm trong rừng quốc gia cùng tên. Với sự phát triển du lịch trượt tuyết mùa đông, đã có rất nhiều trung tâm du lịch mọc lên ở sườn dãy núi này.
Sau sáu, bảy giờ đồng hồ hì hục leo trèo, mọi người lên được độ cao 2.000m và bắt đầu thấy dấu hiệu để lên được đỉnh. Dãy núi Bucegi có nhiều đỉnh khác nhau, mỗi đỉnh cách nhau vài cây số.
Không ai có thể thăm tất cả các đỉnh này trong một ngày vì giữa chúng là cả một hệ thống chướng ngại vật, không suối sâu thì cũng là vực thẳm hoặc rừng thông rậm rạp.
Hồ trên núi
Vì thế, các đường đi bộ được quy hoạch thành từng chặng. Mỗi đỉnh núi được coi như là phần cuối của một chặng và muốn đi hết chặng đó thì cũng phải hết cả ngày.
Chặng đầu tiên của chúng tôi đi từ thị trấn Busteni dưới chân núi lên một điểm tên gọi Babele. Nơi đây có địa danh du lịch nổi tiếng của vùng, đó là nơi có hai khối đá mang tên là Babele và Sphinx.
Hình dáng các khối đá khổng lồ trông giống các bà cụ còng lưng hoặc hình nhân sư Ai Cập. Đây là kết quả sau hàng trăm thế kỷ điêu khắc của gió và mưa.
Khám phá dãy núi Bucegi đòi hỏi phải ngủ lại ít nhất một đêm. Ngày hôm sau, mọi người theo con đường dẫn từ trên đỉnh xuống sườn núi ở độ cao 1.000m. Chặng đường này đi qua nhiều xóm làng cũng như trang trại rải rác trên sườn núi.
Làng trên núi
Các ngôi làng ở đây khá cách biệt với văn minh bên ngoài. Điện và sóng truyền hình thường xuyên mất do gió tuyết. Mỗi ngôi làng vài trăm hộ dân như là một ốc đảo với những phong tục riêng.
Người dân ở đây chỉ quan tâm đến cuộc sống đơn giản hằng ngày của họ dựa vào đàn cừu hay vườn rau và hầu như không có bất cứ giao lưu thương mại gì với bên ngoài.
Nhà ở miền núi Rumani
Chặng cuối cùng trong khu rừng quốc gia Bucegi bắt đầu từ sườn núi ở độ cao hơn 1.000m lên đỉnh núi Piatra Craiului rồi lại xuống núi và quay trở lại Brasov. Trong chặng đường này, khung cảnh của dãy núi Bucegi có sự thay đổi rất lớn bởi màu xanh của cây cối bắt đầu nhường chỗ cho những mỏm núi đá granit cằn cỗi.
Từ Piatra Craiului trong tiếng Rumani có nghĩa là “mỏm đá của vua” với độ cao khoảng hơn 2.000m. Các con đường đi ở đây do chủ yếu là đá nên đi lại khó khăn hơn các chặng đường khác.
Đến đây du khách mới biết Carpate không chỉ đẹp mà còn hiểm trở vô cùng, điều đó đã làm nên một phần lịch sử đất nước Rumani.„


NGUYỄN VĂN THÁI/DNSGCT

Một giờ trên miệng núi lửa Stromboli

Hòn đảo nhỏ Stromboli ở ngoài khơi biển Tyrrhenia, phía Bắc đảo Sicily thuộc miền Nam nước Ý, được hình thành từ một ngọn núi lửa cùng tên từ đáy biển nhô lên cao 3.000m. Đây là một trong những núi lửa hoạt động lâu nhất hành tinh, gần như liên tục phun dung nham suốt hơn 20 thế kỷ.


Trong thời cổ đại, Stromboli được gọi là "ngọn hải đăng Địa Trung Hải", từ Panarea các tàu thuyền ngoài khơi có thể nhìn thấy những ánh lửa lấp lánh màu đỏ tuôn chảy giảm dần về phía biển. Đây cũng chính là nơi người anh hùng Jules Verne lặng lẽ xuất hiện sau cuộc hành trình đến trung tâm trái đất.
Theo những người dân bản địa khẳng định thì con đường mòn đầy cát dẫn đến miệng núi lửa đã in dấu chân của những người Hy Lạp. Trong sử thi Odyssey của Homer có viết Odysseus đã đến Stromboli sau khi thoát khỏi cơn thịnh nộ của độc nhãn Polyphemus. Và theo những người Ýmê tín, họ cho rằng đây là “nơi trút cơn giận dữ của quỷ dưới địa ngục”.
Các vụ phun trào từ miệng núi lửa thường dẫn đến những vụ nổ nhỏ chỉ kéo dài trong vài giây, tạo ra tro bụi, các mảnh nham thạch nóng rực và làm đá văng lên cao hàng trăm mét. Nó bùng nổ đột xuất mỗi 20 phút hoặc lâu hơn tạo. Dựa vào khói của núi lửa, người dân nơi đây có thể dự đoán hướng gió thổi trước ba ngày. Dung nham hiếm khi trào ra từ miệng núi lửa Stromboli nhưng khi trào ra nó chảy thành dòng ra đến tận biển .
Tuy núi lửa vẫn còn hoạt động nhưng vẫn có cư dân sinh sống trong ngôi làng nhỏ trên hòn đảo. Tại Stromboli, không có bóng dáng của xe hơi, chỉ có một số xe tay ga Piaggio với bánh xe đặc chủng mới có thể qua được những con đường sỏi, đá từ núi lửa.
Những ngôi nhà màu trắng điểm xuyết trên nền nham thạch đen, bụi khói, hòa lẫn màu xanh của cây cối và màu nước biển tạo nên một bức tranh tương phản tuyệt đẹp.

Đến Stromboli từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 10 là lý tưởng nhất, vì là thời điểm nhiều gió nhất. Du khách sẽ không thể nào quên hương vị cà phê cam thảo nổi tiếng của đảo hay cảm giác khoan khoái bị thức giấc bởi mùi thơm của hoa chanh.
Nếu không muốn leo lên miệng núi lửa thì du khách vẫn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó từ sân thượng của nhà hàng L'Osservatorio, hay đi bộ xung quanh bến tàu hoặc chèo thuyền đến Sciara del Fuoco.
Nếu hôm nào không có gió Sirocco (gió thổi từ sa mạc Sahara vào Địa Trung Hải) thì từ miệng núi lửa, người ta sẽ thấy toàn bộ những bờ biển phía Nam của Ý: từ Calabria đến Sicily, nhìn tổng thể giống như một giảng đường lớn mà Stromboli, nền văn minh 7000 năm của nhân loại, là trung tâm.

Vào cuối mỗi buổi chiều, trừ khi thời tiết quá xấu, luôn có một đoàn khách du lịch leo lên miệng núi lửa và ở lại đó khoảng 1 giờ đồng hồ. Họ đứng lặng im chiêm ngưỡng cảnh đẹp hiếm có, để mặc những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt.
Theo cư dân trên đảo thì thời gian gần đây, núi lửa phun 300 lần một ngày. Xung quanh miệng núi lửa, chỉ thấy đá trơ, xỉ than, và còn sót lại một vài bụi cỏ chịu đựng được sức nóng khắc nghiệt. Một tấm biển được ghi bằng năm thứ tiếng với nội dung: "Nghiêm cấm đoàn không có hướng dẫn viên và không được vượt quá giới hạn, nguy hiểm sạt lở đất, và nguy cơ núi lửa cao! Nếu vi phạm phạt 500 €".

Một dòng dung nham đỏ rực chảy xuống biển, nhiệt độ càng ngày càng tăng, nham thạch như những chùm pháo hoa được bắn tung lên. Cảnh đẹp càng trở lên rực rỡ khi bóng tối buông xuống.
Và đó cũng là thời gian phải nói lời tạm biệt, người hướng dẫn yêu cầu mọi người bật đèn pha và sải bước đi xuống.


THU HÀ

Tưng bừng lễ hội đua ngựa ở Siena

Là thành phố cổ nổi tiếng xinh đẹp của nước Ý, Siena quanh năm chẳng bao giờ thiếu những điều hấp dẫn du khách. Thế nhưng phải đến đây vào dịp lễ đua ngựa palio người ta mới thấy được hết cái vốn văn hóa giàu có của thành phố và những nét thú vị đặc trưng chỉ có ở người dân Siena.
.
Bốn ngày và 90 giây
Lễ hội đua ngựa palio được tổ chức hai lần mỗi năm. Lần thứ nhất vào đầu tháng Bảy, lần thứ hai vào giữa tháng Tám.
Lễ hội có nguồn gốc từ thời Trung cổ và mang tính chất tôn giáo nên chịu khá nhiều sự can dự của nhà thờ. Cái hay của palio không chỉ nằm ở vó ngựa mà còn ở những giá trị văn hóa lịch sử chung quanh.
Lịch sử phát triển của lễ hội palio gắn liền với đời sống của những contrada. Siena thời Trung cổ được phân chia thành 17 contrada (tương đương với phường ở Việt Nam).
Mỗi một contrada có tổ chức hành chính như một chính phủ thu nhỏ với hệ thống nhà thờ, viện bảo tàng, nhà văn hóa và hành chính riêng. Vừa cạnh tranh kinh tế, vừa hợp tác chống kẻ thù phương xa, mối quan hệ giữa các contrada theo năm tháng cũng đầy ân oán.
Quảng trường Piazza del Campo trong những ngày lễ hội palio

Theo luật, chỉ có 10 contrada được phép tham dự một cuộc đua ngựa. Thế nên tất cả các contrada phải đi bắt thăm, những contrada bị loại đành đóng vai khán giả xem mười phường kia thi đấu với nhau.
Lễ hội palio là một sự kiện lớn và phức tạp. Nếu tính riêng phần đua ngựa thì palio chỉ kéo dài vỏn vẹn 90 giây. Tuy nhiên những thủ tục từ lúc bắt thăm cho đến công đoạn luyện tập chuẩn bị của các phường, rồi thì các nghi lễ biểu diễn đậm chất Thiên Chúa giáo… khiến lễ hội kéo dài đến bốn ngày!
Quá trình chuẩn bị cho cuộc đua cũng thú vị và thu hút nhiều người tham dự không kém gì thời điểm xảy ra cuộc đua. Mỗi ngày, ngựa được luyện tập hai lần vào buổi sáng và buổi chiều.
Cứ mỗi một lần ngựa được đưa ra quảng trường trung tâm Piazza del Campo để tập dượt là lại có một biển người của khu phố đó tháp tùng và chăm nom.
Piazza del Campo là trái tim của Siena, nhìn từ trên xuống, quảng trường rất đẹp với cấu trúc hình vỏ sò và được bao quanh bởi những tòa nhà xây bằng gạch nung đỏ xen lẫn những họa tiết trang trí bằng đá cẩm thạch.
Trong những ngày này, Piazza del Campo được rải một lớp cát mỏng để trở thành trường đua ngựa dài khoảng 400 mét.
Người và ngựa trong buổi lễ cầu may ở nhà thờ trước giờ thi đấu
Ân oán giữa các contrada
Vào buổi tối trước ngày đua chính thức, tất cả thành viên của một contrada cùng tổ chức tiệc để thể hiện tình đoàn kết. Buổi tối này cũng là thời điểm diễn ra những “mánh khóe” chính trị giữa các contrada nhằm giành lấy chiến thắng.
Chiến thắng đua ngựa đồng nghĩa với chiến thắng về danh dự trước đối thủ. Tất nhiên, có những contrada thù địch nhau thì cũng có những contrada giữ hòa khí với nhau và cũng có những ông thuộc dạng ba phải. Buổi tối cuối cùng đó là cơ hội để các contrada bí mật tạo ra những liên minh chống lại đối phương.
Có thể nói người dân thành Siena coi lễ hội đua ngựa palio là một tôn giáo, một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần. Vì thế, họ quyên góp rất nhiều tiền để mua ngựa tốt, tuyển mộ tay đua xịn, chi trả những khóa huấn luyện cấp cao… Thậm chí, họ còn sẵn sàng đầu tư tiền vào khu phố contrada đồng minh, mục đích cuối cùng là để hạ gục những contrada không đội trời chung.
Phút nghẹt thở trên đường đua
Vào lúc 3 giờ chiều trước buổi đua chính thức, ngựa và tay đua ở mỗi contrada đến nhà thờ của mình để dự lễ cầu may dưới sự làm phép của linh mục. Sau khi cầu nguyện xong, ngựa được trang trí rất sặc sỡ nhằm phục vụ cho cuộc diễu hành ngay sau đó.
Đây cũng là thời điểm mà mỗi contrada tự trang bị cho mình một đội quân biểu diễn xiếc, múa cờ, dàn nhạc và những tay trống. Họ xuất phát từ địa bàn của mình, sau đó đi diễu hành qua tất cả những địa danh quan trọng nhất của Siena.
Mỗi contrada tự chọn cho mình một biểu tượng làm phù hiệu, thường là một con vật quen thuộc như đại bàng, ốc sên, báo, rùa, nhím, ngỗng… Du khách có thể dễ dàng nhận ra những biểu tượng này tại các con phố qua biển chỉ đường hay trên cờ treo.
Một contrada trong tiết mục diễu hành quanh thành phố
Đúng 5 giờ chiều, cuộc diễu hành đầy màu sắc mà tiếng Ý gọi là corteo storico bắt đầu với sự tham dự của tất cả các khu phố cùng một lúc. Tất cả các khán giả ở đây đều có mặt từ nhiều giờ trước đó.
Để có được một chỗ ngồi được dựng tạm thời dành cho sự kiện này, du khách sẽ phải móc hầu bao đến 400 euro và những vị trí tốt nhất luôn được đặt từ trước đó hàng tháng trời. Không chỉ thế, chỗ đứng tại các ban công của những tòa nhà nhìn ra quảng trường cũng được bán hết từ sớm.
Buổi diễu hành bắt đầu với toán quân cảnh sát kỵ binh carabinieri. Trong tiếng vỗ tay hưởng ứng của biển người, đội trưởng bất ngờ rút kiếm ra rồi phi ngựa lao nhanh về phía trước, mô phỏng hình tượng một đoàn quân đang tiến đánh chém giết quân thù.
Sau tiết mục binh đoàn kỵ sĩ là tiết mục diễu hành của các contrada kéo dài tầm hai tiếng.
Những khoảnh khắc nghẹt thở
Và cuối cùng, đỉnh điểm của lễ hội đã đến: Đó là 90 giây đua ngựa vòng quanh Piazza del Campo với ba vòng đua tất cả. Điểm xuất phát được đánh dấu bởi hai dải dây thừng.
Trọng tài sẽ kiểm tra kỹ lưỡng xem mười chú ngựa đua có đứng đúng vị trí theo sắp xếp hay không. Trong trường hợp có một tay đua nào không đứng đúng vị trí, sẽ có một tiếng súng phát lên, yêu cầu anh ta trở về đúng vị trí được chỉ định.
Các ban công đông nghẹt khán giả
Vì có sự kình địch giữa các khu phố contrada nên một số tay đua cố tình gây lộn xộn với mục đích chơi đòn cân não, gây ức chế lên đối phương. Đó là lý do vì sao họ cố tình đứng sai vị trí, khiến cho công đoạn ổn định vị trí đua đôi khi mất rất nhiều thời gian.
Ngoài ra, việc “câu giờ” sẽ làm cho các chú ngựa phải đứng lâu và sẽ bị chảy mồ hôi. Việc ngựa chảy mồ hôi sẽ làm cho các tay đua đối phương khó điều khiển ngựa hơn vì các tay đua của palio không sử dụng yên ngựa mà cưỡi trực tiếp trên lưng con vật.
Khi hai dải dây thừng được hạ xuống thì cũng là lúc 90 giây “tàn sát lẫn nhau” bắt đầu. Các tay đua không mặc trang phục bảo hộ cũng chẳng có yên cương.
Người xem có thể bám sát vành đai rào bảo vệ để nhìn cận cảnh các chú ngựa đang phi cắt ngang qua mặt họ. Nguy hiểm hơn, đường đua vòng quanh quảng trường Piazza del Campo chỉ dài 400 mét với những chỗ uốn khúc cực kỳ hẹp nên nguy cơ cả người và ngựa lao thẳng vào khán giả, hoặc bị mất quán tính ngã ngựa là rất lớn.
Thêm vào đó, các tay đua cũng được phép dùng roi quất ngựa để quật vào đối thủ nhằm triệt hạ lẫn nhau. Khán giả nào tinh ý sẽ thấy những thủ thuật liên minh giữa một số tay đua.
Những tay đua nào là “đồng minh” của nhau thì sẽ giúp bạn mình bằng cách dùng ngựa cản đường hoặc là dùng roi quật vào đội đối thủ để giành đường cho đồng minh tiến lên trên.
Cuối cùng, ngựa của contrada nào cán đích đầu tiên thì contrada đó giành thắng lợi. Trong trường hợp người đua ngựa bị ngã, con ngựa không người cưỡi cán đích đầu tiên vẫn được tính là kẻ chiến thắng.

Những cổ động viên xinh đẹp và nồng nhiệt của nước Ý
Dù nổi tiếng lâu đời là thế nhưng palio không được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể bởi mức độ sát thương người và ngựa của nó. Dù vậy, bao năm qua người Siena vẫn kiên quyết không sửa đổi luật chơi cho an toàn hơn. Có lẽ, với người Ý, sự nguy hiểm đôi khi là chất kích thích khiến cuộc sống thêm hấp dẫn.


NGUYỄN VĂN THÁI/DNSGCT

Người Việt đã “thống trị” nghề nail ở Mỹ như thế nào?

Theo tờ Miami Herald, cộng đồng người Việt ở Mỹ đã trở thành lực lượng kiểm soát gần như hoàn toàn nghề làm móng (nail) ở nước này.
Anh Linh Huynh vốn là một người làm nghề lái xe taxi ở TP.HCM. 13 năm trước, người thân của anh làm việc trong một tiệm nail ở Mỹ rủ anh sang làm cùng. Từ khi đặt chân tới Miami, anh Huynh làm việc 10 giờ mỗi ngày, 6 ngày 1 tuần. Công việc của anh là cắt tỉa và chăm sóc móng. Sau khi tiết kiệm được một khoản tiền, anh cùng vợ và một người bạn mua lại nail có tên Lovely Nails ở Kendall vào năm ngoái.
“Ở Mỹ, tôi nghĩ là khoảng cách giàu nghèo không lớn lắm. Người giàu có xe hơi, tôi cũng có một chiếc. Điều quan trọng nhất là tôi làm việc chăm chỉ để lo cho tương lai của con gái. Cháu đang có cơ hội tốt để được học hành”, anh Huynh, 44 tuổi, nói.
Anh Huynh và nhiều người Việt khác ở Mỹ đang đi theo con đường tương tự như các cộng đồng người nhập cư Mỹ Latin và Caribbean ở Nam Florida. Đó là tìm ra một nghề kinh doanh riêng để phát triển kinh tế gia đình. Tại Nam Florida cũng như ở nhiều nơi khác trên đất Mỹ, có rất nhiều người Việt làm nghề nail.
“Nhờ nghề nail, cuộc sống gia đình tôi giờ đã ổn định”, cô Dieu Nguyen, người đã làm việc 3 năm trong tiệm International Nails ở Doral nói. Chồng của Dieu cũng làm việc trong một tiệm nail ở Tây Miami. Hiện nay, họ đã mua được nhà riêng. “Hồi còn ở Việt Nam, tôi làm việc khá vất vả nhưng thu nhập không cao. Sang đây làm nghề nail, tôi và chồng mỗi tháng cũng tiết kiệm được 2.000-3.000 USD”, Dieu nói.
"Câu chuyện gây cảm hứng"
Mỹ là quốc gia có số người nhập cư đông nhất trên thế giới, lên tới 14 triệu. Dân số Mỹ chỉ chiếm 5% dân số toàn cầu, nhưng 20% người nhập cư trên toàn cầu sống ở Mỹ - theo số liệu từ Viện Chính sách nhập cư của nước này.
Mang theo “giấc mơ Mỹ”, những người nhập cư thường theo chân đồng hương đến trước tìm kiếm công việc và mua lại cơ sở làm ăn trong cùng lĩnh vực, hình thành nên những cộng đồng đặc trưng. Chẳng hạn người Dominica sở hữu nhiều cửa hiệu bán rượu vang ở New York, người Hàn làm nghề giặt khô ở Los Angeles, hay người Ethiopia lái taxi ở thủ đô Washington.
Tương tự, người Việt Nam đã tạo thành một lực lượng hùng hậu, có chỗ đứng vững chắc trong nghề nail ở Mỹ. Thống kê từ tạp chí Nail Magazine của Mỹ cho thấy, tại nước này, hiện có 374.345 người Việt được cấp chứng chỉ kỹ thuật viên nghề nail, chiếm hơn 40% nhân lực làm trong nghề nail ở Mỹ. Vào thời điểm năm 2010, Miami có tới 279, còn ở Florida có 1.152 tiệm nail do người Việt sở hữu và đăng ký.
Người Việt Nam đã tạo thành một lực lượng hùng hậu, có chỗ đứng vững chắc trong nghề nail ở Mỹ
Vào tháng 11 vừa qua, đã xảy ra một vụ việc khiến dư luận lo ngại. Một nhóm cướp có vũ khí đã ập vào tiệm nail có tên Hong Kong Nail Salon ở Miami-Dade, bắn chết cậu con trai 10 tuổi của chủ tiệm người Việt. Ông chủ tiệm này là Hai Nam Vu cũng bị thương và hiện đang trong quá trình hồi phục. Tiệm nail này đến nay vẫn chưa mở cửa trở lại.
Sau vụ việc, cộng đồng người Việt làm nail ở Mỹ rất lo lắng. Một số tiệm đã bắt đầu đóng cửa sớm hơn vào buổi tối. Các tiệm khác thì khóa cửa và chỉ mở mỗi khi có khách ra vào. “Làm ơn đóng cửa vào. Nhỡ đâu lại có cướp”, anh Huynh nói với người bạn cùng làm tại tiệm Lovely Nails sau khi có một vị khách bước ra.
Thống kê vào năm 2012 cho thấy, ở Florida có khoảng 54.597 người Việt sinh ra tại Việt Nam sinh sống, chiếm 1,5% trong tổng số khoảng 3,75 triệu người nhập cư ở bang này.
“Họ bắt đầu bằng cách làm thuê trong các tiệm nail. Sau đó, khi có đủ khách hàng, họ quay ra mở tiệm riêng. Trước khi mọi người biết, thì họ đã có thể làm được những dịch vụ chất lượng cao hơn và sử dụng điều đó làm nền tảng để mở rộng một hệ thống”, ông Alfred Osborn, một giáo sư thuộc Đại học California, nói về những người Việt làm nghề nail. “Họ đã tới Mỹ, làm việc chăm chỉ, và khá giả lên và sống giấc mơ Mỹ. Việc họ vượt qua được tất cả mọi trở ngại và chiếm lĩnh một thị trường riêng thực sự là một câu chuyện gây cảm hứng”.
Khởi nguồn của câu chuyện
Có thể nhiều người không biết, nhưng việc người Việt làm nghề nail phổ biến ở Mỹ bắt nguồn từ nỗ lực dạy nghề được bà Tippi Hedren, một ngôi sao Hollywood, khởi xướng. Bà Hedren cũng là mẹ của một nữ minh tinh Hollywood, Melanie Griffith.
Vào năm 1975, bà Hedren tới thăm trại tị nạn Hope Village ở Sacramento, California, nơi có 20 người phụ nữ Việt Nam vừa được đưa tới. Khi thấy những người phụ nữ này thích thú với bộ móng tay của bà, Hedren - khi đó là một điều phối viên về cứu trợ quốc tế - đã nghĩ ngay tới chuyện giúp họ làm nghề nail. “Tôi để ý thấy những người phụ nữ đó rất khéo tay. Tôi nghĩ, tại sao họ không học làm nail chứ”, bà Hedren kể lại trên tờ Los Angeles Times trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào năm 2008.
Sau đó, bà Hedren đã đưa người thợ làm móng của bà tới trại tị nạn này mỗi tuần một lần để dạy những người phụ nữ Việt Nam ở đây làm móng. Bà cũng yêu cầu họ phải được học cách sơn phủ bóng (silk wrap), một kỹ thuật giúp đem đến những chiếc móng giả bền và trông tự nhiên hơn. Sau đó, bà Hedren thuyết phục một trường dạy làm đẹp gần đó giúp những người phụ nữ này tìm việc làm.
“Bà ấy đã giúp những người phụ nữ này xây dựng một chỗ đứng trong nghề nail, và nghề này ngày càng phát triển. Thứ nọ kéo theo thứ kia. Nhờ đó mà nghề nail đến nay đã là nghề phục vụ cho đại chúng”, giáo sư Osborne nhận xét.
Từ chỗ chỉ có 20 người phụ nữ Việt nhập cư vào Mỹ được đào tạo, ngày nay đã có hẳn một cộng đồng người Việt làm nail ở nước này. Họ sở hữu tiệm nail ở mọi ngóc ngách trên đất Mỹ, không khác gì những tiệm cà phê Starbucks hay hiệu đồ ăn nhanh McDonald’s - ông Osborne đưa ra so sánh. “Có những người giữ thế độc quyền trên thị trường ở một số cộng đồng nhất định trên đất Mỹ và sở hữu nhiều tiệm, có khả năng tạo công ăn việc làm cho nhiều người”, ông Osborne nói.
Đối với nhiều người, các salon làm nail đem đến cơ hội gia nhập với những yêu cầu tối thiểu về giáo dục và đầu tư. Khi làm thuê trong tiệm, họ được sống cùng bạn bè hoặc người thân mà vẫn kiếm được chứng chỉ. Sau đó, khi đã có đủ tiền, họ chuyển ra mở tiệm riêng.
Anh Huy Van, một người Việt làm chủ tiệm nail ở Miami, Mỹ. Ảnh: Miami Herald

“Tôi chọn làm nail vì công việc này không đòi hỏi bằng cấp cao, không cần nhiều vốn, và tôi có thể giúp những người Việt ở Mỹ khác muốn tìm việc làm”, anh Thanh Huynh, chủ tiệm Expo Nail ở Southwest Miami-Dade nói. “Kế hoạch của tôi là trở thành chủ của một tiệm lớn ở vị trí tốt. Tôi sẽ tiết kiệm tiền để thực hiện ước mơ của mình”.
Thế hệ thứ hai
So với những spa và tiệm làm tóc sang trọng, các tiệm nail của người Việt ở Nam Florida thường nằm ở những vị trí có chi phí thấp hơn và đưa ra giá dịch vụ mềm hơn, chẳng hạn 10 USD cho cắt tỉa móng, 20 USD mỗi lần chăm sóc móng, và 30 USD sơn móng.
Tiệm USA Nails ở Biscayne Boulevard, Miami có rất nhiều dịch vụ, từ cắt tỉa, chăm sóc móng, cho tới vẽ móng nghệ thuật. Chủ tiệm này, anh Huy Van, rời Việt Nam vào năm 1988, đã đi qua Hồng Kông, Philippines, Honolulu, Chicago, và Detroit trước khi dừng chân ở Miami vào năm 1998. “Khí hậu ở đây cũng giống như ở nước tôi, ấm áp và không có tuyết”, anh Huy Van nói. Trước khi có được tiệm riêng từ năm 2010, anh đã từng làm thuê hai lần trong hai tiệm khác nhau. Hiện nay, em gái và cháu gái của anh Huy đang làm trong tiệm nail của anh.
Anh Huy cho hay, dù đã là chủ, anh vẫn làm việc 60 giờ mỗi tuần giống như khi còn đi làm thuê trước kia. Anh từ chối tiết lộ thu nhập, chỉ nói rằng doanh thu được chia theo tỷ lệ 60% cho kỹ thuật viên và 40% cho tiệm.
“Họ làm rất tốt. Tôi muốn sẽ đến đây thường xuyên hơn”, cô Toni Hunter, một khách hàng tới chăm sóc móng ở tiệm của anh Huy nhận xét.
Ở phía Bắc của Biscayne Boulevard, tiệm Nail Capital có đầy đủ dịch vụ từ móng tới tẩy lông. Chủ tiệm này là cặp vợ chồng anh Loc Nguyen, 43 tuổi, và chi Hang Phan, 41 tuổi. Họ thuê 3 nhân viên không phải là người họ hàng. Anh Nguyen đã mua tiệm này từ người chú, người đã dạy anh làm nail sau khi anh chuyển từ Miami tới cùng với bố mẹ và anh chị em vào năm 1998.
Cũng giống như những chủ tiệm nói trên, anh Hieu Truong mở T-Nails ở Kendall vào năm 2006 sau nhiều năm làm thuê cho các tiệm ở Minnesota và California. Giờ anh và vợ đã là chủ, thuê 7 nhân viên.
“Nghề nail giúp ổn định cuộc sống cho nhiều người Việt đến Mỹ. Nhưng thế hệ thứ hai, như con tôi, chắc sẽ không chọn nghề nail vì họ có bằng cấp và giỏi tiếng Anh, có thể tìm được công việc khác tốt hơn”, anh Trương nói.
Bà Jeanne Batalova thuộc Viện Chính sách nhập cư Mỹ cho rằng, đó cũng là một phần của giấc mơ Mỹ.
“Con cái của họ thường dựa vào thành công của cha mẹ để phát triển lên. Thế hệ thứ hai sẽ chuyển sang những công việc trí thức. Quy trình này đã lặp đi lặp lại ở tất cả các làn sóng người nhập cư mọi dân tộc, từ người Italy, Bắc Âu, Do Thái, tới người từ các quốc gia khác đến Mỹ. Con cái của họ giờ đã trở thành một phần trong tầng lớp trung lưu ở Mỹ”, bà Batalova nói.

AN HUY/Vneconomy

Vị đắng cà phê Đông Timor

Một buổi tối ở Bali, ông chủ Agung tốt bụng của khách sạn Warapsari chở tôi đi vòng quanh phố ở vịnh Kuta để tìm mua thịt heo nướng babi guling nổi tiếng. Ông khá bất ngờ và tỏ vẻ không vui khi biết tôi sẽ rời Bali để đến Đông Timor vào chuyến bay sáng mai.
.

Những trái cà phê đầu mùa. Hầu hết những vườn cà phê ở Đông Timor đầu có tuổi từ 20 - 30 năm
Dường như ông và những người Bali khác không thích một phần của hòn đảo Timor của Indonesia được tách ra và mang tên Đông Timor. Tôi cố xoa dịu ông: "Tôi muốn biết quốc gia mới trên bản đồ Đông Nam Á có được những gì sau 11 năm độc lập với Indonesia".
Ông Agung dặn tôi nhớ mang theo ít thuốc men khi đến Dili, bởi quốc gia "mới" vẫn còn một số dịch bệnh nguy hiểm mà các cơ sở y tế vẫn chưa được trang bị thuốc men đầy đủ, như: thương hàn, viêm gan siêu vi A, B, thủy đậu...
Sân bay quốc tế Nicolau Lobato quá nhỏ và khá tối với vài ngọn đèn néon trắng, tôi có cảm giác nhân viên đang làm việc với hệ thống máy tính cũ hay bị lỗi kỹ thuật. Đó là ấn tượng đầu tiên khi tôi vừa đặt chân đến Dili. Không có nhiều tòa nhà cao tầng như thủ đô của các quốc gia khác, nhưng tôi yêu các con phố ở Dili.
Chúng luôn tràn ngập bóng cây xanh và nhà nào trên phố cũng có một vườn hoa nho nhỏ, xinh xinh phía trước. Thành phố quá yên bình với những vòng quay bánh xe đạp thỉnh thoảng lướt qua phố. Buổi trưa Dili với cái nắng rát mặt, tôi đi dọc theo đại lộ De Portugal nằm dọc theo cung đường biển để hóng mát.
Những tòa đại sứ của một số quốc gia nằm sát bên nhau. Anh Timothy, người bán nước trên xe đẩy dọc đường, cho tôi biết: "Có rất ít đại sứ quán đặt văn phòng tại đây và chủ yếu thực hiện các chương trình hỗ trợ nhân đạo cho quốc gia. Muốn biết Đông Timor còn lại những gì sau ngày độc lập, hãy đi dọc theo đại lộ Alves Aldeia. Khách du lịch đến đây chỉ đếm trên đầu ngón tay và tò mò muốn biết Đông Timor như thế nào".

Hình ảnh người bán cá dạo rất thường gặp ở Đông Timor
Hơn 37% người dân Đông Timor sống trong cảnh nghèo khổ với thu nhập bình quân 1,25 USD/ngày và hơn 50% dân số mù chữ. Rất nhiều tổ chức phi chính phủ đã đến đây để thực hiện công tác nhân đạo.
Cung đường dọc biển luôn là vị thế "đắc địa" của bất kỳ thành phố hải cảng nào, nhưng ở đại lộ Alves Aldeia chỉ thấy khung cảnh hoang tàn, đổ nát với những đống gạch đá nằm chơ vơ phía dưới những ngọn núi cao. Đó là dấu tích còn sót lại sau ngày độc lập 20/5/2002 khi một số phần tử quá khích đốt cháy hay đập nát những gì mà người Indonesia đã xây dựng trước đó.
Nó vẫn còn hoang sơ và chưa một nhà đầu tư nào đến đây khai thác. Trên biển rải rác vài chiếc tàu đánh cá nhỏ của tư nhân. Đánh bắt thủy hải sản ở Đông Timor chủ yếu phục vụ cho nhu cầu nội địa và hình ảnh những người vác cá trên vai đi bán dạo rất đặc trưng ở đại lộ Dos Direitos Humanos, như là một minh chứng cho sự giậm chân tại chỗ của ngành công nghiệp đánh bắt hải sản.
Đông Timor chỉ giữ lại hình ảnh của người Indonesia là tượng Chúa cứu thế (Cristo Rei) được đặt trên đỉnh núi Fatucama, mặt hướng về thủ đô Jakarta. Bức tượng được nhân dân Indonesia trao tặng vào năm 1988, cao 27m, tượng trưng cho 27 tỉnh, thành của Indonesia. Phía dưới chân núi Fatucama, bên bãi biển Watabo một vài khách sạn lớn và quán ăn mọc lên.

Xe buýt ở Đông Timor
Chỉ một ít du khách Tây thích những bãi biển vắng và hoang sơ tìm đến đây. Với những người bản địa, họ thích cuộc sống trong thời kỳ Đông Timor chưa là một quốc gia. Khi còn thuộc Indonesia, tiêu chuẩn cuộc sống ít nhất cũng dàn trải đều ở các tỉnh, thành.
Ánh mắt của anh Timothy hay những người bán cá dạo đều lộ vẻ luyến tiếc khi nhớ lại quá khứ, bởi Đông Timor chẳng phát triển gì sau ngày độc lập.
Anh Timothy bảo tôi nên đọc lại lịch sử của Đông Timor để thấy cuộc chiến giành "độc lập" dường như đã được dàn xếp sẵn để tách Đông Timor thành quốc gia riêng nhằm khai thác mỏ dầu và khí đốt trên biển. Những thành phần giàu có cứ phất lên, phần còn lại thì nghèo mãi.
Tôi làm quen anh Luke trên chuyến xe buýt từ thị trấn Maubisse đến thành phố Ainaro, một trong những thủ phủ về cây cà phê của Đông Timor. Gọi là xe buýt nhưng thực chất là một chiếc xe công nông thường đi nông trường với hai hàng ghế được bố trí hai bên dành cho hành khách, mui xe là một chiếc bạt lớn. Đường đi khá xấu với rất nhiều ổ gà.
"Ainaro luôn được người Bồ Đào Nha "ghi nhớ" bởi cuộc chiến với 10.000 người bản địa giành độc lập khi Timor còn là thuộc địa của họ. Với người Nhật, đây là con đường kết thúc Thế chiến thứ II bởi Ainaro là thành phố nằm gần nước Úc.
Với người Đông Timor, thành phố Ainaro cùng với Emera, Liquica và Manufahi là nơi đất nước tái sinh bởi cây cà phê đóng vai trò chủ lực trong việc thu về ngoại tệ thông qua xuất khẩu (90%) và giải quyết công ăn việc làm cho 1/4 dân số Đông Timor (300.000 người)", ông Kenny Lay, Giám đốc Công ty Xuất khẩu cà phê Timorcorp, chia sẻ với Tạp chí Time.
Tôi được anh Luke mời về nhà chơi để tìm hiểu thêm về cây cà phê. Không khí trên những triền núi cao trong veo, chưa bị ô nhiễm cùng những cơn gió lành lạnh thật dễ chịu. Những vườn cà phê Robusta và Arabica được người Bồ Đào Nha mang đến đây vào thế kỷ XVIII trải dài ngút ngàn trên đồi núi nhấp nhô ở Ainaro.

Đông Timor chỉ giữ lại tượng Chúa Jesus cao 27m do nhân dân Indonesia gửi tặng
Hương thơm của lứa hoa đầu mùa len lỏi vào không khí. Cụm từ "mùa vụ hối hả” dùng để diễn tả không khí nhộn nhịp trong các hộ gia đình khi mùa thu hoạch cà phê đến. Từ tháng 11, cà phê bắt đầu chín và kết thúc khoảng 4 tháng sau. Trong thời gian này, những hộ canh tác đi hái và phơi khô trái cà phê để bán cho công ty thu mua.
Do trong hạt có lượng cafein khá cao, nên các công ty thu mua thường bán lại cho Hãng Cà phê Starbucks thông qua những người môi giới Trung Quốc và Thái Lan để cho ra dòng cà phê thương hiệu Arabian Mocha Timor nổi tiếng.
Ông Kenny Lay cho biết: "Hằng năm, với khoảng 67.000 ha vườn cà phê, Đông Timor xuất khẩu khoảng 7.000 - 10.000 tấn cà phê, một con số khiêm tốn! Tất cả đều phụ thuộc vào thời tiết". Với người dân Đông Timor, cà phê là một loại cây mọc hoang dại và giúp họ có thêm lợi nhuận.
Trong canh tác cà phê, các hộ nông dân không đầu tư về phân bón hay các loại thuốc nông nghiệp. Còn rất nhiều những vườn cà phê đã hơn 20 - 30 năm tuổi nhưng vẫn được duy trì để thu hoạch. Sản lượng thu hoạch tùy thuộc vào thời tiết và tình hình dịch hại năm đó. Theo thống kê của Công ty Timorcorp, mỗi một cây cà phê chỉ được đầu tư khoảng 1 USD/năm.
Do còn quá nhiều người mù chữ, đặc biệt là những người trẻ, nên việc phổ cập kỹ thuật canh tác bằng các phương pháp hiện đại cũng trở nên khó khăn. Những năm qua, để cảm ơn những người Đông Timor đã tạo nên dòng cà phê nổi tiếng cho mình, Công ty Starbucks đã đầu tư khoảng 70 triệu USD để chuyển giao kỹ thuật mới cho những hộ canh tác cà phê.
Anh Luke mời tôi thử nhấm nháp hương vị cà phê Đông Timor. Cảm giác tim đập thình thịch và hơi bị choáng bởi chất cafein quá đậm đặc. Anh Luke chia sẻ thêm: "Ở Đông Timor không có việc đầu tư lại các vườn cà phê sau khi thu hoạch như bón phân, tỉa cành, phòng trừ dịch hại...".
Chắc hẳn việc để cây cà phê sống hoang dã đã giúp hạt cà phê có hàm lượng cafein cao và ngon, môi trường sống trong sạch, nhưng bù lại năng suất không đạt theo yêu cầu. 85 - 90% hạt cà phê khô được Công ty Timorcorp thu mua để xuất khẩu, số còn lại được bán qua Indonesia để chế biến.
Trong thời Đông Timor còn thuộc Indonesia, những công ty quân đội hỗ trợ việc xuất khẩu cà phê bằng cách thu mua lại. Khi đã độc lập, những hộ canh tác cà phê lại lao đao với tình trạng không ai thu mua và người Trung Quốc, Thái Lan đã tìm đến đây để nắm bắt cơ hội. Gần đây, chính phủ Indonesia bắt đầu nối lại thương mại thông qua những công ty môi giới.
Với 6 nhân khẩu làm việc "hối hả” khi mùa cà phê đến, gia đình anh Luke nhận được khoảng 180 USD/ha và con số này chiếm khoảng 90% thu nhập của gia đình anh. Mân mê những đồng đô la lẻ trên tay, Luke mơ ước những nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào cây cà phê để cuộc sống gia đình anh bớt khó khăn hơn. Mơ ước rất giản dị nhưng xem ra Luke không dễ với tay chạm tới được.

NGUYỄN CHÍ LINH

Măm măm 7 món ăn trứ danh của Hong Kong

Bánh gạo nếp, thạch táo tàu... là những món bạn có thể đánh chén thỏa thích mà vẫn thòm thèm khi đến đất Hương Cảng.
Bánh gạo nếp
Đây là lựa chọn hoàn hảo cho một bữa sáng nhẹ nhàng hay một buổi ăn xế có giá “dịu” tại đất nước đắt đỏ thứ 2 của châu Á. Bánh được làm từ gạo nếp, bên trong có thể nhân mè đen hoặc bột đậu đỏ. Vẻ bên ngoài không thực sự bắt mắt nhưng vị của chúng sẽ khiến bạn phải rỏ nước bọt và ăn thêm vài cái nữa cho đã thèm đấy. 
Anh-1-1625-1392024475.jpg
Để được ăn đúng vị nhất bạn nên tìm đến các hàng ven đường ở khu Sham Shui Po. Hãy tránh những nhà hàng tráng miệng với các bảng hiệu hấp dẫn vì giá rất đắt đấy.
Sốt XO
Sốt XO là một thứ sốt có vị cay làm từ sò điệp khô, tôm, hành tây, tỏi và dầu ớt. Sốt này được dùng kèm với cơm chiên, dim sum, đậu hũ… Sốt này được dọn ra khi bạn ăn bất kì món truyền thống nào tại đây.
Anh-2-7628-1392024475.jpg
Tuy nhiên, để có được một phần sốt XO hoàn hảo thì bạn cũng đừng quên  ghé qua Nhà hàng Bán đảo Hồng Kông của người Quảng Đông, tại khu Spring Moon. Còn nếu bạn là một thực khách ăn chay thì có thể đến Ming Court tại khách sạn Langham Place thuộc khu Mong Kok.
Trà sữa truyền thống, trà sữa Âm - Dương
Thức uống mà bất kì teen nào đi đâu cũng phải tìm là trà sữa.
Anh-3-1841-1392024475.jpg
Tại Hồng Kông, có 2 món trà sữa  làm bạn dễ “xao lòng” nhất chính là trà sữa truyền thống với vị trà đen khá đậm pha cùng sữa đặc và trà sữa Yin-yang (nghĩa là  Âm - Dương), kết hợp giữa trà và cà phê, khiến hương vị của nó trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. 
Nước uống có ga nóng với gừng và chanh
Một thức uống khá lạ nên thử một lần khi đến đây phải không nào? Nước uống có ga được đun nóng lên cùng vài lát trà và gừng sẽ khiến vị giác của bạn “chao đảo” không ít đấy.
Anh-4-6292-1392024475.jpg
Bạn có thể tìm thấy món này tại các “cha chaan teng”, nghĩa là các quán trà theo kiểu truyền thống của Trung Hoa. 
Sinh tố dừa, trái cây hỗn hợp
Đây là một loại thức uống khá đặc biệt vì sự kết hợp của nó. Các loại nguyên liệu như trái cây tươi, khoai môn xắt lựu, bột lọc và thạch được xếp theo từng tầng riêng biệt. Sau đó, nước cốt dừa sẽ được đổ ngập các nguyên liệu trên tạo thành một hỗn hợp thức uống lạ miệng.
Anh-5-4651-1392024476.jpg
Địa chỉ duy nhất cho món nước độc đáo này là một nhà hàng nho nhỏ - Hui Lau Shan nằm ở khu Tsim Sha Tsui, ngay tại bến cảng Star Ferry. Đừng bỏ lỡ món ngọt ngào này nhé. 
Thạch táo tàu
Mùi vị của táo tàu đem đến cho món này một sự đặc biệt không thể diễn tả. “Tinh tế và nhẹ nhàng nhưng rất cuốn hút” là những từ ngữ mà thực khách dành cho món tráng miệng tuyệt vời này.
Anh-6-2496-1392024476.jpg

Bạn có thể tìm đến Ming Court tại khách sạn Laham Place để tận hưởng cảm giác sần sật và hương thơm đặc trưng của táo tàu tuơi. 
Bánh cuốn Cheung fun
Bánh cuốn Cheung fun ược dùng trong các bữa điểm tâm của người Hồng Kông. Nó có vẻ ngoài khá giống với món bánh cuốn Việt Nam. Tuy nhiên, hương vị có chút khác biệt khi sử dụng nước tương thay vì nước mắm. Tôm hay thịt nướng thường được dùng làm nhân bánh.
Anh-7-JPG-9672-1392024476.jpg
Món này dễ dàng được tìm thấy trong các nhà hàng dim sum với giá khá cao. Nhưng bạn cũng sẽ có một phần “cheung fun” từ một chiếc xe đẩy rất ngon lành trong khu phố Sham Shui Po đấy.  
Mạnh Vũ
Ảnh: Jaunted

20 món ăn nhìn là thèm ở Hong Kong

Lạp xưởng, bò hầm, bánh cuốn, ngỗng quay, lẩu khô... là những món ăn bạn không nên bỏ qua khi tới xứ cảng thơm.


Cha Siu Baau (Bánh bao xá xíu): Lớp vỏ xốp mềm bọc ngoài nhân xá xíu mặn ngọt khiến du khách ăn mãi không chán. Cắn một miếng bánh nóng, bạn sẽ thấy yêu Hong Kong hơn rất nhiều.
Cha Siu Baau (Bánh bao xá xíu): Lớp vỏ xốp mềm bọc ngoài nhân xá xíu mặn ngọt khiến du khách ăn mãi không chán. Cắn một miếng bánh nóng, bạn sẽ thấy yêu Hong Kong hơn rất nhiều.
Yu Dan (Cá viên): Thường được làm từ cá tuyết và chấm với một loại sốt cay đặc biệt, Yu Dan là món bạn không nên bỏ qua ở các chợ đêm.
Yu Dan (Cá viên): Thường được làm từ cá tuyết và chấm với một loại sốt cay đặc biệt, Yu Dan là món bạn không nên bỏ qua ở các chợ đêm.
Siu Yuk (Lợn quay): Thịt lợn quay được thái vuông và chấm với nước sốt chua ngọt lạ miệng và rất dễ ăn. Vị ngọt của thịt nạc hòa quyện với vị bùi của lớp mỡ và phần bì giòn tan khiến Siu Yuk được nhiều người yêu thích.
Siu Yuk (Lợn quay): Thịt lợn quay được thái vuông và chấm với nước sốt chua ngọt lạ miệng và rất dễ ăn. Vị ngọt của thịt nạc hòa quyện với vị bùi của lớp mỡ và phần bì giòn tan khiến Siu Yuk được nhiều người yêu thích.
Cheong Fun (Bánh cuốn nhân): Khá giống bánh cuốn của người Việt Nam, Cheaong Fun có lớp vỏ mềm và nhân làm từ thịt bò hoặc tôm, chấm với nước tương.
Cheong Fun (Bánh cuốn nhân): Khá giống bánh cuốn của người Việt Nam, Cheaong Fun có lớp vỏ mềm và nhân làm từ thịt bò hoặc tôm, chấm với nước tương.
Fish Congee (Cháo cá): Món ăn nhẹ nhàng mà giàu dinh dưỡng này có thể cho thêm các nguyên liệu như thịt lợn, trứng muối...
Fish Congee (Cháo cá): Món ăn nhẹ nhàng mà giàu dinh dưỡng này có thể cho thêm các nguyên liệu như thịt lợn, trứng muối...
Tong Jyun (Bánh trôi tàu): Những viên bánh nhân vừng đen ngọt ngào được thả trong nước dùng ngọt ngọt, cay cay là món ăn lý tưởng cho những ngày mát trời lang thang ở Hong Kong.
Tong Jyun (Bánh trôi tàu): Những viên bánh nhân vừng đen ngọt ngào được thả trong nước dùng ngọt ngọt, cay cay là món ăn lý tưởng cho những ngày mát trời lang thang ở Hong Kong.
Ngau Lam Tong (Bò hầm): Ức bò được ướp gia vị và ninh đến khi có thể tan ngay khi cho vào miệng. Vị ngọt mềm của thịt bò kết hợp với nước dùng đậm đà và mùi thơm của hành tươi thật hấp dẫn.
Ngau Lam Tong (Bò hầm): Ức bò được ướp gia vị và ninh đến khi có thể tan ngay khi cho vào miệng. Vị ngọt mềm của thịt bò kết hợp với nước dùng đậm đà và mùi thơm của hành tươi thật hấp dẫn.
Yuk Song Bao (Bánh bao chà bông): Loại bánh bao này có nhân là thịt heo xay nhuyễn như ruốc và món ăn hoàn hảo cho bữa sáng.
Yuk Song Bao (Bánh bao chà bông): Loại bánh bao này có nhân là thịt heo xay nhuyễn như ruốc và món ăn hoàn hảo cho bữa sáng.
Put Chai Ko (Bánh đúc đậu đỏ): Món ăn vặt này gần giống như bánh đúc, với nhân đậu đỏ ngọt bùi và lạ miệng.
Put Chai Ko (Bánh đúc đậu đỏ): Món ăn vặt này gần giống như bánh đúc, với nhân đậu đỏ ngọt bùi và lạ miệng.
Siu Gno (Ngỗng quay): Thịt ngỗng ngọt mềm với lớp da bắt mắt, giòn tan là một trong những món ngon bạn không nên bỏ qua khi tới Hong Kong.
Siu Gno (Ngỗng quay): Thịt ngỗng ngọt mềm với lớp da bắt mắt, giòn tan là một trong những món ngon bạn không nên bỏ qua khi tới Hong Kong.
Poon Choi (Lẩu khô): Với nguyên liệu đa dạng từ hải sản tới các loại thịt được chế biến và bày vào một thố lớn, Poon Choi là món ăn hấp dẫn phù hợp với nhiều khẩu vị, sở thích.
Poon Choi (Lẩu khô): Với nguyên liệu đa dạng từ hải sản tới các loại thịt được chế biến và bày vào một thố lớn, Poon Choi là món ăn hấp dẫn phù hợp với nhiều khẩu vị, sở thích.
Hong Kong French (Bánh mì kiểu Pháp): Bánh sandwich được phết bơ và thêm si-rô mạch nha hẳn sẽ làm những người thích ăn ngọt hài lòng.
Hong Kong French (Bánh mì kiểu Pháp): Bánh sandwich được phết bơ và thêm si-rô mạch nha hẳn sẽ làm những người thích ăn ngọt hài lòng.
Zhang Liang (Bánh cuốn quẩy): Tương tự như Cheong Fun, Zha Liang có lớp vỏ mềm như bánh cuốn bọc ngoài quẩy giòn.
Zhang Liang (Bánh cuốn quẩy): Tương tự như Cheong Fun, Zha Liang có lớp vỏ mềm như bánh cuốn bọc ngoài quẩy giòn.
Jin Deui (Bánh rán vừng): Với nhân đậu đỏ hoặc đậu đen và vỏ ngoài nhiều màu rực rỡ, Jin Deui là món ăn chơi thú vị của Hong Kong.
Jin Deui (Bánh rán vừng): Với nhân đậu đỏ hoặc đậu đen và vỏ ngoài nhiều màu rực rỡ, Jin Deui là món ăn chơi thú vị của Hong Kong.
Boh Loh Baau (Bánh dứa): Loại bánh xốp mềm này thường được ăn vào bữa sáng. Boh Loh Baau còn có tên “bánh dứa” do hình dạng mặt bánh.
Boh Loh Baau (Bánh dứa): Loại bánh xốp mềm này thường được ăn vào bữa sáng. Boh Loh Baau còn có tên “bánh dứa” do hình dạng mặt bánh.
Laap Cheung (Lạp xưởng): Có thể nói ai tới Hong Kong mà chưa thưởng thức lạp xưởng thì thật uổng phí. Món ăn nổi tiếng này được hun khói, cho thêm đường và gia vị trước khi được thái lát và thưởng thức.
Laap Cheung (Lạp xưởng): Ai tới Hong Kong mà chưa thưởng thức lạp xưởng thì thật uổng phí. Món ăn nổi tiếng này được hun khói, cho thêm đường và gia vị trước khi được thái lát và thưởng thức.
Gai Daan Jai (Bánh quế trứng): Được bày bán trên những con phố khắp Hong Kong, Gai Daan Jai hấp dẫn du khách với vị trứng đậm đà và giòn tan.
Gai Daan Jai (Bánh quế trứng): Được bày bán trên những con phố khắp Hong Kong, Gai Daan Jai hấp dẫn du khách với vị trứng đậm đà và giòn tan.
Feng Zhao (Chân gà): Những chiếc chân gà giòn dai rưới một loại nước tương đặc biệt rất hợp để ăn vào những ngày mát trời.
Feng Zhao (Chân gà): Những chiếc chân gà giòn dai rưới một loại nước tương đặc biệt rất hợp để ăn vào những ngày mát trời.
Egg Tart (Bánh trứng): Phần nhân ngọt ngào, béo ngậy làm từ trứng và sữa khiến món bánh này được nhiều người yêu thích.
Egg Tart (Bánh trứng): Phần nhân ngọt ngào, béo ngậy làm từ trứng và sữa khiến món bánh này được nhiều người yêu thích.
Thịt xiên nướng: Đây là một trong những món ăn đường phố hấp dẫn nhất Hong Kong, với đủ mọi loại nguyên liệu từ thịt tới hải sản, chả cá...Phóng to
Thịt xiên nướng: Đây là một trong những món ăn đường phố hấp dẫn nhất Hong Kong, với đủ mọi loại nguyên liệu từ thịt tới hải sản, chả cá...
Ảnh: Buzzfeed