Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

“Sướng” như đàn ông Nhật trong ngày Valentine


.
BizLIVE - Không giống như ở Việt Nam, ngày Valentine ở Nhật là một ngày đặc biệt đối với các đấng mày râu. Vào ngày này người có nhiệm vụ tặng quà là phái yếu và món quà duy nhất là chocolate
“Sướng” như đàn ông Nhật trong ngày Valentine
Nhiều phụ nữ Nhật chọn mua chocolate trước ngày Valentine. Ảnh AFP.
Vào thời điểm đầu năm, phụ nữ Việt Nam có đến hai ngày đặc biệt là lễ Valentine (14/2) và ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3). 
Những ngày này, người ta thường bắt gặp đàn ông Việt Nam ở các tiệm bán chocolate, shop lưu niệm, cửa hàng hoa, …
Trong khi đó, cùng thời điểm này, ở Nhật lại chú trọng hai ngày đặc biệt là ngày Valentine và White day (Valentine trắng, 14/3). 
Người Nhật hầu như không quan tâm đến ngày 8/3 dù đây là ngày Quốc tế Phụ nữ.
Đàn ông Nhật được tặng quà trong ngày Valentine
Lễ Valentine bắt nguồn từ phương Tây và du nhập vào Nhật Bản từ những năm 1930. Nhưng đến cuối thập niên 1950, Valentine mới bắt đầu phổ biến và được biến tấu đôi chút cho phù hợp với người Nhật.
Phong trào tặng quà ngày Valentine ở Nhật do ông Kunio Hara khởi xướng từ năm 1958. Ông Hara hiện đang là giám đốc công ty Mary Chocolate.
Đối với hầu hết người phương Tây, ngày Valentine là một ngày mà bất cứ ai cũng có thể bày tỏ tình yêu của họ đến những người đặc biệt hoặc là nam giới hoặc là nữ giới. 
Tuy nhiên, ở Nhật Bản, ngày lễ Valentine lại là ngày mà chỉ có phái nữ trao tặng chocolate cho phái nam, vợ tặng chồng, con gái tặng con trai hoặc con cái tặng cha mẹ của mình.
Chocolate tươi nguyên chất và chocolate tươi trà xanh là 2 loại được yêu thích nhất tại Nhật.
Nếu một người con gái thích một người con trai nhưng cô ta không biết liệu anh chàng đó có thích mình hay không, ngày 14/2 là một cơ hội tuyệt vời cho cô gái để nói với chàng trai những cảm xúc về tình yêu thương của mình. 
Cô gái không cần phải nói nhiều bởi những thanh chocolate đã thay lời nói lên tất cả.
Đối với học sinh cấp hai và cấp ba ở Nhật Bản, ngày Valentine cũng là một sự kiện lớn trong đời sống tình cảm của tuổi học trò.
Vì vậy, hôm đó chỉ cần xem bạn nam nào nhận được nhiều chocolate nhất thì đó chính là "hot boy" của trường.
Có thể so sánh ngày này với ngày 8/3 ở Việt Nam nhưng người tặng và người được tặng đổi vị trí cho nhau. 
Vào thời kỳ đầu, khi con gái chưa được tự do bày tỏ tình cảm như bây giờ thì ngày này còn được coi là ngày duy nhất mà con gái có thể tỏ tình.
Phụ nữ Nhật được “đáp lễ” vào ngày Valentine trắng
Hai mươi năm sau khi lễ tình nhân Valentine lên ngôi, Nhật Bản có thêm ngày Valentine trắng (14/3), đúng một tháng sau ngày Valentine, còn được gọi là ngày "đáp lễ".  
Vào ngày này, con trai có nhiệm vụ tặng quà cho những cô gái đã tặng chocolate cho họ vào ngày Valentine hay những cô gái mà họ yêu, thích.
Vào ngày này, các món như bánh quy, kẹo và chocolate trắng thường thông dụng hơn là chocolate. 
Nếu nhận bánh quy thì có nghĩa là "Anh yêu em", kẹo là "Anh mến em", còn chocolate trắng nghĩa là "Anh muốn làm bạn với em".
Mặc dù Valentine trắng không phổ biến bằng ngày Valentine truyền thống song trong ngày này rất nhiều người vẫn tặng quà cho một nửa của mình.
Quà tặng duy nhất trong ngày Valentine là chocolate
Vì chocolate là món quà được tặng nhiều nhất trong các dịp lễ, những ngày festival ở Nhật nên các khu mua sắm và siêu thị thường dự trữ chocolate với số lượng lớn để thu hút khách hàng. 
Người ta ước lượng ở Nhật, số chocolate bán được trong ngày lễ Valentine chiếm hơn một nửa tổng số chocolate được bán trong vòng một năm.
Trước ngày 14/2 hàng năm, các tiệm chocolate ở Nhật tấp nập khách hàng nữ, không có bóng dáng khách nam nào.
Theo một thống kê mới đây của Hiệp hội ca cao và chocolate Nhật Bản, người Nhật chi khoảng 130 tỷ Yên Nhật (1,24 tỷ USD) cho hoạt động mua sắm chocolate trong ngày Valentine, tương đương một nửa tổng chi phí mua sắm dành cho ngày lễ đặc biệt này.
Người Nhật cũng phân chocolate quà tặng trong ngày Valetine thành nhiều loại cho các đối tượng khác nhau.
“Giri choko” là tên loại chocolate được dành tặng cho nam giới là đồng nghiệp, bạn bè, cấp trên hoặc những người quan trọng khác. 
“Giri” theo tiếng Nhật có nghĩa là ý thức về trách nhiệm hoặc bổn phận (trả ơn đến ai đã từng giúp đỡ mình hoặc sẽ nhận được sự giúp đỡ).
Còn chocolate dành cho "ý trung nhân" được gọi là “Honmei choko” hoặc “Maji choko”. Chocolate loại này thường được các bạn nữ tự làm hoặc mua ở các cửa hàng chocolate danh tiếng.

Chocolate loại Giri choko.

Nếu bạn nhận chocolate từ một cô gái, thậm chí đó là “Giri choko”, chắc chắn rằng bạn đang được trông đợi để tặng lại những thanh chocolate trắng, kẹo dẻo hoặc một loại kẹo bất kỳ vào Valentine trắng.
Nếu đàn ông Nhật muốn nhân dịp này để thú nhận tình yêu với một người đặc biệt nào đó, họ cũng có thể tặng bạn gái đồ trang sức hoặc các vật kỷ niệm đắt tiền ...

Chocolate loại Tomo choko.
Gần đây, ngày lễ Tình yêu ở Nhật Bản đang thay đổi và nó trở nên phổ biến khi phái nữ tặng chocolate cho nhau. 
Họ cho rằng nếu món quà chocolate được xem như là một sự “ép buộc” để tặng những đồng nghiệp nam thì tại sao họ lại không thưởng thức những thanh chocolate tuyệt hảo với các nữ đồng nghiệp của họ? 
Những thanh chocolate này được gọi là “Tomo choko”.
Rất nhiều cô gái cũng thích mua những hộp chocolate đắt tiền cho chính họ như là một sự thết đãi đặc biệt cho bản thân vào ngày 14/2.

Không có nhận xét nào: