Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Bí kíp di chuyển ngon lành khi du lịch Bangkok

Để di chuyển trong thủ đô Bangkok, bạn có nhiều phương tiện lựa chọn như taxi, tuktuk, bus, BTS, MRT, tàu...
Chuẩn bị
Thông thường, khi đi du lịch nước ngoài mình dành tương đối nhiều thời gian để chuẩn bị. Vậy cần phải kiểm tra những thứ gì? Thường thì mình lập ra một file word sau đó sẽ in ra giấy và mang theo bên người trong suốt hành trình. File này sẽ gồm có vé máy bay điện tử, bảo hiểm du lịch, thông tin khách sạn, lịch trình dự kiến, cách di chuyển giữa các địa điểm, giá cả (nếu có). Có tập giấy này bên người, bạn sẽ tự tin lên hẳn, ngay cả khi phải đi du lịch một mình. Vậy nguồn ở đâu? Dĩ nhiên là internet rồi.
Một trang web tin cậy để theo sát chính là tripadvisor.com, thử gõ nơi bạn muốn đến vào ô tìm kiếm, tripadvisor sẽ cho bạn thông tin cụ thể, up-to-date về khách sạn, điểm tham quan, nhà hàng. Với chức năng filter, bạn có thể lọc khách sạn, nhà hàng theo khu vực, theo xếp hạng hoặc theo giá cả. Phần việc còn lại là dành thời gian để note ra thôi.

Ví dụ, sau khi chọn được khách sạn mình muốn ở là Park Plaza, mình đặt phòng qua Agoda, Agoda sẽ gửi mail confirm lại, và mình copy toàn bộ trang này ra file Note, tiếp đến là tìm hiểu xem từ sân bay đến khách sạn sẽ đi như thế nào, cố gắng xác định tương đối vị trí của khách sạn, như thế này chẳng hạn:
duong-5744-1392630969.jpg
Tìm kiếm địa chỉ, đường xá xong xuôi, giờ là bạn phải tính đến việc sẽ di chuyển bằng phương tiện gì giữa thủ đô Bangkok nổi tiếng tắc đường kẹt xe này. Dưới đây là một số chia sẻ của mình về việc đi lại ở Bangkok. Đường xá ở đây cũng dễ đi, chứ không rắc rối ngoằn ngoèo như phố cổ nhà mình đâu.
Phương tiện di chuyển ở sân bay
Ở Bangkok có 2 sân bay là Suvarnabhumi và Don Muang.
Suvarnabhumi là sân bay quốc tế, cách trung tâm thủ đô Bangkok khoảng 25 km. Đây là "bãi đáp" của các hành khách đi VietJet Air hay Vietnam Airline.

Nếu bạn mới lần đầu đến Bangkok, nên chọn taxi để di chuyển vào thành phố. Một điều lưu ý là không nên bắt taxi trong sân bay vì giá có thể đắt hơn gấp đôi, bạn chịu khó đi bộ ra ngoài một chút sẽ rẻ hơn rất nhiều. Từ sân bay đến các khu vực mua sắm kiểu Siam, Central World... bạn chỉ nên trả giá khoảng 350 - 400 bath (khoảng 240 - 270k)  thôi nhé. Bạn nào khéo mồm có thể chỉ mất 300 bath.
Không phải người lái taxi nào cũng biết tiếng Anh, nên tốt nhất bạn cứ giơ bản đồ hoặc địa chỉ nơi bạn cần đến, rồi viết số ra cũng được. Tài xế ở đây rất thân thiện nên bạn cứ thoải mái mặc cả, không phải ngại ngùng gì đâu.
Ngoài taxi, bạn cũng có thể chọn Airport rail link (đường tàu trên cao). Hiện nay, có 2 tàu chạy tuyến Suvarnabhumi - Phaya Thai và ngược lại. Tuyến Citylink (màu xanh) sẽ dừng khoảng 5 chặng, giá 45 bath, khá là đông đúc. Tuyến Expresslink (màu đỏ) là tuyến non-stop, tàu mới, sạch sẽ, vắng vẻ, giá 90 bath nhưng nhược điểm là độ dãn cách lớn hơn tuyến Citylink.
Phaya Thai còn là trạm BTS (tàu trên cao), từ đây bạn có thể đi đến các địa điểm khác ở Bangkok một cách dễ dàng.
di1-7612-1392630969.jpg
Bên trong khoang tàu Expresslink
Sân bay thứ hai ở thủ đô Bangkok là Don Muang (hay Don Muaeng, Đôn Mường). Nếu bạn mua vé của Air Asia, Nok Air, bạn sẽ dừng chân ở đây. Sân bay này cũ và nhỏ tí. Bạn cũng có thể lựa chọn taxi hoặc xe bus để di chuyển vào thành phố.
Bước ra cửa sân bay (gate 3), bạn nhìn thấy ngay những chiếc xe bus (có máy lạnh, mới hơn hẳn so với xe bus bình thường ở Bangkok), mua vé với giá 30 bath, sau đó ngả lưng khoảng 30-40 phút để tới trạm BTS Mochit. Từ đây, bạn có thể mua vé đi về các nơi ở Bangkok. 
Để di chuyển trong thủ đô Bangkok có nhiều phương tiện như taxi, tuktuk, bus, BTS, MRT, tàu.
Taxi 
Giá taxi ở Thái rẻ hơn Việt Nam, nhưng có một điều đau đầu là khi di chuyển vào giờ cao điểm (mà có vẻ như từ 8 a.m - 8 p.m lúc nào cũng là giờ cao điểm) bạn dễ phát điên vì kẹt xe khủng khiếp. Kinh nghiệm thực tế là mình đi từ bến tàu Thewet đến Baiyoke, nhìn trên bản đồ thì chưa tới 7 km nhưng mình mất hơn một giờ để đến nơi. 
Một điều phải nhắc đến nữa là việc trả giá trước khi di chuyển đến đâu. Tài xế thường thích fix giá chứ không chịu bật meter, cho nên nếu người Thái đi mất 100 bath, thì tài xế có thể gài bạn giá 250 bath, sau đó để bạn trả giá xuống và anh ta sẽ OK với giá 220 bath. 
Tốt nhất, hãy thống nhất là phải bật meter ngay từ đầu (chỉ vào meter là “Open” là được, không yêu cầu bạn nói tiếng Thái đâu mà, hihi). Nếu họ ko chịu bạn cứ chọn phương tiện khác. Nhưng thường sẽ khó bắt được taxi bật meter nếu bắt tại các điểm du lịch, trung tâm mua sắm nên cứ trả giá nếu bạn thấy hợp lý. Trong các màu xe taxi, mình thấy xe xanh lá -vàng là ổn nhất, taxi màu hồng chẳng dễ chịu chút nào.
Một chuyện cần cảnh giác khi đi taxi đó là nhiều tài xế rất thích gài và đem bán khách cho các cửa hàng đá quý, tiệm may, cò dịch vụ. Khi lên taxi, nếu họ lân la bắt chuyện về chuyện định đâu, mua gì thì cứ nói: "Tôi không có kế hoạch gì cả; Tôi không muốn mua gì hết"...
BTS và MRT 
Hệ thống MRT( tàu điện ngầm) của Bangkok khá non trẻ cho nên không tiện dụng bằng BTS (tàu trên cao). Với BTS bạn có thể tung hoành ở khu vực trung tâm thành phố cho dù cả 2 hệ thống này cộng lại cũng không phủ sóng bằng 1/3 ở Singapore. Giá vé giữa 2 trạm vào khoảng 7 bath, nhân viên thân thiện, nhiệt tình, dễ thương và có hướng dẫn tiếng Anh cụ thể, dễ hiểu.
di2-9191-1392630969.jpg
Hành lang nối Siam – Chitlom, các khách sạn và trung tâm thương mại ở Bangkok.
Ngoại trừ việc thang cuốn không có ở 90% trạm BTS thì đây là một phương tiện ngon lành để di chuyển ở Bangkok, nhanh chóng, không sợ kẹt xe, lừa đảo, giá rẻ. Rất nhiều khách sạn, trung tâm mua sắm có lối đi riêng thông ra các trạm BTS, và đặc biệt có một hành lang đi bộ trên cao giữa hai trạm Siam và Chitlom, nơi mà các bạn shopaholic sẽ mê mệt như ở thiên đường vì nó nối cả Siam Paragon, Central World...
Bus
Mình chưa thử đi bus ở Thái bao giờ nên không rõ phương tiện này thế nào nhưng nhìn từ bên ngoài thì trông chúng khá là cũ, màu sắc lòe loẹt, không có máy lạnh và chắc chắn là không thoát khỏi chuyện kẹt xe rồi.
Tuktuk, xe ôm
Nếu bạn muốn thử cảm giác phóng như bay, nghiêng ngả trên đường phố Bangkok tuktuk hay xe ôm là sự lựa chọn thú vị. Tuy nhiên theo tớ, mọi người không nên chọn phương tiện này vì các bác tài ở Thái Lan chạy kiểu "quên trời đất" khá nguy hiểm. Xe máy chắc lúc nào cũng chạy tầm 70-80km/h. Bạn tớ một lần đòi đi xe ôm mà sợ xanh mặt, cạch đến già luôn.
tu-1917-1392630970.jpg
Xe tuktuk ở Thái gần giống xe lam của Việt Nam mình ngày xưa. Ảnh: Journeytom.
Tàu 
Riverbus hay taxiboat chính là hệ thống tàu chạy trên sông Chao Praya cũng như một số kênh rạch ở Bangkok. Phương tiện này rẻ và chỉ phù hợp nếu các điểm đến của bạn ở gần sông rạch.
Có tàu Chao Praya express (cờ xanh dương) dành cho khách du lịch với giá 150 bath cho một ngày, bạn có thể lên/xuống ở bất kỳ bến tàu nào và với cả các tuyến khác. Các loại tàu thường sẽ có cờ màu cam, xanh lá, vàng. Tàu du lịch xuất phát tại bến Sathorn, bến này cũng là bến đặc dụng để đi Asiatique, bến riêng cho khách sạn Hilton và một số khách sạn hạng sang khác ở bên kia bờ sông. Bến này có ưu điểm là ngay trạm BTS Sathorn Tiaksin.

Sau đây là một số bến cơ bản:

- Phra Arthit (N13): Bến này gần đường Khaosan nhất (phố cho dân backpacker).
- Wang Lang (N10) - Wang Lang có chợ khá nổi tiếng và gần một số ngôi chùa như Wat Rakhang Khoisitaram (bên kia sông).
- Maharaj Pier (chỉ dành cho tàu du lịch) - gần đấy có Hoàng cung, Wat Phra Kaew.
- Tha Tien (N8) - cho những ai muốn tới Wat Pho, gần đó có Wat Arun (bên kia bờ sông, nhưng nếu để phục vụ cho chụp hình thì từ bên này sông sẽ cho ảnh đẹp hơn).
- Rachawongs (N5) - Chinatown.
Summer

Không có nhận xét nào: