Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Xuyên Pháp – Ý – Thụy Sĩ – trên tàu 5 sao

Xuyên Pháp – Ý – Thụy Sĩ – trên tàu 5 sao

ĐĂNG BỞI  - 
Mặc dù vé máy bay từ thị trấn nhỏ Strasbourg của Pháp qua Venice, Ý khá rẻ, chỉ 90 Euro/người và chỉ mất 3 giờ bay nhưng tôi vẫn chọn rong ruổi 8 tiếng trên tàu SBB – hãng tàu cao tốc của Thụy Sĩ với mức vé cao gần gấp 3 vé máy bay.
sbb-icn-zurich-311207_resize
Đón tàu SBB tại nhà ga ở Zurich
Nhà ga “tân cổ giao duyên” đoạt giải thiết kế xuất sắc
Khách du lịch đến Châu Âu không ai không biết đến hệ thống hàng không giá rẻ, họa có điên mới chọn ngồi tàu SBB (Swiss Federal Railways) của Thụy Sĩ. Đây là hệ thống tàu nằm trong hệ thống tàu Railteam hợp tác của các hãng tàu tốc độ cao hàng đầu Châu Âu gồm DB (Đức), SNCF (Pháp), Eurostar (UK, Pháp và Bỉ), NS Hispeed (Hà Lan), BB (Áo), SBB (Thụy Sĩ), SNCB (Bỉ), Thalys và Lyria nhằm cạnh tranh với các liên minh hàng không và mạng lưới các hãng hàng không giá rẻ dày đặc. Nhưng thực tế đã chứng minh: ngồi khoang hạng nhất trên chuyến bay đường dài cũng khó thể so với việc ngồi khoang hạng nhất một chuyến tàu cao tốc chạy xuyên các nước liên minh Châu Âu – thú trải nghiệm “nhàn nhã” ít người biết đến.
SBB first class lounge 3
Nội thất khoang  lounge hạng nhất
Điểm đặc biệt của hệ thống này là tàu chạy rất nhanh, có thể đạt tới vận tốc 300km/h, hành khách được phục vụ với cùng một tiêu chuẩn thống nhất trên các khoang hạng thường. Việc đặt vé sẽ thực hiện trên 1 trang web chung: http://www.railteam.com, nếu không may bị  lỡ tàu thì bạn vẫn có thể lên bất cứ tàu nào thuộc liên minh này để đi tiếp đến điểm đích.
Điểm khởi hành của tôi là Gare de Strasbourg – nhà ga lớn thứ 2 ở Pháp. Nó không chỉ là ga trung chuyển trong nội địa Pháp mà còn đến các nước lân cận: Bỉ, Đức, Hà Lan và Thụy Sĩ.
Gare de Strasbourg thoạt nhìn bên ngoài dễ khiến người ta lầm tưởng là một sân vận động lớn với mái vòm hình bầu dục làm bằng kính. Nhưng chỉ cần bước qua lớp kính đó, ta đã có thể chạm ngay vào một tòa nhà cổ kính được xây dựng từ nhiều thế kỷ trước. Sẽ là không quá khi dùng từ “tân cổ giao duyên” để miêu tả nhà ga này. Tòa nhà cổ được kiến trúc sư người Đức Johann Jacobsthal thiết kế năm 1883, xây dựng và hoàn thiện trong suốt những năm đầu thế kỷ 20. Sự kết hợp độc đáo này có được là nhờ sự kiện tháng 6.2007, nhà ga được trùng tu và tái thiết kế với mái vòm bằng kính dài 120 m bao quanh tòa nhà cổ. Không chỉ vậy, nhà ga còn tạo riêng các bảng chỉ dẫn chữ nổi dành riêng cho những người khiếm thị. Chính thiết kế mới và đặc biệt này, Strasbourg đã giành giải thưởng Brunel Awards – nhà ga có thiết kế xuất sắc năm 2008. Đây là giải thưởng uy tín đặt theo tên kiến tên trúc sư, kỹ sư đường sắt người Anh – Isambard Kingdom Brunel (1806-1859) do các kiến trúc sư đường sắt và nhà thiết kế châu Âu lập vào năm 1985 nhằm thúc đẩy chất lượng thẩm mỹ của kiến trúc, nghệ thuật, đồ họa, thiết kế kỹ thuật, cảnh quan, môi trường và xây dựng thương hiệu giữa các công ty đường sắt thế giới.
Lang thang khám phá xong những điểm mới lạ trong ga mà vẫn chưa đến giờ lên tàu, tôi vào phòng chờ dành cho khách VIP của SBB. Dù nội thất sang trọng, cách trang trí tao nhã, hiện đại, wifi miễn phí cùng nhiều phương tiện giải trí khác khiến tôi cảm thấy thoải mái nhưng vẫn chưa bằng cảm giác ngồi tàu, thảnh thơi đọc báo như đang ngồi trên sofa tại gia ở tốc độ lên tới 300km/h. Hệ thống thông tin trên tàu rất hiện đại, trên mỗi ghế sẽ hiện thông tin lộ trình của riêng từng khách: khách đó tới ga nào, thời gian còn lại so với điểm đến là bao nhiêu, ga dừng kế tiếp là ga nào. Điều đặc biệt là khoang bussiness có wifi khiến tôi thấy mình không bị phí thời gian, vừa lướt web, vừa ghi lại những trải nghiệm trong chuyến đi khi đang tận mắt ngắm cảnh thiên nhiên châu Âu.
Gare de Strasbourg
Bên trong nhà ga “tân cổ giao duyên” Gare de Strasbourg.
Strasbourg gare
Toàn cảnh nhà ga Gare de Strasbourg nhìn từ bên ngoài.
Chạm mắt dãy Alps
Trong hành trình từ Strasbourg tới Venice, tôi đi qua vùng biên giới giữa Pháp và Đức, sau đó dọc theo tuyến đường từ Basel qua Luzern, Biasca, Lugano, Bellizona, Milano để đến điểm cuối là ga Lucia nằm ngay trong thành phố lãng mạn Venice.
Biên giới giữa Thụy Sĩ và Ý được bao bọc bởi dãy Alps với những ngọn núi nổi tiếng như Matterhorn, Nadelhorn, Dufourspitze…  trải dài từ miền bắc Thụy Sĩ sang tới miền nam nước Ý. Hầu hết các thị trấn nhỏ ở miền núi đều không cho phép các phương tiện gây ô nhiễm đi lại trong thị trấn, chỉ có xe bus, xe lửa, và những phương tiện chạy bằng ắc quy điện để hạn chế khói bụi. Do đó, nếu chọn di chuyển bằng đường bộ, bạn sẽ chỉ đi đến được một vài trị trấn nhỏ rồi sẽ phải chuyển sang đi cáp hoặc tàu lửa để ngắm một phần những ngọn núi. Nhưng khi đi tàu, bạn sẽ chiêm ngưỡng được phần lớn vẻ đẹp ngang tàng của dãy núi nổi tiếng này. Tôi còn nhớ như in cảm xúc của mình khi gặp những tia nắng đầu tiên dát vàng lên những ngọn núi trùng trùng điệp điệp phủ đầy tuyết trắng nổi bật giữa nền trời xanh ngắt không một gợn mây. Những ngọn núi ánh lên một màu cam kỳ ảo, rực rỡ cùng với những thị trấn nhỏ xinh xắn nằm duyên dáng bên hồ, những căn nhà gỗ bình yên, thơ mộng nằm trên đồi và những đàn bò thơ thẩn gặm cỏ… Chỉ có thể thốt lên: “Sao lại có thể đẹp đến thế này?”
4679031256_69304f2c96_b
Basel – Thụy Sĩ
Luzen và Lugano
Đi tàu không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ của dãy Alps mà còn được “chạm mắt”  thật chi tiết vào vẻ đẹp của hai thành phố: Luzern và Lugano. Luzern có phong cách điển hình nhất của Thụy Sĩ với thành phố nằm bên hồ bao quanh bởi những dãy núi hùng vĩ và được xem là “lâu đài nước Châu Âu” nhờ hệ thống sông đổ đi khắp nơi. Điều này giải thích vì sao Luzern được chọn làm bưu ảnh quảng cáo cho đất nước Thụy Sĩ. Khi đến Luzern bạn sẽ không thể bỏ qua núi Rigi- nữ hoàng các núi. Ngọn núi nổi tiếng đến nỗi vào năm 1871, một đường tàu hỏa đã được xây dựng để phục vụ nhu cầu khách tham quan.
5969730460_d952e53276_o_resize
Lugano – Ý
day Alps
Lugano – Thụy Sĩ
Lugano thì nằm ở giữa 2 ngọn núi Monte Brè và Monte San Salvatore cao hơn 900m ở phía nam của dãy Alps – vị trí đẹp như mơ. Khí hậu Địa trung hải ấm áp, bao bọc bởi núi và hồ nên thật dễ hiểu vì sao Lugano còn được mệnh danh là “thành phố dành cho người giàu”. Đa số giới thượng lưu ở Thụy Sĩ chọn gửi tiền ở đây, phát triển các sòng bạc lớn Campione d’Italia, dinh thự xa hoa ”Grand Hotel”, nhiều cửa hàng vàng bạc trang sức sang trọng với những món trang sức lên tới hàng trăm ngàn euro…
Khi tàu đi qua những thành phố xinh đẹp này, tôi nhớ đến cảm giác khi mình nhìn mọi thứ qua ảnh, tạp chí. Tôi đã từng tưởng tượng một ngày nào đó sẽ tới đây và nay thì những gì mình thường mơ thấy đang ở ngay trong tầm mắt. Cảm giác có thể tận mắt nhìn với đôi chân đang đứng trên vùng đất chỉ từng được nhìn qua ảnh thật phấn khích. Cảm giác của tôi giống như khi Julius Caesar đã nói “Veni, vidi, vici – Tôi đã đến, tôi đã trông thấy và tôi đã chiến thắng”. Bên ngoài ô cửa kính của đoàn tàu là cuộc sống đang chầm chậm trôi, một gia đình nhỏ và những người bạn đang cười nói vui vẻ ở một quán café lãng mạn ven hồ, một em bé đang chơi đùa với mẹ dưới ánh nắng, bà cụ đang ngồi trên ghế thảnh thơi đọc báo, một cô gái xinh xắn đang tưới nước cho những chậu hoa đỏ rực ở ban công. Những cửa hàng bán đồ trang sức, lưu niệm, quần áo cũng rục rịch mở cửa cho một ngày mới. Xa xa là đôi bạn trẻ đang bơi thuyền  giữa lòng hồ xanh ngọc mênh mông. Bình yên và êm ả.
 Thun Lake_Thuy Sy123
Thun lake – Thụy Sĩ
author 1_resize
Tác giả Ngọc Trần ở Paris.
Từ Strasbourg tới Venice bạn có thể đi bằng ô tô, tàu và máy bay. Đi ô tô bạn sẽ mất khoảng 26 tiếng với hệ thống bus dọc ngang xuyên quốc gia của Eurolines. Đi máy bay bạn chỉ mất 3 giờ để nhìn mây và những ngọn núi từ trên cao qua ô cửa sổ nhỏ bé. Còn đi tàu SBB, bạn sẽ mất 8 tiếng nhưng là 8 tiếng của những trải nghiệm không thể trải qua với bất kỳ phương tiện nào khác. Bạn đã bao giờ được ngắm những ngọn núi trắng tuyết kỳ vĩ trên một nền trời xanh như thế và cảm giác mình đang đi song song, đồng hành cùng những ngọn núi? Tôi đã từng có cảm giác này khi ngắm những ngọn núi qua máy bay, nhưng cảm giác chỉ cần với tay ra khỏi cửa sổ là có thể chạm vào núi thì chỉ có thể có được khi ngồi tàu. Một cảm giác không phải lướt qua núi hay trượt trên những ngọn núi, mà là xuyên qua những dãy núi, xuyên qua những cánh đồng xanh mướt cỏ, xuyên qua những thị trấn từ Pháp, Thụy Sĩ sang tới Ý. Xuyên qua và cảm nhận những cảnh sắc thiên nhiên, kiến trúc và văn hóa thay đổi dần từ Pháp qua Thụy Sĩ, sang Ý. Trải nghiệm này khiến bạn trầm trồ, mãn nguyện để mỗi khi nhớ tới nó bạn sẽ không khỏi bồi hồi rằng vì sao có lúc mình lại “nhàn nhã” và “sang cả” đến thế.
Theo Duyên Dáng Việt Nam – Bài & Ảnh: Ngọc Trần

Không có nhận xét nào: