TTCT - Dù có những tranh cãi, nhưng theo nhiều tài liệu và cả cẩm nang gối đầu của dân du lịch Lonely Planet, ba con đèo cao nhất thế giới là Khardung La 5.602m, Tanglang La 5.328m và Chang La 5.289m, ở Bắc Ấn.
Chinh phục cả ba con đèo này quả là thách thức lớn và không phải là điều dễ dàng. Có lần đã đến cách đỉnh đèo chỉ non hai cây số nhưng phải quay về, có lần xe trượt bánh trên băng trơn, cách mép vực thẳm chỉ non mét...
Cần nói rõ đèo ở đây là những con đèo mà xe có động cơ qua lại được. Có những con đèo khác dù cao hơn nhưng chỉ dành cho người đi bộ hành hương, cưỡi ngựa… như đèo Drolma ở Kailash, Tây Tạng, 5.680m...
Hiểm nguy “Đống xác chết”
Nằm cách phố núi Manali - điểm du lịch nổi tiếng của bang Himachal Pradesh - 51km, đèo Rohtang La là điểm du lịch khá đông khách. Vùng tiểu khí hậu quanh đèo cả năm tuyết bay. Chỉ cuốc bộ hoặc cưỡi ngựa leo núi hơn một giờ từ ngôi làng nhỏ cạnh đèo là đến một triền núi cao quanh năm tuyết phủ để chạm đến tuyết, thú vị ngồi nằm tạo dáng những tấm hình đủ kiểu lắm điệu... Sức hấp dẫn này cuốn hút hằng năm hơn 2,5 triệu du khách.
Đường đi từ Manali đến đèo Rohtang La (Rohtang có nghĩa là “đống xác chết”) nguy hiểm thật. Không chỉ dốc lên dốc xuống dựng đứng, quanh co ôm những triền núi lắt léo khúc khuỷu mà còn vì con đường quá nhỏ. Có đoạn hẹp đến nỗi một làn xe phải dừng lại cho làn kia, có đoạn hai xe tránh nhau cọ sườn nghe sàn sạt, mà kế bên là vực thẳm hun hút.
Sách vở ghi lại từ những thế kỷ trước đã có hàng trăm người bỏ mạng trên con đèo này vì tai nạn, vì giá băng khi kẹt lại giữa đèo... Bây giờ tuy xe cộ đường sá hiện đại hơn, tai nạn đã giảm bớt nhưng con đường này vẫn chỉ mở cửa mỗi năm khoảng bốn tháng, từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 10.
Nhưng bù lại, quang cảnh ở đây tuyệt vời. Từ nhìn gần với những làng mạc đồng cỏ đồi núi sông suối, đến nhìn xa là những dãy núi tuyết trắng, núi phủ thông xanh vĩnh cửu, núi lá vàng mùa thu... thiên nhiên nơi đây đẹp đến ngạt thở và khác xa với cái cảm nhận về bụi, bẩn kinh hồn của nhiều người về xứ Ấn.
Chỉ ra khỏi Manali 5km, du khách sẽ nhìn thấy con suối trong veo Nehru Kund chảy róc rách khi giữa triền đá lúc bên những cánh đồng thu vàng mênh mông. Đi thêm 11km là ngôi làng nhỏ Kothi nằm ở độ cao 2.500m, bên cạnh con sông Bea nên thơ.
Ngôi làng nhỏ nằm giữa hẻm núi này là một điểm dừng chân ưa thích của du khách để trekking xuyên hẻm núi cao vút khám phá những con suối nước nóng, lạnh phún trào hay đến thung lũng Solang Nala không xa để leo lên những cánh diều paragliding bay lượn bên triền Himalaya hùng vĩ.
Cung đường thêm thú vị nhờ những ngôi chùa Phật giáo Mật tông - Ảnh: Trần Thái Hoãn |
Đồng vàng, đèo tuyết trắng, hồ xanh
Qua đèo tử thần Rohtang La, đèo cao thứ hai thế giới Tanglang La, tôi đến miền đất Leh đẹp như tranh. Điểm tô cho con đường là những cánh đồng nâu đang mùa phơi ải với những dãy tường đất phiến cao cao, là lạ của người Tạng. Không chỉ để giữ nước, rất ít ỏi giữa miền đất cằn khô này, chúng còn có tác dụng ngăn lũ gia súc quấy phá những đồng lúa, nương rau hiếm hoi, quý giá nơi đây.
Dặm thêm nét cho những cánh đồng đẹp, khép nép bên những hàng cây phong vàng hực quanh vườn, quanh nhà, lơ thơ những ngôi nhà vuông vắn mái bằng với những khung cửa màu sắc rực rỡ đặc trưng của người Tạng, làm miền quê nghèo càng nên thơ.
Nhưng có lẽ những tác phẩm đẹp nhất đến từ tay con người nơi miền đất thuần Phật giáo Mật tông này chính là những thiền viện nằm trên các sườn núi, đỉnh đồi chót vót. Những thiền viện Phật giáo với ba mảng màu mạnh đặc trưng trắng vàng đỏ, những hàng bảo tháp thanh thoát, trắng toát tinh khôi trong nắng sớm, những hàng cờ phướn, kinh Phật Tây Tạng rực sắc, phần phật bay trong gió… đẹp đến ngỡ ngàng.
Từng ngôi chùa, thiền viện chúng tôi ngang qua xứng đáng cho những chuyến viếng thăm nhiều giờ, chứ không phải là những tấm hình chụp vội đầy tiếc nuối trên xe.
Chang La - nơi dừng chân của lữ khách nơi biên giới - Ảnh: Trần Thái Hoãn |
Chỉ cao thứ ba thế giới (theo nhiều tài liệu là 5.289m, dù tại đèo con số được ghi là 5.360m), Chang La được biết nhiều hơn hai con đèo anh cả, anh hai. Thấp, gần Leh hơn, dễ đi, vùng tiểu khí hậu quanh Chang La không quá khắc nghiệt, con đèo còn đông khách hơn vì ngôi chùa Phật giáo Mật tông linh thiêng lặng lẽ kế bên.
Và bồi hồi chia tay Chang La, hướng đến điểm “must-see” của mọi du khách đến Leh - hồ thiêng Pangong Tso.
Nằm ở độ cao 4.350m, chỉ một phần nhỏ ở Ladakh, gần 3/4 còn lại Pangong Tso thuộc về Tây Tạng. Cửa ngõ viếng hồ phía Tây Tạng hầu như đóng chặt nên khách mến mộ phải đi từ Leh. Là hồ thiêng của người dân cả hai bên, Pangong Tso được dân du lịch biết nhiều vì vẻ đẹp lạ của một hồ nước lợ ở vùng chót vót cao này.
Và khi đến được Pangong Tso mới thấy sự bất lực của các ngòi bút, cũng như các máy chụp hình dù hiện đại tiên tiến cỡ nào. Vì chúng không thể nào tả nổi, lưu nổi các sắc xanh lạ trên gương hồ Pangong Tso.
Phóng tầm mắt từ trên cao sẽ thấy hồ có nhiều khoảng màu khác nhau. Xuống ven hồ, nhìn xuyên qua làn nước trong vắt cũng thấy nhiều sắc lạ. Theo mực nước nông sâu, theo phần đáy hồ là sỏi hay bùn cát có các loại thủy sinh vật, phiêu sinh vật khác nhau cư trú, theo màu của núi non soi bóng, theo chiều xuôi ngược của con nắng trưa vàng hực...
Pangong Tso long lanh, lộng lẫy nhiều sắc xanh trong nắng. Rồi khi lũ gió trưa hoang đàng ùa về, hồ dậy lên những cơn sóng bạc lúc li ti lúc lấp lánh, tráng nên vẻ lung linh mới cho hồ.
TRẦN THÁI HOÃN
Choáng với Khardung La
.
TTCT - Trong số báo trước, bạn đọc đã cùng TTCT chinh phục những con đèo cao thứ hai, thứ ba thế giới. Số này hãy cùng chúng tôi vượt qua Khardung La, con đèo cao nhất thế giới, mà ai đã từng đi đều thừa nhận hành trình ấn tượng đến kinh hoàng.
.
Chiếc xe này suýt trượt bánh xuống mép vực vì sương mù và tuyết - Ảnh: Trần Thái Hoãn |
Cuộc đi để đời
Dù còn tranh cãi bởi nhiều nguồn tài liệu khác nhau, Khardung La, 5.602m, vẫn là đèo cao nhất thế giới. Tôi đăng ký chờ ở các công ty du lịch. Đã cuối mùa, đường hiểm trở, cả tuần mới gom đủ người.
Buổi mai sớm đó thấy Leh trời xanh vời vợi, mây trắng vài mảnh mỏng tanh, hững hờ… Nào ngờ càng xa Leh, càng lên cao, sương mù dần thay mây trắng. Rồi tuyết bay thay sương mù. Trời trở nên xám xịt, mờ mịt sương, trắng xóa tuyết. Đến chốt gác South Pullu cách Khardung La 14km, xe bị chặn lại vì đường băng giá.
Hơn một giờ sau xe mới được đi, sau đoàn xe quân sự bánh xe quấn xích sắt. Cứ thế xe lầm lũi chạy vào vùng trắng. Trên trời dưới đất… khắp mọi nơi đều trắng xóa. Chiếc xe lắt lẻo trên con đường trơn tuột, dốc ngược, chênh vênh sát bên vực thẳm, mấy lần tài xế định quay xe về nhưng lữ khách không chịu lùi.
Chỉ đến khi mấy lần bánh sau trượt ngang trên đường trơn tuột đưa đít xe tới bên mép vực, chỉ đến khi xe đến cột đá “India Gate”, tuyết ngập gần kín bánh xe, phía trước đoàn xe bánh quấn xích sắt nằm bất động hàng dài cả trăm mét..., cả hội mới thống nhất cái rụp, ủ rũ quay về. Giấc mơ đi qua ngọn đèo cao nhất thế giới của tôi tan tành như tuyết đang lả tả bay ngoài cửa xe!
Về phố, buồn bã đi viếng chùa Shanti, gặp anh hướng dẫn viên quen bảo: “Sao không tự đi, giờ chính quyền cho phép rồi!”, rồi chỉ đường ra bến xe địa phương đi Nubra. Anh nói thêm: “Xe du lịch thấy nguy hiểm là họ quay về, còn dân địa phương họ cứ đi vì có việc. Mà băng tuyết nhằm nhò gì với mấy đứa tài xế trẻ đó, tụi nó đi tuốt luốt”.
Sáng sớm hôm sau, tôi được lèn vào chiếc xe chật cứng. Đến Pullu, xe lại chờ trong khắc khoải. Hôm qua thi thoảng thấy mặt đường nhựa hoặc đá. Hôm nay toàn bộ con đường tuyết ngập phủ. Những lúc xe qua mấy khúc đường trơn tuột quanh co sát bên mép vực sâu hoắm, chỉ còn biết nhắm nghiền mắt.
Và kia rồi, tấm biển báo 500m nữa đến Khardung La như liều thuốc hồi sinh giúp hồi tỉnh. Rồi Khardung La, rồi quán Cafeteria cao nhất thế giới ở độ cao 5.602m kia rồi... Nhưng tiếc quá, đây là xe khách và mọi người đang vội nên chiếc xe vụt qua Khardung La. Ngọn đèo cao nhất thế giới mới đó đã nằm xa phía sau.
Đường còn chông gai nhưng phía trước trời đã xanh trở lại - Ảnh: T.T.H |
Uống cà phê nơi có một không hai trên thế giới - Ảnh: T.T.H |
Miền Nubra lộng lẫy
Niềm vui chưa trọn đã tiếp tục kinh hoàng. Đúng như anh tài xế hôm qua nói, đường đi xuống còn nguy hiểm hơn. Chiếc xe xìa một bánh ra sát mép vực, mọi người hoảng hồn nhảy xuống, kéo xe vào trong, rồi đi bộ trong tuyết để xe giảm tải, bớt trơn trượt đi xuống đoạn dốc đứng. Và cứ như thế, mấy lần... đứng tim!
Chẳng mấy chốc đã thấy trời Nubra xanh ngắt. Dù vẫn bò trên đường tuyết, nhưng nắng vàng ấm áp và trời cao xanh ngắt đã làm bao âu lo kinh hãi mau tan. Qua nhanh miền tuyết trắng, những rừng cây vàng lá ẩn hiện soi bóng bên dòng Shyok xanh ngắt lượn lờ cùng con đường làm tôi háo hức. Mải mê bấm, bấm và bấm... Những bạn đồng hành mộc mạc cứ tủm tỉm cười.
Và khi nhìn thấy pho tượng Phật Maitreya hiền từ thanh thoát xa xa trên đồi cao, tôi mới biết mình đã đặt chân đến Diskit, Nubra. Mới biết vừa qua khỏi cung đường “tử thần” chỉ để thỏa chí chinh phục con đèo cao nhất thế giới Khardung La. Và may mắn thay, miền đất Nubra lại là món quà tuyệt vời khác tặng cho những kẻ lãng du vượt qua Khardung La.
Trên đường quay về, may thay gặp lại anh tài xế cũ, tha thiết nhờ nên anh dừng xe lại Khardung La vài phút. Chỉ chụp vội vài tấm hình, sờ vào vài tảng đá, phướn cờ, chạm vào Khardung La ngay dưới chân mình... tôi vội chia tay ngọn đèo cao nhất thế giới.
Hàng quán dã chiến ở độ cao 4.285m - Ảnh: T.T.H |
Được tưởng thưởng một bức tranh tuyệt vời sau hành trình vất vả - Ảnh: T.T.H |
Đồ ấm là thứ nhất thiết phải chuẩn bị khi muốn trải qua hành trình chinh phục những con đèo cao nhất thế giới. Nếu leo núi tuyết nhất định phải thuê đồ ấm (cho thuê ở đây rất nhiều) hoặc đem theo vì núi tuyết khá lạnh. Chưa quen độ cao bạn nên thuê ngựa thay vì đi bộ lên núi tuyết.
Thức ăn ở Rohtang La vẫn còn mang phong vị Ấn dù đã gia giảm cho hợp khẩu vị du khách. Ở Manali dù đi lúc nào thời tiết về đêm trên cung đường này cũng rất lạnh, có thể mua đồ ấm ở Manali, giá khá rẻ. Nhất định phải có 2-3 khẩu trang vì khá nhiều đoạn chạy như giữa “hoang mạc”.
Lưu ý lúc bước từ xe ra các đỉnh đèo dễ bị sốc lạnh, độ cao. Mua thuốc ở Manali, hoặc tập đi bộ, lên dốc, leo núi... Qua khỏi Rohtang La, thức ăn mang phong vị Tây Tạng, các món chao-men (mì) xào, nước cũng dễ ăn. Có thể ăn các loại bánh rán nhân thịt, đậu… samosa khá nhiều gia vị và năng lượng. Trà sữa với đủ vị mặn, ngọt, béo, thơm mùi quế, nóng hôi hổi luôn được yêu thích.
Để đi đến đèo Chang La, hồ Pangong Tso và một số vùng miền đẹp khác ngoài Leh, du khách phải xin loại giấy phép Inner Line Permit, nên nhờ các công ty du lịch làm giúp. Đi nhóm 4-6 người thì thuê nguyên xe của họ. Đi lẻ tiết kiệm nhưng phải đăng ký riêng, đủ sáu người sẽ khởi hành. Giá thuê xe 2-3 triệu đồng/ngày, tùy xe.
Thời tiết ở hồ Pangong Tso, đèo Chang La rất lạnh, ngay khi Leh đang nắng nóng. Quanh bãi đậu xe của hồ có các lều trại của người địa phương bán thức ăn, trà sữa nóng, giá rất bình dân.
Nhiều du khách chỉ đến Khardung La rồi về, nhưng Nubra rất đẹp. Muốn đi Nubra, qua Khardung La, cũng phải xin Inner Line Permit, và chỉ đi được từ tháng 5 đến tháng 10. Nubra là miền đất lạ, cưỡi lạc đà khám phá hoang mạc, ở nhà dân địa phương là những trải nghiệm khó quên.
|
TRẦN THÁI HOÃN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét