Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Bộ Tripitaka ở chùa Haiensa xứ Đại Hàn

 
Võ Quang Yến
 


Click this bar to view the full image.

Sách du lịch thường khuyên đi ngang Huế, nếu có ít thì giờ, ít nhất phải viếng chùa Thiên Mụ. Sách du lịch cũng bảo ghé Đại Hàn, nếu chỉ có thì giờ đi xem một chùa thì nên viếng chùa Haiensa, vì chùa nầy không phải đẹp nhất, mà nhờ có bộ Tripitaka nổi tiếng. Có dịp đến đây vào cuối thu, chỉ nhẹ bước trên đường dẫn lên các thiền viện, trong ánh nắng chiếu qua các ngọn lá xanh, nâu, vàng, đỏ những cấy thích, bạch quả, là đã thấy lòng lân lân, sẵn sàng tiến vào cỏi Tiên Phật. Rồi khi khách đứng trước những ngôi nhà kiến trúc độc đáo, trang trí hài hòa là quên mọi bận bịu, buồn phiến của cuộc đời trần giới. Thật ra chùa đẹp không hiếm ở Đại Hàn. Gần kinh đô Seoul, có Pongunsa với bốn vị Thiên Vương ở ngay cửa ngoài, cạnh đó có Popchu với tượng đức Phật lớn nhất nước (27m) đội một cái mũ vuông bằng đá hoa cương, trên bờ Hoàng Hải có Naksansa được nhà sư Uisang dựng lên từ thế kỷ 7 sau khi đức Quan Âm hiện lên chỉ chỗ, quanh hải cảng Pusan có Tongdosa, một trong những ngôi chùa lớn nhất nước, dựa vào dãy Chiri còn hoang vu có Hwaomsa, ngôi chùa đẹp nhất vùng tây nam, vùng đồi Andong có Pisoka, ngôi chùa xưa nhất xứ... để chỉ kể một vài danh lam thắng cảnh không thể bỏ qua khi đi quanh xứ Ban mai trong sáng mà thường người Âu gọi là xứ Ban mai trầm lặng. Chùa nào cũng có vài ba bảo vật, ít nhiều quý báu, nhưng nói đến bộ Tripitaka thì không đâu sánh được với Haiensa.
Tripitaka là một Phạn tự, tri nghĩa là ba, pitaka theo nghĩa đen là một cái giỏ hay một cái hộp tượng trưng một tập chính văn. Ba tập nầy, ta gọi Tam Tạng, là ba loại văn bản hợp thành giáo điều Phật giáo : Sutra, Kinh tạng, gồm những bài thuyết pháp của đức Phật Thích Ca, là sách trình bày những bài giảng về học thuyết ; Vinaya, Luật tạng, gồm những giới luật do đức Phật chế định, là những quy tắc kỷ luật làm khuôn phép cho sinh hoạt các tăng sĩ ; và Abhidharma, Luận tạng, những bình chú về các Sutra và Vinaya kia, bao gồm những bài viết, sách Phật để trình bày giáo lý. Sau khi đức Phật viện tịch, hội nghị đầu tiên để sưu tập những lời giảng dạy của Ngài nhóm 500 vị La Hán trong một cái động ở miền nam thị xã Rajagriha vùng Magadha bên Ấn Độ, dưới sự giám sát của Maha Kashyapa (Ma ha Ca Diếp) , một trong những đồ đệ chính và lớn tuổi của Ngài, được xem là người hoàn hảo nhất trong cuộc thực hành khổ hạnh. Tục truyền trong buổi nhóm lịch sử ấy, Ananda (A Nan Đà), người bà con và cũng là đồ dệ gần nhất đã đi theo Ngài nhiều năm, đọc thuộc lòng những Sutra, còn Upali (U Bá Lị), đồ đệ đã áp dụng triệt để những lời dạy của Ngài, thì đọc những Vinaya. Phần Abhidharma được thêm vào sau, khi các tông phái Đại thừa phổ biến những bình chú, các nhà Phật học viết sách giới thiệu, trình bày giáo lý có hệ thống.

Phật giáo xâm nhập Hàn Quốc cuối thế kỷ 4 vào thời đại Tam Quốc. Những tăng sĩ Trung Quốc đầu tiên đến vương quốc Koguryo, dần dần lấn qua vương quốc Paekche, và hai thế kỷ sau Phật giáo mới phát triển mạnh mẽ ở vương quốc Sila. Cuối thế kỷ 8, vương quốc nầy yếu dần, nhiều sứ quân nổi dậy khắp nơi. Khi biên thùy bị vương quốc Paekche hăm dọa, vua Kyong mời một người có tiếng nhiều tài năng, Wang Kon, vào triều cứu giúp và sau đó, để tránh đổ máu, nhường ngôi luôn cho ông ta. Wang Kon thành công thống nhất xứ sở, đặt tên nước Koryo, tức là Koguryo rút ngắn lại, cho dời kinh đô từ Kyonju về Kaesong, lập nên một triều đại dài hơn 400 năm (918-1392). Tuy xuất thân từ một gia đình nhà buôn, ông biết mời giữ quý tộc cũ, tổ chức xã hội theo thứ bậc, sao phỏng thiết chế các triều đại đời Đường, Tống bên Trung Quốc. Tuy nhiên, Khổng giáo không lấn áp được Phật giáo : các vua mời nhiều tăng sĩ Phật giáo tham dự chính quyền và họ đã đóng một vai trò quan trọng trong mọi quốc sự lớn, nhỏ đến nỗi nhiều người không bằng lòng và chuyện nầy có ảnh hưởng rất nhiều trong tương lai của triều đại. Dù sao, lúc bấy giờ Phật giáo phát triển mạnh mẽ và trở nên quốc giáo. Chưa bao giờ chùa chiền được xây dựng nhiều như lúc nầy. Chính phủ lại khuyến khích việc giảng dạy Phật giáo nên nhiều chùa chăm lo chuyện ấn loát văn bản học thuyết. Với những đồ sứ màu lục nhạt celadon, bộ Tripikata là bằng chứng bất hủ của gia tài thời đại Koryo.

Những năm đầu thế kỷ 9, hai tu sĩ Hàn Quốc đi du học hên Trung Quốc về, cất một cái nhà tu nhỏ cạnh một ngọn suối, lấy thanh tịnh làm gốc, thực hiện phép thiền seon nơi yên lặng núi đồi. Thanh danh của họ lan tràn khắp nơi nên khi bà hoàng hậu bị đau yếu thì nhà vua Shila mời hai vị nầy lại cứu chữa. Thành công mỹ mãn nhờ kiến thức rộng lớn về thuốc men, họ được vua biết ơn, bỏ tiền cho xây một ngôi chùa lớn thay thế nhà tu nhỏ trước kia. Sau nầy nhà vua tiếp tục cung cấp vật liệu, tài chánh và cũng thường hay đi lại không những để nghỉ ngơi mà còn để đàm đạo với hai nhà chân tu. Chùa Haiensa nhờ vậy trở nên một trong những ngôi chùa lớn nhất với Tongdosa và Songkwangsa, gồm khoảng 30 ngôi nhà, đạt đến 300 tăng sĩ. Tọa lạc trên sườn núi cây rừng trong dãy Kaya, chùa Haiensa thuộc tông phái Avatamshaka mà giáo điều hướng về mục tiêu chứng minh thế giới hiện tượng chỉ là một ảo tưởng không có gì vững bền, một phản ảnh trên nuớc. Đường lên chùa dẫn khách qua một tam quan, đi ngang trước miếu thờ đức Bodhidharma (Bồ Đề Đạt Ma) trước khi đạt đến sân thứ nhất, rộng lớn với nhiều nhà dịch vụ. Một trong những nhà nầy đặt biệt có đặt ở giữa một cái trống lớn và treo xung quanh một cái mõ gỗ hình cá, một cái khánh hình đám mây và một cái chuông đồng : người ta đánh trống kêu gọi tín đồ thập phương trên bộ, đánh khánh để mời sinh vật trên trời, đánh mõ để rước sinh vật dưới nước và đánh chuông để thỉnh thần linh ở thế giới bên kia. Mỗi ngày các tu sĩ hành lễ ba lần : sáng tinh sương khi mặt trời chưa mọc, giữa trưa trước ngọ và chiều vào lúc chạn vạn, mặt trời vừa lặn.

Một cái thang dưới điện Kugwangsu đưa khách lên sân thứ hai, trước một viện bảo tàng nhỏ. Trước cửa, một hình tượng gỗ sơn màu hình dung vị sáng lập giáo phái Hwaom đã được thiên cảm ngay ở Haiensa. Trội hẳn sân thứ ba là chính điện Taejokkwangjon (1818) thờ phụng Vairochana, tức là đức Thật thần khải, nguồn gốc của mọi Chân lý. Phật giáo ở đây còn được thể hiện qua bức chân dung đức Thích Ca Mâu Ni vẻ bên trái bàn thờ và một miếu thờ 16 vị La Hán ở cuối sân, nhưng các Ngài không phải là những vị độc nhất được sùng bái. Trong sân còn có miếu thờ Kshitigarbha tức Chijang (Địa Tạng), chủ tọa tòa án gồm có 10 vị Diêm Vương và những thánh rất xa lạ với Phật giáo như thần núi sa man Shanshin ngồi với cọp, ẩn sĩ Lão giáo Toksong giữa rừng thông, thác, hươu, sếu, Chilsong tức Long Vương ở biển cả. Sau chính điện, một cái thang dẫn khách lên sân cao nhất là nơi có hai dãy nhà song song làm thành thư viện chứa đựng bộ Tripitaka. Được xây dựng năm 1488, hai ngôi nhà nầy may mắn còn tồn tại sau các vụ hỏa hoạn, lớn nhất là vào năm 1817 đã đốt cháy rất nhiều.

Vào thế kỷ 10, các tăng sĩ Trung Quốc đã từng in toàn bộ những văn bản của tông phái Đại thừa nhưng rủi thay những bản khắc gỗ bị tản mác hay phá hủy. Qua thế kỷ 13, một bộ 5048 tập được khắc lại theo bản gốc Trung Quốc trước đây hầu mong đức Phật phù hộ đất nước Koryo bị những bộ lạc phương bắc quấy nhiễu nhưng bộ nầy lại bị quân Mông Cổ hủy diệt toàn toàn. Vào lúc ấy, triều đình phải chạy về trốn ở Kanghwa. Vua Kojong truyền lệnh phải khắc lại một bản khác. Công trình thật vĩ đại vì phải chạm những văn bản chứa đựng trong 1340 cuốn sách lúc ngành ấn loát chưa biết chữ rời, chỉ có thể in từ bản khắc gỗ. Gỗ mua từ Trung Quốc đem về cần phải xử lý rất công phu và lâu năm : ngâm 3 năm trong nước mặn, 3 năm trong nước ngọt, chôn 3 năm dưới đất rồi sau cùng cho phơi ra khí trời 3 năm nữa. Sau đấy khắc chạm trên hai mặt gỗ (23 x 67 cm), mỗi mặt 22 dòng, mỗi dòng 14 chữ. Năm 1251, công tác hoàn thành sau 16 năm công lao cần mẫn, thực hiện được 81.258 bản ! Cũng nên biết là chùa còn tích trữ 1835 bản gỗ cùng thời đại Koryo nhưng không thuộc bộ Tripitaka.

Lúc đầu, cả bộ Tripikata được giao cho chùa Chondungsa ở Kanghwa là chùa lớn nhất của đảo chăm giữ. Đến năm 1398, thấy quân giặc từ Nhật Bản lại hoành hành, cướp phá, vua Songjong truyền lệnh chở bộ Tripokata rời đảo, chuyển đến chùa Haiensa ở trong miền núi, hồi ấy được xem như là một tu viện kiên cố, khó tấn công. Để tránh không khí ẩm ướt phá hư, những tu sĩ phải đặt các bản gỗ trên những kệ thoáng khí như những pho sách, bên cạnh có những của sổ ở vách, tường phải tính toán làm sao cho không khí di động vừa phải để luôn giữ lột độ ẩm không thay đổi. Kết quả là cho đến ngày nay các bảng gỗ không hề nứt nẻ hay bị vênh váo và luôn còn dùng được. Tuy nhiên, mọi công việc đều phải được thực hiện bằng tay, rất mất thì giờ nên các tu sĩ phải hạn chế cuộc sản xuất ấn loát. Lần cuối cùng năm 1967, để in 13 tập, chùa đã phải vận dụng 100 nhân công trong luôn 6 năm !

Bộ Tripikata thật có một không hai. Đứng trước một công trình đồ sộ như vậy, khách chỉ biết khâm phục và cảm kích. Chùa Haiensa nhờ đó cũng được thơm lây và hàng ngày khách thập phương đến viếng đông vô kể. Trong số 13 nhà tu khổ hạnh thuộc chùa Haiensa, có tiếng nhất là Hongjean vì đây là nơi đã sống và chết vị tu sĩ - chiến sĩ nổi danh thời kháng chiến Imjin chống Nhật. Thông thái, thành thạo võ thuật, ông được giao nhiệm vụ đánh quân ngoại xâm với 5000 tu sĩ và thành công đàm phán đem về 3000 chiến binh bị giữ làm con tin. Một hình tượng ông được cất lên trước cửa Viện Đại học Phật giáo Dongguk ở Seoul. Tuy nhiên đi quanh một vòng Đại Hàn, khách còn mục kích được những cảnh tượng hay chia sẻ những giây phút ở thiền viện cũng sống động không kém gì. Vẫn biết người Hàn Quốc sùng bái Vaicochana nhưng hình tượng lạ lùng trong mắt du khách Việt Nam là đức Phật Vị Lai Maitreya mà dân bản xứ gọi là Myruk, không có chút gì giống với đức Di Lặc của ta. Ở Paju, cạnh kinh đô Seoul, ở Taejosa, Kwanchoksa, cạnh cố đô Pujo, cũng như ở Namsan trong thung lũng Kyonju,... khách không sao tránh được kinh ngạc thán phục trước bức tượng những ông phỗng cao từ 7 đến 18 m, với một cái mũ vuông hai tầng, sừng sững giữa sân bằng hay trên đồi cao, trong tựa như người không lồ trong chuyện cổ tích.

Nếu những hình tượng nầy gây cảm giác sợ hải hay kính phục, kích thích tôi nhất là hôm ở Pulguksa, ngôi chùa của xứ Phật, công trình của kiến trúc sư có tiếng Kim Taesong (thế kỷ 8), trong một buổi lễ lớn, một vị sư cơ thể nở nang, tay nắm xập xỏa, uyển chuyển nhưng hùng mạnh múa nhảy biểu lộ nổi hân hoan của đức Phật khi tìm ra Chân lý. Chắc Phật giáo Mật tông đã có ảnh hưởng nhiều lên tông giáo nầy. Nhưng làm tôi xúc cảm nhiều nhất là hôm ở Songwangsa, ngôi chùa đặc biệt đón nhận tăng ni tứ xứ, vào lúc 6 giờ chiều, các vị sư trẻ xếp hàng lần lượt ra tay múa nhảy đánh trống kêu gọi tu sĩ nhập thiền. Từ khắp các nẻo chùa, các thầy lặng lẽ nối đuôi nhau đi vào thiền đường, không một lời nói, không một tiếng động. Tiếng trống vừa dứt thì mặt trời cũng vừa lặn, không còn một nhà sư nào ở ngoài sân, chính điện cũng vừa lên đèn sáng trưng như hòn ngọc bích nổi lên trong đêm tối. Bầu không khí trở nên nghiêm trang, thanh thản và tuy đứng ngoài, không nhập cuộc, tôi không khỏi rùng mình, tưởng mình như ở trên đường bước vào một thế giới tâm thần khác. Tôi còn muốn lưu lại ít lâu nữa để hưởng cho tận cùng giây phút thần tiên nhưng người ta mời ra khỏi chùa để khỏi quấy rầy sự yên tĩnh của các nhà sư.

Đi viếng đất Phật, được sống những giờ phút sâu đậm như thế, được chiêm ngưỡng những bảo vật như bộ Tripikata ở chùa Haiensa, thật không có gì để lại trong lòng khách nhiều ấn tượng tốt đẹp, nhiều kỷ niệm rung cảm bằng. Tôi cảm thấy có đuợc rất nhiều may mắn.

Bốn Đôi Mắt Chùa Swayambunath ở Népal

Võ Quang Yến
 




Dựa lưng vào dãy Hy Mã Lạp Sơn trùng trùng điệp điệp, tuyết trắng thiên thu, Katmandu, kinh đô xứ Nepal, nằm trong một thung lũng cao gần 1400 m. Chảy ngang qua là hai con sông Vishnumati và Bagmati soi bóng những dãy nhà san sát hai, ba tầng, xen lẫn với các đền miếu, chùa chiền hai, ba mái. Dân tộc bản xứ là người Newar, nguồn gốc Tây Tạng, đến đây trong khoảng giữa những thế kỷ 10 và 6 trước Công nguyên, những nghệ nhân từ lâu đã thực hiện những công trình mỹ thuật độc đáo ở nhà cửa tư nhân cũng như trong các đền Ấn Độ giáo (tôn giáo quốc gia) hay các chùa Phật giáo (tôn giáo thiểu số, cỡ 20% dân cư). Phật giáo ở Nepal theo nhánh Đại thừa nhưng tổ chức bị ảnh hưởng Mật tông rất nhiều, còn nghi lễ thì nhuốm màu đạo sa man, thuyết phiếm thần sơn cước nếu không là Ấn Độ giáo pha Tây Tạng giáo. Kết quả là các đạo thâm nhập lẫn nhau, kể cả thiểu số Hồi giáo và Công giáo. Không ai lấy làm lạ khi thấy một đền Ấn Độ giáo sát cánh một chùa Phật giáo, có khi nằm ngay trong một vườn. Và cũng là lệ thường khi một nhà vua được xem một bên là thần Vishnu hoá kiếp, bên kia là vị Bồ tát giác ngộ chúng sinh. Vì vậy, du khách, dù không chăm chú đến vấn đề tôn giáo, cũng thấy thú vị khi tham quan các đền chùa kia.
Chùa Swayambunath, cách trung tâm thành phố 4 km, có điểm chung với chùa Bonath, xa đến 8km, là ngôi tháp stupa xây theo hình một mạn đà la, biểu thị hình học và chiêm tinh vũ trụ, đồng thời là một "dụng cụ " thiền định. Chân chùa hình vuông tượng trưng Đất, mang một hình bán cầu gharba, sơn vôi trắng, tượng trưng Nước, một khúc tháp vuông tượng trưng Lửa, một cột hình trụ toran tượng trưng Gió và trên cùng một cái lọng tượng trưng Hư Không, tức là ngũ đại Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Không cấu thành vũ trụ vật chất. Cả ba phần trên đều mạ vàng. Cột toran ở chùa Swayambunath gồm có 13 vòng kim loại, còn ở chùa Bonath thì là 13 bậc thang, tượng trưng cho 13 tầng nhận thức tối cao Bodhi. Đặc biệt, từ xa, phần chùa ta để ý đầu tiên là khúc tháp vuông với bốn đôi mắt trừng trừng chú mục vào khách thập phương như để thôi miên, quyến rũ. Thật vậy, khi đã bắt đầu thấy đôi mắt ấy rồi thì khó lòng rời nó. Xung quanh mắt không có miệng, không có tai. Ở chỗ lỗ mũi là một cái dấu giống như một chấm hỏi : đấy là chữ "một" viết theo lối chữ phạn mới devanagari, biểu thị tính duy nhất của đức Phật. Ngài không nói mặc dầu Ngài nghe mọi chuyện, thấy mọi nơi, biết mọi điều và tha mọi lỗi.

Tháp chùa Swayambunath được xây trên ngọn đồi cao nhất vùng cho nên đứng trên tháp thấy rõ quanh thung lũng. Tháp cũng được xây lâu đời nhất. Tục truyền cách đây 2000 năm, thung lũng Katmandu là một cái hồ. Đức Phật hiện ra trên một đóa hoa sen nở thành năm hào quang sáng rực gọi là swamyambhu có nghĩa "Người từ hư không ra" tức là Adi-Buddha, đức Phật nguyên thủy, từ đó phát xuất thế gian. Cảm thụ những tia hào quang của đóa hoa sen, đức Văn Thù Sư Lợi Manjushri lại rút gươm xẻ núi cho tháo nước hồ nên vị bồ tát nầy được xem là người khai canh Nepal. Đường lên chùa cao 300 bậc thang. Người hành hương khi lên đến chân tháp, trước tiên gặp một "dụng cụ" khổng lồ cao 1,50 m thường chỉ nhỏ để nắm trong tay, gọi là vajra, hình dáng cái mũ miện vua chúa trong Mật tông cũng như trong các phái bí truyền Á Đông khác, tượng trưng nối liền những vũ lực tinh thần, tính vững bền của tâm thần. Nó cũng còn được xem như là biểu tượng tính dương, đi đôi với ghanta, một cái chuông nhỏ có cán, tính âm, tương đương với cặp linga-yoni ở Ấn Độ giáo. Trong Phật giáo Tây Tạng, vajra biểu hiện uy quyền tối cao và được sử dụng với ghanta trong mọi buổi cúng lễ, chẳng hạn khi các nhà sư tán, tụng. Sau khi quỳ lạy, khấn vái trước cái vajra đó, người hành hương phải đi quanh tháp, theo chiều kim đồng hồ như nghi lễ bắt buộc. Sát với tháp là một dãy "cối xay cầu nguyện" hkor-brten chứa đựng những bản kinh, đặc biệt lời cầu khấn Om, Mani Padme Hum ! (Om ! ngọc mani trong sen). Mani là châu báu, còn có nghĩa là cuộc sống, hạnh phúc, linh hồn. Padme là hoa sen, tượng trưng sự trong trắng, sự từ bỏ đời sống vật chất. Khách vừa đi vừa cầu nguyện vừa lấy tay cho xoay mấy cái cối xay.

Quanh xa hơn một chút ngôi tháp là những điện chaitya thờ các đức Phật Vasupura (Địa), Nagapura (Thủy), Agnipura (Hỏa), Vayupura (Phong), Shantipura (Không), các vị Phật năm phương Mahavairochana (đức Phật hoàn hảo thiên đỉnh), Akshobhya (đức Phật bất biến phương đông), Amitabha (đức Phật hào quang vô biên phương tây), Ratnasambhava (đức Phật châu báu phương nam), Amoghasiddhi (đức Phật thắng lợi vô tận phương bắc), cùng các vị Phật bổ thể nữ tính shakti Vajradharishvari (Mahavairochana), Lochana (Akshobhya), Pandara (Amitabha), Mamaki (Ratnasambhava), Tara (Amoghasiddhi). Đối diện với vajra, bên kia ngôi tháp, là hai cột trụ mang hai tượng Tara trắng và lục, kèm giữa một con công, chim thần, đang xoè đuôi. Trong những số tượng khác đáng chú ý là tượng Dipankara, xem như là tiền thân đức Thích Ca, thứ 24 theo Nam tông, thứ 52 theo Bắc tông. Một điện gần đây rất được sùng bái, đông khách lại cầu đảo chen chúc nhau, là điện thờ nữ thần Ấn Độ giáo Ajima (theo tiếng Newar), còn được gọi Sitala, với hai mái bằng đồng, dáng điệu thanh mảnh bên ngôi tháp đồ sộ. Thần Ajima bảo vệ con trẻ, đặc biệt chống bệnh đậu mùa. Tuy là một thần Newar, tất cả dân cư trong vùng đề lại thờ cúng. Ngay cả các Phật tử cũng đặt tên Hariti, tương đương với đức Quan Âm Tống Tử bên ta, xem thần như là hiện thân của Maya Devi, đức Phật Mẫu. Người ta tin quyền lực của thần vô cùng hiệu nghiệm đến nỗi nhiều bà mẹ đã đem con đi chủng đậu rồi mà vẫn đưa lại đây nhờ thần phù hộ ! Bên trái ngôi tháp, bước lên vài bậc thang là một tu viện Mật tông. Hằng ngày, vào giữa chiều, các vị la ma làm lễ. Từ trong vọng ra tiếng đọc kinh đơn điệu, trầm trầm, thỉnh thoảng xen lẫn một tiếng còi inh ỏi. Ngoài giờ lễ, khách mục kích các chú tiểu áo vàng, áo đỏ, xung xăng giữa những người hành hương áo quần cũng sặc sỡ không kém gì trước các cửa tiệm hàng hóa la lượt đủ thứ đồ ăn, hành lễ, lưu niệm,... Làm thêm rộn rịp là những bầy khỉ tự do chạy nhảy khắp nơi, bám víu vào bất cứ cái gì, khi vào điện thờ lượm hoa quả dâng cúng, khi giật bánh trái của những người đang soạn ăn bên lề đường, trên sân giữa các điện, sau khi làm xong phận sự cầu cúng. Thành thử bầu không khí không trầm lặng, tỉnh tâm như nơi dành cho thiền định mà là quang cảnh một ngày hội thường xuyên. Âu cũng là một cách thờ Phật.

Nhưng chớ tưởng chùa nào ở Katmandu cũng ồn ào như Swayambunath. Quanh chùa song đôi Bunath với ngôi tháp tương tự, cũng xưa như chùa kia nhưng còn được tôn sùng hơn, một số tu viện gompa dành cho các tu sĩ Tây Tạng đủ phái. Ở đây, vào cửa phải đi chân không để tránh tiếng dày lộp cộp, không được nói chuyện ồn ào. Với lại khách chăm chú mải miết nhìn cảnh , trầm lặng ngắm những tranh vẻ trên tường thì cũng dễ giữ yên tĩnh nơi chốn tu hành. Tu viện nào cũng có ở ngoài cửa hình xe pháp Dharmachakra với hai con nai đứng chầu hai bên, nhắc lại sự tích đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên tại vườn Sarnath. Hầu hết tu viện nào cũng có bốn đức hộ pháp bốn phương : Dhritarashtra (phương đông), Virupaksha (phương tây), Virudhaka (phương nam) và Kuvera (một hình thức của Vaishravana, phương bắc). Ở tu viện gần nhất và cũng là mới nhất (1986), sau một cái "cối xay cầu nguyện" khổng lồ, khách được nhìn một bức tượng đức Phật khá lạ : Ngài không ngồi hai chân tréo nhau "lối hoa sen" hay kiết già Padmasana như thông lệ mà hai chân thỏng xuống theo "lối Âu châu" hay "lối Trung Quốc" Bhadrasana, thường dành ở Á châu cho Maitreya, đức Phật Vị Lai. Khách ắt đặt câu hỏi vì sao cố ý ra khỏi truyền thống ?

Ở tu viện Sakya-Pa, xây dựng năm 1071, chuyên dạy theo lời giảng huấn của vị Bồ tát Manjushri và nhà triết học Ấn Độ Najarjuna (thế kỷ 2), đặc biệt có hình vẽ mạn đà la "Vũ trụ các la ma" và nhất là "Bánh xe cuộc sống" hay xe luân Bhavachakra, tượng trưng chu kỳ tái sinh vô tận. Đấy là hình vẽ một vòng tròn chia làm bốn lớp. Ở trung tâm là ba "nọc độc", ba con vật cắn đuôi nhau nghĩa là luôn liên kết với nhau : một con gà (tham), một con rắn (sân), một con heo (si). Bao quanh là một vòng nửa trắng (vùng giải thoát) nửa đen (vùng luân hồi). Trong vòng thứ ba, tương đối lớn nhất, sáu phần lục đạo : cõi Phật, cõi A Tu La, cõi người (ba cõi lành), cõi súc sinh, cõi quỷ đói, cõi địa ngục (ba cõi ác). Vòng ngoài cùng trình bày 12 hình vẻ người và vật tượng trưng 12 nhân duyên. Một makara, chúa tể thời gian, trên dùng miệng, dưới dùng móng, nắm giữ bánh xe như để xác nhận chúng sinh luôn bị thời gian siết chặt, khó lòng thoát khỏi vòng luân hồi. Đúng ngoài các vòng, bên mặt là đức Phật dang tay chỉ bánh xe, bên trái là xe pháp Dharmachakra.

Thấy ra đời sống tâm linh cũng sâu đậm. Du khách đi mau qua có thể chỉ thấy bên ngoài và hấp tấp phán đoán không đúng. Nhất là vào những năm thập niên cuối 60, đầu 70, một số thanh niên Âu Mỹ, mang tên hippy, tóc dài, áo cụt, kéo nhau lại Katmandu tìm một lối sống "ngoài thời gian và không gian", thỏa thích với đủ loại thuốc hút, ma túy, để lại một hình ảnh không chút lành mạnh. Ngày nay, loại thanh niên ấy không lảng vảng trong thành phố nữa nhưng dư vang một thời còn lắng đọng trong thung lũng nầy. Riêng phần tôi còn giữ một kỷ niệm cá nhân. Một hôm, nhân được đưa lên núi xem mặt trời trên các đỉnh Everest, Anapurna, tôi mất tự nhiên khi thấy một ông sĩ quan đội quân Nepal canh giữ biên thùy cứ chòng chọc nhìn tôi. Hỏi ra mới biết ông cho tôi là người Newar mà lấy làm lạ chỉ nghe tôi nói tiếng ngoại quốc. Biết đâu tôi lại thuộc dân tộc Newar mà không hay ! Gần đây, trong một tập Nhớ Huế, tác giả Tô Kiều Ngân có viết dưới chân Hy Mã Lạp Sơn có một bộ lạc nói tiếng Huế. Những cuộc gặp gỡ bất ngờ nầy phải chăng đã phát xuất từ một cơ duyên nào đây ! Sau đấy, làm quen nhiều hơn, ông sĩ quan cho mượn ống nhòm nhà binh để mặc sức nhìn trời, ngắm núi, một cảnh đẹp thiên nhiên ít thấy vì Hy Mã Lạp Sơn cũng như Phú Sĩ San bên Nhật Bản, mây mù quanh năm, những đỉnh cao khi ẩn khi hiện, không phải lúc nào muốn là chiêm ngưỡng được dung nhan. Trầm ngâm một buổi chiều trên "đồi" (đồi ở đây cao hơn 3000 m, phải cao quá 5000 m mới được mang tên núi), tôi cảm thông tín ngưỡng của người bản xứ, sống trong một dải núi dài 800 km, rộng 50-230 km, ép mình giữa Ấn Độ và Tây Tạng, đã thấm nhuần những giáo lý nguyên thủy để chế biến ra một đạo Phật riêng biệt, chứng minh một đặc điểm của Phật giáo, bất cứ chỗ nào trên thế giới cũng biết thích ứng với nơi thâm nhập.

Những ngôi nhà lau sậy hùng vĩ trên đầm lầy miền Nam Iraq

Đất nước Iraq thường gợi lên hình ảnh về một sa mạc rộng lớn, cái nóng oi bức như địa ngục và hình ảnh của chiến tranh. Nhưng có lẽ điều đáng nói nhất là một nền văn hóa 5.000 năm tuổi của những ngôi nhà lau sậy vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay.



Người Madan hay còn được gọi là Marsh (người Ả Rập), với dân số chỉ dưới 500.000 người. Họ sống trên đầm lầy miền Nam Iraq và cùng chung sống trong cuộc ẩu đả ầm ĩ của người Iraq, vì có một thời gian đầm lầy này được xem là nơi trú ẩn cho các phần tử bị đàn áp bởi chính phủ của Saddam Hussein.
Nhưng cái nhìn vào thế giới của họ là một lối kiến ​trúc độc đáo của những ngôi nhà mang cả sự kỳ lạ và quyến rũ. Chúng được xây dựng hoàn toàn bằng lau sậy và gạch không nung, được gọi là nhà Mudhif với những mái cong tự nhiên. Những ngôi nhà này thường rộng hơn 2m, dài khoảng 6m và cao khoảng 3m với lối ra vào ở cả hai đầu và không gian giữa hoàn toàn thông thoáng.
Nhà Mudhif được sử dụng như một nơi để giải quyết tranh chấp, thực hiện ngoại giao với các bộ tộc khác và cũng là một điểm tập trung cho lễ kỷ niệm tôn giáo. Vì vậy mà nhà Mudhif đóng vai trò giống như là một trung tâm văn hóa chính trị chính trong xã hội người Madan. Đây cũng là địa điểm nơi mà du khách được chào đón giống như một khách sạn. Du khách viếng thăm được nghỉ lại qua đêm trong những ngôi nhà này.
Người ta xây dựng nhà lần đầu tiên trong các đầm lầy miền nam Iraq hơn 5.000 năm trước, nhà Mudhif là một nơi gặp gỡ độc đáo của truyền thống xây dựng. Đó là những chất liệu có sẵn của địa phương như lau sậy, rơm và các vật liệu tự nhiên khác. Nhưng theo thời gian quá trình xây dựng đã có thay đổi đi rất nhiều.
Ngày nay, người ta cho ra đời những ngôi nhà Mudhif mang phong cách mới, dạng nhà Mudhif cổ đại đã được quân đội Hoa Kỳ xây dựng lại. Những người lính Mỹ cùng với người dân địa phương bắt tay vào việc xây dựng những ngôi nhà Mudhif hiện đại. Đó cũng là một trong những nỗ lực để trợ giúp người tị nạn, rất nhiều ngôi nhà Mudhif trên đầm lầy này được xây dựng lên như dự án giải quyết  nhà ở cho hàng loạt người trở về miền Nam Iraq sau khi chiến tranh kết thúc.
Mặc dù nhà Mudhif mang kiến trúc hiện đại nhưng trong thiết kế nhà vẫn phản ánh tính truyền thống địa phương, nó đóng một vai trò hết sức quan trọng trong văn hóa của người Ả Rập sống trên đầm lầy ở miền nam Iraq. Chẳng hạn, các trụ cột sậy trong nhà Mudhif luôn luôn là một con số lẽ trong không gian giữa của nhà, cho phép những người chủ tọa cuộc họp ngồi dọc theo cột tường tương ứng với số lượng của khách ngồi đối diện.
Ngày nay, với sự giúp đỡ từ quỹ bảo trợ bên ngoài mà cấu trúc truyền thống đang dần dần trở lại trong việc xây dựng nhà. Nét cổ xưa và hiện đại đan xen nhau trong những ngôi nhà Mudhif đang hiện hữu tại đầm lầy lau sậy này.
Nhà được xây dựng bằng lau sậy có ưu điểm là dễ di chuyển. Vào mùa xuân, nếu vùng nước đầm lầy tăng quá cao thì người ta hạ mái nhà xuống để di chuyển đến vùng đất cao hơn và dựng nó lên lại như lúc ban đầu trong thời gian chưa đầy một ngày. Với sự tu bổ và sửa chữa thích hợp thì nhà lau sậy có thể kéo dài hơn 25 năm.
Hình ảnh về ngôi nhà lau sậy trên đầm lầy của người Ẩ Rập:

Việc xây dựng dựa trên hình thức truyền thống. Những người lính cùng với lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã bắt tay vào việc xây dựng.
Độ dài của cây sậy là khoảng 10 mét, họ đan bằng tay chụm lại vào các cột, liên kết với nhau để tạo hình thành mái vòm hình vòng cung khổng lồ cho mái nhà. Cuối cùng, những tấm sậy được dệt như tấm lưới được gắn hai bên, cho phép cả ánh sáng mặt trời và luồng không khí bên ngoài đi vào trong nhà.
 
 
 
 

Tuệ Tâm
Theo Infornet


Lạc bước vào đầm lầy Ả Rập ở Iraq

00:00:01 24/04/2012
Nhiều nhà học giả cho rằng, đầm lầy Ả Rập này chính là nguồn cảm hứng chủ yếu cho hình ảnh vườn địa đàng trong Kinh Thánh và Kinh Koran.
Ả Rập là một trong những khởi phát của văn hóa nhân loại, gắn liền với sự ra đời của Con đường tơ lụa nối liền hai nền văn hóa Đông - Tây. Nhắc tới Ả Rập, người ta sẽ nghĩ ngay tới các lái buôn cưỡi lạc đà đi qua những vùng đất cằn cỗi Trung Á, mang theo hàng hóa xa xỉ đến bán ở phương Tây và ngược lại. Song, có một điều mà không phải ai cũng biết: những người Ả Rập không chỉ sống với cát bụi sa mạc và còn an cư ngay trên mặt nước, trong một khu đầm lầy ngập nước ở miền Nam Iraq, được gọi là đầm lầy Ả Rập.

Đầm lầy này hình thành nhờ hai con sông lớn nhất khu vực Tigris và Euphrates uốn khúc tạo nên trước khi đổ ra Vịnh Ba Tư. Đây cũng chính là hai con sông đã tạo nên nền văn minh Lưỡng Hà cổ đại nổi tiếng thế giới. Vì thế, khu đầm lầy Ả Rập chính là hậu duệ hơn 5.000 năm tuổi của nền văn minh người Sumer và Babylon cổ đại.
Nơi đây là một hệ sinh thái đất ngập nước khá đặc biệt, trong tiếng Ả Rập tên là “Ma’dan’” - là nơi sinh sống của khoảng 500.000 cư dân thuộc các tộc người khác nhau trên những mô đất nổi của khu đầm lầy.
Mỗi gia đình sở hữu một hoặc vài mô đất nhỏ, họ xây nhà, trồng rau và chăn nuôi gia súc trên những mô đất ấy. Họ nuôi trâu, cừu và đánh bắt cá làm nguồn thức ăn chính.

Mọi căn nhà, cây cối đều "chìm nổi" trong nước nên phương tiện đi lại chủ yếu ở đây là những chiếc thuyền tự chế.

Điểm đặc biệt nhất của vùng đất có 1-0-2 này chính là những ngôi nhà với kiến trúc cực kì độc đáo. Đó là ngôi nhà Mudhif với những mái cong tự nhiên. Nguyên liệu để xây dựng chúng là những thứ sẵn có ở đầm lầy như: lau sậy, rơm cỏ và gạch không nung.
Mỗi ngôi nhà Mudhif thường rộng 2m, dài 6m và cao tới 3m. Để xây dựng được nhà Mudhif, người thợ khéo tay sẽ tỉ mẩn chọn những cây sậy dài khoảng 10m, đan bằng tay, chụm và buộc với nhau để liên kết thành hình mái vòm cho ngôi nhà. Sau cùng, họ đan những cây sậy nhỏ thành hình mắt lưới phủ kín căn nhà giúp nó luôn “thấm đẫm” ánh sáng và không khí trong lành từ bên ngoài.

Theo truyền thống, người dân sẽ dựng một ngôi nhà Mudhif chung - một nơi để giải quyết tranh chấp, thực hiện ngoại giao với các bộ tộc khác và cũng là điểm tập trung cho lễ kỷ niệm tôn giáo. Nói một cách khác, nó là trung tâm văn hóa - chính trị của người Ma’dan’.
 
Nếu nhìn từ trên cao xuống thì chắc chắn mọi người sẽ đồng tình với quan điểm của những nhà học giả khi cho rằng, đầm lầy Ả Rập này chính là nguồn cảm hứng chính cho hình ảnh vườn địa đàng trong Kinh Thánh và Kinh Koran. 
Nhiều người tin rằng, đây là nơi mà trận đại hồng thủy lớn nhất trên Trái đất xảy ra và cũng là nơi mà tổ phụ của người Ả Rập - Abraham được sinh ra. Với những tín đồ Hồi Giáo, Thiên Chúa Giáo hay Do Thái, khu vực này bảo tồn được rất nhiều giá trị văn hóa nguyên bản từ cổ xưa. 

Góc ngàn xưa Guatemala

 
Quirigua của Guatemala được công nhận là Di sản thế giới năm 1981.
Quirigua của Guatemala được công nhận là Di sản thế giới năm 1981.
Nhà thờ cổ Xelaju ở Công viên Trung tâm (Quetzaltenango).
Nhà thờ cổ Xelaju ở Công viên Trung tâm (Quetzaltenango).
Tòa nhà cổ kính Banco de Occidente.
Tòa nhà cổ kính Banco de Occidente.
Lâu đài Castillo San Felipe de Lara ở Rio Dulce.
Lâu đài Castillo San Felipe de Lara ở Rio Dulce
Đền V ở Tikal.
Đền V ở Tikal
Hồ Petenchel ở El Peten.
Hồ Petenchel ở El Peten
Xetulul, công viên vui vẻ ở Retalhuleu.
Xetulul, công viên vui vẻ ở Retalhuleu
Quang cảnh núi lửa Agua và Nhà thờ \'San Pedro”.
Quang cảnh núi lửa Agua và Nhà thờ 'San Pedro”.
Thành phố quan trọng khác ở Low Lands có tên \'Ceibal\', được biết đến với tên tiếng Anh Seibal.
Thành phố quan trọng khác ở Low Lands có tên 'Ceibal', được biết đến với tên tiếng Anh Seibal.
Nhà thờ trung cổ Metropolitan.
Nhà thờ trung cổ Metropolitan
Stela ở Quirigua, một trong những địa điểm cao nhất trong thế giới Maya.
Stela ở Quirigua, một trong những địa điểm cao nhất trong thế giới Maya.