(Nguoiduatin.vn) - Về đến Gaya, kẹt xe! Thế là tôi lại xuống xe đi bộ lon ton đến ga. Ôi trời đất ơi thiên hạ đã chiếm hết sân ga, chiếm cả chỗ của tôi để ngủ hết trơn rồi. Nghĩ đến cảnh lát nữa phải đến đây trải giấy báo ngồi (hoặc) nằm chờ tàu đến 2g sáng, ôi thôi là hãi hùng.
Chờ tàu ở ga Gaya. Tôi cũng lê lết như vậy đó |
Buồn tình cái cảnh chờ tàu lê lết quá, tôi bèn đi lấy cái balo đã gửi vì cũng đã gần đến giờ đóng cửa khu gửi hành lý, đeo balo đi lang thang rồi mới nhớ là từ sáng đến giờ chưa có cái gì vô bụng, mới tiếc làm sao tô cơm nguội chưa được ăn ở chùa Viên giác!
Cũng may là có cái nhà hàng gần ga, trông cũng sạch sẽ còn mở cửa, tôi đi vào. Nhìn quanh quẩn không thấy bia bọt gì hết, bèn hỏi thăm thử chú phục vụ nhiệt tình. Nào ngờ, chú OKie, rồi lát sau đem ra cho tôi một cái chai quấn giấy báo và 1 cái ly gói giấy hồng xinh xắn. Tôi tưởng là nhà hàng làm thế cho sạch sẽ hoặc để giữ lạnh bèn tính lột ra thì chú ấy ngăn lại, nói rằng cấm bán bia trong nhà hàng này, chú ưu tiên cho tôi vì là “người nước ngoài”!
Ngồi nhìn cái chai bọc trong giấy báo chợt nhớ ngày nào lang thang ở Thổ Nhĩ Kỳ, cũng y chang vậy, bia lon bia chai gì cũng quấn giấy báo, mà rượu của xứ xở Hồi giáo cấm rượu bia Thổ Nhĩ Kỳ lại ngon tuyệt. Nhớ nhất cái chai rượu Lion’s Milk xách về Việt Nam xách về Sài Gòn mời bạn bè làm cả nhóm lâu lâu lại thòm thèm nhắc đến!
Bia quấn giấy báo |
Rồi nhà hàng cũng đóng cửa, hết chỗ đi, tôi phải quay lại ga và trà trộn vào đám người đang mê mệt chờ tàu. Mình cũng phải như họ tôi. Mãi đến hơn 2.30g sáng tàu mới đến. Lên tàu lại cự cãi nhau um sùm vụ ghế ngồi với anh chàng Ấn Độ kia làm cả chuyến đi mất vui vì anh chàng đó cũng ngồi tiếp kế bên tôi mãi đến Delhi, nghĩa là 2 cái mặt sừng sộ nhau từ 2.30g sáng đến 7g tối ngày hôm sau.
Một dãy phố nhìn thấy từ con tàu Gaya – Delhi, cứ tưởng như ở Banda Aceh vừa trải qua sóng thần!!! |
Vậy đó, và giờ đây, tôi đang vui mừng cụng ly côm cốp với bạn bè tại Delhi. Bia cũng che lại và được rót vào trong cái ly sứ, để khỏi bị nhìn thấy. Mặc kệ, dù sao có bạn, có bia là vui rồi.
“Say cheers!” – Delhi vừa đến |
Hôm trước, vội vã rời Gaya để đến Delhi, tôi cũng lướt hơi nhanh nên bỏ qua vài đoạn chia sẻ cho bạn biết thêm về những con tàu Ấn Độ.
Ở Ấn Độ, ngoài tàu chợ đi các cung đường ngắn, không có chỗ ngồi được ghi trên vé, là giá rẻ nhất thì kế đến là tàu 2nd class. Đây là 2 loại tàu tôi dùng để đi lại trong suốt những ngày Ấn Độ, đâu có mơ màng gì đến tàu tốc hành, tàu AC máy lạnh… đâu. Tôi đi Gaya – Delhi cũng bằng khoang tàu 2nd.
Tàu 2nd class của Ấn độ lại giống tàu giường nằm của Việt Nam, trong khoang có 6 giường, chia 2 dãy mà ban ngày bật lên là 6 ghế ngồi, khi chỉ sử dụng 2 băng ghế của giường tầng 1. Nhưng thêm vào nữa là nó có thêm 2 giường (tầng 1 và 2) ở dọc hành lang. Như vậy, trung bình 1 khoang (khoang mở chứ không đóng) nó có tổng cộng 8 giường chia 3 dãy (3,3,2). Ở dãy chỉ có 2 giường bên ngoài dọc hành lang, khoảng cách giữa 2 giường cao hơn, nên lúc đã hạ cái giường ở tầng trên ra rồi thì bên dưới vẫn ngồi thoải mái được. Và chuyện rắc rối với tôi lại nảy sinh từ đó.
Lúc lên tàu gần 3g sáng người mệt mỏi cáu gắt lại thấy có anh chàng ngồi ngay cái giường của mình, ở tầng 1 của cái giường 2 tầng dọc hành lang, còn cái giường tầng 2 bên trên đã có người năm rồi. Tôi không biết là cái vé của tôi là cái vé phụ, sẽ phải chia sẻ với anh chàng đó vì cứ nghĩ mỗi người là 1 giường, không biết là trong 8 cái giường của 1 khoang, duy nhất cái giường tầng 1 của dãy 2 giường dọc hành lang là được quyền bán vé phụ.
Đơn giản là tôi chỉ hỏi anh chàng đó vé mày đâu, hình như mày ngồi nhầm chỗ. Thay vì đưa vé cho tôi xem là xong chuyện nó cứ nói đó là ghế của nó, không việc gì nó phải đưa vé... Thế là điên tiết tôi làm ầm ĩ lên đến lúc trưởng toa tới, lúc đó nó mới đưa vé ra, trưởng toa mới giải thích việc bán vé ghế phụ cho tôi biết. Thế là tôi và anh chàng kia cùng ngồi trên cái giường đó.
Mà lúc đó, tôi lại nhớ cái bác già già mua vé giúp tôi ở ga Gaya, biết đâu bác ấy lại đúng khi nói đã hết vé. Ngồi một hồi chịu không nổi, anh chàng đó đi kiếm báo trải xuống tàu nằm, làm sao mà nó “chiến đấu”, “cầm cự” nổi với dân “chinh chiến” như tôi được (???). Thế là tôi lại chiếm nguyên cái giường. Sáng, nó lại bò lên ghế, để khỏi nhìn mặt nó, tôi vác sách ra đọc, những lúc không đọc thì ngắm cảnh. Cứ thế, cả ngày dài, trừ khi đi toilet (!?).
Anh chàng đó cà chớn nhưng người nhà của anh chàng cũng đàng hoàng, có mấy lúc không có nó mọi người cũng qua hỏi han chuyện trò rồi nói tôi đừng giận nó, nó thế này, thế kia… Tôi cũng bình thường nhưng cũng chẳng cởi mở cho mấy để chuyện trò, vì thật sự tôi không an tâm lắm mấy cái vụ chuyện trò linh tinh trên tàu xe. Do vậy cả ngày tôi cứ ngồi lỳ một chỗ, bữa sáng, bữa trưa, bữa tối chỉ là mấy gói bánh bích quy tôi mua đem theo, vì cho dù nó khô không khốc, đó là thứ vệ sinh nhất tôi mà tôi có thể dùng được khi đi tàu.
3 bạn đang chờ tôi ở Delhi, tôi chưa hề biết mặt 2 bạn. Còn 1 bạn cũng mới quen biết vài tháng, nhưng cũng chưa hề đi bụi chung. Cả 3 bạn đều là nữ và đi Ấn Độ chuyến này đến 40 ngày, bay từ Saigon-Singapore-Bangalore rồi từ đó đi dần dần lên và mấy anh em hẹn gặp nhau ở Delhi, dự định là sẽ đi lơn tơn chung ở Delhi vài ngày rồi lại chia ra đường ai nấy đi.
Đến Delhi, may mắn là tàu dừng ngay ga New Delhi, ngay đầu khu du lịch balô Paharganj, nhưng do phải đi tìm nhà trọ của 3 bạn ấy đang nghỉ lại không có hướng dẫn trong L.P nên tôi mất gần 1g đồng hồ trong cái ma trận ở đó. Khi đã lấy phòng, tẩy trần xong xuôi… mấy anh em gặp nhau cũng đã hơn 9g đêm, kéo nhau lên 1 quán café sân thượng của khu balo làm 1 chầu tưng bừng và lên chương trình cho hành trình ngày mai.
Tôi đã “hạ cánh an toàn” xuống Delhi như vậy đó.
Dù hôm nay New Delhi là thủ đô, nhưng so với những gì “Delhi” đã có từ nhiều ngàn năm trước, so với bối cảnh thời bấy giờ, thì New Delhi hiện tại chỉ là 1 cái bóng rất mờ, theo thiển ý của cá nhân tôi, dù thành phố gần 13 triệu dân này là 1 trong những đầu tàu kinh tế của Ấn độ và cả khu vực.
Backpackervn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét