(Nguoiduatin.vn) - Miền đất thiêng Bodhgaya nằm cách thành Gaya khoảng 12km, có tên tiếng Việt là Bồ Đề Đạo Tràng, là nơi Đức Phật đã giác ngộ Phật pháp dưới cội bồ đề.
Theo truyền thuyết, vào những năm 500 BC, hoàng tử Gautama Siddhartha, lúc này đã là một nhà tu đi khất thực, đã băng qua sông Falgu để đến Bodhgaya và đã ngồi thiền 3 ngày 3 đêm dưới một bóng bồ đề cổ thụ. Sau 3 ngày 3 đêm, Đức Phật đã đạt được giác ngộ và sự thấu hiểu. Trong 7 tuần tiếp theo, người vẫn tiếp tục ngồi thiền và kiểm nghiệm lại con đường tu hành của mình cũng như của chúng sinh.
Sau đó, Người đã đến Sarthna gặp các đệ tử đầu tiên và bắt đầu giảng dạy giáo lý nhà Phật ở đó. Lịch sử Bodhgaya đã được ghi chép trong nhiều tài liệu, quan trọng nhất là tài liệu của các vị cao tăng TQ Pháp Hiển, Huyền Trang đã hành hương đến nơi này vào TK IV, và VII công nguyên.
Ở Bodhgaya, điểm thu hút khách hành hương là ngôi đền Mahabodhi, còn gọi Đại Giác Ngộ Tự hay Tháp Đại Giác đã được vinh danh là di sản thế giới, di tích Unesco vào năm 2002. Mahabodhi, được xây dựng vào TK VI công nguyên, nằm ngay trên vị trí của ngôi chùa được quốc vương Ashoka xây dựng 8 thế kỷ trước đó (vào thế kỷ III trước CN).
Sau khi bị san bằng bởi những đội quân Hồi giáo vào TK XI, ngôi chùa đã trải qua nhiều lần tu sửa phục chế, lần cuối cùng là vào năm 1882. Đỉnh là ngọn tháp cao 52m, bên trong ngôi chùa có tượng Phật ngồi cao 2m bằng đá mạ vàng được tạc vào những năm 380 AD. Tư thế ngồi thanh thản và dáng ngồi hướng về phía Đông y như tư thế của ngài bên gốc bồ đề năm xưa.
Bên ngoài chùa, có 4 viên đá có niên đại từ 184-72 BC. Do ngôi chùa hiện nay được trùng tu bởi các Phật tử Myanmar nên Đại Giác Ngộ Tự có kiến trúc và điêu khắc theo phong cách Myanmar. Mặt tiền của tháp trung tâm có các hốc bên trong có những pho tượng Phật giáo.
Một ngôi chùa ở Sangkhlaburi, biên giới Thailand - Myanmar có kiến trúc Myanmar, giống Đại giác ngộ tự
|
Theo nhà khảo cổ người Anh Alexander Cunningham, người đã vận động trùng tu lại thánh địa Bodhgaya vào năm 1882, cây bồ đề nguyên thuỷ đã bị đốn bởi vợ quốc vương Ashoka.
Cây bồ đề hiện nay, được trồng bởi người Anh vào cuối TK XIX, được chiết ra từ cây bồ đề ở Sri Lanka, mà cây bồ đề ở Sri Lanka này vốn là được trồng từ một nhánh của cây bồ đề nguyên thủy, đã được công chúa Sanghamita, con vua Ashoka mang sang và trồng ở Sri Lanka vào thế kỷ III BC.
Dù sao, cây bồ đề mới cũng đã được trồng đúng ngay vị trí của cây bồ đề cũ mà Đức Phật đã ngồii thiền từ 2.500 năm trước. Phiến đá đỏ giữa cây và ngôi chùa, được đặt tại đây bởi quốc vương Ashoka, để đánh dấu đây chính là nơi ngày xưa Đức Phật đã ngồi dưới bóng bồ đề và đắc đạo.
Bodhgaya ngày nay thường được ví von là một “Liên Hợp quốc Phật Tự” vì tập trung rất nhiều chùa của các quốc gia và lãnh thổ như Bhutan, Đài Loan, Myanmar, Nepal, Nhật Bản, Sri Lanka, Tây Tạng, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam…
Người Nhật xây dựng tại đây một tượng Phật bằng đá trắng cao hơn 20m có tên là Đại Phật (The Great Buddha Statue), với kinh phí lên đến cả triệu USD, hai bên là hai dãy tượng 10 vị đại đệ tử của Đức Phật kích thước cao bằng người thật.
Hoàng gia Thái Lan xây dựng ngôi chùa đồ sộ vào năm 1957 với mái cong vút được mạ vàng óng ánh rất công phu đến từng chi tiết. Chùa Trung Quốc có ba tượng Phật ngồi kích cỡ lớn cùng với hình ảnh Vạn Phật khắc trên khắp bốn bức tường.
Các chùa khác như của Bhutan, Đài Loan, Myanmar, Sri Lanka… mỗi ngôi đều mang một vẻ độc đáo riêng với lối kiến trúc đặc thù theo truyền thống Phật giáo của từng nước.
Hiện nay Việt Nam có 4 chùa tại đây. Đó là Việt Nam Phật Quốc Tự của thầy Huyền Diệu, chùa Độ Sanh của một nhà tu hành người Mỹ gốc Việt, chùa Viên Giác của một nhà tu hành người Đức gốc Việt và tịnh xá Kỳ Hoàn của thầy Thích Giác Viên đến từ Vũng Tàu.
Tôi đến Bodhgaya lúc trời đã sụp tối. Những ngày Đông này tuy còn nhiều nắng nhưng ngày vẫn tắt rất nhanh. Chiếc autorickshaw thả tôi ngay con đường bên hông chùa Đại Giác, phải đi gần 1 vòng mới đến con đường trước cổng chùa. Hàng quán 2 bên đường đang lục tục dọn dẹp vì khách hành hương đi đến trong ngày đã rời Bodhgaya, chỉ còn những khách nào ngụ lại đây hoặc khách lang thang muộn như tôi giờ mới còn ở lại đây.
Bạn đã đến Đại Giác Tự, Bodhgaya rồi đấy. Chúc mừng bạn! |
Theo huớng của những ngọn đèn chiếu sáng tôi đi về chùa. Ngoài đường tuy không còn nhiều người đi lại thế nhưng tôi lại ngạc nhiên khi thấy trong con đường nhỏ trước cổng và trong khuôn viên chùa đông ơi là đông những người đến thăm viếng và cả những người đang ngồi nghe kinh hay tu tập xung quanh tháp lớn. Biết không có nhiều thời gian ở đây và cái máy hình cùi bắp của tôi không chụp được vào buổi tối, tôi loay hoay chụp hình đại tháp của chùa trước tiên.
Đang bon chen tìm chỗ đứng, góc đủ sáng (chứ không cần đẹp) để chụp hình chợt có ai đó vỗ vai tôi. Tưởng là chú bảo vệ nào kêu tôi tránh chỗ hay không được chụp hình nơi này tôi quay lại. Té ra là 2 thanh niên Ấn Độ thấy tôi tự xử nãy giờ hỏi rằng tôi có muốn dán cái mặt vào một tấm hình nào đó không.
Dĩ nhiên là tôi nhận lời, không phải là vì ở đây đông người không sợ các bạn ấy cầm máy hình chạy mất (!?) mà vì các bạn ấy hết sức thân thiện. Làm xong vài kiểu các bạn ấy bắt chuyện và hỏi thăm thông tin. Tôi cũng vui vẻ chuyện trò một phần vì cũng tò mò muốn biết tư tưởng của một người Ấn theo đạo Phật như thế nào ở quốc gia Hindu giáo này.
Các bạn ấy vì sinh ra và lớn lên ở đây nên tư tưởng nghiêng theo Phật giáo nhiều chứ không nghiêng về Hindu giáo và như những Phật tử khác, họ luôn tranh thủ viếng thăm chùa chiền khi có dịp. Các bạn ấy rất vui vẻ, làm trong ngành IT và ở tận Delhi, kỳ này về thăm quê, tranh thủ viếng chùa luôn.
Các bạn ấy hỏi tôi đủ thứ linh tinh về quê nhà, về cảm nhận Ấn Độ… đủ một vòng đi bộ quanh khuôn viên chùa theo dòng người đi lễ, rồi chia tay. Lúc này tôi mới bắt đầu đi vào trong chùa để thăm viếng, lòng vui vui vì những người bạn mới thoáng qua và sẽ không gặp lại trong đời.
Đại Giác Tự trong đêm |
Đến Bodhgaya, không ai có thể bỏ qua việc đến chiêm bái và khấn vái trước bức tượng Phật nổi tiếng trong chùa Đại giác. Bức tượng đá được phủ vàng này được hoàn thành vào thế kỷ IV Công nguyên, mô tả tư thế của đức Phật lúc người giác ngộ Phật pháp dưới cội bồ đề.
Có nhiều truyền thuyết về bức tượng này mà có bạn đã chia sẻ trên diễn đàn nên tôi không nhắc lại, chỉ biết là khi quỳ lạy trước người, tôi cứ lạnh toát trong người vì lý do nào chẳng rõ.
Pho tượng, chỉ là pho tượng nhưng toát lên thần khí sắc rất khác thường. Có thể thấy rõ sự khoan dung hiền từ, cũng có thể thấy rõ sự anh minh thông tuệ, cũng có thể thấy rõ thần thái uy nghiêm… của Người, toát lên rất rõ. Sau khi vái lạy xong tôi rút lui ra ngoài, nhường chỗ cho 1 đoàn người dài dằng dặc đang lặng lẽ chờ. Tôi kiếm một chỗ ngồi me mé bên ngoài, có thể nhìn vào được trong chánh điện, ngồi xuống và chiêm bái, thật lâu.
Tượng Phật trong Đại Giác Tự |
Từ ngoài nhìn vào |
Chùa đêm rất đông nhưng không ồn ào. Rất nhiều phật tử và thiện nam tín nữ đi vòng quanh chùa, vừa đi vừa lần tràng hạt hoặc lâm râm tụng niệm. Trong các khoảng sân bên hông và phía sau chùa, nhiều đoàn tăng ni đang ngồi trật tự dưới đất để tu tập hoặc nghe giảng kinh kệ. Không khí thấm đẫm sự tôn nghiêm.
Trước khi đi cầu nguyện theo vòng tròn lớn quanh chùa, như thói quen tôi vẫn làm khi ở các chùa Tibet, tôi làm một vòng tròn nhỏ quanh chùa trước, mà điểm dừng đầu tiên là ngay sau chùa, nơi có cây bồ đề hơn trăm năm tuổi, mọc đúng nơi vị trí của cây bồ đề năm xưa đức Phật đã ngồi khi đắc đạo. Dĩ nhiên là cây được rào kín và không có chiếc lá nào rơi rụng trên sân.
Tôi không đứng để chờ lá rơi vì tôi đã mang theo từ Kushinagar những chiếc lá bồ đề trong khu vườn (được cho là) đã tiến hành nghi lễ hỏa táng đức Phật khi người nhập cõi Niết bàn. Với tôi, một kẻ lang thang nhiều sân si tội lỗi, như vậy đã là quá đủ!
Cây bồ đề linh thiêng |
Phiến đá Ashoka ghi dấu nơi ngày xưa đức Phật đã ngồi và đắc đạo |
Nhưng tôi vẫn dừng lại nơi đây thật lâu, ngắm nhìn cây bồ đề thiêng, ngắm nhìn dòng người thành kính vái lạy khi qua đây, ngắm nhìn phiến đá của quốc vương Ashoka bên dưới cội bồ đề, đánh dấu nơi ngày xưa Phật đã ngồi… mải rồi tôi mới đi tiếp, rồi tôi lại vòng lại… nhiều lần.
Một vị trí linh thiêng |
Bên ngoài chùa, phật tử cúng dường ở nhiều vị trí linh thiêng khác, như nơi đánh dấu vị trí đức Phật đã ngồi thiền vào tuần lễ thứ 3 sau khi đắc đạo, tuần lễ thứ 7… và tôi rất yêu những bông vạn thọ được đơm đầy trong những chiếc đĩa để cúng dường tỏa hương dịu nhẹ hăng hắc lan tỏa nơi nơi.
Vạn thọ yêu thương! |
Một góc nhìn khác về Đại Giác ngộ tự |
Mải miết lang thang trong chùa, sau khi đã đi mấy vòng chùa theo dòng người thành kính, vào ra lại chánh điện để chiêm bái tượng Phật… tôi cũng đã định về, vì sợ rằng nếu về khuya quá không còn xe để về lại Gaya nhưng chợt tôi nghe thấy ai đó đang nói tiếng Việt. Rất vui mừng tôi đi đến và thấy 3 vị sư cô đang nói chuyện với nhau, tôi xông đại tới tự giới thiệu luôn. Chẳng hiểu làm sao tôi lại quá vui mừng khi gặp được người Việt ở vùng đất linh thiêng, hay là tại tôi đã xa nhà quá lâu? 3 sư cô này là người Việt nhưng lại là Việt kiều, 2 cô ở Đức, 1 cô ở Pháp, cũng đã lâu lắm không về quê nhà nên cũng rất vui khi gặp con cháu từ quê sang.
Cô ở Pháp thì ngụ tại Việt Nam Phật Quốc Tự, 2 cô kia ở chùa Viên giác vì 2 cô đến từ chùa Viên giác ở Đức. Cả 3 cô cũng ngạc nhiên khi thấy tôi chỉ đi một mình từ quê nhà sang đến tận đây mà chỉ bằng đường bộ và đều rất lo lắng cho tôi khi biết rằng tôi vẫn chưa có chỗ ngụ tại Bodhgaya này.
Sư cô ở Pháp bận việc nên về trước, 2 sư cô của chùa Viên giác, cô Đồng Y. và cô Đồng K. (tôi xin phép không nêu tên ở đây) rất nhiệt tình và đầy thương mến với kẻ lang thang bụi bặm này, làm tôi muốn rớt nước mắt. 2 cô kêu tôi hủy vé tàu đi Delhi, ở lại đây một đêm, rồi cho lại tôi tiền vé để ngày mai hẵng đi. Rồi 2 cô kêu tôi về chùa lấy cơm cho tôi ăn, hỏi thăm đủ đều hết… Tội nhất là tôi nghe 2 cô thì thầm với nhau khi hỏi tôi giá vé bao nhiều, rồi nói với nhau là ở Đức số tiền đó không đáng không là bao nhiêu chứ ở Việt Nam là cũng nhiều lắm… sau đó 2 cô mới quay qua nói là sẽ cho tôi tiền vé…
Tôi thì nghèo thật nhưng làm sao tôi có thể lạm dụng tấm chân tình đó, nên tôi thưa thật với 2 cô rằng tôi phải đi vì đồ đạc tôi đang để ở ga, bạn tôi đang đợi ở Delhi… 2 cô cũng xuôi xuôi nhưng cứ kêu tôi đi với 2 cô về chùa để kiếm gì lót bụng. Tôi đưa 2 cô về chùa Viên giác, 2 cô phải đến phòng tu tập ngay nên chỉ đường cho tôi ra sau rửa ráy và chỉ bếp cho tôi vào lục cơm nguội, dặn dò tôi cứ tự nhiên như ở nhà… rồi 2 cô vội vã đi để tôi tự do một mình trong chánh điện thênh thang. Tôi vô cùng xúc động nhưng nghĩ rằng mình không nên lạm dụng quá mức. Tôi chỉ ra sau rửa sạch bụi bặm của một ngày dài lang thang, lên chánh điện thành tâm khấn vái, rồi đi…
Chùa Viên Giác ở Bodhgaya |
Tôi lao nhanh ra con đường tối đen và vắng tanh, lòng nghẹn lại… Sao tôi không thể ở lại Bodhgaya đêm nay?
Lòng nặng trĩu, tôi ra đường đón xe về ga Gaya, nhưng làm gì còn xe nào chạy giờ này vì đã hơn 8 giờ tối, khách nào đến đây thì ở lại đây luôn chứ còn về làm chi. Thật ra 13km thì đi bộ cũng được, khoảng 2h là cùng nhưng đường tối đen tối mù vắng tanh vắng ngắt như kia mà đi bộ thì lỡ có chuyện gì thì lại sợ.
Lo lắng, tôi ngược xuôi trong Bodgaya tìm các xe autorickshaw để hỏi họ có chạy ngược về Gaya hay không thì bị hét giá trên trời dưới đất. May mắn thay, cuối cùng có 1 chiếc autorickshaw chở mấy người dân Ấn có việc gì muộn ở Gaya vừa đến và xe đang quay đầu lại để về không. Tôi chận lại và được hét với cái giá rẻ, gấp 1,5 lần so với lúc chiều nhưng cũng gật đại một cái cho nó xong chuyện rồi leo lên xe. Bây giờ kể lại thì thư thái lắm chứ lúc đó thì lòng dạ ngổn ngang trăm mối tơ vò…
Lo lắng, tôi ngược xuôi trong Bodgaya tìm các xe autorickshaw để hỏi họ có chạy ngược về Gaya hay không thì bị hét giá trên trời dưới đất. May mắn thay, cuối cùng có 1 chiếc autorickshaw chở mấy người dân Ấn có việc gì muộn ở Gaya vừa đến và xe đang quay đầu lại để về không. Tôi chận lại và được hét với cái giá rẻ, gấp 1,5 lần so với lúc chiều nhưng cũng gật đại một cái cho nó xong chuyện rồi leo lên xe. Bây giờ kể lại thì thư thái lắm chứ lúc đó thì lòng dạ ngổn ngang trăm mối tơ vò…
Backpackervn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét