SGTT.VN - Nhiều người ví Qatar như một viên ngọc trai nhô khỏi bán đảo Arập vươn mình ra vịnh Ba Tư. Đặt chân đến sân bay quốc tế Doha một đêm giữa tháng 9, tôi ngỡ rằng khí hậu sa mạc rất lạnh về đêm nhưng cái nóng 40ºC lúc 12 giờ khuya khiến tôi cũng phải bật ngửa.
Thành phố Doha nhìn từ bảo tàng Hồi giáo Qatar. Ảnh: Trọng Nguyên
|
Bài học đầu tiên trên lớp, tôi được cô giáo người Qatar giới thiệu về hai di sản quốc gia: linh dương sừng kiếm và nghề lặn ngọc trai. Trong lịch sử cùng với các tiểu quốc khác nằm quanh vùng Vịnh, người dân bán đảo này từng tự hào rằng những viên ngọc trai của họ được các vị sultan trong khu vực cho người đi săn lùng.
Nghề ngọc trai vang bóng một thời
Qatar trong lịch sử là một bán đảo nổi tiếng với nghề đánh bắt cá và nghề tìm bắt ngọc trai. Những thợ lặn hàng ngày phải thực hiện cả chục lần dưới độ sâu gần 60m, mặc cho những nguy cơ từ cá mập, cá kiếm, cá nhồng luôn rình rập. Họ còn phải đối mặt với các nguy cơ về áp suất, ảo giác, đau tai... Một số người ở đây kể lại, các thợ lặn địa phương bị các thương nhân người Ấn “thuốc” rằng, các tác động sức khoẻ trên là do phù phép của các yêu ma (jinny), nên trước buổi lặn đều phải đọc thật kỹ kinh Coran. Thực tế, độ mặn của vịnh Ba Tư mà bản thân tôi có lần tắm đêm với mấy người bạn, là nguyên nhân khiến các thợ lặn khó tránh khỏi bị mù hoặc điếc sau tuổi 25. Thăm thư viện đại học Qatar, nhìn hình ảnh cách nay mấy chục năm, tôi tự hỏi liệu những người trong ảnh dám nghĩ rằng con cháu của họ sẽ là chủ nhân của đất nước giàu nhất thế giới?
Có thể đi Doha từ TP.HCM hoặc Hà Nội cùng hãng hàng không Qatar Airways. Giá bay một chiều dao động trong khoảng 800 – 900 USD nhưng vé hai chiều thường chỉ khoảng 1.200 USD. Sân bay Doha là sân bay lớn có thể tiếp máy bay A380 và là trạm trung chuyển lớn cho các chuyến bay giữa Việt Nam và châu Âu.
|
Nhảy từ lạc đà lên xe hơi
Từ đó, thủ đô Doha thoát xác làng chài săn ngọc, trở thành một thành phố hiện đại nhờ nguồn lợi dầu khí. Anh Tuấn, một người sống lâu năm tại đây kể, đường sá nơi đây rộng và tốt, chỉ bất cập là quá nhiều giao lộ và đèn chờ giao thông hơi lâu nên không thể “phóng nhanh” được. Một lần tham gia một hội chợ triển lãm xe hơi, người viết nhận thấy, những chiếc xe mới cáu đang trưng bày, thật ra, đã chạy nhiều ở ngoài đường, thậm chí ngoài kia có nhiều loại xe còn “ngon lành” hơn. Người bạn sống nhiều năm ở đây ví von: “Người dân Qatar nhảy thẳng từ lạc đà sang xe hơi chỉ trong vài chục năm”. Dân Qatar địa phương sống khá khép kín, nam mặc thawb trắng từ vai xuống đất, còn nữ mặc abaya trùm kín người.
Tuy thẳng tiến lên xe hơi, song môn đua bốn bánh này, với người địa phương, vẫn xếp sau đua lạc đà. Xếp thứ ba là môn bóng đá. Trong ngôn ngữ Arập, có hơn 40 từ miêu tả “vẻ đẹp” của lạc đà. Lạc đà đua ở đây có giá rất cao, tới vài chục ngàn đôla Mỹ, thường tham gia vào các cuộc đua ở trường đua Al-Shahaniya ngay giữa trung tâm sa mạc của Qatar. Trong khi đó, số phận đồng loại chúng, những con lạc đà bẩm sinh – sinh ra chỉ để... thịt, kết thúc trên bàn ăn trong các dịp lễ hội. Còn về bóng đá, các tờ báo địa phương lâu lâu vẫn giật tít vài hàng về sự chuẩn bị “hào phóng” gần cả chục tỉ đôla vào các sân vận động và đường sá cho sự kiện World Cup 2022 tổ chức lần đầu tiên tại Trung Đông. Nghe đâu một vị giáo sư địa lý tại đại học Qatar còn muốn thực hiện một dự án gây mưa cho mùa hè, nhằm “giải nhiệt” cho vùng Vịnh và giúp các tuyển thủ khỏi bị nắng thiêu đốt…
“Thiên đường” của người nhập cư
Người dân làng chài ở Doha. Ảnh: Trọng Nguyên
|
Một người bạn quê Iran kể, vào thập niên 1960, 70 hộ chiếu Qatar phát gần như cho không, nhưng vì ba của anh muốn giữ quốc tịch Iran – “có giá hơn” nên giờ anh không được hưởng các phúc lợi của người bản xứ. Qatar ngày nay là một đất nước giàu có, nhưng chỉ dành cho thiểu số dân bản xứ và dân lao động trí thức từ khắp nơi trên thế giới. Người bản xứ không phải tham gia vào các công việc tay chân vì đã có dân nhập cư. Họ thường sống trong các khu biệt thự, với những người giúp việc từ Philippines hay Nepal.
Phần đông dân số hiện nay của đất nước là dân nhập cư theo chế độ bảo lãnh (tiếng Arập là Waasitah) từ Ấn Độ, Nepal, Philippines và một số nhỏ từ các nước khác, trong đó có khoảng 1.000 người Việt Nam. Các buổi đi chơi tôi thường theo các bạn đến các quán ăn của người Ấn, thưởng thức các món càri và chutka. Tới đây không khó tìm các quán ăn kebab Thổ, Ethiopia, Yemen, Philippines, Thái Lan, Trung Hoa nhưng hiện vẫn chưa có một quán ăn Việt nào. Các anh chị người Việt ở đây thường phải mua rượu thịt theo định mức của giấy phép mua thức uống có cồn (liquor license) hay mua từ Dubai để tự mình chế biến các món ăn thuần Việt. Ăn bánh chưng do anh Bình cùng lớp mang từ Hà Nội sang biếu, tôi mới cảm giác được sự ấm áp của cái tết nguyên đán xứ người…
Trước đây nếu như người Ấn Độ làm chủ các thương thuyền ngọc trai thì nay người Qatar lại là người bảo lãnh cho các thợ đánh bắt từ Ấn Độ, Nepal hay Bangladesh. Cuộc đổi ngôi này xoa đi một số nét sống truyền thống nơi đây, thay vào đó là lối sống thực dụng hiện đại du nhập hoà trộn từ đủ kiểu văn hoá trên thế giới.
BÀI VÀ ẢNH: TRỌNG NGUYÊN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét