(Nguoiduatin.vn) - Varanasi là thánh địa của người Hindu với dòng sông Hằng linh thiêng, cũng là nơi gần kề với Thành Xá Vệ, tên tiếng Anh là Sarnath, 1 trong 4 vùng đất thiêng của Phật giáo.
hính tại nơi này, ngày xưa Đức Phật đã giảng kinh, thuyết pháp cho rất nhiều tăng sư cũng như những người mộ đạo, ngay sau khi Ngài đắc đạo tại Bodhgaya.
Đây cũng là nơi vào TK III trước Công Nguyên, Quốc vương Ấn Độ Ashokar đã cho xây dựng những tu viện, bảo tháp to lớn, cùng trụ đá với những sắc dụ nổi tiếng của ông.
Vào những năm 640, cao tăng Huyền Trang của nhà Đại Đường cũng đã đến viếng miền đất thiêng Sarnath này. Lúc này, Phật giáo còn đang hưng thịnh ở Ấn Độ, nơi đây còn có tòa bảo tháp cao 100m, nhiều tu viện to lớn với hơn 1.500 tăng sĩ cư ngụ… Sau đó là thời gian suy thoái của đạo Phật tại đây, những đạo quân Hồi giáo đã tràn qua tàn phá và hầu như đã phá hủy sạch sẽ nơi đây. Thành phố Sarnath cũng biến mất, không còn cư dân sinh sống. Mãi đến năm 1835, những nhà khảo cổ học người Anh mới khám phá, phát hiện và khai quật lại thời vàng son lộng lẫy của Sarnath.
Nằm cách trung tâm Varanasi khoảng 10km, từ bờ sông Hằng, bạn có thể đi taxi hoặc xe lôi máy lên đến tận Sarnath, với giá khoảng 200Rp. Nếu không, bạn đi xe lôi đạp (30Rp) lên đến bến xe bus đi Sarnath, nằm ngay trước ga Varanasi, đi xe bus mất thêm 10Rp nữa sẽ đến nơi. Dĩ nhiên là tôi đi bằng phương tiện này. Đi xe lôi đạp chầm chậm ngắm nghía phố phường Varanasi xem sao, vả lại tôi còn phải quay lại ga Varanasi chuẩn bị vé, hỏi thăm thông tin đi Gaya nữa, nên đi xe lôi là thích hợp nhất, lại tiết kiệm nữa.
Đường phố Varanasi, đoạn vừa ra khỏi khu bờ sông – đông ơi là đông |
Lên chút nữa thì đường vắng hơn, giờ thì các chú bò thiêng cứ xem đường là nhà, thảnh thơi nằm nhai cỏ.
Cái xe có tên Rickshaw mỹ miều trong L.P là cái xe lôi đạp này đây. Tôi cũng đang ngồi chễm chệ trên đó nhưng 2 tay ôm khư khư cái túi xách và cái máy chụp hình vì Varanasi cũng có tiếng về nạn giật dọc |
Chiếc xe bus đến Sarnath lúc mặt trời cũng đã lên khá cao, bỏ tôi xuống ngay ngã 3 vào khu di tích với con đường vào thị trấn, vì xe còn đi tiếp 1 đoạn vào phố. Tôi hân hoan nhảy xuống miền đất linh thiêng. Như vậy, tôi đã may mắn đến được vùng đất thiêng thứ 3 của Phật giáo, sau Lumbini và Kushinagar. Niềm tự hào và hạnh phúc chợt ùa về trong tôi. Xin chào vườn Lộc Uyển, chào Sarnath
Thay vì đi thẳng vào trong thành xưa Sarnath, bây giờ tôi lại đi ngược đường trở ra, vì lúc nãy trên đường xe chạy, tôi có thấy có 2 khu di tích trông cũng rất lôi cuốn. Đó là quần thể chùa Thái đang xây dựng và di tích của Chaukhandi Stupa nổi tiếng. Chúng ta bắt đầu thăm chùa Thái trước nhé.
Đường vào chùa Thái |
Nét duyên dáng cao ráo khó lẫn vào đâu của chùa Thái |
Quần thể chùa chiền và cả tu viện của Phật giáo Thailand đang bắt đầu được xây dựng tại đây. Nhiều công trình chỉ vừa mới bắt đầu. Chùa chắc cũng có tài trợ việc học tập cho các em học sinh nên trong khuôn viên có rất nhiều các em chơi đùa và đều rất ngoan ngoãn. Không có các bảng nói về các điển tích, sự tích nên tôi đi lang thang trong chùa nhìn ngó thôi chứ cũng không biết được nhiều.
Trong chùa, rất ấn tượng là bức tượng chỉ của 1 gương mặt Đức Phật thôi nhưng rất to.
Gương mặt Đức Phật |
Các tư thế khác nhau của các tượng Phật |
Những người bạn Ấn dễ mến |
Trong khuôn viên này, tôi có chụp hình giúp một gia đình người Ấn đi viếng chùa. Họ vui vẻ cảm ơn và cả ngày hôm đó lại gặp họ rất nhiều lần trong thành Sarnath, tôi đều nhận được những nụ cười chào, dù có lúc tôi đã quên bẵng họ, khi họ lẫn vào đám đông đang thành kính đi lễ.
Chỉ dừng trong khuôn viên chùa Thái một thời gian ngắn, tôi lại đi ngược ra tiếp đến Bảo tháp Chaukhandi. Đây là nơi Đức Phật gặp 5 vị đệ tử đầu tiên của người. Bảo tháp Chaunkhandi được xây dựng vào khoảng TK IV-V Công Nguyên, cũng có những tài liệu nói rằng cao tăng Huyền Trang của nhà Đại Đường cũng đã đến đây vào TK VII. Bảo tháp này được phát hiện vào 1835 và khai quật, trùng tu mãi đến 1904-1905, có chiều cao khoảng 30m. Trên đỉnh của bảo tháp, đặc biệt có 1 tháp bát giác, kiến trúc Mughal, được xây dựng sau này, vào 1588 để tưởng nhớ cuộc viếng thăm nơi đây của vị quốc vương Hồi giáo vĩ đại Humayan.
Chaukhandi stupa nhìn từ cổng chính |
Và góc sau |
Rồi cận cảnh tháp bát giác. |
Trải qua thời gian bao nhiêu năm, bảo tháp vẫn còn giữ được hình dáng uy nghi dù những viên gạch, những gờ cạnh, những phù điêu đã mòn đi biết bao nhiêu theo dấu thời gian. Dù bạn thấy có người trên bảo tháp nhưng việc leo lên bảo tháp là điều cấm. Tôi không thể leo lên đó như những bạn trẻ Ấn nên đành chiêm ngưỡng bảo tháp từ bên dưới và đi vòng thật nhẹ quanh bảo tháp, mới phát hiện sau lưng khu vườn bảo tháp hiện đang được đào bới rất nhiều để xây dựng 1 công trình gì đó. Không biết nó có ảnh hưởng đến bảo tháp hay không. Trong khuôn viên và ở công viên kế bên bảo tháp Chaukhandi cũng có rất nhiều những cây bồ đề to lớn với rất nhiều chú sóc hồn nhiên chơi đùa, thỉnh thoảng gương những đôi mắt đen ngây thơ nhìn khách lạ, như hỏi, như chào.
Những chú sóc hồn nhiên, dạn dĩ |
Sau khi lang thang trong Chaukhandi stupa vắng vẻ và yên bình, tôi bắt đầu đi trở lại vào khu di tích chính của thành Sarnath. Bảo tháp Dhanekh còn sót lại, nằm trong 1 khuôn viên rộng lớn của những di tích xa xưa.
Tài hoa của những nghệ nhân từ hơn 2.000 năm trước vẫn sáng ngời qua từng viên gạch vỡ |
Ở đây, mỗi phiến đá, mỗi viên gạch đều chất chứa một câu chuyện dài của 2.000 năm về trước. Thời gian và con người đã cùng nhau góp phần tàn phá nơi đây, nhưng những giá trị lịch sử vẫn còn mãi trường tồn. Khu vực này, theo sử sách, ngày xưa là cơ man những tu viện, chùa chiền, bảo tháp, lên đến cả ngàn. Quốc vương Ashokar trong thời gian đến đây cũng đã dừng chân rất lâu để tu tập trong 1 ngôi chùa lớn, gần nơi ông cho dựng chiếc cột đá nổi tiếng của mình, nhưng giờ những gì còn lại chỉ là những dấu tích….
Dấu xưa |
Mỗi cụm đá, gạch bạn thấy nơi đây ngày xưa có thể là 1 ngôi chùa hay 1 bảo tháp, như dấu tích bên dưới chính là bảo tháp Dharmarajka được xây dựng bởi quốc vương Ashoka để cất giữ các thánh tích của Phật. Bảo tháp có đường kính 13.49m này đã bị phá hủy năm 1749 bởi quốc vương Jagatshingh.
Khi đó, người ta phát hiện trong bảo tháp có một hộp bằng thạch anh đựng tro, nằm trong 1 hộp đá khác to hơn. Chiếc hộp thạch anh và tro đã được rải xuống sông Hằng, còn chiếc hộp đá hiện được lưu giữ trong bảo tàng, cùng với 2 bức tượng Phật, mới được tìm thấy gần đây, khi các nhà khảo cổ bắt đầu khai quật lại Sarnath.
Những gì còn lại của Dharmarajka Stupa |
Thành kính |
Những người theo đạo Phật không thể không biết đến quốc vương Ashokar và công lao to lớn của người trong việc phát triển và tôn vinh đạo Phật. Di tích của ông để lại ở các vùng đất Phật được tìm thấy gần đây đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề ngày trước còn chưa được làm sáng tỏ về Phật giáo.
Ở Sarnath, ông để lại nhiều di tích nhưng nổi tiếng nhất là chiếc trụ đá mang tên ông và tượng 4 chú sư tử chụm lại. Trụ đá ở Sarnath giờ đã gãy làm nhiều khúc nhưng vẫn dễ nhận biết vì những dòng chỉ dụ ông cho khắc trên đó có gần 2.300 năm tuổi. Cây cột đá nguyên thủy cao 15.25m, có đường kính ở gốc là 0.71m, ở đỉnh là 0.56m, đã được quốc vương Ashokar cho làm vào thế kỷ thứ III trước CN.
Trên đỉnh của cây cột đá này còn có 4 chú sư tử đá oai vệ, mà giờ đang là biểu tượng nằm trong quốc huy Ấn Độ. Trên cột đá này có khắc 3 chỉ dụ của quốc vương Ashokar. Ở Lumbini, Nepal cũng có 1 trụ đá như vậy và vẫn còn nguyên vẹn chứ không bị gãy như ở đây.
Tượng 4 sư tử, giờ là quốc huy Ấn Độ, được giữ trong bảo tàng Sarnath (cấm chụp hình), hình từ Google.com |
Các phần còn lại lại của cột đá Ashokar |
Dhanekh Stupa là di tích còn được bảo quản tương đối nguyên vẹn nhất ở đây. Toà bảo tháp cao 34m này được xem là để đánh dấu nơi Đức Phật thuyết giảng lần đầu tiên, sau khi Ngài đắc đạo ở Bodhgaya. Hầu như thời gian đã bào mòn tất cả nhưng may mắn thay, đâu đó trên các góc của bảo tháp vĩ đại này, người ta vẫn thấy được những chạm trổ, hoa văn điêu khắc tinh xảo của 2.000 năm trước còn sót lại. Những hoa văn này, được cho là mới làm vào thế kỷ thứ V, còn ngôi bảo tháp làm bằng này gạch được cho là đã được xây dựng vào những năm 200 trước CN.
Dhanekh stupa |
Các hoa văn sắc sảo còn lại (một số đã trùng tu) |
Tôi cứ miên man đi trong khu vườn thênh thang nắng, mênh mang những dấu tích xưa... lòng đã nhẹ tênh. Trong khu vườn, bên cạnh những khách Tây thơ thẩn như tôi thì còn lại là những đoàn khách hành hương, cả châu Á và những gia đình Ấn Độ. Mọi người đều rất thành kính và im lặng, và có những đoàn người ngồi nghe giảng kinh kệ trên nền của 1 ngôi chùa ngày xưa, thật yên bình trong 1 trưa nắng nhẹ ở Sarnath. Giá bây giờ là 2500 năm về trước và tôi vẫn đang ở đây!
Backpackervn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét