Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Nhớ điệu vũ Santo trên đảo


SGTT.VN - Khi đặt chân lên đảo Santo, bất chợt bị cả một nhóm người cao lớn, tay giáo mác vây quanh, trang phục chỉ là mớ lá cỏ che thân, toàn thân đen nhẫy, gầm ghè với đủ thứ âm thanh hỗn loạn như bắt đầu chuẩn bị một cuộc hỗn chiến đầy khốc liệt để ăn tươi nuốt sống gã da vàng mũi tẹt là tôi.
Tinh thần tôi trở nên bấn loạn thực sự với hàng loạt câu hỏi xẹt qua trong đầu: Họ là ai? Sao họ lại lao vào mình với hung khí cùng bộ dạng dữ tợn đến thế?...
Chiến binh Santo trong vũ điệu đón khách.
Vũ điệu chiến binh đón khách...
Ra khỏi máy bay, một vùng cỏ non xanh mướt bao quanh, gió mát rượi thật dễ chịu, tôi khoan khoái bước những bước đầu tiên trên Santo. Bỗng có tiếng mõ liên hồi phát ra từ ống tre, kèm tiếng la hét vang dội, cùng tiếng chân rầm rập ùa đến. Tôi cùng những người đồng hành chưa kịp định thần thì đã bị nhóm thổ dân lực lưỡng lao đến, tay lăm lăm vũ khí thô sơ mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Bao mộng mơ diệu kỳ suốt những ngày qua tan biến hết, nhường chỗ cho suy nghĩ đẹp đẽ ấy là sự bối rối, lo lắng, chẳng biết phải làm thế nào trước nhóm người xa lạ đang hướng giáo mác về chúng tôi, ánh mắt long lên cơn giận dữ và xổ một tràng ngôn ngữ kỳ lạ.
Gã đàn ông to con nhất đám, không một cọng tóc, bôi lọ nồi đen nhẫy kín khắp đầu và mặt, với chiều cao áng chừng 1,9m, nặng phải trên 100 ký, có vẻ là người cầm đầu bởi trong tay chỉ có một cái mõ nhỏ làm từ ống tre, nhưng mỗi khi tiếng mõ tók tók phát ra, cả nhóm thổ dân nghe theo hiệu lệnh ấy và làm những động tác nhất định. Tiếng mõ đều đặn hơn, những gương mặt thổ dân cũng giãn bớt dữ dằn, và bước những nhịp chân đều tăm tắp theo một hàng. Hoá ra, sự hù doạ của nhóm thổ dân kia chính là một vũ điệu chiến binh độc đáo dành đón khách của người Santo! Nỗi sợ hãi vụt biến nhanh như ngay khi nó xuất hiện, tôi và cả những người bạn đồng hành hùa theo vũ điệu lạ lùng ấy trong niềm vui và sự phấn khích tột độ.
Và là thông điệp: phụ nữ tạo ra đàn ông
Những vũ khí thô sơ giờ trở thành một nhạc cụ để tạo ra âm thanh, hoà cùng tiếng rào rào phát ra từ chuỗi hạt đeo quanh mắt cá chân của mỗi vũ công càng tạo cho lần gặp gỡ những người dân đảo Santo lần đầu tiên thêm phần thú vị. Lúc này, tôi mới chợt nhận ra những chiến binh chỉ toàn là đàn ông. Sau này tôi mới hiểu thêm rằng điệu nhảy này không dành cho phụ nữ, nó mang hai thông điệp: một là điệu nhảy mừng chiến thắng của các lần giao tranh giữa những người đàn ông của các bộ tộc, hai là biểu lộ sự ghen tuông của người đàn ông Santo dành cho phụ nữ, bởi phụ nữ làm được điều mà không đàn ông nào có thể làm được: sinh nở để tạo ra người đàn ông.
Đảo Santo nằm ngoài khơi biển Nam Thái Bình Dương – cách Brisbane của Úc hơn 4 giờ bay, diện tích 3.955km2. Trên đường đến Santo, tôi thả mình theo những tưởng tượng đầy bay bổng về hình ảnh một hòn đảo yên bình, hoang sơ như miền thiên đường hạ giới.
Vũ điệu chiến binh ấy không còn ai ở Santo nhớ được hình thành từ khi nào, chỉ biết nó diễn ra từ thời còn tục lệ săn đầu người của các bộ tộc (tục săn đầu người để làm nô lệ và ăn thịt cuối cùng được phương Tây biết đến tại các hòn đảo ngoài khơi Nam Thái Bình Dương là vào năm 1970) và truyền đời qua các thế hệ đến ngày nay. Dù đời sống hiện đại đang phủ dần lên các bộ tộc hoang dã vùng Nam Thái Bình Dương, nhưng những trang phục che thân cổ truyền của thổ dân vẫn được duy trì. Mỗi lần mặc trang phục chỉ là xơ dừa, lá chuối, cỏ hoa, với đủ hoạ tiết, hoa văn đa dạng phối từ hai màu đen – trắng vẽ lên cơ thể, với những chiến binh thổ dân, đó là một niềm tự hào. Tôi cảm nhận rất rõ sự tự hào ấy qua ánh mắt thân thiện và nụ cười mến khách của các chiến binh Santo.
Đồng hành cùng các chiến binh, còn có những em nhỏ, dù chưa biết tí gì về vũ điệu, cũng chậm rãi đi theo đoàn chiến binh, nhưng đó là cách trẻ em Santo tiếp cận và làm quen dần với nét văn hoá bản địa đặc sắc. Để những bước chân chập chững ấy sau sẽ trở thành vũ điệu hùng mạnh, đem lại ấn tượng độc đáo và cảm xúc khác lạ với đủ cung bậc trầm bổng như những gì mà tôi vừa được trải nghiệm ngay những bước chân đầu tiên trên đảo Santo.
BÀI VÀ ẢNH: NGUYỄN ĐÌNH

Không có nhận xét nào: