Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Ăn momo để còn có ngày sum họp


SGTT.VN - Momo là món ăn rất thông dụng ở Tây Tạng, Nepal, Mông Cổ, Trung Á, các vùng miền và nhiều quốc gia khác ở châu Á… Ở Việt Nam cũng có món gần giống là há cảo, nhưng chỉ gần giống về hình thức, còn “nội dung” thì khác xa.
Momo của nhiều tộc người
Momo của người Tây Tạng tròn và túm lại trên đẩu, tượng trưng cho sự sum họp. Và vại rượu Tongba tựa như rượu cần của người Tây Nguyên. Ảnh: Trần Thái Hoãn
Cũng lớp vỏ bọc bằng bột và nhân bên trong nhưng lớp vỏ của momo được làm bằng bột mì. Còn nhân bên trong thì rất đa dạng. Với người Tây Tạng, momo sẽ nồng mùi thịt bò yak. Còn momo của những người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương thì ngai ngái mùi dê. Momo của người Mông Cổ, cũng như ở vùng Trung Á thì đậm mùi cừu. Momo vùng Sikkim ở Ấn Độ thì thơm thơm mùi bò, vốn quen thuộc và dễ ăn với người Việt. Với người ăn kiêng và ăn chay thì đã có momo chay tịnh bán ở quán của những người theo đạo Jain, đặc biệt có nhiều ở vùng tây Bengal, Ấn Độ, hay ở những vùng đất thiêng của Hindu giáo…
Nói chung, chỉ lớp vỏ bên ngoài và hình dáng tương tự nhau, nhân bên trong của momo và kích thước cũng rất khác. Với người Nepal, một dĩa momo có thể lên đến 20 chiếc vì chúng be bé. Còn sang Mông Cổ, chỉ hai cái momo bằng nắm tay là vừa một bữa trưa nhẹ nhàng cho bạn. Lên đến Darjeeling, Tây Bengal hay Gangtok, thủ phủ bang Sikkim, Ấn Độ thì một dĩa momo khoảng 6 – 8 cái sẽ là một bữa tối đơn giản, không nặng bụng, cho một đêm xa nhà yên giấc… Ngoài ra, những người thích thêm tí dầu mỡ cho dậy mùi, có thể thưởng thức món momo chiên thơm phức, vàng rộm của những cô chủ quán khéo tay miền Darjeeling...
Hứng thú và dài dòng về momo như vậy bởi tôi thường lang thang một mình nên những bữa ăn chủ yếu thường đơn giản, lâu lâu mới tự thưởng cho mình vài bữa hoành tráng, với những món nổi tiếng của địa phương. Khám phá văn hoá ẩm thực cũng là một trong những tiêu chí đầu tiên của khách du lịch mà! Tôi thường chọn momo cho mình, vừa gọn nhẹ, vừa tương đối đủ dưỡng chất, lại tránh được dầu mỡ ở các món chiên xào khác. Nhưng với tôi, câu chuyện về momo không chỉ có vậy.
Momo của ước mong ngày sum họp
Momo hình bán nguyệt. Ảnh: Trần Thái Hoãn
Nhớ những ngày chúng tôi đặt chân đến Lasha, Tây Tạng. Chỉ mới gặp nhau nhưng lũ chúng tôi và anh chàng hướng dẫn viên Perma đầy tính nghệ sĩ đã thân quen nhau như anh em bè bạn. Thường đến nhà Perma chơi, nhưng hôm chúng tôi chia tay Lasha để lên đường đi núi thiêng Kailash, rồi đi tiếp Tân Cương không về lại Lasha nữa, Perma mới dặn người dì và cô em họ chuẩn bị món momo đón chúng tôi. Trong bữa tối chia tay buồn vui lẫn lộn hôm đó, tôi được nghe Perma nói lý do tại sao phải làm món momo cho hôm nay. Với người Tây Tạng, trong những dịp tiễn đưa người thân đi xa, momo là món phải có. Tại sao vậy? Khác với momo ở một số nơi có hình bán nguyệt với các nếp xoắn chạy dọc thân bánh, momo của người Tạng tròn, và túm lại trên đầu. Theo quan điểm của người Tạng, momo với những nếp xoắn và chụm lại nhau đó tượng trưng cho mong ước ngày trở về sum họp. Giữa cuộc vui tôi bỗng nghẹn. Nhất là khi dì Dorlma và cô em họ Perma cứ liên tục gắp vào chén chúng tôi những chiếc momo sum họp mà họ đã bỏ cả buổi chiều để làm cho những đứa cháu, người anh, người chị mấy hôm trước còn xa lạ.
Chia tay Lasha, rồi chia tay Tây Tạng chúng tôi đi. Mải miết cuốn theo cuộc sống với công việc, với cơm áo gạo tiền và cả những chuyến đi đến những miền đất mới, tôi vẫn mơ một ngày về thăm lại miền đất thấm đẫm tình người đó. Để được ăn những chiếc momo sum họp nghĩa tình.
Cho đến chiều nay, bị trói chân trong quán vắng lạnh bởi sương mù dày, đặc trưng miền Darjeeling, đông bắc Ấn. Một mình, tôi nhấm nháp vại Tongba nồng nàn, nhìn tấm hình cung Potala treo trang trọng ở giữa quán đã phai màu nhưng vẫn còn đẹp lạ. Rồi nhìn thực đơn thấy momo, tôi gọi. Gắp một chiếc momo, trong lãng đãng, tôi như nghe văng vẳng đâu đây bài dân ca tiễn người đi xa của Tây Tạng, mà dì Dorlma đã da diết hát tặng chúng tôi đêm Lasha đó. Chiều sương mưa Darjeeling giá lạnh, nhưng tôi chợt nghe lòng ấm lại. Gắp thêm một chiếc momo nữa, tôi tự nhủ, ăn đi để còn có ngày gặp lại nhau.
BÀI VÀ ẢNH: TRẦN THÁI HOÃN
* Tongba, còn gọi Bamboo Chang, một loại rượu địa phương đặc trưng của Sikkim và Darjeeling, được làm từ hạt kê lên men bằng thảo dược, thường được ủ trong những chiếc ly làm bằng gốc tre cội. Khi uống, châm nước nóng vào và uống bằng ống hút làm từ cọng trúc nhỏ, vị cũng hơi giông giống rượu cần Tây Nguyên.

Không có nhận xét nào: