Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

Vì sao có truyền thống trang trí và thắp sáng cây Noel

Mọi người sẽ bắt đầu trang trí cây thông khi mùa Vọng bắt đầu và thường bỏ đi vào 12 ngày sau Giáng sinh.

Vào tháng 12 hàng năm, người dân trên thế giới lại háo hức cùng nhau chuẩn bị đồ đạc để trang trí cây Noel. Loài cây được mọi người dùng trong dịp này là cây thường xanh (đại diện của nó là thông).
Ban đầu, việc trang trí loại cây này nhằm mục đích chào mừng lễ hội mùa đông của Kito giáo. Người La Mã dùng cây cối để trang trí đền thờ còn những người theo đạo Thiên chúa thì coi đây là một biểu tượng cho sự tái sinh của Đức Chúa. 
Lý do nên để cây thông Noel tươi trong nhà. Nguồn: Fox9.com.
Tuy nhiên, không ai biết được một cách chính xác khi nào cây thường xanh được sử dụng để làm cây Noel. Theo Whychristmas, lịch sử về cây Giáng sinh có thể bắt đầu từ 1.000 năm trước ở Bắc Âu. 
Ban đầu, tại một số vùng Bắc Âu, người ta dùng cây anh đào hay táo gai để làm cây Giáng sinh. Ở những nơi không có cây, họ tạo ra các cây bằng gỗ, treo lên nến và các cành cây lá màu xanh.
ADVERTISEMENT
Tại Đức, cây Giáng sinh đầu tiên được trang trí với đồ ăn, như bánh gừng và táo. Họ cũng treo lên đó những bông hồng bằng giấy. Ảnh: HappyHolidays.
Truyền thống mang cây Noel vào trong nhà và trang trí bắt đầu phổ biến ở Đức vào những năm 1520. Người đầu tiên làm việc này là nhà truyền đạo Martin Luther. Vào thế kỷ 16, Luther đã đi bộ xuyên qua một khu rừng vào đêm trước Giáng sinh. Ông nhìn thấy một cái cây thật đẹp và mang về nhà. Ông nói với con mình rằng cái cây nhắc cho ông nhớ tới Đức Chúa.
Một truyền thuyết khác cũng liên quan đến cây Giáng sinh về một kiểm lâm. Vào một Giáng sinh, người kiểm lâm đang cùng gia đình tụ tập quanh lò sưởi để giữ ấm thì nghe thấy tiếng gõ cửa. Bên ngoài là một cậu bé nhà nghèo. Người này đã cho cậu bé vào sưởi ấm và ngủ qua đêm. Họ cũng cho chú bé ăn, tắm rửa và ngủ trên chiếc giường của cậu con trai út.
Sáng hôm sau, cả gia đình thức giấc bởi một dàn hợp xướng của các thiên thần. Cậu bé nghèo chính là chúa Jesus. Để cảm ơn lòng tốt của gia đình người gác rừng, Đức Chúa đã đưa tặng họ một nhánh thường xanh và mang vào trong nhà. Từ đó, vào đêm Giáng sinh, mọi người thường mang cây thường xanh vào nhà và trang trí, như một sự tưởng nhớ đến kỷ niệm khó quên với Đức Chúa.
Trong các món đồ trang trí trên cây, người ta thường treo một con nhện đang giăng tơ. Món đồ này được bắt nguồn từ một sự tích ở Đông Đức hoặc Ukraine. Ngày nay, những câu chuyện này vẫn còn được kể lại trong cộng đồng người Phần Lan và vùng Scandinavi.
Truyền thuyết kể rằng, một gia đình nghèo đã không có tiền để trang trí cây Giáng sinh. Do vậy, khi những đứa trẻ đi ngủ vào đêm 24/12, một con nhện đã giăng tơ quanh cái cây. Sáng hôm sau, những sợi tơ của nó đều biến thành các sợi vàng, bạc lấp lánh.
Việc quấn các bóng điện quanh cây Noel và bật đèn cũng có nhiều giai thoại. Một trong số đó là vào năm 1880, nhà phát minh Thomas Edison đã đặt một số bóng đèn điện mới quanh văn phòng. Năm 1882, Edward Johnson, một đồng nghiệp của ông đã xâu chuỗi 80 bóng đèn với đủ màu đỏ, trắng, xanh lại với nhau và đặt chúng lên cái cây trong căn hộ của mình ở New York. Vào năm 1890, công ty của Edison đã công bố một dịch vụ mang tên: cung cấp ánh sáng cho cây Noel. Những người giàu thời đó thường đặt riêng các bóng đèn để trang trí, giá trị lên đến 2.000 USD thời nay.
Không chỉ nghiên cứu về lịch sử thắp sáng cây Noel, nhiều người còn tò mò về việc thời điểm nào là hoàn hảo để mua cây về nhà trang trí. Thông thường, mọi người sẽ bắt đầu trang trí cây thông khi mùa Vọng bắt đầu. Đây là thời điểm cách Giáng sinh 4 chủ nhật.
Năm nay, mùa Vọng bắt đầu vào ngày 3/12. Hiệp hội cây Giáng sinh Anh thì khuyên rằng mọi người nên mua cây từ ngày 1/12. Đây là thời điểm lý tưởng để mọi người bắt đầu bật đèn trang trí trên cây Noel. Cũng theo truyền thống, sau khi Giáng sinh kết thúc 12 ngày, cây sẽ được dỡ bỏ đồ trang trí và mang khỏi nhà.
Theo Anh Minh/Vnexpress

Công viên 'của quý' ở Hàn Quốc

TTO - Công viên chủ đề 'của quý' được xây dựng dựa theo một giai thoại về người phụ nữ chết đuối thương tâm ở Hàn Quốc. Công viên gây chú ý khi khiến du khách vào xem cười khúc khích và có thể đỏ mặt vì mắc cỡ.

Công viên 'của quý' ở Hàn Quốc
Ảnh: Youtube
Trên thế giới có nhiều công viên đẹp. Mỗi nơi đều gây ấn tượng với du khách bằng cảnh đẹp, thiết kế đường đi độc đáo hoặc đặt những tác phẩm điêu khắc của các tác giả nổi tiếng.
Đi dạo trong công viên luôn khiến con người có cảm giác thư thái, thanh bình dễ chịu.
Thế nhưng một công viên ở Hàn Quốc gây chú ý khi khiến du khách vào xem cười khúc khích và có thể đỏ mặt vì mắc cỡ. Khắp nơi đều dựng những bức tượng hình "của quý" đàn ông.
Công viên 'của quý' ở Hàn Quốc
Ảnh: Metro
Công viên 'của quý' ở Hàn Quốc
Công viên Haeshindang nằm cách thành phố Samcheok, tỉnh Gangwon 40 phút xe chạy về phía nam gây ấn tượng nhờ chủ đề dương vật.
Khắp nơi trong công viên được dựng hàng chục bức tượng dương vật bằng gỗ chạm trổ tinh vi, cao khoảng 3m. 
Công viên 'của quý' ở Hàn Quốc
Mỗi bức tượng đều không giống nhau, một số tượng hình dương vật rõ ràng, một số khác được tạc theo vóc dáng của một người đàn ông, một số khác là hình nòng pháo.
Công viên chủ đề "của quý" được xây dựng dựa theo một giai thoại về người phụ nữ chết đuối ở khu vực này. 
Công viên 'của quý' ở Hàn Quốc
Câu chuyện kể rằng mỗi ngày cô gái đều ngồi trên một tảng đá ngoài bờ biển để đợi vị hôn phu đi làm xa trở về. Một ngày nọ, có cơn bão lớn ập đến khiến cô gái ngã xuống biển, vị hôn phu trở về đúng khi ấy nhưng gió  mạnh khiến anh không thể ra cứu cô.
Sau khi cô gái chết, cá bỗng chết nhiều, người dân vất vả đánh cá nhưng không được nặng lưới như trước. Nước biển bỗng nhiên cũng rút cạn. Dân làng tin rằng họ đã bị nguyền rủa. 
Công viên 'của quý' ở Hàn Quốc
Tuy nhiên, đàn cá bỗng nhiên quay trở lại, việc đánh bắt lại suôn sẻ sau khi một người đàn ông xuất hiện trên biển. 
Từ đó, người dân địa phương bắt đầu dựng tượng dương vật với niềm tin rằng việc này sẽ xoa dịu linh hồn người trinh nữ và như vậy việc đánh bắt cá sẽ được tiếp tục như trước.
Ngoài ra, ngay bên trong công viên, người ta còn đặt một bảo tàng nhỏ trưng bày các tác phẩm nghệ thuật liên quan đến dương vật để người xem tiện chiêm ngưỡng. 
Công viên 'của quý' ở Hàn Quốc
Liên quan để chủ đề dương vật, một bảo tàng lớn cũng được xây dựng ở Iceland, trưng bày các mẫu vật là bộ phận sinh dục của nhiều loài động vật như voi, cá voi, chuột, gấu...
Bảo tàng này mở cửa năm 1997, cho đến nay có khoảng 286 dương vật lớn nhỏ.
Bằng cách đi ngược lại xu thế chung và táo bạo trong cách thể hiện, những điểm đến như công viên hay bảo tàng thu hút rất đông du khách, 60% trong số đó là nữ giới.
Công viên "của quý" ở Hàn Quốc
MINH HẢI (Theo Daily Mail)

Hành hương chiêm bái 'Jerusalem của Ethiopia'

TTO - Lalibela trở thành điểm đến thu hút hàng nghìn du khách mỗi năm và được người dân coi như 'Jerusalem của Ethiopia' vì có một công trình tôn giáo tạc bằng đá nguyên khối từ cách đây 900 năm.

Cứ khoảng 4 giờ sáng mỗi ngày Chủ Nhật, trên con đường mòn tại một thị trấn miền núi của Ethiopia là một hàng dài những người mặc áo trắng xuất hiện từ bóng tối sâu thẳm. Họ bước đi lặng lẽ, từ từ đi xuống một cụm cấu trúc cổ theo nhịp từ trống da truyền thống kêu gọi.
Đây là một cảnh tượng rất thường thấy tại Lalibela, một thị trấn nhỏ nằm ở phía bắc Ethiopia, nơi có quần thể 11 nhà thờ độc đáo được xây dựng bằng đá cách đây 900 năm. 
Điều độc đáo của những công trình tôn giáo này không phải ở niên đại mà là chúng được xây dựng hết sức công phu - tất cả được đẽo gọt từ đá nguyên khối.
Chính những nhà thờ này đã biến thị trấn hẻo lánh Lalibela trở thành thánh địa và là niềm tự hào của các tín đồ theo Cơ đốc giáo ở Ethiopia. 
Hành hương chiêm bái 'Jerusalem của Ethiopia'
Nhà thờ Thánh George mang hình cây thánh giá. Ảnh: Piero Scaruffi
Theo ước tính, gần 2/3 dân số Ethiopia theo Cơ đốc giáo, do vậy Lalibela được các tín đồ coi là "đất Thánh" và được mệnh danh là "Jerusalem mới".
Quần thể nhà thờ tại Lalibela là nơi diễn ra các cuộc hành hương của các tín đồ và thu hút khoảng 80.000 - 100.000 du khách ghé thăm mỗi năm.
Hướng dẫn viên người địa phương Fikru Woldegiorgis cho biết Lalibela là một trong những địa điểm rất quan trọng đối với các tín đồ theo Cơ đốc giáo ở Ethiopia. 
"Có một niềm tin rằng khi đến với Lalibela mọi người sẽ được ban phước lành, do đó ai cũng mong muốn phải thực hiện nguyện vọng hành hương ít nhất một lần trong đời", Woldegiorgis cho biết. 
Để đến được đây, các tín đồ sẽ thực hiện cuộc hành trình bằng cách đi bộ trong vài ngày, thậm chí vài tuần. Nhiều người trong số họ vượt qua quãng đường hiểm trở, những ngọn núi gồ ghề bằng chính đôi chân trần. Không phân biệt nam, nữ, già, trẻ, thậm chí cả người tàn tật, họ tham gia vào cuộc hành hương với niềm tin tưởng vào đức Chúa trời.
Aba Gebreyesus, linh mục tại nhà thờ ở Lalibela, nói: "Họ đến sớm để cầu nguyện, hôn lên những bức tường cổ kính với mong muốn được ban phước lành. Mỗi mét vuông ở nơi đây đều được các tín đồ sử dụng làm nơi cầu nguyện".
Hành hương chiêm bái 'Jerusalem của Ethiopia'
Ảnh: Pinterest
Thị trấn Lalibela ban đầu được gọi là Roha, nhưng cuối cùng được đổi theo tên của vua Gebre Mesqel Lalibela ở triều đại Zagwe, người cai trị phần lớn lãnh thổ Ethiopia vào cuối thế kỷ 12, đầu thế kỷ 13. Nhiều tài liệu cho rằng, vua Lalibela là người cho xây dựng 11 nhà thờ tại Roha vào thời đó.
Có nhiều truyền thuyết xung quanh việc xây dựng các nhà thờ, một trong số đó kể rằng công nhân và các thiên thần làm việc cùng nhau để xây dựng, con người làm việc suốt cả ngày còn những thiên thần làm việc suốt đêm.
 Chính vì lẽ đó mà một số sử gia cho rằng toàn bộ quần thể nhà thờ chỉ mất khoảng 23 năm để hoàn thành, một con số đáng kinh ngạc so với điều kiện xây dựng thời kỳ đó. Tuy nhiên các nhà khảo cổ học đã bác bỏ con số này. 
Hành hương chiêm bái 'Jerusalem của Ethiopia'
Ảnh: Beta Abba Libanos
11 nhà thờ ở Lalibela được chạm trổ từ vách đá núi lửa nguyên khối theo nhiều phong cách khác nhau. Một số đã được đẽo gọt theo thế dựa lưng vào vách đá, một số khác thì đứng độc lập, như Beta Giyorgis (nhà thờ Saint George), được xây dựng mô phỏng theo hình dáng cây thánh giá.
Tất cả đều được thiết kế một hệ thống cống rãnh thoát nước, đường hầm và các lối đi ngầm phức tạp và rộng lớn kết nối các cấu trúc ngầm. 
Hành hương chiêm bái 'Jerusalem của Ethiopia'
Ảnh: Patrick Syder Travel
Các nhà thờ có thể được chia thành hai khu phức hợp bao gồm khu phía bắc và phía đông nam. Sáu nhà thờ nằm ​​trong khu phức hợp phía bắc bao gồm Beta Madhane Alem, Beta Maryam, Beta Masqal, Beta Danagel, Beta Mika'el, Beta Golgotha; và bốn nằm ở khu Đông Nam bao gồm Beta Emmanuel, Beta Abba Libanos, Beta Merkurios, Beta Gabriel và Beta Rafa'el. Nhà thờ thứ 11 là Beta Giyorgis (nhà thờ St. George) nằm độc lập.
Alebachev Retta, một học giả 86 tuổi, giải thích lý do khiến các nhà thờ này trở nên đặc biệt. "11 nhà thờ ở Lalibela khác biệt bởi vì chúng được xây dựng từ trên xuống dưới. Trái ngược với cách xây dựng thường thấy trên thế giới" , ông Retta nói.
Nằm riêng lẻ một mình ở phía tây so với hai khu khác, nhà thờ cuối cùng và cũng là địa điểm nổi tiếng nhất - Beta Giyorgis. Có hình dạng giống cây thánh giá, Beta Giyorgis nằm chính giữa một hố sâu 11m, diện tích 22x22m. Beta Giyorgis có ba cửa ra vào và mười hai cửa sổ. Trong tất cả các nhà thờ ở Lalibela, Beta Giyorgis được bảo quản tốt nhất và "trẻ tuổi" nhất.
Hành hương chiêm bái 'Jerusalem của Ethiopia'
Ảnh: Alamy
Nhờ kiến ​​trúc ấn tượng và ảnh hưởng to lớn đối với Cơ đốc giáo ở Ethiopia, quần thể nhà thờ ở Lalibela đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ năm 1978.
Vào năm 2008, UNESCO đã quyết định xây dựng mái che tại bốn nhà thờ để bảo vệ khỏi các yếu tố tàn phá của thiên nhiên. Mái che có thể làm mất cảnh quan của nhà thờ, nhưng các chuyên gia cho rằng việc làm này là cần thiết và rất quan trọng để bảo tồn các nhà thờ cổ.
Trong những năm gần đây, việc phát triển cơ sở hạ tầng tại Lalibela đã mang lại sự chú ý của mọi người đến vùng đất xa xôi này. Điều này có tác động tích cực tới thị trấn, rất nhiều du khách và tín đồ biết tới Lalibela, biến thị trấn dần trở thành một điểm du lịch nổi tiếng của Ethiopia.
MINH HẢI (Tổng hợp

Những tàn tích đẹp nhất thế giới

TTO - Bệnh viện quân đội, đoàn tàu hay lâu đài cổ bỏ hoang dưới góc máy của những nhiếp ảnh gia trong cuộc thi Nhiếp ảnh Lịch sử năm 2017 đều trở nên đẹp lạ, hoang phế nhưng không hề gây ám ảnh.

Bệnh viện Quân đội Nocton Hall
Những tàn tích đẹp nhất thế giới (phần 1)
Ảnh: Matt Emmett
Hành lang dài 400m này là một phần bệnh viện cũ của quân đội Mỹ đóng tại Anh trong chiến tranh vùng Vịnh lần đầu tiên (Operation Desert Storm).
Bệnh viện này được quân đội Hoa Kỳ mượn và sử dụng vào năm 1984 như là một địa điểm để điều trị những người lính bị thương, chỉ có 35 bệnh nhân được điều trị ở đó.
Sau khi cuộc chiến kết thúc, bệnh viện được chuyển về Anh vào năm 1995, bỏ lại công trình cũ kỹ, hoang vắng.
Lâu đài Corfe, Dorset
Những tàn tích đẹp nhất thế giới (phần 1)
Ảnh: Daniel Sands
Lâu đài Corfe, Dorset được xây dựng từ thế kỷ 11 bởi chiến binh nổi tiếng nước Anh là William "người chinh phục".
Hiện nay, công trình này thuộc sở hữu của National Trust.
Tu viện Abbey Jedburgh
Những tàn tích đẹp nhất thế giới (phần 1)
Ảnh: Jenna Johnston
Bức ảnh này thuộc về nhiếp ảnh gia Jeena Johnston, người đã giành được giải Public Vote, khi đến thăm tu viện Augustinian được xây dựng vào thế kỷ 12. "Chuyến đi và những hình ảnh ở tu viện này đã làm dấy lên tình yêu của tôi đối với kiến ​​trúc thời Trung cổ", Jeena nói.
Cổng vào hồ Holy ở Pushka
Những tàn tích đẹp nhất thế giới (phần 1)
Bức ảnh này được Felipe de Castro Horta Hoffmann Martins đặt tên là "Cổng vào hồ Holy ở Pushkar"
Theo thần thoại cổ của Ấn Độ, thành phố Pushkar được tạo ra bởi Brahma - vị thánh tối cao của các vị thần. Trong thành phố có một mặt hồ thiêng liêng, muốn đến hồ này cần đi qua những con đường nhỏ có nhiều cổng vòm. 
Vạn lý trường thành, Trung Quốc
Những tàn tích đẹp nhất thế giới (phần 1)
Một góc nhìn rất khác về bức tường lịch sử của Trung Quốc. Ảnh được chụp bởi Kaiyu Lu.
Khu di tích Bagan, Myanmar
Những tàn tích đẹp nhất thế giới (phần 1)
Ảnh: Ana Caroline de Lima
Bagan là kinh đô của Vương quốc Pagan từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 13. Vương quốc Pagan đã thống nhất khu vực là Myanmar hiện tại, thiết lập nền văn hoá và sắc tộc Miến Điện, cũng như Phật giáo Nguyên Thủy trong khu vực.
Trong thời thịnh trị, hơn 10.000 ngôi đền được xây dựng trên vùng đồng bằng xung quanh thủ đô bên cạnh sông Irrawaddy. 
Đền Wat Mahathat, Thái Lan
Những tàn tích đẹp nhất thế giới (phần 1)
Ảnh: Mathew Browne
Ngôi đền Wat Mahathat xây từ thế kỷ 14 bị tàn phá vào năm 1767 khi quân đội Miến Điện xâm lược Ayutthaya.
Theo thời gian, một cây lớn đã phát triển xung quanh một trong những bức tượng Phật. Bộ rễ bao trùm toàn thân chỉ hở khuôn mặt tạo nên cảnh tượng kỳ bí và thu hút người xem. 
Nghĩa trang của đoàn tàu, Bolivia
Những tàn tích đẹp nhất thế giới (phần 1)
Ảnh: Pamela Jones
Ngay bên ngoài cánh đồng muối Uyuni của Bolivia là một đoàn tàu đã bị bỏ lại cách đây nhiều thập kỷ.
Tuyến đường sắt này được chính phủ Anh xây dựng để vận chuyển khoáng sản tới bờ biển Thái Bình Dương cho đến khi ngành khai thác mỏ dừng hoạt động vào những năm 1940.
Nhà thờ Hồi giáo Shah, Iran
Những tàn tích đẹp nhất thế giới (phần 1)
Ảnh: Pamela Jones
Nhà thờ Hồi giáo Shah được hoàn thành vào năm 1629, nằm ở phía nam của Naghsh-e Jahan,là một công trình tôn giáo đẹp mắt từ mọi góc nhìn.
Nhà thờ được xây dựng từ cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17 bởi vua Abbas I. Trong ảnh là những tấm thảm dùng để trải cho người đến cầu nguyện vào mỗi thứ 6 hàng tuần. 
Cuộc thi Nhiếp ảnh gia Lịch sử 2017 thu hút các nhiếp ảnh gia từ khắp nơi trên thế giới khám phá và ghi lại khoảnh khắc, góc nhìn đẹp nhất từ những địa danh lịch sử và các địa điểm văn hoá đẹp trên thế giới.
Cuộc thi năm nay đã khép lại với chiến thắng thuộc về Matt Emmett, tác giả của bức ảnh hành lang bệnh viện Quân đội Nocton Hall tại Lincolnshire, Anh.
Những tàn tích đẹp nhất thế giới (phần 2)
Ảnh: Mehmet Masum Suer
Vẻ đẹp của Nhà thờ Surtr Giragos ở Diyarbakir, Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà thờ này được xây dựng năm 1376,  là một trong những nhà thờ lớn nhất và quan trọng nhất  ở Trung Đông.   
Những tàn tích đẹp nhất thế giới (phần 2)
Sau khi leo trèo lên những tàn tích còn lại của lâu đài Tintagel, Marge Losasso đã phát hiện bức tượng bằng đồng lạ mắt này. 
Những tàn tích đẹp nhất thế giới (phần 2)
Paul Parkinson với bức ảnh về nhà thờ Rochester ở New York (Mỹ)
Những tàn tích đẹp nhất thế giới (phần 2)
Lâu đài Bodiam, East Sussex, Anh. Ảnh: Steve Oldfield
Lâu đài Bodiam được xây dựng vào thế kỷ 14, là một trong những công trình tiêu biểu cho kiến trúc lâu đài thời trung cổ ở Anh.
Hiệp sĩ  Edward Dalyngrigge là người đã cho xây dựng tòa lâu đài này vào năm để bảo vệ khu vực khỏi sự xâm lược của quân Pháp xâm lược.
Lâu đài hình tứ giác, có hào bao quanh và đặc biệt không có pháo đài giống như nhiều tòa lâu đài được xây dựng cùng thời kỳ. 

Những tàn tích đẹp nhất thế giới (phần 2)
Ảnh: Kitt Noir
Nhà thờ Gloucester được coi như viên ngọc quý của nước Anh.  Mục đích ban đầu khi xây dựng nhà thờ vào năm 1.100 là sử dụng như một tu viện của triều đại Norman. Công trình này có các cửa sổ kính màu đẹp mắt,  dãy hành lang có các mái cong hình quạt.
Đây cũng là tòa nhà lâu đời nhất trên thế giới được trang bị tấm pin mặt trời trên mái.
Những tàn tích đẹp nhất thế giới (phần 2)
Bức ảnh này được nhiếp ảnh gia Daniel Sands chụp tại một căn cứ bí mật trong Thế chiến thứ II. Sau khi nhận được sự trợ giúp của một thợ điện địa phương, nhiếp ảnh gia điều chỉnh ánh sáng căn chỉnh góc máy để có được tấm hình đặc biệt này.
Những tàn tích đẹp nhất thế giới (phần 2)
Góc nhìn ấn tượng từ  một lối vào nhỏ cạnh cầu Westminster hướng đến tòa nhà Quốc hội và Big Ben. Ảnh của Sue Harding.
MINH HẢI (Theo Telegraph)

12 điều gây bất ngờ cho du khách lần đầu đến Dubai

TTO - Dubai là nơi cho phép bạn trượt tuyết khi ngoài trời nhiệt độ đang là 40 độ C, tắm biển vào mùa đông, thưởng thức những món ăn do các đầu bếp hàng đầu thế giới nấu, rút vàng ở cây ATM và đi mua sắm thôi cũng đủ mỏi chân.

Đồ ăn ngon và rẻ
Deira, một trong những khu phố cũ kỹ hay bán đồ với giá rẻ - Ảnh: Getty Images
Nhờ có dân số nhập cư lớn, bao gồm một lượng lớn người từ Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Ai Cập, Iran và Jordan, thực phẩm Dubai tại Dubai khá ngon và có giá cả phải chăng. 
Chỉ cần đi lang thang trên đường phố tại Deira, một trong những khu phố cũ kỹ hay bán đồ với giá rẻ, bạn đã có thể tìm thấy những món ăn ngon từ khắp nơi trên thế giới.
Cũng có món ăn cực kỳ đắt đỏ 
 Dubai cũng rất nổi tiếng với những món ăn cầu kỳ với mức giá trên trời. Nếu hầu bao rủng rỉnh, bạn hoàn toàn có thể nghỉ tại những khách sạn và khu resort hạng sang, sau đó thưởng thức những món ăn do các đầu bếp hàng đầu thế giới như Nobu Matsuhisa, Gordon Ramsay, Gary Rhodes, Jamie Oliver, Marco Pierre White and Sanjeev Kapoor nấu. 
Rất ít dân địa phương và phụ nữ
12 điều gây bất ngờ cho du khách lần đầu đến Dubai
Chỉ có khoảng 11% dân số tại Dubai là dân địa phương - Ảnh: AboutHer
Dân địa phương tại Dubai rất ít đến mức bạn gần như không gặp họ trong suốt chuyến hành trình. 
Chỉ có khoảng 11% dân số tại Dubai là dân địa phương. Văn hoá địa phương cũng khá riêng tư. Bạn chỉ có cơ hội gặp những người này tại sân bay, khi đi qua khu vực an ninh xét hộ chiếu. 
Nếu muốn tìm hiểu về văn hóa địa phương, tốt nhất bạn nên liên hệ Trung tâm Khái niệm Văn hoá Sheikh Mohammed. 
Tuy nhiên, nếu may mắn gặp được dân địa phương, bạn có thể thấy họ là những người rất giàu, đi trên những chiếc xe sang và có những thú chơi hết sức ngông.
Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ hiếm gặp phụ nữ ở Dubai. Dân số nơi đây có khoảng 69% là nam giới.
Uống rượu thoải mái
12 điều gây bất ngờ cho du khách lần đầu đến Dubai
Quầy bar China Moon Champagne ở Dubai - Ảnh: Getty Images
Nhìn chung, tại Dubai, luật chống say rượu nơi công cộng khá nghiêm khắc. Rượu rất mắc, và bạn phải trên 21 tuổi nếu muốn uống. Rượu chỉ được phục vụ trong các quán bar thuộc phạm vi khách sạn hoặc câu lạc bộ. 
Tuy nhiên, nơi đây lại rất khuyến khích du khách uống rượu. Bạn có thể tìm thấy những loại rượu champagne cực kỳ ngon, hoặc các giờ vàng dành riêng cho du khách với mức giá rượu xuống còn rất thấp.
Thứ sáu đã là cuối tuần
Trong văn hóa đạo Hồi, cuối tuần nghĩa là thứ sáu và thứ bảy, thay vì thứ bảy và chủ nhật như các quốc gia khác. 
Nếu đến Dubai vào thứ sáu, bạn có thể thấy những nhà hàng và quán cà phê đông kín người ngồi chuyện trò và thư giãn.
Nhà chọc trời Burj Khalifa rất độc đáo
12 điều gây bất ngờ cho du khách lần đầu đến Dubai
Tầm nhìn từ tòa nhà Burj Khalifa - Ảnh: iStock
Tòa nhà cao 829 mét Burj Khalifa là địa điểm bạn nhất định phải tham quan nếu có dịp đến Dubai. Nhìn từ nơi này, mọi thứ phía dưới trông như những mô hình tí hon. 
Tuy mức giá vào cổng khá cao (khoảng 46 USD) nhưng rất đáng để trải nghiệm.
Đừng nghĩ đến việc đi bộ
12 điều gây bất ngờ cho du khách lần đầu đến Dubai
Sân trượt tuyết trong nhà tại Dubai - Ảnh: Alamy
Những du khách thích đi dạo ngắm cảnh hẳn sẽ thất vọng khi đến Dubai. Thời tiết tại đây nóng đến mức bạn có thể bị say nắng nếu đi ngoài trời. Hơn nữa, thành phố này được thiết kế không phải để đi bộ, nên các địa điểm đều nằm cách nhau rất xa. 
Nơi duy nhất bạn có thể đi bộ được là trong các khu mua sắm. Tuy nhiên, những khu này cũng rộng đến mức bạn sẽ mỏi nhừ hai chân nếu không quen vận động.
Thiên đường mua sắm
Tại Dubai, bạn có thể tìm thấy bất cứ thứ gì, từ quần áo, mỹ phẩm, trang sức, thực phẩm đến đồ lưu niệm. Thành phố này thậm chí còn có cây ATM "Gold to Go" cho phép bạn rút vàng nếu có đủ tiền.
Kiến trúc tuyệt đỉnh
12 điều gây bất ngờ cho du khách lần đầu đến Dubai
Ngoài tòa nhà chọc trời Burj Khalifa, hầu hết các nhà cao tầng ở Dubai đều rất độc đáo - Ảnh: Kuoni
Dubai luôn giành các kỷ lục thế giới về những tòa nhà không chỉ ấn tượng nhất mà còn có kiến trúc thuộc hàng tinh xảo nhất. 
Ngoài tòa nhà chọc trời Burj Khalifa, hầu hết các nhà cao tầng ở Dubai đều rất độc đáo, không thể tìm thấy ở nơi nào khác.
Bạn chỉ có thể tắm biển vào mùa đông
12 điều gây bất ngờ cho du khách lần đầu đến Dubai
Nếu muốn tắm biển, bạn chỉ có thể chờ đến mùa đông, khi nhiệt độ còn khoảng 23 đến 26 độ C - Ảnh: Alamy
Dubai rất nóng, nóng đến mức những người không quen với nhiệt độ này có thể đổ bệnh ngay tức khắc. Vào mùa hè, từ tháng 6 đến tháng 8, nhiệt độ ngoài trời có thể từ 38 đến 40 độ C. 
Ngay cả người dân địa phương cũng chọn cách ngồi tránh nóng trong phòng máy lạnh. Vì vậy, nếu muốn tắm biển, bạn chỉ có thể chờ đến mùa đông, khi nhiệt độ còn khoảng 23 đến 26 độ C.
Đủ trò giải trí
12 điều gây bất ngờ cho du khách lần đầu đến Dubai
Có rất nhiều công ty du lịch còn cung cấp tour tham quan sa mạc với nhiều hoạt động gần gũi với thiên nhiên - Ảnh: Alamy
Nếu thích trải nghiệm văn hóa, bạn có thể đến Nhà hát Dubai để thưởng thức các buổi hòa nhạc hoặc ngắm các bức tranh đương đại về Trung Đông. 
Bạn thậm chí còn có thể trượt tuyết trong nhà khi nhiệt độ ngoài trời đang là 40 độ C, hoặc chơi golf trong khu sân vườn xanh mướt nằm giữa sa mạc. 
Du khách còn có thể cưỡi lạc đà, đi du thuyền, nhấm nháp rượu vang Pháp, nhảy dù, đua xe thể thức, bơi cùng cá heo… Có rất nhiều công ty du lịch còn cung cấp tour tham quan sa mạc với nhiều hoạt động gần gũi với thiên nhiên.
Ít tiền vẫn đi được
Dubai chỉ đắt đỏ nếu bạn chọn cách ăn sang, ở sang. Tuy nhiên, nếu muốn tiết kiệm, bạn vẫn có thể chọn ở khách sạn giá rẻ, ăn ở những khu phố bình dân và mua sắm ở chợ.
BÌNH MINH (Theo Traveller)