TTO - Lalibela trở thành điểm đến thu hút hàng nghìn du khách mỗi năm và được người dân coi như 'Jerusalem của Ethiopia' vì có một công trình tôn giáo tạc bằng đá nguyên khối từ cách đây 900 năm.
Cứ khoảng 4 giờ sáng mỗi ngày Chủ Nhật, trên con đường mòn tại một thị trấn miền núi của Ethiopia là một hàng dài những người mặc áo trắng xuất hiện từ bóng tối sâu thẳm. Họ bước đi lặng lẽ, từ từ đi xuống một cụm cấu trúc cổ theo nhịp từ trống da truyền thống kêu gọi.
Đây là một cảnh tượng rất thường thấy tại Lalibela, một thị trấn nhỏ nằm ở phía bắc Ethiopia, nơi có quần thể 11 nhà thờ độc đáo được xây dựng bằng đá cách đây 900 năm.
Điều độc đáo của những công trình tôn giáo này không phải ở niên đại mà là chúng được xây dựng hết sức công phu - tất cả được đẽo gọt từ đá nguyên khối.
Chính những nhà thờ này đã biến thị trấn hẻo lánh Lalibela trở thành thánh địa và là niềm tự hào của các tín đồ theo Cơ đốc giáo ở Ethiopia.
Theo ước tính, gần 2/3 dân số Ethiopia theo Cơ đốc giáo, do vậy Lalibela được các tín đồ coi là "đất Thánh" và được mệnh danh là "Jerusalem mới".
Quần thể nhà thờ tại Lalibela là nơi diễn ra các cuộc hành hương của các tín đồ và thu hút khoảng 80.000 - 100.000 du khách ghé thăm mỗi năm.
Hướng dẫn viên người địa phương Fikru Woldegiorgis cho biết Lalibela là một trong những địa điểm rất quan trọng đối với các tín đồ theo Cơ đốc giáo ở Ethiopia.
"Có một niềm tin rằng khi đến với Lalibela mọi người sẽ được ban phước lành, do đó ai cũng mong muốn phải thực hiện nguyện vọng hành hương ít nhất một lần trong đời", Woldegiorgis cho biết.
Để đến được đây, các tín đồ sẽ thực hiện cuộc hành trình bằng cách đi bộ trong vài ngày, thậm chí vài tuần. Nhiều người trong số họ vượt qua quãng đường hiểm trở, những ngọn núi gồ ghề bằng chính đôi chân trần. Không phân biệt nam, nữ, già, trẻ, thậm chí cả người tàn tật, họ tham gia vào cuộc hành hương với niềm tin tưởng vào đức Chúa trời.
Aba Gebreyesus, linh mục tại nhà thờ ở Lalibela, nói: "Họ đến sớm để cầu nguyện, hôn lên những bức tường cổ kính với mong muốn được ban phước lành. Mỗi mét vuông ở nơi đây đều được các tín đồ sử dụng làm nơi cầu nguyện".
Thị trấn Lalibela ban đầu được gọi là Roha, nhưng cuối cùng được đổi theo tên của vua Gebre Mesqel Lalibela ở triều đại Zagwe, người cai trị phần lớn lãnh thổ Ethiopia vào cuối thế kỷ 12, đầu thế kỷ 13. Nhiều tài liệu cho rằng, vua Lalibela là người cho xây dựng 11 nhà thờ tại Roha vào thời đó.
Có nhiều truyền thuyết xung quanh việc xây dựng các nhà thờ, một trong số đó kể rằng công nhân và các thiên thần làm việc cùng nhau để xây dựng, con người làm việc suốt cả ngày còn những thiên thần làm việc suốt đêm.
Chính vì lẽ đó mà một số sử gia cho rằng toàn bộ quần thể nhà thờ chỉ mất khoảng 23 năm để hoàn thành, một con số đáng kinh ngạc so với điều kiện xây dựng thời kỳ đó. Tuy nhiên các nhà khảo cổ học đã bác bỏ con số này.
11 nhà thờ ở Lalibela được chạm trổ từ vách đá núi lửa nguyên khối theo nhiều phong cách khác nhau. Một số đã được đẽo gọt theo thế dựa lưng vào vách đá, một số khác thì đứng độc lập, như Beta Giyorgis (nhà thờ Saint George), được xây dựng mô phỏng theo hình dáng cây thánh giá.
Tất cả đều được thiết kế một hệ thống cống rãnh thoát nước, đường hầm và các lối đi ngầm phức tạp và rộng lớn kết nối các cấu trúc ngầm.
Các nhà thờ có thể được chia thành hai khu phức hợp bao gồm khu phía bắc và phía đông nam. Sáu nhà thờ nằm trong khu phức hợp phía bắc bao gồm Beta Madhane Alem, Beta Maryam, Beta Masqal, Beta Danagel, Beta Mika'el, Beta Golgotha; và bốn nằm ở khu Đông Nam bao gồm Beta Emmanuel, Beta Abba Libanos, Beta Merkurios, Beta Gabriel và Beta Rafa'el. Nhà thờ thứ 11 là Beta Giyorgis (nhà thờ St. George) nằm độc lập.
Alebachev Retta, một học giả 86 tuổi, giải thích lý do khiến các nhà thờ này trở nên đặc biệt. "11 nhà thờ ở Lalibela khác biệt bởi vì chúng được xây dựng từ trên xuống dưới. Trái ngược với cách xây dựng thường thấy trên thế giới" , ông Retta nói.
Nằm riêng lẻ một mình ở phía tây so với hai khu khác, nhà thờ cuối cùng và cũng là địa điểm nổi tiếng nhất - Beta Giyorgis. Có hình dạng giống cây thánh giá, Beta Giyorgis nằm chính giữa một hố sâu 11m, diện tích 22x22m. Beta Giyorgis có ba cửa ra vào và mười hai cửa sổ. Trong tất cả các nhà thờ ở Lalibela, Beta Giyorgis được bảo quản tốt nhất và "trẻ tuổi" nhất.
Nhờ kiến trúc ấn tượng và ảnh hưởng to lớn đối với Cơ đốc giáo ở Ethiopia, quần thể nhà thờ ở Lalibela đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ năm 1978.
Vào năm 2008, UNESCO đã quyết định xây dựng mái che tại bốn nhà thờ để bảo vệ khỏi các yếu tố tàn phá của thiên nhiên. Mái che có thể làm mất cảnh quan của nhà thờ, nhưng các chuyên gia cho rằng việc làm này là cần thiết và rất quan trọng để bảo tồn các nhà thờ cổ.
Trong những năm gần đây, việc phát triển cơ sở hạ tầng tại Lalibela đã mang lại sự chú ý của mọi người đến vùng đất xa xôi này. Điều này có tác động tích cực tới thị trấn, rất nhiều du khách và tín đồ biết tới Lalibela, biến thị trấn dần trở thành một điểm du lịch nổi tiếng của Ethiopia.
MINH HẢI (Tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét