Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Đến Scotland và khám phá những điều kỳ thú



Scotland là đất nước của những người đàn ông mặc váy, những lễ hội đặc sắc…. và rất nhiều điều bất ngờ.
Đất nước kỳ diệu
Khi đến với Scotland, bạn sẽ choáng ngợp với vẻ đẹp của những lâu đài cổ kính, uy nghi… Đây cũng là nơi khởi phát truyền thuyết về quái vật hồ Loch Ness kích thích sự tò mò của cả thế giới.
Lâu đài Edinburgh, từng là pháo đài của hoàng gia Scotland, nơi được cho là nhiều ma nhất thế giới
 
Hồ Loch Ness và ảnh chụp quái vật truyền thuyết Nessie biến nơi đây thành điểm du lịch số 1 của Scotland
Quê hương của nhà văn lừng danh Athur Conan Doyle, tác giả tiểu thuyết trinh thám “Sherlock Holmes” đã cuốn hút hàng triệu độc giả toàn cầu. Không chỉ thế, Scotland là nơi xuất hiện đầu tiên của những chai rượu Whisky đúng chất và nồng ấm.
Lâu đài 5 sao Queen Mary, từng là nơi ở của nữ hoàng Mary, ở đây có hơn 100 sân gold lớn nhỏ
Scotland là cái nôi của môn thể thao quý tộc: Golf. Golf ra đời từ thế kỷ 15 và môn thể thao này được lan rộng khắp Scotland. Hiện nay ở quốc gia này có rất nhiều sân golf với vẻ đẹp thơ mộng và hiện đại bậc nhất châu Âu.
Một góc sân golf hiện đại nhất Scotland: Rowallan Castle Golf Club; và sân gold cổ nhất thế giới: Musselburg Links
Những nét văn hóa đặc sắc
Đàn ông mặc váy
Có lẽ đối với du khách khi đến thăm Scotland điều ngạc nhiên nhất chính là những người đàn ông mặc váy. Những chiếc “Kilt” (váy) truyền thống được người đàn ông mặc lên người rất dày, làm bằng len để giữ ấm. Hoa văn duy nhất của “Kilt” là caro và mỗi dòng họ, bộ tộc lại sở hữu những mẫu ô vuông và màu sắc riêng.
Đàn ông Scotland mặc “Kilt” (váy) vào ngày thường, lễ hội, tiệc cưới và cả ở công sở
Tại Scotland, cha và con trai mặc “Kilt” đi lễ nhà thờ, vị dân biểu quý phái mặc “Kilt” vào tòa nhà quốc hội, binh lính mặc “Kilt” trong các cuộc diễu hành… tất cả đều thể hiện sự trân trọng và niềm kiêu hãnh của người Scotland.
 
Lễ cưới kỳ lạ
 
Đám cưới của người Scotland là sự kết hợp của những phong tục truyền thống và hiện đại. Trong đám cưới, cô dâu và chú rể sẽ cùng chịu những thứ nước bẩn từ bạn bè, người thân mà không được né tránh, chạy trốn. Sữa đông, trứng thối, cà ri thiu, nước xốt cá đã bốc mùi, mật đường, bùn, bột, xúc xích,… chính là những lựa chọn để tạt vào người cô dâu và chú rể.
Những người bạn thoải mái tạt nước bẩn vào người cô dâu trong lễ cưới tại Scotland
Sau đó người dân trói cô dâu, chú rể, hoặc cả hai vào một cái cây rồi vác đi quanh làng, quán rượu… Bạn bè đi theo thổi còi, hò reo để tuyên bố đám cưới trước mọi người.
Lễ hội Raisin Monday của đại học St Andrews
Tại trường đại học St Andrews, vào năm học mới, những sinh viên năm cuối sẽ dẫn một sinh viên mới đi tham quan trường. Khi đến lễ Raisin Monday vào tháng 11, sinh viên mới sẽ đưa cho người phụ trách của mình 0,45 kg nho để tỏ lòng biết ơn và mong nhận được tấm giấy xác nhận viết bằng tiếng Latin.
Sinh viên nào không đạt sẽ bị ném vào đài phun nước. Hiện nay, nho khô được thay bằng một chai rượu vang, và té nước thay bằng trét bọt xà phòng.
Sinh viên tỏ ra rất hứng thú khi được tham gia vào buổi lễ Raisin Monday của trường St Andrews
Scotland đúng là một đất nước kỳ lạ và đầy thú vị.

Điểm tên những lễ hội màu sắc ở Xứ sở bò tót


Tây Ban Nha là đất nước của những lễ hội, xứ sở bò tót và là vương quốc của những cung điện lộng lẫy.
Đến thăm Tây Ban Nha, các bạn sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những bờ biển dài với cát trắng mềm mịn. Xứ sở bò tót còn nổi tiếng với những môn thể thao kinh điển, tiêu biểu chắc hẳn là bóng đá, quần vợt, khiêu vũ...
 
Khách du lịch khi đến Tây Ban Nha rất thích tung tăng trên những con phố được che mát bởi những lâu đài cổ kính, nguy nga. Đặc biệt là ai cũng cực thích thú và ngập tràn sảng khoái, vui chơi thỏa thích với những lễ hội truyền thống, đặc sắc và cũng không kém phần kỳ quái.
Nghe thú vị quá đúng không nào các bạn? Vậy thì bây giờ chúng ta cùng ghé thăm quê hương điệu Flamenco quyến rũ và tham gia vào những lễ hội ấn tượng đó nhé!
Lễ hội phục sinh (Semana Santa)
Được tổ chức vào tuần đầu tiên của ngày lễ phục sinh. Có rất nhiều thành phố tham gia tổ chức lễ hội này, tiêu biểu trong đó là: Seville và Malaga.
Lễ hội Phục sinh được tổ chức với nội dung chính là các giáo sĩ địa phương sẽ làm nghi thức rước chúa Giêsu về các nhà thờ lớn trong thành phố.
Lễ hội bò đuổi Pamplona (San Fermin)
 
Với nội dung đặc biệt và kỳ lạ, lễ hội bò đuổi Pamplona đã thực sự gây sự chú ý từ đông đảo du khách khi đến đất nước Tây Ban Nha du lịch.
 
Vào khoảng 8h sáng, những người dũng cảm, gan dạ sẽ liều lĩnh chạy trước đầu những con bò đực hung dữ, điên cuồng. Cuộc hành trình kéo dài khắp các khu phố trong vùng trước sự thán phục lòng quả cảm của những du khách đang xem.
Lễ hội được tổ chức vào tuần đầu tiên của tháng 7 tại thành phố Pamplona, thủ phủ vùng Navarra, phía Bắc Tây Ban Nha.
Lễ hội cà chua Tomatina
 
Đây có lẽ là lễ hội liên quan đến thực phẩm lớn nhất thế giới. Lễ hội cà chua được tổ chức vào ngày thứ tư cuối cùng của tháng 8. Lễ hội được tổ chức ở thị trấn nhỏ là Bunyol cách Valencia khoảng 1 giờ đi bộ.
 
Trong lễ hội, hàng ngàn người cùng với hàng tấn cà chua được ném tung tóe vào nhau trên đường phố Bunyol. Khung cảnh sau lễ hội là một sắc đỏ be bét tràn ngập các con đường, và người dân tin rằng đây là một nghi thức để cầu mùa màng bội thu vào năm sau.
Nhìn không khí thật vui nhộn đúng không nào các bạn, ước gì chúng mình cũng được tham dự một lần nhỉ?
Lễ hội Las Fallas
 
Được tổ chức tại Valencia, Las Fallas là lễ hội kéo dài trong vòng năm ngày trước ngày thánh Josehp (19/03).
 
Những dòng họ trong vùng sẽ dựng những hình nhân khổng lồ để thi tài và cuối cùng là để đốt chúng với niềm tin vượt qua tất cả những khó khăn, hung tàn từ thiên nhiên. Cùng với những ngọn lửa sáng bừng của các hình nhân, từ khắp nơi trong thành phố người dân cũng thắp sáng những cây nến và ngọn đuốc của mình.
Ngọn lửa rực sáng trong đêm chính là biểu tượng của Las Fallas.
Lễ hội Feria của vùng Sevilla
Được tổ chức đúng hai tuần sau lễ hội Semana Santa (Lễ phục sinh), kéo dài đúng một tuần từ 0h sáng thứ 3 đến 12h tối thứ 2 của tuần tiếp theo tại thành phố Sevilla.
Lễ hội là sự kết hợp của những bản nhạc flamenco, những màn đấu bò đầy kịch tính, hay những cuộc đua ngựa sôi động và hương vị say ngất của loại rượu sherry.
Đây được coi như là lễ phục sinh thứ 2 chỉ có ở riêng Sevilla.
Lễ hội Carnival
Carnival tất nhiên là một ngày hội của sắc màu, âm nhạc và sự phấn khích trên khắp các nẻo đường và con phố.
Ở Tây Ban Nha, Carnival được tổ chức một vài ngày trước ngày thứ ba Shrove (tuần ăn chay vào khoảng tháng 3). Lễ hội Carnival nổi tiếng nhất được tổ chức ở Tenerife và Cadiz. Ngoài ra phải kể đến các lễ hội carnival ở quận Chueca (thủ đô Madrid), vùng Sitges (gần Barcelona), Ciudad Rodrigo (gần Salamaca).
Lễ hội carnival ở Tenerife (Tây Ban Nha) là lễ hội carnival hoành tráng thứ hai trên thế giới (chỉ sau lễ hội carnival ở Rio de Janeiro – Brazil).
Lễ giáng sinh và năm mới
Giáng sinh tại Tây Ban Nha cũng giống như các quốc gia theo đạo thiên chúa khác. Đó là một thời khắc dành cho sự sum vầy trong gia đình, cùng nhau ăn uống, thăm người thân và vui chơi.
Dĩ nhiên lễ giáng sinh và mừng năm mới phải được tổ chức vào những ngày cuối năm cũ đầu năm mới ở khắp mọi nơi rồi.
Lễ hội Moros y Cristianos
Lễ hội Moros y Cristianos diễn ra nhiều lần trong năm và có sự khác nhau ở các vùng miền trên cả nước Tây Ban Nha. Đặc biệt, nổi tiếng nhất là lễ hội diễn ra ở vùng Alicante, bên cạnh đó nó còn phổ biến ở các vùng thuộc phía Nam của Tây Ban Nha.
Đây là lễ hội để kỷ niệm chiến thắng của đạo Kitô trong cuộc chiến thập tự chinh giành lấy vùng đất thánh khỏi sự thống trị của người Hồi giáo. Những người tham gia sẽ tiến hành những trận đánh nghi thức trong lễ hội nhằm tái hiện lại cuộc chiến đã cách đây hơn 700 năm.
Nhìn lễ hội này giống đánh trận giả của Việt Nam quá nhỉ?
Lễ hội Semana Grande của xứ Basque
Được tổ chức vào tuần thứ ba của tháng tám tại xứ Basque đặc biệt là thành phố Bilbao.
Lễ hội Semana là một lễ hội tổng hợp giống như lễ hội của vùng Sevilla. Điểm thu hút lớn của lễ hội Semana Grande là sự xuất hiện của một số lượng lớn những buổi hòa nhạc, đủ các thể loại pop, rock, cổ điển cho đến nhạc jazz. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của những hình nhân khổng lồ và những màn pháo hoa được bắn hàng đêm.
Lễ hội Semana Grande trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “tuần lễ lớn”.
Lễ hội Tamborrada ở San Sebastian
Được kéo dài đúng một ngày từ nửa đêm ngày 19 tháng 01. Lễ hội Tamborrada được tổ chức ở thành phố San Sebastian của xứ Basque.
Lễ hội này được mọi người nhắc đến như là một lễ hội ồn ào nhất của Tây Ban Nha. Những đội trống diễu hành cùng những nhóm trống nhỏ hơn sẽ trình diễn thâu đêm qua khắp các con phố ngõ hẻm của thành phố.
Đây thực sự là ngày hội của những chiếc trống.

Bất ngờ thú vị về “Họ” của người Nhật


Nhật là nước có nhiều họ nhất trên thế giới. Trong khi Thiên hoàng, dòng dõi trị vì hàng ngàn năm là dòng tộc duy nhất không có họ…?
Tại “Xứ sở hoa anh đào” hiện nay có khoảng hơn 120.000 họ khác nhau và đây là đất nước có số lượng họ nhiều nhất thế giới. Đây có lẽ là một nét đặc sắc trong văn hóa của người Nhật khi mà ngay cả những người Nhật đôi lúc cũng không biết đọc, viết họ của đồng bào mình ra sao.
 
Nhật Bản có hơn 120.000 họ
 
Nguồn gốc
Từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 17, tên của người Nhật đã được sử dụng khá rộng rãi (trừ các Samurai không được mang tên), thế nhưng người Nhật có rất ít dòng dõi có họ (gia đình vương tướng, quý tộc).
Trước cải cách Minh Trị, 80% dân số Nhật không có họ. Kể từ những năm 1883, để tiện việc quản lý, thu thuế, mỗi người dân bị bắt buộc phải tự chọn và đăng ký họ cho riêng mình. Người dân bắt đầu cuống cuồng đi tìm cái họ cho mình, đa số họ nhờ những người tri thức, trưởng thôn đặt họ… và đã có vô số họ được đặt theo đặc điểm của vị trí gia đình, cây cối, và thậm chí là theo họ của hàng xóm…
 
Thiên hoàng Minh Trị, người đã gián tiếp giúp người dân Nhật Bản có họ,… nhưng dòng dõi ông lại không có họ
Và điều thú vị
Vì có quá nhiều người cần đặt họ nên trưởng thôn, những người tri thức đã giao quy ước đặt họ rằng:
- Nhà chú có một cây tùng nên lấy họ là: Matsushita (nghĩa: dưới gốc tùng).
- Nhà chú trước con sông nên lấy họ là: Maekawa (nghĩa: con sông phía trước) .
Vậy là người dân đua nhau tự đặt tên như vậy: ai ở trong núi thì mang họ là Yamashita, ai ở ngoài đảo thì lấy họ: Nakajima…
Đặt theo tên địa danh: Chiba, Wakamatsu…, theo đặc điểm sông núi, ruộng đồng: Mori, Yamada, Ogawa…, theo phương hướng: Higashi, Nishimura…và những họ như thế này chiếm tới 90% tổng số hơn 120.000 họ của người Nhật.
 
Sông, núi…là nguồn gốc của rất nhiều dòng Họ tại Nhật Bản
Đặt ghép theo họ của dòng dõi nổi tiếng: Fujiwara. Họ ghép chữ Fuji vào tên địa phương: Kato, Ito, Sato, Saito, Koto, Goto… tạo ra những tên họ như: Fujikato, FujiIto….trong khi hậu duệ của Fujiwara mang họ: Fujikawa, Fujimoto, Fujiwara.
Chính vì vậy: ở tỉnh Achi, có một ngôi làng mang toàn họ thực vật: Daikon (củ cải), Ninjin (Cà rốt)… Có làng lại mang toàn tên tôm, cá: Tai, Himera… giống hệt thủy cung. Có khi cả làng cùng mang một họ, điều này làm khó khăn hơn bao giờ hết cho những bác đưa thư.
Hiện nay ở Nhật trong số hơn 120.000 họ thì có một số họ chiếm số lượng lớn là: Sato, Suzuki, Takahashi, Tanaka, Watanabe, Ito, Yamamoto, Nakamura, Kobayashi và Kato.
 
Thiên Hoàng Akihito. Thiên Hoàng là dòng dõi duy nhất không có họ tại Nhật Bản
Điều đặc biệt, mặc dù cai trị đất nước hàng ngàn năm lịch sử, thế nhưng Thiên Hoàng là dõng dõi duy nhất không có họ tại đất nước nhiều họ nhất thế giới này.

Thưởng thức trà theo kiểu người Nhật Bản


Cùng tham gia vào một hoạt động truyền thống rất nổi tiếng của người Nhật nhé.
Văn hóa uống trà có ở rất nhiều quốc gia, tuy nhiên nâng nó lên thành một thứ đạo thì chỉ có người Nhật. Mặc dù trà được du nhập vào đảo quốc này từ Trung Hoa nhưng nghi thức thưởng trà đã được cải biến và trở nên độc đáo tới mức chẳng còn ai quan tâm tới điều đó. Có thể nói bây giờ nhắc đến trà đạo là người ta nghĩ ngay tới Nhật Bản.
 
Trà đạo, nét quốc túy của người dân Nhật Bản.
 
Trà đạo Nhật Bản ban đầu mang đậm ảnh hưởng của Thiền Nam Tông trong Phật giáo, nó cũng chịu ảnh hưởng nhiều của Thần giáo Nhật Bản trong các lễ nghi và là biểu tượng của sự tối giản nhưng duy mỹ trong văn hóa của người Nhật xưa. Tất cả các công đoạn, các chi tiết của Trà đạo đều tìm tới sự hoàn hảo trong những thứ cực kỳ giản dị.
 
Từ lúc khởi nguyên, Trà đạo đã điểm thêm nét tinh khiết và hài hòa vào cuộc sống của người Nhật. Nó thể hiện sự lãng mạn, nét kín đáo và sự thanh sạch trong một xã hội vốn rất coi trọng trật tự. Người Nhật xem Trà đạo như một cách để nhẹ nhàng hoàn thiện những nét không hoàn thiện trong cuộc đời này.
 
Người Nhật có thể dùng trà bột hoặc trà nguyên lá và cách pha cũng có sự khác nhau. Tuy nhiên các quy tắc và tinh thần của Trà đạo là bất biến.
 
Bước vào trà thất
 
Đó có thể là một ngôi nhà nhỏ hay một căn phòng dành riêng cho việc thưởng trà. Trà thất bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ 16 và có ảnh hưởng lớn tới kiến trúc Nhật Bản. Đặc điểm lớn nhất của nó là giản dị về trang trí, thanh bần về kiến trúc và nhỏ nhắn về quy mô. Ngày nay, chi phí dựng một trà thất công phu thậm chí còn đắt hơn xây dựng một ngôi nhà hoàn chỉnh vì chỉ những thợ mộc giỏi nhất mới có thể thực hiện. Một trà thất được chăm chút không thua gì một tác phẩm sơn mài hạng nhất.
 
 Trà thất có thể là một căn phòng hay một gian nhà nhỏ.
 
Phía bên trong trà thất, người Nhật có những hình thức trang trí rất đơn sơ theo đúng tinh thần của Trà đạo. Dù diện tích rất nhỏ nhưng trà thất vẫn có một góc hơi thụt vào vách tường và được tô điểm bằng một bức tranh, một cuộn thư pháp, một bình hoa hay một lò hương trầm.
 
Góc trang trí trong trà thất.
 
Hoa dùng trong trà thất cũng được cắm theo phong cách giản dị mà thanh lịch. Nó không có những quy tắc ngặt nghèo mà thể hiện tình cảm, tâm tư của chủ nhân.
 
Hoa tô điểm trà thất với phong cách giản dị.
 
Ngắm nhìn dụng cụ pha trà
 
Người Nhật có rất nhiều dụng cụ dùng trong khi pha chế trà. Quan trọng nhất trong số đó là chén trà, hũ đựng trà, ấm nước. Ngoài ra còn có rất nhiều thứ khác tùy thuộc vào từng trường phái như các loại muỗng múc trà, các loại khăn với nhiều công dụng khác nhau và nhiều thứ khác.
 
Chén trà với hoa văn tỉ mỉ, riêng biệt. Trong tiệc trà không có hai chén nào giống hệt nhau.
 
Hũ đựng trà được làm bằng chất liệu sơn mài rất công phu.
 
Ấm sắt dùng để đun nước cũng là loại được trang trí tỉ mỉ.
 
Cây đánh trà dùng khi pha trà bột và được làm bằng tre.
 
Chờ đợi chủ nhân chuẩn bị trà
 
Chủ nhân sẽ tráng toàn bộ ấm chén trong nước nóng, sau đó dùng khăn lau khô và xếp trước mặt khách.
 
Nước pha trà được đun tới khoảng 80 – 90 độ. Tuyệt đối không dùng nước sôi để giữ cho màu trà được đẹp mắt.
 
Tùy thuộc vào loại trà mà người ta có thể pha 3 nước hay nhiều hơn. Mỗi lần rót trà, chủ nhân sẽ rót lần lượt theo vòng, mỗi lần một lượng vừa phải để đảm bảo nước trà trong chén của mọi người là như nhau.
 
Thưởng trà
 
Trà Nhật Bản thường được dùng với bánh ngọt.
 
Uống trà kiểu Nhật không giống với cách uống kiểu nhấp môi mà người Việt và người Trung Hoa thường làm. Người Nhật ăn một miếng bánh ngọt trước khi uống trà, bánh sẽ làm cho vị trà thêm nổi trội và thường được làm từ bột khoai, bột đậu (ông và bố chúng mình khi uống trà cũng thường hay nhâm nhi bánh đậu xanh hoặc vài phong kẹo lạc nhỉ? ). Sau đó, họ uống một lượng trà tương đối lớn, sao cho trong 2, 3 lần uống sẽ hết một cốc trà.. Khi uống hết, khách không tự rót mà chờ chủ nhân thêm trà cho mình.
 
Người Nhật uống cạn cốc trà sau 2, 3 hớp, khác hẳn với Việt Nam và Trung Hoa.
 
Khi buổi tiệc trà kết thúc, mọi người kính cẩn cúi chào nhau trước khi ra về. Tất cả các công đoạn, các lễ nghi đều được thực hiện một cách nhẹ nhàng, chậm rãi và yên tĩnh.
 
Nghi lễ Trà đạo thể hiện rất rõ 4 đặc điểm Hòa, Kính, Thanh, Tịnh. Hòa là hòa đồng, hòa điệu, hòa nhã. Kính là kính trọng lẫn nhau. Thanh là sự thanh sạch và Tịnh là sự tĩnh lặng. Tất cả góp phần khiến tâm hồn con người được thư thái và tạo nên phong cách của con người Nhật Bản.

7 tiệm ăn độc đáo nhất Nhật Bản


Ăn tối trong tù, lạc vào xứ sở đồ ăn tí hon như Alice, thưởng thức café cùng mèo yêu… tất cả chỉ có tại Nhật Bản.
Đất nước Nhật Bản vốn từ lâu đã nổi tiếng trên thế giới với rất nhiều phong tục tập quán độc đáo hấp dẫn như Ninja, Sumo, Manga, Cosplay hay nghệ thuật xếp giấy Origami…. Sự kết hợp giữa ẩm thực truyền thống và những nét văn hóa đặc trưng này đã tạo ra vô vàn tiệm ăn “có một không hai” tại Nhật Bản.
Quán café cô hầu gái
 
Tuy mới chỉ xuất hiện từ những năm 1998, ngày nay, các quán café với nhân viên nữ mặc những trang phục của các cô hầu gái hay phỏng theo các nhân vật trong truyện tranh đã trở nên phổ biến khắp Nhật Bản. Đây là một trào lưu đang khá thịnh hành tại đất nước mặt trời mọc, có tên gọi là Cosplay.
 
Khách của những quán café này chủ yếu là các otaku nam (tên gọi những người hâm mộ truyện tranh và video game Nhật Bản). Ngoài những công việc bưng bê bình thường, những nữ hầu gái ở các quán café này còn phải kiêm những “nhiệm vụ” như gọi khách hàng là “ông chủ”, thực hiện việc sơn sửa móng tay và khóc mỗi khi khách hàng ra về.
Café mèo
 
Những năm gần đây, các quán Café dành cho mèo trở nên đặc biệt đắt hàng tại Nhật Bản. Chỉ tính riêng ở Tokyo đã có tới hơn 50 địa chỉ dành cho những người yêu mến mèo có thể đến giao lưu và thưởng thức cappuccino. Ở Nhật Bản, những tòa cao ốc làm việc thường cấm chó mèo. Chính vì vậy, việc xuất hiện các quán café chỉ dành cho những thú cưng yêu quý được coi như chiếc cầu nối giúp con người thể hiện tình bạn với các loài động vật. Một số quán café có yêu cầu không được chạm vào các con vật trong quán, một số khác thì không nhưng khách hàng phải vệ sinh tay sạch sẽ thì mới được nựng yêu các “em” mèo vài phút đấy.
Nhà hàng Ninja
 
Ninja là một trong những nhà hàng có phong cách độc đáo và rất nổi tiếng tại Tokyo. Nếu muốn trải nghiệm một bữa ăn trong ánh đèn mờ ảo và cảm giác đề phòng những kẻ ám sát lượn lờ xung quanh, bạn sẽ phải đặt chỗ trước tại nhà hàng để tránh trường hợp quá đông khách. Tại đây, thực khách sẽ được dẫn qua một chiếc cầu nhỏ có ván kéo, len lỏi theo những hành lang đầy gió để tới ăn tại một ngôi làng mô phỏng thời Edo vào thế kỷ 17. Trong bữa ăn, một vài nhà ảo thuật cũng sẽ ghé thăm các bàn và biểu diễn những kỹ thuật “tuyệt đỉnh” Ninja.
Lạc đến nhà hàng Alice ở xứ sở thần tiên
 
Mặc dù tất cả các cô gái phục vụ tại đây đều mặc trang phục Alice, khách hàng đến với tiệm ăn này lại chủ yếu là nữ giới.
Lối vào nhà hàng là một cánh cửa gỗ lớn được mở theo hình cuốn sách. Tiếp theo đó, chúng mình sẽ phải chui qua một hành lang dài được mô phỏng theo hang thỏ y như trong câu chuyện cổ tích.
 
Ông chủ của “Alice ở xứ sở thần tiên” đã trang trí trần và sàn quán ăn của mình bằng những lá bài to, đèn được làm từ những chiếc mũ ngộ nghĩnh và những chiếc cốc uống nước có hình bốt điện thoại công cộng. Menu thức ăn là một bức tranh tầm sâu thu nhỏ tạo cho thực khách có cảm giác như một người khổng lồ thực thụ. Điều thú vị nho nhỏ nữa ở mỗi đĩa thức ăn chính là một mẩu giấy nhỏ ghi chữ “Hãy ăn tôi” và những icon mặt người nhăn nhó vô cùng hay ho dành cho những “tín đồ” của thế giới cổ tích diệu kỳ trong “Alice ở xứ sở thần tiên”.
Ăn trưa tại trường học?
Thực đơn tại Kyushokutoban có 6 suất ăn bao gồm thịt gà chiên xù, thịt lợn tẩm gừng, bít tết bò hay trứng ốp.
Với ý tưởng làm một điểm đến thú vị cho những “nhân” tuy đã rời ghế nhà trường mà vẫn rất nhớ những bữa ăn trưa tập thể thời học sinh, quán ăn Kyushokutoban đã vô cùng thành công tại Nhật Bản.
Kyushokutoban đưa chúng ta trở về thời kỳ của những giờ ra chơi nhộn nhịp với các nhân viên phục vụ mặc đồng phục, xúc thức ăn cho thực khách lần lượt trong những khay kim loại và phát sữa hộp. Quán ăn được trang trí mô phỏng một lớp học với bảng tin và bàn ghế nhỏ nhắn… Tất cả y hệt như ở một trường tiểu học trừ việc tại đây, bạn có thể uống bia.
Bữa ăn trong tù
 
Bạn đã bao giờ nghĩ đến một bữa ăn trong xà lim tù bằng kim loại chưa vậy? Đến với quán Lock up ở Nhật Bản, chúng mình sẽ bị… còng tay và “áp giải” đến một buồng giam với thực ăn được đựng trong nhưng khay thí nghiệm hóa học do các tù nhân phục vụ. Những cánh cửa bí mật, những vụ tắt điện bất ngờ và tiếng gầm gừ của các tù nhân đủ để làm những ai yếu bóng vía phải “xanh mặt” đấy.
Không chỉ dừng lại có vậy, trong suốt bữa tối, rất có thể sẽ xảy ra vài vụ… vượt ngục và nhiệm vụ của thực khách lúc này là phải lẩn trốn những tên tù có thể đang trốn ngay trong “phòng giam” của mình. Quả là một tiệm ăn cực cực hấp dẫn với những ai muốn thử cảm giác mạnh.
Quán café ma cà rồng
 
Không có gì đáng ngạc nhiên khi đỏ là màu chủ đạo trong quán café này. Từ những cây nến chảy, mảnh gương vỡ, đầu lâu hay các tấm quan tài… tất cả đều gợi cảm giác “rùng mình” về ma cà rồng.
Tại đây, thực khách sẽ được ngồi trong những buồng riêng ngăn cách bới rèm nhung, nghe những bản nhạc Ba-rốc cổ và phục vụ bởi những nhân viên mặc trang phục hầu gái Pháp hay nam với trang phục Tuxedo. Thức ăn thì đương nhiên rồi, luôn được đựng trong những chiếc bát hình quan tài với các cây thánh giá ăn được và nhuộm máu đỏ tươi (thực ra là sốt cà chua í mà).

Nét đặc trưng Nhật Bản qua ngôn ngữ thú vị


Nhật Bản là một đất nước pha trộn giữa truyền thống và hiện đại. Họ có một nền văn hóa với những nét riêng biệt.
Người Nhật không bao giờ muốn đồng hóa nền văn hóa của mình với những nền văn hóa khác. Vì vậy mà đến tận bây giờ, họ vẫn giữ được phần lớn những nét truyền thống của mình.
 
Bên cạnh đó, họ cũng không quên bổ sung những điều mới từ văn hóa phương Tây. Các danh từ chỉ tính cách người Nhật thường gây khó khăn cho những người nước ngoài. Vì vậy, Peter Machat, một sinh viên người Đức đang theo học tại đây đã tập hợp một số từ đặc trưng, dùng để miêu tả những đặc tính, thói quen, văn hóa, cách ứng xử của người Nhật.
 
Hình ảnh từ một lễ hội truyền thống ở Nhật Bản
 
Kaze: Trong tiếng Nhật, “kaze “có nghĩa là bị cảm. Khi người Nhật bị cảm, họ rất có ý thức bảo vệ mình và những người xung quanh. Họ cảm thấy rất mất vệ sinh khi cứ ho sù sụ trước mặt người khác. Thế nên, khẩu trang là một món phụ kiện mà bạn dễ dàng bắt gặp nhất, đặc biệt khi vào mùa đông hay những lúc có dịch.
 

 
Dento: Tính từ miêu tả những người có tính cách truyền thống. Họ không thích trang phục hiện đại, vì thế phần lớn thời gian họ đều mặc Kimono. Hơn thế nữa, họ là những con người hiểu biết rất nhiều về những lễ nghi truyền thống của Nhật như trà đạo, thư pháp, làm thơ Haiku *. Những người này thường sinh trưởng trong các dòng họ lớn ở Nhật Bản.
 

 
(*) Chú thích: Haiku là thể thơ 4 câu của Nhật, ra đời vào thế kỉ 17 và phát triển mạnh vào thời kì Edo (1603 - 1867). 

Matsuri: Matsuri là danh từ chỉ những lễ hội địa phương, phần lớn liên quan đến các đền thờ hoặc những nơi linh thiêng. Những lễ hội Matsuri thường sôi động với nhiều hoạt động vui nhộn như rước kiệu, tổ chức những trò chơi dân gian, tham gia nấu ăn truyền thống … Những người tham gia chính vào lễ hội thường mặc bộ Happi – trang phục truyền thống trong các dịp lễ hội văn hoá của Nhật Bản.
 

 
Kannushi: Thầy tế và là người chịu trách nhiệm chính trong các ngôi đền Thần giáo (Đạo Shinto). Thần đạo luôn tin tưởng vào sự tồn tại của các vị thần (Kami). Những vị thần này luôn tồn tại trong những hình dáng khác nhau, ở bất cứ nơi nào. Kannushi có thể kết hôn, con cái của họ thường được kế thừa vị trí của cha.
Onsen: Người Nhật có thói quen thích ngâm mình trong suối nước nóng. Onsen là từ chỉ những suối nước nóng lộ thiên, được hình thành từ các ngọn suối trên miệng núi lửa đã tắt.
 
Trong những ngày nghỉ, người Nhật thường đổ xô đến các onsen, đội một chiếc khăn lên đầu và ngâm mình thư giãn giữa cảnh sắc thiên nhiên. Theo quy định, người ta phải tắm rửa, kì cọ sạch sẽ rồi mới được phép xuống ngâm mình trong suối. Nhiều nơi, họ cho phép nam và nữ tắm chung.
 
Ngày nay, onsen còn là một nét đẹp văn hoá mà hầu như du khách nào đến Nhật Bản cũng tham gia.
 

Budoka: Budo có nghĩa là “con đường của một chiến binh”. Những Budoka (võ sinh) rất am hiểu về những môn võ truyền thống của Nhật như Karate (Không Thủ đạo), Jujutsu (Nhu Thuật), Judo (Nhu Đạo), Aijido (Hiệp Khí Đạo), Kendo (Kiếm đạo)… hay thậm chí cả những môn như Sumo (Đấu vật) và kỹ năng Ninja (Nhẫn giả). Tuy nhiên, họ lại là những con người rất khiêm tốn. Ngoại trừ những trường hợp cần thiết, họ ít khi để lộ kỹ năng võ thuật của mình ra bên ngoài.
 

 
Ekiin: Những người làm việc trong các ga tàu điện ngầm ở Nhật, vốn được mệnh danh là hệ thống giao thông náo nhiệt và tấp nập nhất thế giới. Trong giờ cao điểm, các nhà ga có thể chật kín người. Mọi người chen chân lên những con tàu điện ngầm để trở về nhà sớm nhất có thể, trông rất hỗn độn. Ekiin có nhiệm vụ sắp xếp để các tàu điện có thể khép cửa được và di chuyển. Có thể xem họ là một nhóm bảo vệ của nhà ga.
 

 
Cosplay: Hoạt động yêu thích việc hoá trang thành những nhân vật giả tưởng trong các anime (hoạt hình), manga (truyện tranh) hoặc trò chơi điện tử. Người đam mê Cosplay được gọi là… Cosplayer, thường tập trung trong các dịp lễ hội, hoá trang thành nhân vật yêu thích của mình và cùng chụp ảnh với mọi người. Trên thế giới, có nhiều cuộc thi hoá trang quy mô lớn, là nơi để các cosplayer thể hiện tài nghệ của mình.