Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Thưởng thức trà theo kiểu người Nhật Bản


Cùng tham gia vào một hoạt động truyền thống rất nổi tiếng của người Nhật nhé.
Văn hóa uống trà có ở rất nhiều quốc gia, tuy nhiên nâng nó lên thành một thứ đạo thì chỉ có người Nhật. Mặc dù trà được du nhập vào đảo quốc này từ Trung Hoa nhưng nghi thức thưởng trà đã được cải biến và trở nên độc đáo tới mức chẳng còn ai quan tâm tới điều đó. Có thể nói bây giờ nhắc đến trà đạo là người ta nghĩ ngay tới Nhật Bản.
 
Trà đạo, nét quốc túy của người dân Nhật Bản.
 
Trà đạo Nhật Bản ban đầu mang đậm ảnh hưởng của Thiền Nam Tông trong Phật giáo, nó cũng chịu ảnh hưởng nhiều của Thần giáo Nhật Bản trong các lễ nghi và là biểu tượng của sự tối giản nhưng duy mỹ trong văn hóa của người Nhật xưa. Tất cả các công đoạn, các chi tiết của Trà đạo đều tìm tới sự hoàn hảo trong những thứ cực kỳ giản dị.
 
Từ lúc khởi nguyên, Trà đạo đã điểm thêm nét tinh khiết và hài hòa vào cuộc sống của người Nhật. Nó thể hiện sự lãng mạn, nét kín đáo và sự thanh sạch trong một xã hội vốn rất coi trọng trật tự. Người Nhật xem Trà đạo như một cách để nhẹ nhàng hoàn thiện những nét không hoàn thiện trong cuộc đời này.
 
Người Nhật có thể dùng trà bột hoặc trà nguyên lá và cách pha cũng có sự khác nhau. Tuy nhiên các quy tắc và tinh thần của Trà đạo là bất biến.
 
Bước vào trà thất
 
Đó có thể là một ngôi nhà nhỏ hay một căn phòng dành riêng cho việc thưởng trà. Trà thất bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ 16 và có ảnh hưởng lớn tới kiến trúc Nhật Bản. Đặc điểm lớn nhất của nó là giản dị về trang trí, thanh bần về kiến trúc và nhỏ nhắn về quy mô. Ngày nay, chi phí dựng một trà thất công phu thậm chí còn đắt hơn xây dựng một ngôi nhà hoàn chỉnh vì chỉ những thợ mộc giỏi nhất mới có thể thực hiện. Một trà thất được chăm chút không thua gì một tác phẩm sơn mài hạng nhất.
 
 Trà thất có thể là một căn phòng hay một gian nhà nhỏ.
 
Phía bên trong trà thất, người Nhật có những hình thức trang trí rất đơn sơ theo đúng tinh thần của Trà đạo. Dù diện tích rất nhỏ nhưng trà thất vẫn có một góc hơi thụt vào vách tường và được tô điểm bằng một bức tranh, một cuộn thư pháp, một bình hoa hay một lò hương trầm.
 
Góc trang trí trong trà thất.
 
Hoa dùng trong trà thất cũng được cắm theo phong cách giản dị mà thanh lịch. Nó không có những quy tắc ngặt nghèo mà thể hiện tình cảm, tâm tư của chủ nhân.
 
Hoa tô điểm trà thất với phong cách giản dị.
 
Ngắm nhìn dụng cụ pha trà
 
Người Nhật có rất nhiều dụng cụ dùng trong khi pha chế trà. Quan trọng nhất trong số đó là chén trà, hũ đựng trà, ấm nước. Ngoài ra còn có rất nhiều thứ khác tùy thuộc vào từng trường phái như các loại muỗng múc trà, các loại khăn với nhiều công dụng khác nhau và nhiều thứ khác.
 
Chén trà với hoa văn tỉ mỉ, riêng biệt. Trong tiệc trà không có hai chén nào giống hệt nhau.
 
Hũ đựng trà được làm bằng chất liệu sơn mài rất công phu.
 
Ấm sắt dùng để đun nước cũng là loại được trang trí tỉ mỉ.
 
Cây đánh trà dùng khi pha trà bột và được làm bằng tre.
 
Chờ đợi chủ nhân chuẩn bị trà
 
Chủ nhân sẽ tráng toàn bộ ấm chén trong nước nóng, sau đó dùng khăn lau khô và xếp trước mặt khách.
 
Nước pha trà được đun tới khoảng 80 – 90 độ. Tuyệt đối không dùng nước sôi để giữ cho màu trà được đẹp mắt.
 
Tùy thuộc vào loại trà mà người ta có thể pha 3 nước hay nhiều hơn. Mỗi lần rót trà, chủ nhân sẽ rót lần lượt theo vòng, mỗi lần một lượng vừa phải để đảm bảo nước trà trong chén của mọi người là như nhau.
 
Thưởng trà
 
Trà Nhật Bản thường được dùng với bánh ngọt.
 
Uống trà kiểu Nhật không giống với cách uống kiểu nhấp môi mà người Việt và người Trung Hoa thường làm. Người Nhật ăn một miếng bánh ngọt trước khi uống trà, bánh sẽ làm cho vị trà thêm nổi trội và thường được làm từ bột khoai, bột đậu (ông và bố chúng mình khi uống trà cũng thường hay nhâm nhi bánh đậu xanh hoặc vài phong kẹo lạc nhỉ? ). Sau đó, họ uống một lượng trà tương đối lớn, sao cho trong 2, 3 lần uống sẽ hết một cốc trà.. Khi uống hết, khách không tự rót mà chờ chủ nhân thêm trà cho mình.
 
Người Nhật uống cạn cốc trà sau 2, 3 hớp, khác hẳn với Việt Nam và Trung Hoa.
 
Khi buổi tiệc trà kết thúc, mọi người kính cẩn cúi chào nhau trước khi ra về. Tất cả các công đoạn, các lễ nghi đều được thực hiện một cách nhẹ nhàng, chậm rãi và yên tĩnh.
 
Nghi lễ Trà đạo thể hiện rất rõ 4 đặc điểm Hòa, Kính, Thanh, Tịnh. Hòa là hòa đồng, hòa điệu, hòa nhã. Kính là kính trọng lẫn nhau. Thanh là sự thanh sạch và Tịnh là sự tĩnh lặng. Tất cả góp phần khiến tâm hồn con người được thư thái và tạo nên phong cách của con người Nhật Bản.

Không có nhận xét nào: