Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Nét đặc trưng Nhật Bản qua ngôn ngữ thú vị


Nhật Bản là một đất nước pha trộn giữa truyền thống và hiện đại. Họ có một nền văn hóa với những nét riêng biệt.
Người Nhật không bao giờ muốn đồng hóa nền văn hóa của mình với những nền văn hóa khác. Vì vậy mà đến tận bây giờ, họ vẫn giữ được phần lớn những nét truyền thống của mình.
 
Bên cạnh đó, họ cũng không quên bổ sung những điều mới từ văn hóa phương Tây. Các danh từ chỉ tính cách người Nhật thường gây khó khăn cho những người nước ngoài. Vì vậy, Peter Machat, một sinh viên người Đức đang theo học tại đây đã tập hợp một số từ đặc trưng, dùng để miêu tả những đặc tính, thói quen, văn hóa, cách ứng xử của người Nhật.
 
Hình ảnh từ một lễ hội truyền thống ở Nhật Bản
 
Kaze: Trong tiếng Nhật, “kaze “có nghĩa là bị cảm. Khi người Nhật bị cảm, họ rất có ý thức bảo vệ mình và những người xung quanh. Họ cảm thấy rất mất vệ sinh khi cứ ho sù sụ trước mặt người khác. Thế nên, khẩu trang là một món phụ kiện mà bạn dễ dàng bắt gặp nhất, đặc biệt khi vào mùa đông hay những lúc có dịch.
 

 
Dento: Tính từ miêu tả những người có tính cách truyền thống. Họ không thích trang phục hiện đại, vì thế phần lớn thời gian họ đều mặc Kimono. Hơn thế nữa, họ là những con người hiểu biết rất nhiều về những lễ nghi truyền thống của Nhật như trà đạo, thư pháp, làm thơ Haiku *. Những người này thường sinh trưởng trong các dòng họ lớn ở Nhật Bản.
 

 
(*) Chú thích: Haiku là thể thơ 4 câu của Nhật, ra đời vào thế kỉ 17 và phát triển mạnh vào thời kì Edo (1603 - 1867). 

Matsuri: Matsuri là danh từ chỉ những lễ hội địa phương, phần lớn liên quan đến các đền thờ hoặc những nơi linh thiêng. Những lễ hội Matsuri thường sôi động với nhiều hoạt động vui nhộn như rước kiệu, tổ chức những trò chơi dân gian, tham gia nấu ăn truyền thống … Những người tham gia chính vào lễ hội thường mặc bộ Happi – trang phục truyền thống trong các dịp lễ hội văn hoá của Nhật Bản.
 

 
Kannushi: Thầy tế và là người chịu trách nhiệm chính trong các ngôi đền Thần giáo (Đạo Shinto). Thần đạo luôn tin tưởng vào sự tồn tại của các vị thần (Kami). Những vị thần này luôn tồn tại trong những hình dáng khác nhau, ở bất cứ nơi nào. Kannushi có thể kết hôn, con cái của họ thường được kế thừa vị trí của cha.
Onsen: Người Nhật có thói quen thích ngâm mình trong suối nước nóng. Onsen là từ chỉ những suối nước nóng lộ thiên, được hình thành từ các ngọn suối trên miệng núi lửa đã tắt.
 
Trong những ngày nghỉ, người Nhật thường đổ xô đến các onsen, đội một chiếc khăn lên đầu và ngâm mình thư giãn giữa cảnh sắc thiên nhiên. Theo quy định, người ta phải tắm rửa, kì cọ sạch sẽ rồi mới được phép xuống ngâm mình trong suối. Nhiều nơi, họ cho phép nam và nữ tắm chung.
 
Ngày nay, onsen còn là một nét đẹp văn hoá mà hầu như du khách nào đến Nhật Bản cũng tham gia.
 

Budoka: Budo có nghĩa là “con đường của một chiến binh”. Những Budoka (võ sinh) rất am hiểu về những môn võ truyền thống của Nhật như Karate (Không Thủ đạo), Jujutsu (Nhu Thuật), Judo (Nhu Đạo), Aijido (Hiệp Khí Đạo), Kendo (Kiếm đạo)… hay thậm chí cả những môn như Sumo (Đấu vật) và kỹ năng Ninja (Nhẫn giả). Tuy nhiên, họ lại là những con người rất khiêm tốn. Ngoại trừ những trường hợp cần thiết, họ ít khi để lộ kỹ năng võ thuật của mình ra bên ngoài.
 

 
Ekiin: Những người làm việc trong các ga tàu điện ngầm ở Nhật, vốn được mệnh danh là hệ thống giao thông náo nhiệt và tấp nập nhất thế giới. Trong giờ cao điểm, các nhà ga có thể chật kín người. Mọi người chen chân lên những con tàu điện ngầm để trở về nhà sớm nhất có thể, trông rất hỗn độn. Ekiin có nhiệm vụ sắp xếp để các tàu điện có thể khép cửa được và di chuyển. Có thể xem họ là một nhóm bảo vệ của nhà ga.
 

 
Cosplay: Hoạt động yêu thích việc hoá trang thành những nhân vật giả tưởng trong các anime (hoạt hình), manga (truyện tranh) hoặc trò chơi điện tử. Người đam mê Cosplay được gọi là… Cosplayer, thường tập trung trong các dịp lễ hội, hoá trang thành nhân vật yêu thích của mình và cùng chụp ảnh với mọi người. Trên thế giới, có nhiều cuộc thi hoá trang quy mô lớn, là nơi để các cosplayer thể hiện tài nghệ của mình.
 

Không có nhận xét nào: