Trong tiếng Nhật, lươn là Unagi, mà theo người Nhật, các thức ăn có chữ "u" đều bổ dưỡng.
Cứ mỗi độ hè về, người dân Tokyo lại phải chịu một cái nóng gay gắt khiến con người mệt mỏi. Họ có riêng một từ để chỉ sự mệt mỏi, bải hoải ấy, đó là natsubate. Và họ có một niềm tin kỳ lạ rằng món lươn chính là cách chữa trị natsubate, chống tiêu hao sức lực tốt nhất. Mỗi năm hè về, người dân xứ sở Phù Tang lại chọn một ngày làm "Ngày ăn lươn: Doyo Ushi no Hi". Năm nay, Doyo Ushi no Hi rơi vào hôm nay, ngày 27/7.
Lịch sử của Ngày ăn lươn bắt nguồn từ thời Tokyo còn được gọi là Edo. Nhiều dự án phát triển hồ, đầm đã được triều đình Nhật thông qua và những con lươn nhanh chóng phát triển trong những đầm nước này. Tuy nhiên, ban đầu lươn chỉ được coi là món ăn của tầng lớp lao động.
Đến cuối thời Edo, việc chế biến lươn mới phát triển ở Tokyo, nổi tiếng với nghệ thuật kabayaki trong đó lươn và cá được rút xương, nướng trên vỉ, chấm trong nướng tương ngọt.
Tương truyền vào thời Edo, khi một cửa hàng lươn làm ăn ế ẩm, chủ cửa hàng đã dến xin lời khuyên của Gennai Hiraga, một nhà thông thái trong vùng. Gennai đã nói rằng tất cả các món ăn có chữ “u” đều tốt cho sức khỏe (lươn trong tiếng Nhật là Unagi). Chủ cửa hàng nghe theo lời khuyên, đã treo một tấm biển đề: “Hôm nay là ngày ăn lươn”. Điều kỳ lạ là ngay sau đó, hoạt động kinh doanh phát đạt vô cùng, người dân Nhật ai cũng tin vào lời nói của Gennai và tập quán ăn lươn trong ngày Doyo no ushi no hi ra đời từ đó.
Có nhiều cách để ăn lươn ở Nhật. Cách truyền thống nhất chính là kabayaki: nướng lươn. Tuy nhiên, phần quan trọng nhất không phải là lựa chọn cách ăn mà chính là đừng bao giờ quên món hạt tiêu sansho nếm cùng với lươn, tạo hương vị rất lạ trên đầu lưỡi.
Ngày nay, lươn được bày bán khắp nơi trên đất nước Nhật Bản: từ lươn tươi ngoài chợ đến lươn làm khô, đóng gói trong các siêu thị để thỏa mãn một thú ẩm thực kỳ lạ của người Nhật Bản.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét