Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Nửa đêm mò đến lễ trừ tà huyền bí Kukeri


Với chiếc chuông khổng lồ, mọi người cùng nhau nhảy múa trên khắp mọi nẻo đường quanh xóm làng, ghé thăm bất cứ ngôi nhà nào mình muốn.


Kukeri - nghi lễ trừ tà huyền bí đậm màu sắc tín ngưỡng ở Bungari, tồn tại khoảng 4000 năm từ thời Thracia cổ đại, nhằm thể hiện sự tôn thờ vị thần Dionysus - thần rượu nho, thần sinh sản và tái sinh, bảo hộ cho xứ sở.
Lễ hội được tổ chức vào những ngày đầu năm mới và trước Mùa Chay còn để mong cầu một mùa thu hoạch bội thu, sức khỏe cho mọi người và hạnh phúc cho dân làng trong cả năm.
Trang phục của tất cả Kukeri (những người tham gia) rất kỳ công và hầu như chỉ có các trai trẻ trong làng hoặc là đang độc thân hoặc vừa mới cưới mặc, phụ nữ cũng có thể mặc miễn là họ xoay sở được với bộ trang phục vừa nặng vừa phức tạp trên người cho đến cuối buổi lễ ^^.
Trước đây, các bộ trang phục phải được làm từ các tấm da dê, nhưng gần đây chất liệu có thể là từ các tấm vải thảm tùy theo phong tục của mỗi địa phương. Ngoài ra, họ còn trang bị những vật dụng khác như kiếm, đao, lá húng quế, trên tay cầm một vương trượng gắn biểu tượng sinh sản của nam giới – biểu tượng của thần sinh sản và tái sinh Dionysus.
Các Kukeri đeo một chiếc mặt nạ gỗ đáng sợ trang trí hình động vật (con dê), trên đầu có gắn 2 chiếc sừng trâu - biểu tượng thiêng liêng của thần Dionyus. Với họ, chiếc mặt nạ quỷ khổng lồ chính là nơi để ma quỷ bám vào, họ sẽ vứt nó để tránh tà ma ngay khi lễ hội kết thúc.
Khi tham gia nghi lễ, các Kukeri không được phép nói chuyện hay tiết lộ tên tuổi của bản thân. Sau khi nghi lễ kết thúc, mọi người bầu ra một thủ lĩnh Kukeri, rồi tập trung tại một quảng trường lớn của thành phố.
Tiêu chí để trở thành thủ lĩnh Kukeri là anh ta phải sở hữu bộ trang phục ghê rợn và công phu nhất, gồm da sống của 7 loài vật -thứ cho anh ta thêm dũng khí để lãnh đạo. So với Kukeri khác, thủ lĩnh Kukeri được sơn một vạch đen ở mặt nạ và phải đội một cái mũ hình “của quý” đàn ông để thể hiện khả năng sinh sản cũng như sức khỏe mạnh, tráng kiện của nam giới.
Trong thời gian diễn ra lễ hội, thủ lĩnh Kukeri được lựa chọn để đứng ra cầu lễ sinh sản, sức khỏe, may mắn cho cả dân làng. Sau đó, thủ lĩnh sẽ ghé thăm từng nhà, cọ sát người lên sàn nhà của mỗi gia đình, phát cho họ bánh mì và rượu vang, như một cách thể hiện sự phân phát sức khỏe và may mắn.
Tiếp theo, thủ lĩnh Kukeri phải mang theo mình một cái cày và khi bắt đầu kéo, anh ta sẽ phải giả vờ chết. Những người phụ nữ lúc này tiến đến gần và gieo hạt giống xung quanh chổ thủ lĩnh Kukeri “chết”. Như có một phép màu, thủ lĩnh Kukeri sống dậy, nhảy múa và rung những chiếc chuông ở thắt lưng, hoàn tất sự tái sinh - một trong những quyền năng đặc biệt của thần Dionyus.
Khi nghi thức kết thúc, sau một ngày khoác lên mình những trang phục đặc biệt, thủ lĩnh Kukeri sẽ chon 7 tấm da của 7 loài vật trên người ra 7 mảnh đất khác nhau trong làng với mong muốn phát tán sự may mắn tới mọi người. Riêng chiếc mũ có 2 sừng trâu, vị thủ lĩnh Kukeri sẽ trao cho một người đàn ông không có con trong làng.
Lễ hội Kukeri ở Bungari được xem là một nghi thức thần thánh đã có ở miền Bắc Hy Lạp cách đây hàng nghìn năm. Cho đến ngày nay, một số quốc gia khác như Secbi, Rumani, Tây Ban Nha và Italia cũng tổ chức lễ hội này, và mặc dù, các nghi thức có thể là khác nhau theo từng vùng, miền, nhưng về cơ bản là giống nhau.
Trong một thế giới nơi các nghi lễ ma tà và thần bí thường xuyên bị cấm đoán, thì truyền thống của lễ hội ma quỷ Kukeri dường như đang đưa chúng ta ngược dòng thời gian trở lại với buổi bình minh đầy huyền bí của loài người. Trong bầu không khí ngập sắc màu lễ hội những ngày này ở đất nước Bungari xinh đẹp, ít nhiều ai đó trong chúng ta, tận sâu trong tiềm thức, với những nỗi sợ hãi một thời cùng những niềm hi vọng lớn lao, đang mong muốn chúng sẽ không bao giờ thay đổi và biến mất với thời gian.

Donkey LuffyẢnhEV

Không có nhận xét nào: