Mông Cổ là một trong số ít các quốc gia châu Á đón tết cổ truyền âm lịch giống như Việt Nam. Ngày tết cổ truyền này ở Mông Cổ được gọi là tết Tsagaan Sar, (tết Tháng Trắng), đây là 1 trong 2 ngày tết quan trọng nhất và được chờ đợi nhất ở nước này (ngày tết còn lại là tết Naadam vào tháng 7). Tết Tsagaan Sar của người Mông Cổ diễn ra gần như trùng với thời gian người Việt Nam đón tết nguyên đán.
Mông Cổ là mảnh đất còn nhiều bí ẩn đối với thế giới. Tết Tsagaan Sar cũng là một khoảng thời gian đặc biệt, quy tụ nhiều nét văn hóa bản địa trong những phong tục tập quán riêng. Đối với người Mông Cổ, Tsagaan Sar không chỉ là một ngày lễ cổ truyền báo hiệu kết thúc một mùa đông dài lạnh lẽo để đón chào một mùa xuân mới, mà nó còn là thời điểm cho việc quây quần sum họp gia đình và thắt chặt những mối quan hệ trong xã hội.
Người Mông Cổ sum họp trong ngày Tết Tsagaan Sar |
Theo tập quán của Mông Cổ, vào những ngày tết này, mọi người cùng “rửa sạch” cả thể xác lẫn tâm hồn để đón chào một sự khởi đầu mới tốt đẹp hơn. Nghi thức trước đêm giao thừa của người Mông Cổ là rửa sạch chén bát với sữa ngựa.
Đêm giao thừa được người dân Mông Cổ gọi là Bituun có nghĩa là “tối thui”, “đóng lại” bởi trong đêm này, bầu trời hoàn toàn không có ánh trăng hay sao và là thời khắc đóng lại một năm cũ. Mọi người sẽ ăn thật no vì họ tin rằng nếu không làm như vậy thì trong suốt cả năm mới sẽ bị đói. Vào ngày Bituun, người dân Mông Cổ tập trung dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, cũng trong ngày này, người Mông Cổ cố gắng giải quyết rốt ráo mọi vấn đề và trả mọi khoản nợ nần. Vào tối Bituun, mọi thành viên trong gia đình đều tụ tập bên nhau để tiễn đưa năm cũ và đón giao thừa.
Người Mông Cổ có tục uống trà đầu năm. Thời khắc giao thừa người ta pha trà rót ra 1 chén đầu tiên, đem ra trước sân nhà vẩy khắp 4 hướng. Chén trà thứ 2 dành mời chủ nhà và sau đó lần lượt mời các thành viên khác trong gia đình.
Vào ngày đầu năm mới, ai nấy đều dậy sớm trước khi mặt trời mọc, mặc quần áo mới và nhóm lửa. Tất cả nam giới sẽ lên đỉnh ngọn đồi hay núi gần đó, mang theo thực phẩm và cầu nguyện. Tiếp theo đó, người dân Mông Cổ sẽ làm lễ xuất hành muruu gargakh. Người ta đi về hướng nào đó theo tử vi. Họ tin rằng nếu xuất hành đúng hướng sẽ gặp may quanh năm.
Phong tục nhóm lửa khi mặt trời mọc trong tết Tsagaan Sar của người Mông Cổ |
Trong dịp lễ đặc biệt này, người Mông Cổ thường tụ tập ở nhà của người lớn tuổi nhất trong gia đình để chúc Tết. Trong khi chúc Tết, các thành viên trong gia đình cầm những dải vải dài gọi là khadag, tượng trưng cho lòng thương và điềm lành. Sau khi thực hiện nghi thức này, họ cùng ăn món buuz (một loại bánh như bánh bao có nhân là thịt cừu, bò băm nhỏ), uống rượu arkhi và trao cho nhau những món quà để cầu chúc một năm mới thịnh vượng và ấm no. Trẻ em cũng được đặc biệt ưu tiên tặng quà.
Trong suốt những ngày đầu năm mới, người dân Mông Cổ thắp nến trên bàn thờ tổ tiên cả ngày đêm. Ngày Tết, gặp nhau người Mông Cổ chúc nhau bằng câu nói: “Chúc cho đàn cừu của bạn béo tốt”. Ở xứ sở này, cừu đông hơn người. Hầu hết các món ăn ngày Tết của người Mông Cổ đều chế biến từ sữa cừu và trên mâm cỗ lúc nào cũng có thịt cừu nướng và mỳ vằn thắn. Họ chúc những người già bằng câu chúc “Amar mend uu” hoặc “Amar bain uu” để mong họ sống lâu và gặp nhiều may mắn.
Một góc thờ cúng trong ngày Tết Tsagaan Sar của người Mông Cổ |
Món ăn truyền thống trong Tết Tsagaan Sar là các sản phẩm làm từ sữa, bánh buuz (dạng như bánh bao), thịt cừu, thịt bò, sữa dê, cơm ăn cùng với sữa đông hoặc cơm ăn cùng nho khô, thịt cừu nướng, thịt ngựa, bánh buuz, sữa ngựa lên men hoặc rượu vodka trộn sữa.
Các món ăn truyền thống của người Mông Cổ trong tết Tsagaan Sar |
Ngày Tết của người Mông Cổ hẳn sẽ không còn là ngày Tết nữa nếu thiếu đi các hoạt động như đấu vật, đua ngựa, bắn cung. Đây là những môn thể thao truyền thống có từ lâu đời của người dân Mông Cổ. Bởi từ xa xưa, người dân Mông Cổ đã được biết đến là những người dân du mục, sống trên lưng ngựa còn nhiều hơn thời gian sống trên mặt đất, rất giỏi săn bắn và chinh chiến. Những người thi đấu các môn thể thao này có cả phụ nữ. Phụ nữ Mông Cổ cũng mạnh mẽ như đàn ông trên thảo nguyên. Cuộc sống du mục đã giúp họ có cơ hội thành thục những kỹ năng tưởng chỉ thuộc về phái mạnh. Ở Mông Cổ, Tết hàng năm trùng với ngày hội của ngừơi chăn nuôi. Vì vậy, họ tổ chức nhiều cuộc thi tài, thi sức, thi lòng dũng cảm.
Một cuộc đua ngựa tổ chức trong tết truyền thống của người Mông Cổ |
Tiểu Vũ (Du học sinh Mông Cổ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét