Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Lhasa – thành phố khó... thở


SGTT.VN - Ước mơ được đặt chân đến Tây Tạng, mái nhà của thế giới đã trở thành sự thật. Sau hơn 17 giờ bay từ Sài Gòn (tính cả thời gian dừng chân ở Bắc Kinh và Thành Đô), khi mặt trời vừa lặn, tôi đã có mặt tại sân bay Lhasa (độ cao 3.400m) – thủ phủ của miền đất Tây Tạng.
Toàn cảnh cung điện Potala. Ảnh: Trọng Hiền
Lhasa không có những ngôi nhà cao tầng như ở Sài Gòn. Mà chỉ là những ngôi nhà như chiếc hộp vuông vức, chỉ cao dăm ba tầng. Tường làm bằng đá, trông vững chắc như những pháo đài. Đường phố Lhasa sạch đến độ không thể sạch hơn, chỉ có những chiếc lá hai màu vàng và trắng vương vãi trên đường. Không có rác sinh hoạt như thường thấy trên đường phố. Không hiểu chính quyền ở đây đã “huấn luyện” người dân thế nào để có được điều đó. Bởi lẽ, người dân Tạng vốn không gọn gàng, ngăn nắp như người phương Tây. Cứ nhìn ngôi nhà của họ đủ biết ý thức về vệ sinh.
Sạch sẽ nhưng... buồn
Lhasa buồn. Mặt người Tạng buồn. Cứ nhìn vào đôi mắt của họ. Họ ít cười, ít nói. Nếu có nói cũng chậm rãi chứ không liến thoắng và to như người Hoa. Không chỉ riêng tôi mà nhiều anh em trong nhóm đều có cùng nhận xét như vậy. Then, hướng dẫn viên người bản địa của nhóm chúng tôi là một người như vậy. Anh chỉ làm tròn trách nhiệm của mình, nói những gì cần nói. Mà chỉ nói những thông tin “chính thống”. Then không bao giờ đề cập đến những vấn đề được cho là nhạy cảm. Cùng đi chung nhóm ba ngày mà ít khi thấy Then nói chuyện với tài xế người Hoa.
Lhasa cũng có những cửa hàng bán bia nhãn hiệu nước ngoài, từ Budweiser, Coorslight, Carlsberg cho đến Heineken, rồi bia nội địa có tên là Chhaang, quán ăn nhanh kiểu Mỹ KFC, cũng có siêu thị (chủ yếu là hàng do các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất) nhưng không thấy khách ra vào nhộn nhịp như ở Thành Đô. Hiếm khi gặp người Tạng ra đường. Nếu có, họ đi vội vã, cúi gằm mặt. Trên đường phố, chỉ là người Hoa hoặc khách du lịch. Mùa này, cũng ít khách du lịch, do vào Tây Tạng phải xin được cấp giấy thông hành theo quy chế riêng của khu tự trị. Thủ tục này không dễ dàng.
Đẹp với tuyết nhưng ngợp... thở
Trước khi đến Tây Tạng, chúng tôi được hướng dẫn kỹ càng, trong đó có vấn đề ngợp thở vì độ cao 3.500m của Lhasa. “Đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”, Thịnh, hướng dẫn viên của công ty Viettour dặn dò từng thành viên trong nhóm như vậy. Dù sức khoẻ của nhiều thành viên trong nhóm không đến nỗi tệ, vẫn “hiên ngang” cùng với cái lạnh đến 0oC, vậy mà giữa đêm vẫn không cách nào ngủ được. Mũi nhức. Còn đầu thì đau như có hàng ngàn mũi kim chích. Không ít thành viên có tuổi trong nhóm phải nhờ những bình thở oxy loại nhỏ mới thở được qua đêm. Khi trời dần dần sáng, cảm giác nặng nề đó có phần giảm bớt nhưng không ít thành viên của đoàn ôm khư khư bình oxy mọi lúc mọi nơi. Có người trong nhóm gọi đùa Lhasa là “thành phố khó thở”!
Không khí loãng trên độ cao như vậy là chuyện đương nhiên. Nhưng một điều khó khi đến Tây Tạng vào những ngày đầu tháng 11 là phải chống chọi với cái lạnh giá. Đêm ở Lhasa của những ngày gần cuối năm đã ở mức 0oC, có đêm được báo là –1oC. Tuyết rơi trắng xoá. Nghênh diện chụp hình với tuyết có vài phút đã tím tái mặt. Có thành viên trong nhóm mặc đến bảy chiếc áo len mà vẫn không dám ra đường đêm. Không ít người, suốt ba ngày ở Lhasa không dám đụng đến giọt nước, dù đã mở ở chế độ nóng.
Cung điện và chùa cổ từ thế kỷ thứ 7
Đến Tây Tạng, không thể không đến cung điện Potala (Bố Đạt La Cung, ở độ cao 3.700m) được khởi công xây dựng từ năm 637 trên ngọn đồi Marpo Ri. Theo lịch sử của miền đất Tây Tạng, Potala là nơi ở của Quan Thế Âm Bồ Tát, và là nơi ở của các đức Đạt Lai Lạt Ma. Du khách phải bước qua 432 bậc mới đến chánh điện. Nhìn bên ngoài, Potala nguy nga tráng lệ, được chính quyền “son phấn” cho ra dáng vẻ của một di tích thế giới. Còn bên trong là sự cũ kỹ, mục nát theo thời gian. Cộng vào đó, mùi mỡ bò, mỡ cừu nhập từ Nepal đã được đốt cháy, những ai khó thở sẽ càng thấy khó thở hơn. Nhưng đã đến Tây Tạng, phải đến Potala. Với du khách, đến để cảm nhận những giá trị văn hoá, bề dày lịch sử của một miền đất “nóc nhà của thế giới” với bao nhiêu huyền thoại mê hoặc lòng người. Còn với người dân Tạng, đến cung điện Potala là mục đích của một kiếp người, là cõi vĩnh hằng, là chốn linh thiêng để tin về vòng tròn luân hồi ở kiếp sau…
Rời cung điện Potala, Then đưa chúng tôi đến chùa Đại Chiêu (hay còn gọi là tu viện Đại Chiêu – Jokhang Temple) được xây dựng từ năm 693, tương truyền nơi đây, công chúa Văn Thành (thời nhà Đường) đem tượng Phật đặt tại đây, bắt đầu truyền bá đạo Phật tại Tây Tạng. Trước chùa là quảng trường khá rộng, buôn bán những đặc sản của người Tạng như vòng đá, dây đeo tay, ống chuyển kinh (bánh xe mani), cho đến đồng hồ điện tử ngâm trong nước, hàng điện tử… Người dân Tạng vái lạy ở ngôi chùa cổ này khá đông. Toàn là người nghèo, trông vào hành trang của họ. Khá đông thanh niên người Tạng, nhìn vào mái tóc dài và trang phục của họ, cũng đến chùa Đại Chiêu. Nhiều thanh niên bị những nhân viên công lực mặc đồ đen xét hỏi giấy tờ. Còn du khách, nếu chụp hình dễ bị “hỏi thăm” những bức ảnh trong máy. Những lều trại của cảnh sát cơ động rầm rập tiếng giày đổi ca trực. Những chiếc xe bọc lưới sắt của lực lượng SWAT, lực lượng phản ứng nhanh, nằm im lặng trong cái lạnh giá buốt của mùa đông Tây Tạng… Họ đang giữ gìn sự bình yên cho mảnh đất thiêng liêng của người Tạng và là lợi ích cốt lõi của đất nước hơn 1 tỉ dân.
Để đến Lhasa, du khách bay tuyến TP.HCM (hoặc Hà Nội) – Bắc Kinh với thời gian khoảng 3,5 tiếng (từ Hà Nội) – 5 tiếng (từ TP.HCM). Dừng chân tại Bắc Kinh khoảng 3 tiếng, sau đó tiếp tục bay từ Bắc Kinh – Thành Đô (thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên) trong thời gian 2,5 tiếng. Từ Thành Đô bay đến Lhasa khoảng 1 tiếng.
Giá tour TP.HCM – Lhasa với thời gian 5 ngày 4 đêm khoảng 40 triệu đồng/người. Nếu khách đi lẻ, khi đến Thành Đô, phải nhờ công ty du lịch địa phương đứng ra bảo lãnh để xin giấy thông hành vào Tây Tạng với chi phí khoảng 400.000 đồng. Khi đến Tây Tạng, du khách nên mang theo thức ăn riêng vì món ăn Tây Tạng không hợp với du khách Việt, nhớ mang theo áo lạnh đủ ấm (ngay cả mùa hè cũng nên mang theo áo ấm vì chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá cao) và mang theo các loại thuốc chống đau đầu. Hầu hết, các khách sạn hoặc cửa hàng tại Tây Tạng đều có bình dưỡng khí mini với giá khoảng 60.000 đồng/bình.
BÀI VÀ ẢNH: TRỌNG HIỀN

Không có nhận xét nào: