SGTT.VN - Không cổ kính như Bath, không lãng mạn như Oxford, nhưng Bristol luôn được các công ty du lịch Việt Nam ghép với hai thành phố trên tạo thành cung hành trình khám phá nước Anh. Bởi Bristol không chỉ là thành phố cảng, pha trộn kiến trúc nửa cổ điển nửa hiện đại, mà còn là nơi ghi dấu ấn kiến trúc sư Isambard Kingdom Brunel với chiếc cầu treo Clifton xinh đẹp.
Ở Bristol, rãnh rỗi cuối tuần tôi thường đón xe buýt ra trung tâm thành phố, dạo quanh các cửa hiệu một vòng rồi lại bắt xe đi đến cầu treo Clifton. Có lần cô bạn người Cameroon ở chung nhà hỏi tôi sao thích cầu treo đến thế, tôi trả lời: “Có lẽ ở quê nhà tôi không có một cầu treo nào, trong khi cây cầu ở đây quá kỳ vĩ, đặc biệt người thiết kế cây cầu lại là nhân vật nổi tiếng của nước Anh”.
Cầu treo Clifton ở Bristol do kiến trúc sư Isambard Kingdom Brunel thiết kế.
|
Ra đi khi chưa được gặp người yêu
Cầu treo Clifton nằm cách trung tâm thành phố 15 phút xe buýt và 15 phút đi bộ. Cuối tháng 11 Bristol vào thu. Nhiệt độ ngoài trời từ 10 – 15oC. Dọc bên đường và trong công viên phía trước cầu treo, những cây cổ thụ trăm năm tuổi đã khoác lên những màu thu đặc trưng vàng, cam, đỏ.
Để chiêm ngưỡng toàn bộ cây cầu, du khách thường leo lên ngọn đồi bên phải nơi có đài thiên văn của thành phố để nhìn xuống. Từ đây, nếu phóng tầm mắt xuống, cây cầu dài 412m vắt ngang qua hẻm núi được đặt trong một bố cục tuyệt vời: bên dưới là sông Avon lượn lờ xinh đẹp, xa xa là bình nguyên Clifton và Durdham, còn dọc sườn núi dưới cầu là thảm thực vật đủ loại cỏ, hoa, dây leo. Một góc nhìn khác của Clifton là vào ban đêm. Lúc này cầu được chiếu sáng bởi gần 30.000 bóng đèn LED dọc theo 2,7km dây treo và thân cầu. Giữa màn đêm tịch mịch, cầu nổi bật rực rỡ, thực sự là một tuyệt tác của con người.
Thử dạo trên cầu ở lối dành cho người đi bộ và cảm nhận vì sao cây cầu xứng đáng được xem là biểu tượng của thành phố. Theo lời kể, Bristol những năm đầu thế kỷ 19 chỉ có một cây cầu hơn 500 năm tuổi, vì vậy để phát triển thương cảng lớn nhất vùng Tây Nam nước Anh này, chính quyền buộc phải xây một cây cầu thứ hai. Hai cuộc thi thiết kế cầu kéo dài ba năm trời (1829 – 1831) và đã chọn được mẫu thiết kế cuối cùng, chủ nhân của nó là một chàng kỹ sư 24 tuổi tên Isambard Kingdom Brunel.
Năm 1831, cầu bắt đầu xây dựng, nhưng mới xong được hai chiếc tháp ở hai đầu thì phải ngưng lại vì tranh cãi và thiếu tiền. Năm 1862, công trình bắt đầu trở lại, năm 1864 hoàn thành, nhưng Brunel đã qua đời trước đó năm năm, không kịp thấy cây cầu thành hình, tác phẩm mà ông thường gọi một cách trìu mến: “Người yêu của tôi, tình yêu đầu đời của tôi”. Vào thời điểm đó, đây là cây cầu treo dài nhất và cao nhất thế giới.
Nhân vật vĩ đại thứ nhì của nước Anh
Không chỉ có cầu treo Clifton, Bristol còn lưu giữ một tác phẩm khác của Brunel là chiếc tàu sắt đi biển có chân vịt đầu tiên trên thế giới mang tên SS Great Britain. Tàu dài 98m, hạ thuỷ vào năm 1843, hai năm sau, nó thực hiện chuyến đi băng qua Đại Tây Dương đầu tiên. Sau 90 năm phục vụ, năm 1933, tàu rệu rã và bị bỏ xó. Mãi đến năm 1967, có người nảy ý định phục dựng lại con tàu để tưởng nhớ Brunel.
Ngày nay, SS Great Britain trở thành một di tích tham quan mà bất kỳ du khách nào đặt chân đến Bristol cũng khó bỏ qua. Tàu được neo ở ụ tàu cạnh bến cảng. Để đến ụ tàu, bạn phải dùng thuyền máy băng qua sông. Ngồi trên thuyền, bạn có thể tận tay vuốt ve những con thiên nga thả mình trên sông để sưởi ấm. Chúng dạn dĩ, chẳng biết sợ con người là gì!
Để tham quan SS Great Britain, người lớn phải mua vé 12 bảng (gần 400.000 đồng Việt Nam), nhưng vé này có giá trị suốt một năm. Tôi hỏi Clare, cô bán vé, vì sao có chính sách này, cô đáp: “Chúng tôi khuyến khích mọi người quay lại để tìm hiểu. Để biết hết mọi chuyện trên con tàu này, vài ba tiếng bỏ ra sẽ không đủ”.
Đúng vậy, vài tiếng tham quan con tàu mà dân Anh gọi là “bà cố của tàu thuỷ hiện đại” này không khác gì “cưỡi ngựa xem hoa” vì trên tàu có rất nhiều điều để khám phá. Nếu so với những con tàu đi biển bằng gỗ, chạy bằng sức gió, di chuyển nhờ bánh guồng thời đó, tác phẩm của Brunel ở đẳng cấp hoàn toàn khác. Nó hoàn toàn bằng kim loại, chạy bằng động cơ và di chuyển nhờ chân vịt. Trên tàu, mọi thứ trước đây đều được tái hiện hoàn toàn như nguyên bản. Trên boong có chuồng nuôi bò, gà, dùng làm thức ăn cho những chuyến đi xa. Bên dưới, có phòng đọc báo, phòng cắt tóc, phòng y tế, phòng ăn, phòng sinh hoạt chung và phòng ngủ. Cách đây hơn 150 năm mà Brunel thiết kế được một con tàu đi biển như vậy thì thật là tài ba. Morrison, hướng dẫn viên tham quan tàu, kể: “Hành trình quen thuộc của tàu là Bristol – Úc. Tàu thường chở dân đào vàng, linh mục truyền đạo, nữ tu, nghệ sĩ xin ăn...”
Isambard Kingdom Brunel không chỉ giỏi làm cầu, tàu thuỷ, mà còn xuất sắc trong làm đường sắt. Hệ thống đường sắt Great Western Railway nổi tiếng Anh quốc với điểm cuối là nhà ga Paddington ở London hiện nay gắn liền với tên tuổi của ông. Ông là người chủ trương làm đường sắt với bề ngang khổ rộng (2.140mm) thay cho khổ quy ước (1.435mm) vì cho rằng tàu chạy trên đường này sẽ nhanh hơn và chở được nhiều hàng hoá hơn. Và đến nay một số tuyến của Great Western Railway vẫn còn sử dụng đường khổ rộng vì lợi ích của nó.
Isambard Kingdom Brunel – con người tài ba đã qua đời quá sớm, khi mới 53 tuổi. Năm 2002, trong cuộc thăm dò công chúng của hãng truyền hình BBC về 100 người vĩ đại nhất nước Anh, Brunel được xếp thứ nhì, chỉ sau nhà chính trị lừng danh Winston Churchill. Cuộc đời và sự nghiệp của Brunel là nguồn cảm hứng cho nhiều cuốn sách, phim ảnh và truyền hình.
BÀI VÀ ẢNH: PHAN SƠN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét