(Nguoiduatin.vn) - Manali quả là điểm du lịch hấp dẫn, chưa nói đến phong cảnh, dân tình và cách thức làm du lịch ở đây thật chuyên nghiệp và dễ chịu, nhất là đối với dân đi du lịch bụi một mình hay bị mắc kẹt bởi các tour du lịch phải bao/mua trọn gói dù bạn đi bao nhiêu người.
Những cánh dù chao nghiêng ở Mahri
Quanh Manali có rất nhiều điểm hấp dẫn. Trước tiên phải kể đến con đèo Rohtang La (thực ra, chữ La đã có nghĩa là đèo). Con đèo cao chỉ 3.978m này lại rất nguy hiểm, nơi đã có hàng trăm du khách bỏ mạng vì chết cóng ở đây nhiều thế kỷ trước. Rồi ngôi làng Nagar, từng là kinh đô hơn 1.500 tuổi của miền đất Kulu, giớ được biết đến với Pháo đài Nagar và đặc biệt là Bảo tàng và ngôi nhà của 1 họa sỹ Nga nổi tiếng Nikolai Roerich đã chuyển về sống ở đây…
Đồng cỏ và hồ xanh đèo Rohtang La
Và mới vừa trong xanh đó, mây sương ùa đến Rohtang La, thật dữ dội.
Còn trong Manali, ngoài khu phố Old Manali và làng cổ Vashist với những ngôi nhà gỗ lợp bằng đá phiến trông thật ấn tượng, rồi những ngôi chùa, thiền viện Tibet, ngôi đền Hindu được xây dựng từ 1553 Hadimba, ngôi đền đá Vashist Mandir và khu tắm nước suối nóng (miễn phí) gần bên… rất nhiều điểm đến thu hút ở Manali.
Ngôi đền Hindu xinh đẹp ở Nagar.
Những chạm khắc Hindu tinh tế.
Một ngôi làng Nagar vẫn còn mái lợp đá
Tiếc rằng, tôi hướng về Ladakh, sợ muộn những ngày thu nên chia tay Manali trong tiếc nuối, dù tôi cũng đã lang thang ở đó hơn 2 ngày. Tôi cũng hy vọng có dịp quay lại đó để thăm một người bạn Tibet lưu vong, rất chân tình và dễ mến!
Như tôi đã đề cập, tôi đi Manali vì đây là điểm trung chuyển trên con đường từ Delhi đi Ladakh, Leh. Con đường này, xe bus của “nhà nước” đã ngưng chạy từ giữa tháng 9, chỉ còn những chuyến xe tư nhân tranh thủ chạy đến giữa tháng 10, trước khi băng giá cô lập Leh và bạn chỉ có thể đến bằng đường bay, mãi cho đến giữa tháng 7 năm sau.
Mỗi năm, con đường này chỉ hoạt động từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 10.
Bình minh hồng rực rỡ trên Himalaya.
Rồi những núi tuyết bắt đầu xuất hiện.
Và tôi đã đi trên con đường chênh vênh, khúc khuỷu chỉ dài 487km đó mất 18 giờ đồng hố. Chuyến xe lạ lùng khởi hành lúc 2 giờ sáng, đi với tốc độ trung bình 25km/g, trải qua 6 trạm kiểm soát passtport, qua những con đèo cao ngun ngút, trong đó có con đèo cao thứ 2 thế giới (tính cho những con đèo có xe cộ đi được) Taglang La (5328m), rồi Lachung La (5060m), Baralacha La (4950)… quăng tôi xuống Leh đêm cuối mùa thu tối đen lạnh giá lúc hơn 8g đêm. Con đường mà nhiều lúc tôi chỉ biết nhắm mắt lại để khấn vái khi xe chạy qua, và nhiều lúc khi xe chạy qua được rồi lại thầm khấn vái cảm ơn ơn trên…
Thu đang sang.
Vậy, đó là đường lên thiên thai sao?
Rạng rỡ những núi tuyết.
Đúng vậy! Dù cho con đường đêm lạnh đến mức bao nhiêu áo quần đem theo tôi đã tròng hết vào người tôi vẫn run cầm cập cắn răng chịu đựng, vì có còn cách nào khác, và lòng chỉ tự biết trách mình mà thôi. Dù cho con đường dồn xốc đến nổi xương khớp giòn như bánh tráng đêm trở mình ở Leh, vì sau quá nhiều những nhồi xóc dằn vặt lắc lư lên xuống. Dù cho con đường có những đoạn bụi đến mức dù cửa xe đóng hết, bụi vẫn bay đục trong xe đặc đến mức có thể vốc lại từng nắm được, mặt mũi quần áo bụi cứ đóng dày từng lớp chẳng buồn phủi, vì phủi xong lại đến đoạn khác cũng vậy thôi…
Đó vẫn là con đường lên thiên thai! Nếu như bạn tâm niệm rằng mọi việc đều do ý trời! Và chẳng phải riêng một mình bạn đang đi trên con đường này. Nếu như sau những tự mình dằn vặt mình, bạn cứ nghĩ rằng mình đang đi trên một chuyến xe ngoạn cảnh hiếm có trong đời. Nếu như bạn vẫn tranh thủ chộp được những tấm hình qua bên ngoài cửa kính xe để thấy một thiên nhiên hùng vĩ đẹp tuyệt vời. Nếu như những lúc bác tài dừng xe nơi những ngọn đèo trên 5.000m lạnh buốt gió hun hút từng cơn bạn vẫn tranh thủ nhảy ra khỏi xe để ngắm nhìn thiên nhiên lộng lẫy. Nếu như những lúc xe dừng chân bên lều quán bụi bặm giữa đường bạn vẫn ngó ngiêng đó đây một góc sông xinh, vài túp lều trắng bụi bẩn chợt đẹp rờ rỡ khi lọt vào khung hình…
Triền sông lung linh ngũ sắc…
…rồi dòng sông xanh duyên dáng
Dòng sông, con đường uốn lượn quyện vào nhau, như 2 dòng sông khác màu.
Tôi đã từng đi trên con đường xa lộ Tây Tạng – Tân Cương, xa lộ Pamir cao ngất vùng Trung Á… ở đây, tôi đều gặp lại những khoảnh khắc ngày cũ, nhớ những ngày lênh đênh trên những cung đường đó… Nhưng có lẽ vì đang đi, cảm giác tươi mới… nên tôi cứ nghĩ cung đường này hiểm nguy và hùng vĩ hơn nhiều.
Những “chủ nhân” thật sự của “đường lên thiên thai”.
Bạn tin không, hôm nào tìm về “đường lên thiên thai” này bạn sẽ tin!
Backpackervn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét