Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

Ấn Độ - Những ngày Đông rực nắng (P2)

(Nguoiduatin.vn) - Tôi đã có một đêm trải giấy báo ngủ vật vạ ở ga Gaya, giữa những người dân bản địa, để chờ chuyến tàu khuya, trễ đến ba bốn giờ đồng hồ, mà tôi cứ phải bật dậy mỗi khi có một chuyến tàu đến vì không biết đó có phải là tàu của mình.
Tôi đã đến Ấn Độ nhiều năm trước, trong chuyến huấn luyện ngắn ngày của công ty, tại Calcutta. Hai tuần ở Ấn Độ thời đó gần như là 1 cực hình với tôi. Mới vừa đi làm không lâu, ngoại ngữ lõm bõm, giao tiếp nhút nhát… những ngày đó chỉ là học hành, hội thảo từ sáng đến tối với những đồng nghiệp hay diễn giả trình bày tiếng Anh theo kiểu India-English mà tôi chỉ nghe loáng thoáng đâu được chừng khoảng ¼ những gì họ nói.
Sau đó là những bữa tối dài lê thê, rồi thỉnh thoảng có những đêm tổ chức biểu diễn ca nhạc truyền thống, rồi có những chiều cho tham quan các điểm du lịch như New Market,… nhưng luôn được nhắc nhở là phải đi tập trung theo nhóm, không được tách đoàn…
Một trong những điều tôi mãi nhớ đến tận bây giờ là ánh mắt của 2 ông cháu của nhóm biểu diễn múa lửa, nhảy vòng… khi họ được kêu đến diễn trong khách sạn. Dáng điệu họ thật khốn khổ, ánh mắt của họ thật nhẫn nhục và chỉ lâu lâu mới len lén liếc nhìn lên những thực khách béo tốt.
Không phải là bị ám ảnh, nhưng sao tôi còn nhớ hoài ánh mắt đó. Một ấn tượng khác là những chuyến tàu lửa luôn luôn đông đặc những người đứng ngồi đu bám trên nóc, trên thành, bên cửa toa xe…. Tiếp nữa là ấn tượng về những con quạ to lớn thật đáng ghét suốt ngày cứ quang quác, quàng quạc ầm ĩ từ sáng sớm đến đêm khuya, dù nơi tôi được ở là khách sạn 5 sao Calcutta, Ấn Độ trong tôi nhiều năm vẫn hoài như vậy! 
Lăng mộ vua Hamayun ở Delhi
Bây giờ, khi những chuyến đi là một niềm háo hức khám phá, là thời khắc hạnh phúc vô biên, là những phút giây tận hưởng niềm vui cuộc sống… thì nỗi niềm thúc bách cơm áo, gạo tiền, danh vọng, nhà cửa, tiền tài, trách nhiệm, nghĩa vụ… cùng nhiều thứ khác đè nặng trên hai vai. Do vậy, để dứt áo ra đi cũng là 1 điều không đơn giản. Nhưng không đi thì làm sao tới? Với lại, việc gì mà không có một lần đầu tiên…? Vậy sao tôi lại không dám bỏ lại sau lưng nhiều thứ… để đi chuyến này đến Ấn Độ nhỉ? 
Rất nhiều hình về Taj Mahal nhưng tôi rất thích tấm hình hoàng hôn mờ sương bên sông này
Những ngày đi rong ở Ấn Độ lần này, tôi đã thật sự trải nghiệm được nhiều điều mà trước kia tôi đã nhìn qua cửa kính khách sạn hay cửa kính xe hơi.
Tôi đã lang thang trên chuyến tàu chợ từ Gorakhpur đi Varanasi, ngay chuyến tàu đầu tiên tôi đi trên đất Ấn. Chuyến tàu mà tôi phải vác balo đi gần hết con tàu mới được một gia đình người Ấn thương tình sẻ chia cho một chỗ ngồi, để rồi sau đó con tàu lại đông đen những người đu bám bên ngoài thành tàu.
Cũng chuyến tàu này đã chạy trễ đến 6 giờ đồng hồ để quăng tôi đến một Varanasi nổi tiếng phức tạp lừa lọc lúc 12 rưỡi đêm. Rồi có 1 chuyến tàu đêm khác, lên tàu lúc hơn 3 giờ sáng, cãi nhau ầm ĩ để giành chỗ ngồi, rồi phải ngồi bó gối chật chội suốt cả đêm, cả ngày sau đó trên chuyến tàu Gaya – Delhi.
Tôi đã có một đêm trải giấy báo ngủ vật vạ ở ga Gaya, giữa những người dân bản địa, để chờ chuyến tàu khuya, trễ đến ba bốn giờ đồng hồ, mà tôi cứ phải bật dậy mỗi khi có một chuyến tàu đến vì không biết đó có phải là tàu của mình. Nơi hành lang ga đó, thỉnh thoảng những chú bò thiêng táo tợn lê la mò tận vào đây để kiếm ăn. 
Thành cổ Amber, Jaipur – như 1 tiểu Vạn Lý Trường Thành

Hoàng hôn ở sa mạc Thar, với những cô gái Digan, những chú lạc đà và những chiếc chuông leng keng ngân xa trong chiều
Tôi cũng đã có một nửa đêm về sáng, lúc 4am, ngái ngủ chập choạng xuống xe ở Jodhpur, phập phồng ở ghế đá bến xe chờ trời sáng để mua chiếc vé xe đầu tiên đi Udaipur, hay một nửa đêm về sáng khác, xe cũng đến sớm, lang thang ở bến xe Jaipur, ra quán trà sữa đầu bến ngồi uống hết mấy ly trà, trời mới sáng để lóc cóc vác balo về nhà trọ.
Tôi cũng đã có nhiều đêm liền lấy những chuyến xe đêm làm nhà nghỉ, ban ngày đi lang thang khám phá đó đây, đêm về lại lên xe, cứ thế… để mãi đến một ngày, được tắm rửa sạch sẽ trong một nhà nghỉ nhì nhằng xập xệ… cũng là một niềm hạnh phúc lớn lao... 
Thành cổ Jaisalmer, như một đóa hồng sa mạc

Thiên đường du lịch Goa
Ở hành trình Ấn Độ kỳ này, không nói đến những người dân lành tốt bụng luôn nhiệt tình giúp đỡ, hầu như không ngày nào tôi không bị giăng bẫy lừa đảo, dù chỉ là chút tiền mọn. Thời gian ở đó, tôi lúc nào cũng xù ra như một con nhím trước người khác, mà sau này, về nghĩ lại mới thấy mình quá sân si, đã làm hành trình đôi lúc kém vui.
Giờ đây, khi nhiều những trải nghiệm, cả về tâm linh, ở miền đất huyền bí Tibet, ở 4 vùng đất Phật linh thiêng… đã thay đổi tôi ít nhiều, khi nhớ về Ấn Độ, tôi chỉ còn nhớ về những điều hay ho mình đã khám phá, tận hưởng,… những vùng đất mà trước đó tôi nhiều lúc chưa nghĩ tới là mình có diễm phúc sẽ được đến.
Đền đài Hindu xưa của Hampi một thời vang bóng – một Angkor thu nhỏ?
Tôi đến biên giới Bhrairawa, Nepal – Sunauli, Ấn Độ – vào một sáng mùa Đông nắng tràn trề, nắng vẫn như nắng hè Sài Gòn. Đây là miền đất nhà văn Hồ Anh Thái có mô tả trong phần mở đầu cuốn tiểu thuyết có liên quan đến tôn giáo và Ấn Độ mà tôi có đọc vài lần trước khi lên đường, “Đức Phật, nàng Savitri và tôi”.
Theo nhà văn “chuyên trị” về Ấn Độ này, đây là vùng đất mà có những lúc từ đâu chẳng biết, sẽ có những đợt sương trắng đông đặc như bánh đúc, đục trời mờ đất ùa về rất nhanh. Lúc đó, mọi người chỉ có thể đứng yên tại chỗ không thể chuyển động để chờ sương tan, vì không thể định hướng.
Tôi cũng mong có được cảm nhận như vậy, một lần cho biết trong đời nhưng mà chỉ thấy nắng chát chúa và những tiếng còi ồn ã của những chiếc xe tải đang cạnh tranh chen lấn từng bước nhau làm cho không khí vùng biên giới thêm hỗn độn và ngột ngạt.
Tôi đi một mình, không gặp các trở ngại về thủ tục giấy tờ cũng như nạn yêu cầu hối lộ tiền tip ở cả 2 cửa khẩu Nepal, Ấn Độ như một số bạn đề cập trên blog, forum… Chỉ có điều là cô hải quan ở Nepal hơi nhướng mày khi thấy con tem visa tôi vào Nepal bằng đường bộ ở Kodari rồi lại cũng ra bằng đường bộ ở Bhrairawa.
Trên đường rời Nepal, tôi thấy rất nhiều đoàn du khách hành hương châu Á đi ngược từ Ấn Độ sang Nepal để vào Lumbini. Theo thỏa thuận giữa 2 nước, nếu bạn đã có visa vào Ấn Độ, khi thăm viếng Ấn Độ xong, bạn có thể từ Ấn Độ sang thăm Lumbini, Nepal trong vòng 3 ngày mà không cần phải xin visa Nepal. Do vậy, rất nhiều đoàn khách hành hương 4 vùng đất Phật thường khởi hành viếng 3 vùng đất ở Ấn Độ trước, rồi mới đến viếng Lumbini trong vài ngày.
Ở Lumbini, tôi cũng đã từng vui mừng khi nghe tiếng Việt sau hơn 2 tháng xa nhà, nên liền sà vào hỏi han 1 đoàn khách. Mới biết các cô chú này là Việt Kiều ở Pháp và Canada đang đi tour hành hương. Các cô chú xa quê đã lâu, nên chăm chút hỏi han nhiều chuyện từ đứa con cháu đến từ quê nhà và cũng rất lo lắng cho việc tôi đi lang thang một mình, còn kêu tôi đi chung xe đi đây đi đó… làm tôi mủi lòng vô cùng. Nhưng tôi chỉ cảm ơn nhiều và mong dịp gặp lại.
Theo nhiều cảnh báo trên mạng, trong sách cũng như chủ nhà trọ ở Lumbini là khi sang đến Sunauli, nên đi xe bus lớn, dù chậm, để an toàn, nhưng tôi lại đang rất nóng lòng đến Gorakhpur nên tìm 1 chiếc xe pick-up có chở khách để hỏi. Okie, xe cũng gần đầy và tôi được nhét lên chiếc xe đó, với 1 băng ghế trước 4 - 5 người ngồi. May mà tôi được ngồi trên ghế trước và ngay bên cửa nên còn ngó ngang ngó dọc được tý chút.
Thời gian ngồi chờ xe chạy ở đây, tôi có quan sát được 1 cảnh hay hay. Đó là những thanh niên nam nữ khi tiễn người thân lên đường, khi chào nhau lần cuối thì người ở lại hay vỗ vỗ vào chân người đi, rồi vỗ vào tim mình. Có lẽ là “chân bạn đi mạnh giỏi” và bạn “vẫn ở trong tim mình” – đại loại vậy.
Xe chạy mải miết qua những thôn xóm làng quê Ấn Độ, ruộng đồng đã xám xịt khô trơ gốc rạ sau vụ mùa. Trên suốt hành trình, ngoài quang cảnh làng quê, đường xá… tôi bị ấn tượng 2 điều: Xe có dừng tại 1 trạm bên đường đón khách, nơi đó có xác của một người phủ khăn trắng đang nằm bên đường, chờ đưa đi hỏa thiêu, hình ảnh đôi chân đen đủi gầy guộc thò ra ngoài chiếc khăn liệm trắng ám ảnh tôi rất lâu. Việc thứ 2 là tôi có thấy những lớp học ở ngay ven đường, dưới bóng mát của những cây cổ thụ, do những thầy giáo cũng đã già già đứng lớp. Những hình ảnh này lại vô cùng đáng yêu, chỉ tiếc là xe chạy nhanh quá không chụp hình được.
Cuối cùng, xe đến Gorakhpur lúc gần 1pm, sau khoảng hơn hai giờ bạt mạng trên đường. Ôi trời ơi là cái thành phố này nó ồn ào tấp nập và bẩn. Có điều, tôi đã chuẩn bị tinh thần trước nên cũng chỉ nhún vai 1 cái là xong. Gorakhpur hiện là trạm trung chuyển đông đúc nhất cho các chuyến đi từ Nepal sang India, từ đây khách sẽ tiếp tục đi viếng đất Phật Kushinagar hay đến vùng Varanasi thăm sông Hằng huyền bí đều được. Do vậy, hầu như ít có du khách nào lưu lại đây cũng như không có các điểm viếng thăm nào đáng kể nơi này.
Bến xe, may mắn là cũng gần cái nhà ga rất to. Việc đầu tiên tôi cần làm là xác định giờ giấc các chuyến tàu từ Gorakhpur đi Varanasi để dự trù. May mắn, tôi được hướng dẫn vào phòng Tourist Information gặp 1 phụ nữ Ấn to béo nhiệt tình giúp đỡ ghi vào giấy lịch trình tất cả các chuyến tàu đi Varanasi trong ngày. Cô còn định giúp tôi mua vé trước luôn, nhưng biết trước cái tính hay la cà hay ăn chơi quên ngày quên tháng, tôi cám ơn và hẹn ngày gặp lại.
Đối diện với cổng chính nhà ga Gorakhpur là 1 con đường nhỏ, đi vào khoảng 200m sẽ đến bến xe bus nội tỉnh. Tôi bỏ qua luôn bữa trưa, chỉ mua mấy cái bánh nan (bánh mì dẹt như bánh tráng nhỏ) vừa đi vừa ăn chay và leo lên chiếc xe bus địa phương đi Kushinagar. Đến hơn 4 giờ chiều, tôi mệt mỏi nhưng vui mừng thoát được chiếc xe đông cứng và rất hân hoan nhảy khỏi chiếc xe để đặt chân đến miền đất thiêng.
Cổng chào vào làng Kushinagar

Cảnh tượng trên đường cũng giống làng quê Việt Nam với những người dân lam lũ trên những chiếc xe đạp…

…và những em bé chiều tan trường về
Kushinagar đây rồi – vùng đất Phật thứ 2 tôi có vinh hạnh được viếng thăm sau Lumbini!
Backpackervn

Không có nhận xét nào: