(iHay) “Quả táo lớn” - biệt danh của New York luôn tràn đầy những điều bất ngờ và hấp dẫn du khách đặc biệt với những ai yêu lịch sử và các hiện vật. Từ khắp nơi trên thế giới, người ta đã mang về các bảo tàng trong thành phố hàng triệu món đồ, chở theo những nền văn hóa độc đáo, mở ra chân trời kiến thức bao la...
Metropolitan Museum of Art - Ảnh: Shutterstock |
Từ điêu khắc của người Asmat trong bảo tàng Metropolitan...
The Met (tên gọi tắt của bảo tàng) nằm sát Công viên Trung tâm trên đại lộ số 5, một trong những con đường sầm uất nhất New York. Bước vào bên trong, hầu như du khách nào cũng bị choáng ngợp bởi sự phong phú và đồ sộ của các bộ sưu tập được mang về từ khắp nơi trên thế giới.
Có may mắn đến vùng Irian Jaya nằm tận cực đông Indonesia nơi giáp với quốc gia Papua New Guinea, tôi từng tiếp xúc với những người Asmat, một bộ tộc bản địa sống lâu đời trong những cánh rừng và đầm lầy của đảo. Trong 800 bộ tộc và hệ ngôn ngữ, người Asmat nổi bật nhờ những mảng điêu khắc phồn thực và tự nhiên như chính cuộc sống của họ.
Câu chuyện được bắt nguồn từ một chàng thanh niên Michael Clark Rockefeller đã đến vùng Papaua New Guinea vào giai đoạn những năm 1960. Michael là con trai út của thị trưởng New York lúc bấy giờ và sau này là phó tổng thống Mỹ - ông Nelson Rockefeller. Là một chàng thanh niên trẻ, Michael bị lôi cuốn bởi lối sống hoang dã và nghệ thuật điêu khắc giàu cảm xúc của người Asmat. Đó cũng là lý do mà anh cho mang về khá nhiều các tác phẩm hiện đặt tại The Met. Nhưng Michael thì không bao giờ có thể hạnh phúc nhìn ngắm tác phẩm của mình khi bị mất tích vì chìm ca nô giữa dòng vào năm 1961 giữa rừng rậm phía nam đảo.
Con thuyền độc mộc và vũ khí của người Asmat bên cạnh những cây cột bis - Ảnh: Hoài Nam |
Mọi cảm xúc vỡ òa khi không khí và những cây cột gỗ thân quen hiện ra trước mắt. Vùng đất của người Asmat như đang ở ngay trước mặt với những thổ dân thân thiện mà tôi đã gặp. Gần 20 chiếc cột và thuyền độc mộc được đặt trong khu vực trưng bày mang tên Rockefeller với khoảng không gian rộng lớn.
|
Được gọi trong ngôn ngữ là bis, cây cột mang hình ảnh những người đàn ông đứng chồng lên nhau, trên đỉnh mang dáng dấp của một lá cờ và kèm với vài người phụ nữ, tất cả đều không mặc quần áo. Với tổ tiên người Asmat, cây rừng được coi như thể con người. Thân cây chính là thân người, rễ là chân, cành là tay, trái là đầu. Vị tổ tiên của người Asmat được gọi là Fumeripit đã xây dựng ngôi nhà cho người đàn ông đầu tiên của bộ lạc, sau đó vì sống quá hiu quạnh, ông ta đã chặt cây và điêu khắc thành những người bạn. Nhưng có vẻ cũng vẫn còn cảm giác cô đơn nên ông lại làm ra chiếc trống. Khi gõ, những cơ quan trong cơ thể như đầu gối và cùi chỏ nối lại với nhau và dần trở thành con người.
Trên các cây cột, hình ảnh người đàn ông được điêu khắc làm thân trụ, mô tả khá chi tiết và nhấn mạnh ở phần dương thực khí. Người phụ nữ thường chỉ xuất hiện rất nhỏ ở các phần phụ. Có nhiều mục đích để dựng nên các bis trong đó chủ yếu là nhân dịp làm nhà mới hoặc tưởng nhớ người thống lĩnh của bộ lạc vừa qua đời. Cũng có những cây cột giúp người sống nuôi ý định trả thù khi có ai đó trong làng bị kẻ thù giết vào thời tục săn đầu người còn rất phổ biến.
Khá nhiều du khách dành thời gian để ngắm lối trang trí và chạm khắc còn thô sơ so với các nền văn minh khác trên thế giới. Tuy vậy, với tôi đây mới là hình ảnh con người thuở hồng hoang, không che đậy, cứ tự nhiên như cây cỏ.
Những tác phẩm biếm họa về tình dục đậm chất Mỹ |
... Đến đời sống lứa đôi muôn loài trong bảo tàng tình dục
Sex museum là địa chỉ mang đầy tính gợi mở. Bạn sẽ thấy gì ở đây? Tất nhiên là tất cả những gì liên quan đến đời sống chăn gối và đặc biệt không chỉ của con người mà cả động vật.
Bên ngoài, dòng chữ “Museum of sex” mỏng manh màu trắng không thu hút bằng tấm bảng sơn màu hồng hình những dòng nước chảy cho người ta liên tưởng đến nhiều thứ.
Hãy khoan dừng lại ở tầng trệt đầy những món đồ chơi kiểu Mỹ mà nếu là một người Á Đông truyền thống có lẽ bạn cũng sẽ hơi đỏ mặt một chút. Sau khi mua vé, tôi mạnh dạn bước qua khung cửa tối, một không gian huyền hoặc mở ra với ánh đèn xanh tím lờ mờ. Không có quá nhiều khách tham quan và đa phần là những kẻ độc hành.
Dòng chảy lịch sử của sex qua thời gian được thể hiện khá sinh động với hình ảnh và cả những bảng thuyết minh chi tiết đủ cho thấy các nhà làm bảo tàng không chỉ đơn thuần thể hiện một phần cuộc sống của con người mà còn muốn hệ thống nó, cung cấp cho du khách thông tin mang góc độ khoa học.
Đời sống tình dục của những loài linh trưởng, động vật có vú, động vật thân mềm... được dành những góc riêng để mô tả bằng hình ảnh và lời ghi chú rõ ràng. Các nghiên cứu trong nhiều tài liệu được trích dẫn về cả hành vi đồng tính của động vật.
Sau cùng là khu vực trưng bày các hiện vật và tranh ảnh liên quan đến sex. Đến lúc này tôi mới cảm thấy không gian đúng chất Mỹ. Các cuộc “mây mưa” được thể hiện theo nhiều hình thức, ngôn từ. Các tác phẩm nghệ thuật đương đại cũng thường được mang triển lãm tại đây và nếu nhìn vào bạn sẽ cảm thấy phảng phất sự hóm hỉnh của người Mỹ hơn là nét trần trụi của những cơ thể con người.
Một dãy 3 chiếc điện thoại ghi lại rất nhiều cuộc trò chuyện thì thầm và mang đầy tính khơi gợi phần nào giúp tôi hiểu rõ hơn vấn nạn mà nhiều phụ nữ và cả đàn ông đều gặp phải. Bảo tàng tình dục đã mang đến một cái nhìn thoáng hơn về chuyện vốn tế nhị với phương Đông và cũng mang đầy tính nhân văn khi không che giấu phần không thể thiếu hay có thể nói rất quan trọng trong đời sống con người.
Hoài Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét