(Dân trí) - Trong suốt thế kỷ 20, dân số của thị trấn Civita di Bagnoregio đã suy giảm đi rất nhiều, khiến các nhà chức trách lo ngại thị trấn 2.500 năm tuổi sẽ nhanh chóng trở thành một thị trấn bị bỏ hoang.
Mặc dù cảnh quan tuyệt đẹp và những ngôi nhà gạch từ thời Trung cổ, nhưng các cơn địa chấn và xói mòn đã biến thành phố này thành một hòn đảo trong thế kỷ thứ 17. Người dân địa phương đã bắt đầu gọi nó là Il paese che moure, tức là “Thị trấn đang chết dần”.
Hiện tượng xói mòn đã làm nhiều căn nhà bị đổ sập khiến nhiều gia đình phải chuyển đi nơi khác sinh sống. Đến năm 2000, dân số thị trấn chỉ còn lại có 6 người.
Nhờ sự bùng nổ của du lịch, thị trấn đã được tiếp thêm sinh lực để hồi sinh. Hiện nay đã có 12 cư dân sống tại Civita di Bagnoregio vào mùa đông và gần 100 người trong những tháng mùa hè.
Sự vắng bóng người cũng như vị trí của nó đã giúp thị trấn sống sót qua hai cuộc chiến tranh với kiến trúc cổ xưa không hề bị suy chuyển hay tàn phá. Điều này đã góp phần tăng dân số của thị trấn trong những năm trở lại đây vì không nhiều ngôi làng của châu Âu vẫn còn nguyên vẹn như xưa.
Năm 2004, một kế hoạch tăng cường phòng vệ cho vùng đồi đã được thực hiện nhằm ngăn ngừa sự xói mòn đất. Trong năm 2006, Quỹ Di sản Thế giới đã đưa thị trấn nhỏ này vào danh sách cần theo dõi.
Sự sụp đổ của thị trấn có thể sẽ kéo dài thêm hàng thế kỉ hoặc chỉ trong một thời gian ngắn nữa. Trừ khi có điều gì đó thay đổi nếu không chúng ta có thể sẽ bị mất kì quan này mãi mãi.
Thảo Nguyên
Theo BM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét