Một góc cầu nguyện ở Bồ Đề đạo tràng.
Ga tàu trung tâm ở Kolkata từng được các du khách mệnh danh là một cái toilet công cộng khổng lồ với la liệt những người lang thang nằm ngồi vạ vật. Đi tàu Ấn Độ là một trải nghiệm kỳ lạ vì lần đầu tiên tôi thấy các khoang tàu không có tường và cửa mà chỉ kéo ri đô. Chỗ lẽ ra là hành lang thì được kê thêm một dãy giường dọc để tiết kiệm diện tích. Theo đúng lịch trình thì 6 giờ sáng hôm sau tàu sẽ đến Bodh Gaya, thánh địa đầu tiên trong Tứ thánh tích mà đoàn chúng tôi sẽ tiếp tục hành hương.
Trước khi sang Ấn, tôi được một cậu em làm bên dầu khí kết nối với ni sư Từ Tâm. Cậu bảo ni sư sẽ dẫn chúng tôi đi từ Bodh Gaya đến Lumbini (Nepal), qua Varanasi rồi mới chia tay sau khi tiễn chúng tôi ra sân bay đi New Dehli như đã từng dẫn cậu đi. Thoạt nghe ni sư đã 72 tuổi, tôi giật mình bảo thôi. Cậu bảo ngay rằng chị yên trí, ni sư còn khỏe hơn chị em mình. Điều này quả được chứng thực trong suốt chuyến đi. Y hẹn, ni sư có mặt ở nhà ga Bodh Gaya từ 5 rưỡi sáng, nhưng tàu chậm cả tiếng, loanh quanh 7 rưỡi mới gặp được nhau. Dưới ánh bình minh, vị ni sư nhỏ xíu mặc áo cà sa vàng, đội mũ len vàng sậm chầm chậm bước đi trong sân ga. Tôi kinh ngạc, ni sư trông chỉ như ngoài 50 với dáng vẻ nhanh nhẹn khôn cùng. Bà đưa chúng tôi về nghỉ ở trường học nơi bà làm hiệu trưởng. Từ đó chúng tôi bắt đầu chuỗi ngày ăn chùa, ngủ chùa.
Cần phải nói rằng Tứ thánh địa ở Ấn Độ là nơi hành hương quan trọng nhất của những người theo đạo Phật từ khắp nơi trên thế giới. Nó bao gồm: Lumbini (Lâm Tỳ Ni) - nơi Phật sinh; Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng) - nơi Đức Phật đắc đạo dưới gốc cây bồ đề; Varanasi (Bà La Nại) - nơi Đức Phật chuyển pháp luân và Kushinagar (Câu Thi Na) - nơi Phật nhập Niết Bàn. Đây là tuyến hành hương, không phải du lịch, vì phàm chỉ mục đích tham quan và mua sắm thì tất cả những nơi này không có mấy cảnh để ngắm ngoài những tàn tích đổ nát và chùa chiền. Cũng không có gì để mua bán ngoài hương trầm và lá bồ đề, món ăn đặc sản thì là cháo sữa, món cháo huyền thoại mà nàng Sujata đã cúng dường cho Đức Phật.
Phật giáo phát xuất từ Ấn Độ do thái tử Tất Đạt Đa1 khai sáng. Nhưng trên xứ sở sông Hằng ngày nay, đạo Phật lại là một tôn giáo không thịnh hành. Bởi giữa thế kỷ 8, Sultal Al Mahdi đã mang quân sang Ấn Độ và đàn áp đạo Phật bằng cách phá hủy các trung tâm Phật giáo, chùa chiền, tượng Phật và thanh trừng các nhà sư. Trên con đường hành hương, tôi cũng bắt gặp nhiều tượng Phật cụt đầu, dấu vết tàn phá đau thương của những đội quân chinh phạt xứ Hồi. Năm 1178, những bức tượng khổ hạnh đã chứng kiến cuộc đàn áp mạnh mẽ nhất của các chiến binh Hồi giáo hung bạo dưới triều đại Muhammad Ghuri. Đến thế kỷ 13 thì đạo Phật hoàn toàn biến mất khỏi Ấn Độ và chỉ dần dần được chấn hưng vào thế kỷ 19. Tuy nhiên ở nơi khai sinh ra Phật giáo mà giờ cũng chỉ có khoảng 0,5% dân số theo đạo Phật, tức 7 triệu người, một con số rất nhỏ so với những nước Châu Á mà các đoàn truyền giáo của A Dục Vương 2 sau này đã đặt chân tới và thiết lập nền tảng cho đạo Phật. Vì thế phần lớn những công trình Phật giáo mới xây ở khu vực Tứ thánh tích lại là chùa của các sư trụ trì người Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Trung Quốc, Srilanka, Thái Lan, Myanmar, Đức, Áo, Việt Nam... chứ không có chùa của sư Ấn Độ. Cũng chính những tăng lữ ngoại quốc đã vực dậy tinh thần Phật giáo ở khu vực Bắc Ấn này. Đến Bodh Gaya, vì thế hôm nào cũng như ngày hội, với ngần ấy quốc tịch của các đoàn hành hương và đủ màu áo cà sa vàng, đỏ, tía, cam, nâu, xám của phái Bắc Tông, Nam Tông, Mật Tông, Thiền Tông, Hoa Nghiêm Tông...
Trung tâm của Bodh Gaya là Tháp Đại giác, nơi có gốc cây bồ đề mà Đức Phật đã thành đạo năm 35 tuổi. Ni sư Từ Tâm gọi đó là cái rốn của vũ trụ, nơi linh thiêng nhất của quả đất này. Trong khu vực rộng lớn như một công viên của Tháp Đại Giác, các Phật tử và tăng ni ngồi choán hết mọi chỗ để tu tập.
Chùa Ramabha trong ánh bình minh. |
Ni sư Từ Tâm
Ni sư Từ Tâm là một nhân vật kỳ lạ. Người gốc Ninh Bình, theo gia đình vào Sài Gòn sống từ nhỏ, rồi di cư theo chồng sang Mỹ trước 1975, bà bắt đầu xuất gia từ năm 60 tuổi. Đang sống hạnh phúc trong một căn hộ đầy tiện nghi ở tiểu bang California, bà từ biệt chồng con sang tận mảnh đất nghèo nàn, lạc hậu ở Bodh Gaya để hành đạo. Thời điểm đó bà quyên góp được 12.000USD của các Phật tử bang Missouri để đào hơn chục cái giếng cho dân làng, sau đó tiếp tục quyên góp được 85.000USD để xây trường. Từ một căn nhà cấp bốn được tận dụng làm lớp học với một cô giáo và vỏn vẹn năm học trò, hiện bà đã là hiệu trưởng của ba trường cấp một và một trường cấp hai. Trường của bà miễn học phí, thỉnh thoảng còn tài trợ xe đạp cho các em nhà xa. Tình trạng giáo dục và kiến thức của cả học sinh lẫn giáo viên Ấn Độ thật tệ. Ni sư cho biết trong số 500 đơn xin học thì chỉ gạn được 150 đơn vì nhiều em đi học không biết tí gì mà vẫn cứ được lên lớp ở trường cũ. 500 lá đơn xin học do phụ huynh viết thì hầu hết đều lăn tay, không ai biết ký. Lương phổ biến của người lao động Ấn Độ là khoảng 50 đô la, vì hỏi ai cũng thấy con số 3.000 rupi. Tôi không biết họ sống thế nào cho qua ngày với 3.000 rupi. Ni sư Từ Tâm bảo: “Đằng nào họ có tiền cũng chẳng biết tiêu gì đâu, vì chín mươi phần trăm dân Ấn Độ ăn chay. Có người mỗi bữa chỉ cần một củ hành tây ngâm dấm là ăn hết cả đĩa cơm”.
Ni sư Từ Tâm đi theo chúng tôi gần 1.000 cây số, bà thuê xe, lo chỗ ăn, chỗ ngủ, đến bất cứ nơi nào đều thuyết minh về lịch sử, ý nghĩa của các công trình tôn giáo, còn suốt thời gian ngồi trên xe, coi như bà mở lớp giảng đạo thực sự. Ngày bà chỉ ăn một bữa, tối ngủ chừng bốn năm tiếng và sự nhanh nhẹn thì còn hơn cả người chỉ bằng nửa tuổi bà. Dân làng nơi bà ở gọi ni sư một cách kính trọng là Mataji (tiếng Ấn là Mẹ bề trên). Bà từng dẫn rất nhiều đoàn Việt Nam qua khu vực Tứ thánh tích. Số tiền các Phật tử ủng hộ sau chuyến đi sẽ được chuyển vào ngân quỹ trường học. Ni sư nói rằng bất cứ việc gì có thể giúp các Phật tử hiểu biết hơn về đạo Phật và Tứ thánh tích thì bà đều sẵn sàng làm. Vì thế suốt cuộc đời mình, bà liên tục đi khắp các nơi trên thế giới để thực hiện công tác xã hội. Ni sư Từ Tâm là người quyết đoán, uyên bác, mạnh mẽ và sắc sảo. Suốt chặng đường, mọi cách hành động và xử lý tình huống của bà đều khiến tôi kinh ngạc, bởi nó không có vẻ nhẫn nại và chậm rãi của các bậc tu hành như tôi vẫn hình dung. Hỏi ni sư có lúc nào thấy buồn tủi, cô đơn và nản lòng không khi một thân một mình nơi xứ người, lại đúng ngôi làng nghèo khó, bẩn thỉu này, trong khi ở Mỹ bà có hẳn một căn biệt thự và những người con thành đạt. Bà bảo thi thoảng bà có về thăm nhà nhưng các con thì chưa bao giờ sang thăm mẹ. “Chúng nó vẫn giận tôi về quyết định này, bảo nếu có ý định muốn xuất gia thì nên chọn một vùng đất khác cho đỡ khổ”. Nhưng bà cũng thú nhận rằng 14 năm ở Bodh Gaya, cũng có lúc bà thấy cực thân và cô quạnh khi bị ốm đau: “Các cô không biết chứ lúc ấy tự mình đi đun ấm nước sôi cũng không được. Tôi phải mang luôn cả xô chậu vào phòng để tiện bề sinh hoạt”.
Ngủ chùa
Chúng tôi chỉ ngủ lại trường học của ni sư Từ Tâm có một đêm, sau đó lên xe khởi hành đi Kushinagar, nơi Đức Phật nhập Niết Bàn ở kiếp luân hồi cuối cùng và sẽ không bao giờ tái sinh. Hành trình 350 cây số nhưng đi mất một ngày trời vì đường xấu và tài xế bị lạc. Con đường khởi đầu thật đẹp với những cánh đồng hoa cải vàng rượi.
Chúng tôi đi qua bao làng mạc ở miền Bắc Ấn, len lỏi đường tắt trong các xóm nhỏ nghèo nàn đầy rẫy bà mẹ tảo hôn mặt non búng ngồi bên những đứa trẻ suy dinh dưỡng và những bánh phân bò. Nông dân Ấn lấy phân bò làm chất đốt, vì vậy nhà nào cũng đóng bánh phân bò phơi khô ngoài vườn để dùng dần. Trên những quốc lộ bụi mù, lác đác vài phụ nữ đội trên đầu rổ phân bò khô nặng trĩu mang ra chợ bán hòng đổi lấy vài chục rupi.
Người Ấn sống khốn khổ, nhưng lại yêu nhảy múa đến nỗi mấy hôm ở Kolkata và Bodh Gaya, đêm nào tôi cũng thấy những đám rước có xe trang trí đèn màu xanh đỏ đi ngang qua cửa sổ, nhạc nhảy bật ầm ĩ, và sau xe là bầu đoàn thê tử nam thanh nữ tú vừa đi vừa nhảy múa bốc trời như lễ hội Carnaval. Đó là những đám rước thần hoặc đám cưới. Người Ấn thường tổ chức đám cưới ban đêm, lúc đã tận 9 giờ.
Trong số tất cả những ngôi chùa tôi đã nghỉ lại thì chùa của thầy Huyền Diệu ở Nepal (vị cao tăng từng nổi tiếng trên báo chí với ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự ở Bodh Gaya), là có vẻ… chuyên nghiệp hơn cả, vì phòng ốc chỉ dành cho hai người và trong phòng có cả bộ bàn ghế làm việc như khách sạn. Thầy không quy định giá tiền mà khách đến nghỉ cúng dường bao nhiêu thì chùa nhận bấy nhiêu. Hôm đó mãi nửa đêm chúng tôi mới vào đến Kushinagar, thuộc bang Uttar Pradesh.
Ni sư Từ Tâm định cho chúng tôi ở chùa Miến Điện. Không may cho chúng tôi, đêm đó chùa Miến Điện hết phòng vì Phật tử Myanmar đến đông quá. Chúng tôi đành phải ngủ trong những căn phòng năm người ở, với những bức tường ẩm thấp bốc mùi và chăn đệm thì đầy vết bẩn chưa giặt. Mùa xuân, nhiệt độ về đêm hạ xuống 9oC. Chiếc chăn của tôi mỏng nên đêm nằm rét run, chưa kể lúc đầu nó lạnh cóng và ẩm sì đến mức Thần ngủ cũng phát nản.
Đêm ấy ở Kushinagar, mãi một rưỡi chúng tôi mới xong việc vệ sinh và lên giường đi ngủ, nhưng vừa chập chờn một giấc ngắn, Ni sư Từ Tâm đã gọi: “Dậy đi các cô ơi. Ngủ mấy tiếng đó được rồi, giờ dậy còn ăn sáng, xong ra làm lễ”.
Chúng tôi lại lên đường trong lúc còn tờ mờ đất, mắt thì cay xè, trời rét căm căm, sương giá che phủ mặt người, miệng không dám kêu khổ. Đi hành hương phải khổ mới đắc đạo chớ. Có lẽ suốt ngần ấy đêm trên đất Ấn, tôi chỉ được ngủ ngon đúng một đêm ở trường học của ni sư Từ Tâm, nơi có chăn nệm sạch sẽ dù là trên chiếc ván giường bằng gỗ trong căn phòng thô sơ nền gạch mà đêm trước vẫn còn dành cho công nhân xây dựng.
Ni sư dẫn cả đoàn còn đang mắt nhắm mắt mở vào chùa Ramabha (Chùa Niết Bàn) và Mahaparinirvana (Tháp Niết Bàn), nơi đặt bức tượng Phật nhập Niết Bàn bằng đá, chen chúc cùng những đoàn hành hương đa quốc tịch để tìm một chỗ vái lạy bên bức tượng Phật nằm khổng lồ. Mỗi Phật tử lại làm lễ theo một cách khác nhau, tùy theo quốc gia mà họ đến từ đó. Nhiều cô gái và chàng trai trẻ măng (có lẽ là người Nhật Bản hay Hàn Quốc) ngồi bịt mắt băng đen nhập thiền vài tiếng đồng hồ dưới chân tượng Phật trong khi các nhà sư phái Nam Tông ngồi thiền như bức tượng dưới gốc cây dừa. Đây là không khí của những người sùng đạo. Kushinagar là một quận của bang Uttar Pradesh với dân số chưa đến 20.000 người nhưng có tới vài khách sạn bốn, năm sao và đường xá thì vô cùng sạch sẽ, điều hiếm thấy trên đất Ấn. Đây là một điểm quan trọng của Tứ thánh tích và vị trí Đức Phật nhập Niết Bàn sau này cũng đã được đắp thành một nấm mộ tượng trưng khổng lồ.
Ni sư Từ Tâm (trái) ở Phật quốc tự Bodh Gaya cùng tác giả. |
Chuyện về Đường Tăng
Ngay trong sáng hôm đó, chúng tôi rời đi Lumbini, thuộc địa phận Nepal, thánh tích Phật giáo thứ ba, nơi hoàng hậu Maya sinh hạ thái tử Siddhartha. Con đường độc đạo dẫn vào cửa khẩu Ấn Độ - Nepal lầm bụi và luôn tắc đường, đi bộ còn nhanh hơn đi xe. Chúng tôi xuống xe cuốc bộ hơn hai cây số, bụi lấm đến tận đỉnh đầu. Những đoàn xe tải sặc sỡ nối đuôi nhau (xe tải của Ấn thường sơn vẽ xanh đỏ đủ hình thù kín tận đầu xe như một chiếc xe đồ chơi, mặc dù chúng cũ nát không thể tin được). Phòng nhập cảnh Nepal là một ngôi nhà cấp bốn ở tỉnh biên giới Belahiya, xấu, bẩn, bụi mù và xập xệ nhưng đông kín khách du lịch da trắng tha thiết muốn được vào thánh địa. Phòng trong có ba nhân viên đang cuống quýt đóng dấu visa vào hộ chiếu, là một con tem nhỏ không được đẹp. Trong phòng có một chiếc máy tính phủ bụi không biết có dùng được không và một chiếc giường lùm lùm đống chăn chiếu chưa gấp.
Nửa tiếng sau, chúng tôi có visa nhập cảnh vào đất Nepal, sau khi ăn cơm bụi (theo đúng nghĩa đen) ở một quán cơm biên giới. Chúng tôi lại đi qua bao làng mạc xứ Nepal, vẫn thấy cảnh nghèo nàn như đã từng của quốc gia láng giềng, nhưng người dân quê Nepal có vẻ gì đó văn minh và sạch sẽ hơn. Về đến vườn Lâm Tỳ Ni thì trời đã ngả chiều. Đó là một khu vườn sinh thái vuông vắn rộng lớn với rào bao và an ninh bảo vệ. Trong khuôn viên cây cối tuyệt đẹp này có những ngôi chùa thờ Phật của nhiều nước trên thế giới, mỗi chùa là một công trình kiến trúc đặc sắc.
Riêng chùa Việt Nam thì khiêm tốn hơn, lại chẳng hiểu sao không xuất hiện trong tờ chỉ dẫn của Vườn Lâm Tỳ Ni. Chính phủ Nepal có chính sách khôn ngoan là cấp đất miễn phí vô thời hạn cho công dân bất cứ quốc gia nào có ý định muốn xây dựng chùa trong vườn, miễn là phải có bộ hồ sơ hợp lý. Dự án vườn thiêng Lâm Tỳ Ni giờ phần lớn là đất trống, mới chưa đầy 20 công trình xây dựng được khai thác. Nếu ngày càng nhiều vị cao tăng đổ đến đây xây chùa, khu vườn sẽ trở nên đông đúc và thu hút khách hành hương. Kinh tế Nepal theo đó mà cũng được nhờ cậy.
Vườn Lâm Tỳ Ni giống như một khu resort tôn giáo thực sự, với những vườn cây yên lặng trong không khí trong lành, những con đường trải nhựa phẳng lì len giữa rừng thưa. Chúng tôi đi bộ dọc theo kênh đào tuyệt đẹp dẫn đến trụ đá do hoàng đế Ashoka (A Dục) xây dựng năm 249 trước công nguyên. Lịch sử Phật giáo nhắc nhiều đến công lao của Ashoka, vị hoàng đế hung bạo từng giết nhiều anh em để cướp ngôi vua, nhưng sau khi đắc đạo, ông đã cho xây dựng hàng vạn ngôi chùa và bảo tháp.
Cũng nhờ Ashoka mà các đoàn truyền giáo đã đưa đạo Phật ra khỏi biên giới Ấn Độ đến tận Châu Âu, Trung Á, Trung Đông, Đông Á, Đông Nam Á và cả Việt Nam, trước khi Phật giáo bị thanh trừng và biến mất trên đất Ấn. Phật giáo Ấn Độ cũng nhắc nhiều đến các ghi chép của Đường Tăng (Trần Huyền Trang), một bậc cao tăng uyên bác, một dịch giả tiếng Phạn sống vào thế kỷ VII. Đọc kinh Đại thừa, Trần Huyền Trang thấy nhiều chỗ phi logic và mâu thuẫn, ông cho rằng lý do chính là vì những bản dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Trung đã bị tam sao thất bản vì quá nhiều người dịch, thời nay gọi là “dịch loạn”.
Chính điều đó khiến ông nuôi ý định sang tận Ấn Độ để tìm kiếm bản gốc. Cuối cùng bất chấp lệnh cấm du hành của hoàng đế, năm 33 tuổi, Trần Huyền Trang vẫn sang Ấn Độ thỉnh kinh, để rồi mãi đến năm 49 tuổi mới quay lại quê hương. Ông mang về Trung Hoa 600 cuốn kinh và sau đó, dưới sự hỗ trợ của nhà vua, đã thành lập một ban dịch thuật để dịch lại toàn bộ bộ kinh này cho chính xác.
Khâm phục vị cao tăng, hoàng đế yêu cầu ông viết một cuốn du ký để miêu tả lại chuyến đi, với tiêu đề “Đại đường Tây vực ký”. Đây là một trong những cuốn du ký đầu tiên của nhân loại mà cho đến giờ vẫn là nguồn tài liệu quý giá cho các nhà khoa học đương đại về địa lý, lịch sử, xã hội, văn hóa, phong tục vùng Trung Á và Nam Á thế kỷ VII. Tôi hâm mộ Đường Tăng cũng chẳng khác nào Marco Polo, những nhà du hành đầu tiên của thế giới. Ông đã trở thành bậc cao tăng, dịch giả lừng lẫy nhất Đông Á thời bấy giờ, để rồi gần 1.000 năm sau lại xuất hiện ở “Tây du ký”, trong hình ảnh một vị sư nhân ái đến mức thành “vô minh”.
Trong nguyên tác của Ngô Thừa Ân, Đường Tăng mất hẳn sự uyên bác như vốn có. Chưa kể để “đi Tây Trúc lấy kinh” vào cái thời Châu Á còn hoang vu hẻo lánh, phương tiện di chuyển thô sơ, khổ sở gấp trăm lần dân phượt bụi ngày nay thì kỹ năng sống, sự linh hoạt và nhanh nhẹn của Đường Tăng hẳn phải rất đáng khâm phục, nhưng trong “Tây du ký”, Đường Tăng chẳng biết làm gì khác ngoài việc cưỡi ngựa. Giờ chúng tôi cũng đang đi theo con đường của Đường Tăng xưa kia, chiêm bái Tứ thánh tích mà 14 thế kỷ trước ông đã từng đặt chân đến.
Ni sư Từ Tâm hướng dẫn chúng tôi quỳ trước cột đá Ashoka cầu nguyện. Lúc đó chiều đã tà, vầng dương dần khuất bóng, chỉ còn một ráng hồng lợt trên bầu trời đang tối sẫm. Ni sư đọc một bài kinh, thi thoảng lại cúi rạp đầu chạm đất. Tôi không để ý lắm tới những lời cầu nguyện, chỉ dõi theo bóng chim đàn đang lướt qua bầu trời tìm chỗ nghỉ, cố gắng hình dung 2.000 năm trước, nơi này đã phồn thịnh đến thế nào. Đất dưới chân tôi lạnh, sương đã buông và tôi thoáng nỗi nhớ nhà. Tôi chợt thương ni sư Từ Tâm thay vì đáng lẽ bà phải thương tôi, những chúng sinh chưa giác ngộ nên vẫn còn tham sân si mà mắc vòng oan khổ.
Ghi chú:
1. Thái tử Tất Đạt Đa (566 - 486 TCN) tên tiếng Phạn là Siddhartha, trí giả của dòng dõi Shakya, sau thành Phật Thích Ca Mầu Ni (Shakyamuni).
2. A Dục Vương: Vua Asoka trị vì Ấn Độ vào giữa thế kỷ 3 TCN.
LĐCT - 30
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét