Thứ Năm, 28 tháng 4, 2011

Nét riêng ẩm thực xứ “phù tang”


Nhật bản được biết đến là một “cửa hàng của thời tiết” trưng bày mọi sản phẩm qua những biến đổi tinh vi của bốn mùa. Chính vì sự phong phú này mà người Nhật hết sức cầu kỳ trong việc lựa chọn món ăn sao cho phù hợp với từng vùng, từng thời tiết và từng dịp lễ tết khác nhau.
Ẩm thực Nhật bản được cho là ẩn chứa một linh hồn và mang tính thẩm mỹ cao. Một bàn ăn Nhật bản là “một bộ sưu tập” các món ăn với sự kết hợp hài hòa và khéo léo giữa nhiều yếu tố:
Đặc điểm từng vùng địa phương
Quần đảo Nhật bản trải dài từ bắc xuống nam, nằm trong khu vực khí hậu ôn đới và cận nhiệt đới nên thời tiết thay đổi khác nhau tùy theo từng vùng. Do đó, ở mỗi vùng sẽ có những món ăn đặc trưng khác nhau.
Đến với Hokkaido, chúng ta sẽ dễ dàng được thưởng thức những món ăn đặc biệt của vùng này như món mì Trung Hoa dùng chung với bơ, lẩu hải sản với tôm, cá, hồi, mực.
 
Đến vùng Kanto, Kansai sẽ thấy sự khác biệt rõ rệt trong ẩm thực Nhật bản. Nếu như nước canh trong chén Soup miso ở vùng Kansai gần như có màu trắng thì màu canh Soup miso của vùng Kanto lại có màu nâu đậm hơn và hơi đỏ.
Món ăn ở phía đông và tây của Nhật bản còn khác nhau ở hương vị trong món Sushi, bánh kẹo và các loại đồ chua. Món ăn vùng Kyoto với hương vị thanh thoát, nhẹ nhàng của món ăn cung đình, trong khi món ăn vùng Tokyo được chế biến đậm đà hơn với dầu đậu nành.
Kyushu nổi tiếng với trà, trái cây và các loại hải sản. Khách đến thăm thành phố này chắc chắn sẽ được thưởng thức món bánh xốp Kasutera.
Tại hòn đảo cực nam Okinawa, những món ăn truyền thống độc đáo có được nhờ tiếp xúc với Trung Quốc và Đông Nam Á vào thời vương quốc Ryukyu kéo dài hơn 4000 năm như Goya Chanpuru. Nơi đây còn nổi tiếng với các loại bánh kẹo được chế biến từ đường, dứa và đu đủ.
Đặc sắc món ăn theo thời tiết
Thiên nhiên có vai trò hết sức quan trọng với những cư dân nông nghiệp lúa nước Nhật bản. Vì vậy, người Nhật cũng như những cư dân của các nền văn hóa gốc nông nghiệp khác trong tâm thức đều mong muốn sống hòa hợp với tự nhiên. Hòa mình và đồng nhất với thiên nhiên là cảm xúc tiềm ẩn trong cội nguồn đời sống tinh thần của họ. Do yêu cầu của hoạt động nông nghiệp cùn với thực tế khí hậu chia thành bốn mùa rõ rệt, người Nhật rất chú trọng đến sự thay đổi mùa trong năm mà chọn món ăn cho phù hợp.
Trong mùa hè nóng bức, để có nguồn năng lượng cần thiết chống chọi với khí hậu nóng ẩm người Nhật thường ăn món lươn nướng. Hoặc các món ăn mát như mực, rau và hoa quả. Đặc biệt, không thể thiếu ly bia bên đĩa Edamame - một loại đậu luộc có màu xanh trong đêm hè nóng bức.
 
Món mỳ lạnh Soba
Khi những cơn gió mát lành của mùa thu đến, người Nhật chuyển sang ăn mì Soba, các loại nấm nhất là nấm Matsutake. Cuối thu nhiều loại đồ chua chế biến với dấm, muối được dự trữ cho mùa đông.
Để xua đi những cơn gió rét cắt da cắt thịt, người Nhật thường hay ngồi quay quần bên nồi lẩu Onabe nghi ngút khói. Vào ngày cuối cùng của năm, người Nhật thường ăn mì Toshikoshi có sợi dài với lòng tin rằng những sợi mì dài sẽ đem lại trường thọ và sức khỏe dồi dào trong năm mới.
Đặc sắc món ăn theo dịp lễ tết
Không chỉ thay đổi món ăn theo vùng, theo thời tiết, người Nhật còn thay đổi món ăn theo từng dịp lễ tết khác nhau. Tại Nhật bản, các ngày lễ và lễ hội diễn ra quanh năm và sẽ có những loại món ăn thích hợp dành cho các ngày lễ này.
Vào ngày mùng 3 tháng 3 món bánh dày hình thoi, bánh bột gạo tẩm đường được xếp trên bàn bày toàn búp bê cho ngày lễ bé gái. Bánh Dango được chế biến từ bột gạo cho ngày hội ngắm trăng vào tháng 9.
Quan trọng nhất vẫn là món ăn ngày Tết được gọi là Osechi Ryori. Osechi là những đồ ăn ngon được chuẩn bị với các món nấy, món trộn dấm, món nướng làm từ các loại hải sản, thịt gia súc, gia cầm và các loại rau với hương vị màu sắc phong phú. Món Tết thực chất là món ăn ngọt, làm bằng các nguyên liệu thông thường như rễ cây ngưu bang, trứng cá, cá sardine khô, tảo ăn, khoai lang, hạt dẻ... Ngoài ra còn có bánh dày năm mới Kagamimochi được bày trên Tokonoma là góc trang trọng nhất trong nhà. Và còn nhiều loại bánh làm từ bột gạo như Mochi ăn với Soup Ozoni được ăn vào sáng đầu tiên của năm mới. Nói chung, mỗi nguyên liệu để tạo nên mỗi món ăn trong dịp tết của người Nhật Bản đều hàm chứa những ước mơ, hi vọng mà họ muốn gửi gắm trong đó.
Món ăn Nhật cầu kỳ từ hình thức đến hương vị, ẩm thực Nhật bản đòi hỏi thực khách phải tinh tế trong thưởng thức mới nhận biết được cái ngon, cái đẹp trong từng món ăn. Đặc biệt với từng món ăn ở từng vùng, từng kiểu loại khí hậu, hài hòa trong trang trí sẽ cho thực khách trải qua những cảm giác, cảm xúc mới lạ khó quên...

 Ngọc Lâm
(Nguồn Tapchimonngon)

Không có nhận xét nào: