1. Rừng chìm hồ Kaindy-(Kazakhstan) Rừng chìm Hồ Kaindy thuộc đất nước Kazakhstan là một trong những dạng rừng chìm độc đáo nhất thế giới. Hồ nước này nằm bên trên mực nước biển khoảng 2.000 mét, hồ dài 400 mét và một số nơi sâu đến 30 mét. Ấn tượng trong hồ nước này là những thân cây Vân Sam mọc chìm trong lòng hồ và nhô lên sinh trưởng tươi tốt trên mặt nước, nhìn xa xa trong lòng hồ thì những thân cây này trông không khác xác những chiếc tàu đắm. Vào những tháng mùa Đông, toàn bộ bề mặt hồ Kaindy bị đóng băng và người ta buộc phải đập tan băng cho cây cối trong hồ không bị chết “ngộp”. Trong suốt các tháng mùa hè, nước hồ trở nên ấm áp hơn, cây cối như xanh tươi hơn hài hòa với nước màu xanh ngọc lục bảo trên mặt hồ. Hồ Kaindy mới được hình thành từ cách đây hơn một thế kỷ, chính xác là từ một vụ sụt lở đá vôi đã tạo nên lòng hồ. 2. Rừng chìm hồ Bezid- (Roumanie) Tọa lạc tại vùng Transylvania thuộc đất nước Roumanie, trong lòng hồ Bezid tồn tại những gốc cây mềm mại nhô lên từ mặt nước trông như những bàn tay khô héo, vừa mang vẻ lạnh lẽo nhưng cũng không kém phần đẹp tự nhiên. Thêm vào không khí huyền bí tại đây còn có cả sự hiện diện của một ngôi làng thấp thoáng trong sương khói. Hồ Bezid là một hồ nước nhân tạo, nó được hình thành ngay sau khi toàn bộ ngôi làng Bezid bị lũ nhấn chìm, tất cả nhà cửa bị vùi xuống đáy hồ và chỉ có nhà thờ địa phương và cây cối là còn hiện hữu trong hồ nước, nhô mình lên trên mặt nước. Toàn bộ cư dân tại làng Bezid đã sơ tán đi nơi khác sau khi nhà cửa của họ bị nhấn chìm. 3. Rừng chìm Periyar – (Ấn Độ) Periyar là một khu vực được bảo vệ, nó là một khu bảo tồn thiên nhiên tọa lạc tại bang Kerala thuộc Nam Ấn Độ, nằm bên cạnh các ngọn núi Tây Ghat ngay tại biên giới. Hồ Periyar nằm trong lòng các quận Idukki và Pathanamthitta. Khu bảo tồn thiên nhiên hồ Periyar có diện tích khoảng 777 km2, trong đó khu bảo tồn trung tâm rộng khoảng 350 km2 tạo nên Vườn quốc gia và Khu bảo tồn loài Hổ thuộc Periyar, gọi chung bằng cái tên là Khu bảo tồn Hoang dã Periyar. Hồ Periyar là một quần thể rừng chìm với hầu hết các gốc cây đã bị thối rửa nhô cao trên mặt nước hồ. Hồ Periyar còn là một bể chứa nước nhân tạo. Hồ nước này được hình thành vào năm 1895 khi người ta tiến hành xây dựng con đập Mullaperiyar. Cây cối trong lòng hồ mọc thành rừng quanh những ngọn đồi nhỏ, lá các cây cối này còn là nguồn thức ăn chủ lực cho các loài động vật hoang dã. Hồ Periyar là một trong số ít các khu vực trên hành tinh được công nhận là khu bảo tồn hệ sinh thái đạt chuẩn. 4. Bể chứa nước Udawalawe – (Srilanka) Vườn Quốc Gia Udawalawe nằm trong lòng 2 tỉnh Sabaragamuwa và Uva thuộc đất nước Sri Lanka. Nguyên nhân chủ yếu trong việc hình thành khu vườn quốc gia này là các nhà chức trách muốn tạo ra một khu bảo tồn động vật hoang dã nhằm thay thế cho công trình xây dựng bể chứa nước nằm trên dòng sông Walawe đồng thời bảo vệ nguồn nước chính của bể chứa nước. Vườn Quốc gia Udawalawe có diện tích khoảng 30.821ha và được thành lập vào ngày 30 tháng 06 năm 1972. Trước khi chính thức công nhận là vườn quốc gia, khu vực này từng được sử dụng cho hoạt động canh tác nông nghiệp. Udawalawe là môi trường sinh sống hết sức quan trọng của các loài chim nước và loài voi Sri Lanka. Đây là điểm du lịch được ưa chuộng đứng hàng thứ 3 ở Sri Lanka. Hồ Udawalawe hiếm khi nào khô hạn, vì nó tiếp thu nước từ các vùng đất và bình nguyên trên cao. Trong lòng hồ Udawalawe có hàng ngàn “bộ xương” của các loài cây rừng, tất cả đều bị chết khi nước trong hồ dâng cao. Tuy vậy voi vẫn cư trú thường xuyên tại hồ Udawalawe bởi nguồn nước ngọt khá dồi dào và điều tuyệt vời hơn nữa là trong lòng hồ này còn có rất nhiều cá. 5. Hồ Volta – (Ghana) Hồ Volta là bể chứa nước lớn nhất trên bề mặt trái đất, chiếm ¼ trữ lượng nước ngọt trên thế giới. Hồ nước này nằm lọt thỏm trong lòng quốc gia Ghana, với diện tích bề mặt lên đến 8.502 km². Hiện tại trên dòng sông Volta đang được xây dựng nhà máy thủy điện và những đập tràn của nó đổ nước ra Đại Tây Dương ở cực Nam Ghana. Hồ Volta được hình thành từ khi đập nước Akosomba bắt đầu được xây dựng vào năm 1961 và khánh thành vào năm 1965. Bởi sự hình thành của hồ Volta mà khoảng 78.000 người buộc phải tái định cư đến nơi khác cùng với 200.000 súc vật được đem theo. Đập thủy điện Akosombo cung cấp nguồn điện năng đáng kể cho Ghana và còn được xuất khẩu đến các quốc gia khác như Togo, Benin và các quốc gia láng giềng, thu nhiều ngoại tệ đáng kể. Nước hồ Volta ấm áp quanh năm, tạo điều kiện cho các loài cá sinh sôi đồng thời hình thành nên các cộng đồng ngư nghiệp trù phú. Trong lòng hồ Volta có khu rừng chìm bị chết, giúp Ghana thu hoạch được 14 triệu m3 gỗ chìm trong lòng hồ mà không gặp bất kỳ chỉ trích nào. Những loại gỗ cứng nhiệt đới này sau một thời gian ở trong tình trạng thiếu oxy trở thành loại gỗ có giá trị cao, nhưng việc khai thác gỗ kiểu này cũng làm mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của các loài cá. 6. Hồ Caddo – (Texas-Mỹ) Hồ Caddo có diện tích khoảng 103km2 nằm giữa hai bang Texas và Louisiana. Đây là một khu đầm lầy được quốc tế bảo vệ theo Hiệp ước RAMSAR và là hồ nước ngọt thiên nhiên lớn nhất thuộc khu vực Nam Mỹ và là rừng cây bách lớn nhất thế giới. Caddo chỉ là một trong những hồ nước ngọt thiên nhiên lớn nhất bang Texas, tuy nhiên nó được bảo vệ bởi một con đập nhân tạo được hình thành từ thập niên năm 1900. Khung cảnh khu rừng bách chìm tại đây nhìn có vẻ huyền hoặc, rùng rợn. Nhiều cây bách trong hồ Caddo có tuổi đời hơn 1.000 năm. 7. Khu rừng chìm Kampong Plik- (Campuchia) Loài thực vật chủ yếu sinh sống trong vùng hồ Kampong Pluk là cây đước, những hệ rễ của nó là môi trường sống lý tưởng cho nhiều loài động vật hoang dã, bao gồm loài khỉ ăn cua, cũng như cư dân trong vùng sinh sống chủ yếu bằng nghề vớt tôm sông và định cư trên các ngôi nhà sàn trong lòng hồ. Khu rừng đước này là một hệ sinh thái môi trường hoàn hảo, với nhiều loài cây thực vật khác sinh sống có tác dụng khử muối rất hiệu quả. Mặt khác khu rừng đước ngập chìm này còn đóng góp đáng kể cho hoạt động xây dựng của cư dân trong vùng. | |||||||
Nguồn: Nguồn: website Báo Cần Thơ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét