Troy, Atlantis và Babylon... đều là những thành phố bí ẩn tuyệt vời mà dường như chỉ tồn tại trong các tác phẩm của lịch sử cổ đại hoặc những câu chuyện dân gian. Theo truyền thuyết, những thành cổ này từng sở hữu cung điện nguy nga tráng lệ, đấu trường rộng lớn, những khu chợ sầm uất và nhiều bảo vật quý hiếm.
Ngoại trừ các nhà sử học và khảo cổ học, các nhà văn và nhà làm phim đều thể hiện sự ưu đãi đặc biệt cho những thành phố huyền thoại này bằng sự tôn sùng thái quá. Họ đã tái tạo ra tất cả các loại công trình nghệ thuật trên nền những thành phố bị mất, ví dụ, sử thi của Homer hay bộ phim bom tấn Hollywood "Troy".
Thật không may, người ta không thể có đủ bằng chứng để có thể xây dựng và tái tạo một cách nguyên vẹn và chính xác những thành cổ này, tất cả đã bị phá hủy do chiến tranh, bị bỏ rơi bởi nạn đói và bệnh tật, hoặc bị nuốt chửng bởi biển khơi và không để lại dấu tích gì.
Bên cạnh đó, sự tồn tại của một số thành phố thậm chí không thể được chứng minh. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ học vẫn khám phá ra nền văn hóa cổ xưa của nó nhờ những dấu vết lịch sử còn xót lại.
Troy
Tàn tích của thành phố này được phát hiện trong thế kỷ 19 tại Anatolia, Thổ Nhĩ Kỳ. Truyền thuyết kể rằng người Hy Lạp đã mở một cuộc chiến tranh chinh phục và sau đó đốt cháy thành phố thành tro bụi.
Năm 1870, Heinrich Schliemann đã tiến hành khai quật di chỉ Hisarlik tại miền Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, nơi được cho là thành Troy cổ xưa.
Di chỉ Hisarlik bao gồm 9 thành phố nằm chồng lên nhau, ở giữa là một khu thành nằm lọt giữa một thị trấn đông đúc, xung quanh có thành cao bảo vệ. Đến tận hôm nay, các nhà khảo cổ học mới có bằng chứng để kết luận rằng hai thành phố cổ thứ 6 và thứ 7 tại Hisarlik là những "ứng cử viên" sáng giá nhất cho thành Troy huyền thoại.
Đẹp rực rỡ và mạnh mẽ, thành phố số 6 trông giống như thành Troy của Homer. Vấn đề ở đây là nguyên nhân khiến toà thành này bị sụp đổ vào năm 1250 trước CN lại không phải là chiến tranh, mà là vì... động đất! Ngược lại, thành phố cổ thứ bảy tại di chỉ Hisarlik lại mang đầy dấu tích bị vây hãm và phá huỷ trong cuộc chiến tranh năm 1175 trước CN - giới khảo cổ học thậm chí còn tìm thấy cả đầu mũi tên trên đường phố. Tuy nhiên, bản thân thành phố này lại không lớn như sử thi Homer mô tả.
Babylon
Vườn treo Babylon là biểu tượng nổi tiếng thế giới của vương quốc hùng mạnh này. Nhà địa lý Hy Lạp Strabo, vào thế kỷ thứ nhất TCN đã viết: “Vườn treo Babylon gồm những ban công xây hình vòm, cái nọ chồng trên cái kia, và tựa trên các cột hình khối. Nó có những chỗ lõm vào và được đổ đất vào đó để trồng được những cây lớn. Các cột, vòm, và các sân thượng được xây dựng bằng gạch nung và nhựa đường.”
Những cuộc khai quật gần đây tại thành phố Babylon cổ ở Iraq đã phát hiện ra móng của cung điện. Những thứ khác gồm tòa nhà hình vòm với những bức tường dày và một giếng nước tưới gần cung điện phía nam. Một nhóm các nhà khảo cổ đã khảo sát khu vực đó của cung điện phía nam và tái hiện lại tòa nhà hình vòm như là những vườn treo.
Tuy nhiên, nhà sử học Hy Lạp Strabo đã nói rõ rằng vườn nằm gần sông Euphrates. Vì thế những người khác cho rằng vị trí này quá xa Euphrates để ủng hộ giả thuyết đó vì tòa nhà hình vòm cách xa đó tới vài trăm mét. Họ tái hiện lại cửa cung điện và vị trí vườn treo nằm trải dài từ sông tới cung điện. Trên hai bờ sông, gần đây người ta đã tìm thấy nhiều bức tường dày 25m có thể từng là những bậc để tạo nên các sân thượng, v.v... những bức tường như được miêu tả trong các văn bản Hy Lạp.
Akrotiri
Thành phố có từ thời đồ đồng này là cái nôi của nền văn minh Minoa cho đến khi bị nuốt chửng vào lòng quả đất trong một trận núi lửa dữ dội khoảng 1500 năm TCN. Ngày nay, trên hòn đảo Santorini của Hy Lạp vẫn còn đó những ngôi nhà với cầu thang gẫy nát, những bức bích họa tuyệt trần và đồ gốm còn nguyên vùi giữa đám tro tàn.
Trận động đất năm xưa lớn đến độ nhấn chìm một phần đảo vào dòng dung nham nóng bỏng dưới đáy biển sâu và có thể cũng chính nó đã truyền cảm hứng cho sự ra đời của huyền thoại Atlantis.
Trước khi bị chôn vùi bởi sự phun trào núi lửa khoảng 1500 TCN, nền văn minh Minoa có một lượng cư dân đông đúc. Minoa là một nền văn minh ở Crete trong vùng biển Aegean, phát triển phồn thịnh vào khoảng từ năm 2700 tới năm 1450 TCN. Sau đó nền văn hóa của họ bị thay thế bởi nền văn hóa Mycenae. Theo truyền thuyết, vua Minos là người sáng lập nước Minoa.
Minoa là một trong những nền văn minh hưng thịnh trong vùng Địa Trung Hải trong suốt thời kỳ đồ đồng của Hy Lạp. Những nền văn minh này có mối liên hệ mật thiết với nhau, điều này khiến cho việc đánh giá tầm ảnh hưởng hay việc chịu ảnh hưởng của Minoa với những nền văn minh khác trở nên khó khăn hơn. Dựa trên những hình vẽ trong nghệ thuật của người Minoa, Minoa là một xã hội mẫu hệ tập trung vào việc tôn thờ các nữ thần.
Machu Picchu
Machu Picchu hay còn gọi là "Thành phố đã mất của người Inca" là một khu tàn tích Inca thời tiền Columbo trong tình trạng bảo tồn tốt ở độ cao 2.430m so với mực nước biển trên một quả núi có chóp nhọn. Machu Picchu nằm trên Thung lũng Urubamba tại Peru, khoảng 70km phía tây bắc Cusco.
Bị thế giới bên ngoài quên lãng từ nhiều thế kỷ, dù người dân địa phương vẫn biết tới nó, Machu Picchu đã trở lại trong sự chú ý của thế giới nhờ công nhà khảo cổ học Hiram Bingham, người đã tái khám phá nơi này năm 1911, và viết một cuốn sách bán rất chạy về nó. Peru hiện đang thực hiện các hoạt động pháp lý nhằm đòi lại hàng ngàn đồ vật Bingham đã lấy đi khỏi nơi này.
Mọi người cho rằng thành phố này do Sapa Inca Pachacuti xây dựng, bắt đầu từ khoảng năm 1440, và không có người ở cho tới cuộc Chinh phục Peru của người Tây Ban Nha năm 1532. Bằng chứng khảo cổ (cộng với những nghiên cứu gần đây về các văn bản thời kỳ đầu thuộc địa) cho thấy Machu Picchu không phải là một thành phố thông thường, mà chỉ là một thị trấn làm nơi nghỉ dưỡng của giới quý tộc Inca.
Nơi này có một cung điện lớn và các đền đài dành cho các vị thần Inca bao quanh một sân, với những công trình kiến trúc khác cho người hầu. Ước tính rằng không quá 750 người sống tại Machu Picchu cùng một thời điểm, và có lẽ chỉ một phần nhỏ trong số đó sống tại nơi này trong mùa mưa khi không có vị quý tộc nào tới đó.
Petra
Petra là một khu vực khảo cổ học ở phía Tây Nam Jordan, nằm trên sườn núi Hor, trong một lòng chảo nằm giữa những ngọn núi tạo nên sườn phía Đông của Arabah (Wadi Araba), một thung lũng lớn chạy từ Biển Chết đến Vịnh Aqaba.
Nó nổi tiếng vì có rất nhiều bức tượng được tạc trên vách đá. Khu vực được che giấu trong một thời gian rất dài này được công bố cho thế giới phương Tây bởi một nhà thám hiểm người Thuỵ Sĩ, Johann Ludwig Burckhardt, vào năm 1812. Nó cũng được công nhận như “một thành phố hoa hồng đỏ với tuổi đời bằng một nửa độ dài của thời gian” trong một bài thơ sonnet đạt giải thưởng Newdigate của John William Burgon.
Khu vực này được công nhận là di sản thế giới của UNESCO năm 1985 và được mô tả là "một trong những tài sản văn hoá quý giá nhất của nhân loại". Đến giờ, người ta chưa phát hiện được lịch sử của Petra bắt đầu từ khi nào, phỏng đoán là 1550 đến 1292 TCN, trong thời triều đại thứ 18 của Ai Cập. Các chứng cứ cho thấy thành phố này được xây dựng tương đối muộn, mặc dù một khu thánh địa có thể đã tồn tại ở nơi này từ thời cổ đại. Khu vực này là nơi sinh sống truyền thống của người Horites, có thể là những người cư trú trong hang động, tổ tiên của người Edomites.
Carthage
Carthage là tên gọi để chỉ một thành phố cổ thuộc Tunisia ngày nay. Thành phố này có một thời phát triển rực rỡ, không những phát triển trong phạm vi thành phố mà còn ảnh hưởng rộng khắp, được gọi chung là văn minh Punic hay văn minh Carthage.
Thành phố Carthage nằm về phía đông của hồ Tunis ngang qua phần trung tâm của Tunis. Theo truyền thuyết La Mã, nó được những người đi khai khẩn đất hoang gốc Phoenicia, dưới sự lãnh đạo của Elissa (nữ hoàng Dido) thành lập năm 814 TCN. Carthage nhanh chóng trở thành một thành phố lớn giàu có và quyền lực ở Địa Trung Hải.
Carthage được xây dựng trên một mũi đất cùng với một con lạch nhỏ hướng ra biển ở phía bắc và nam. Địa điểm của thành phố làm cho nó trở thành trung tâm của buôn bán đường biển của Địa Trung Hải. Tất cả các tàu thuyền qua biển đã phải vượt qua giữa Sicily và bờ biển của Tunisia, nơi Carthage được xây dựng, tạo điều kiện cho nó trở thành thế lực hùng mạnh và quyền lực.
Sau chiến tranh Punic lần thứ ba, thành phố đã bị tiêu huỷ do người Roman vào năm 146 TCN. Tuy nhiên, người Roma đã tái thành lập lại thành phố và nó đã trở thành một trong 3 trung tâm quan trọng nhất của đế chế và là thủ đô trong một thời gian ngắn của vương quốc Vandal. Nó vẫn là một trong những thành phố Roman quan trọng nhất cho đến khi có cuộc chinh phục của Hồi giáo và sau đó thì bị hủy diệt năm 698.
Tikal
Tikal là một thành phố đổ nát của người Maya ở Guatemala. Thành phố Tikal nổi tiếng với các ngôi đền đẹp và cổ kính. Năm 1979, UNESCO đã công nhận thành phố đổ nát Tikal là di sản thế giới. Đồng thời đây cũng là một trong 7 kỳ quan thế giới mới.
Là thủ đô của nền văn minh Maya đã từng có tới 4.000 tòa nhà và 90.000 cư dân sinh sống. Tuy nhiên Tikal đã bí ẩn bị bỏ rơi trong khoảng năm 900 SCN. Và sau đó nó đã bị che phủ bởi những cánh rừng tươi tốt trong suốt hơn 1.000 năm. Đến thế kỷ 19, nhà thám hiểm châu Âu cuối cùng đã phát hiện ra nó.
Kuelap
Ẩn mình giữa những cánh rừng quanh năm mây mờ tuyết phủ của miền bắc Peru, pháo đài Kuelap chỉ vừa mới mở cửa đón khách tham quan, nơi hàng trăm nhà khảo cổ vẫn đang hì hục đào xới và khách du lịch nườm nượp kéo về.
Thành phố với những bức tường thành vững chãi còn xuất hiện trước cả người Inca và ngành du lịch Peru hy vọng sẽ biến nơi đây thành Machu Picchu thứ hai. Chính người Chachapoyas đã dựng nên pháo đài nằm giữa rừng xanh, nơi có đầy đủ nhà cửa, đền thần, lăng tẩm.
Cửa vào của Kuelap nằm trên độ cao 3.000m so với mực nước biển, ở khu Chachapollas. Khu Kuelap, được xây dựng từ nền văn hóa tiền Inca Chachapollas (vào khoảng năm 800 TCN) là nơi được bao quanh bằng những bức tường bằng đá khổng lồ, có lúc cao tới 19m, và có tới hơn 400 công trình kiến trúc.
Angkor
Khu đền Angkor, tiếng Việt gọi chung là Đế Thiên Đế Thích. Đây là di tích quan trọng bậc nhất tại Campuchia, được xem là tuyệt đỉnh của nghệ thuật và kiến trúc Khmer.
Nằm cách thủ đô Phnôm Pênh 240km về Hướng Bắc, được xây dựng dưới thời vua Surja-warman II (1113-1150), khu đền gồm 4 tầng nền, càng lên cao càng thu nhỏ lại, mô phỏng hình ảnh "núi vũ trụ Mêru" của người Ấn Độ. Vị thần linh được thờ ở đây là thần Visnu. Khu đền chính bao gồm 398 gian phòng với nghệ thuật chạm khắc đá trên trần phòng, hành lang, các lan can... thể hiện sức mạnh phi thường và bàn tay điêu luyện của người Khmer cổ đại.
Xung quanh ngôi đền, có hào rãnh bao bọc, bên ngoài bức tường có nhiều hồ chứa nước. Sự thiết kế của ngôi đền này rất cân đối và xinh đẹp, có qui mô to lớn, khu vực nằm trong vòng tường, rộng tới 83.610m². Trung tâm của thánh điện là một tòa tháp cao 61m. Muốn đi tới đó phải qua mấy cửa, một bậc thềm cao và một sân rộng.
Đền Angkor là một thành tựu kiến trúc huy hoàng, nó thể hiện một trình độ sâu sắc về thể tích, không gian. Thời bấy giờ, kỹ thuật phong cách kiến trúc còn hết sức giới hạn - việc sử dụng đá lại có tính chất như sử dụng gỗ; những kết cấu có hình bán nguyệt và nóc vòm, là những kỹ thuật mà ta chưa biết - những hiệu quả toàn diện của nó làm cho mọi người phải ngạc nhiên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét