Món ăn Hàn Quốc thường hăng, cay, với nhiều loại gia vị. Người Hàn Quốc hay ăn thịt và có phong phú các món ăn hấp dẫn từ nguyên liệu này. Cơm là lương thực chính trong bữa ăn hàng ngày của người dân xứ Hàn. Tất cả đều là sự chắt lọc sau quá trình phát triển thăng trầm của văn hóa Hàn Quốc từ lâu đời.
Ngay từ những năm 1500 trước Công nguyên, nền nông nghiệp của Hàn Quốc đã sớm hình thành. Nhưng cây lương thực đầu tiên phát triển ở đất nước này, không phải lúa, mà lại là kê và lúa mạch, do những cư dân vùng lưu vực sông Liêu Hà, Mãn Châu ở Đông Bắc Trung Quốc mang tới trong những chuyến di cư của mình. Kê, lúa mạch và các loại rau chính là lương thực chủ yếu của đa phần người dân Hàn.
Cùng với sự du nhập của nền văn hóa Trung Hoa lớn mạnh vào xứ Hàn, lúa cũng bắt đầu xuất hiện và được trồng ở đây vào khoảng thế kỉ thứ II sau Công nguyên. Tuy vậy, lúc này, gạo vẫn là một thứ lương thực quý, có giá trị cao. Thậm chí, dưới triều đại Silla thống nhất (668 – 935), gạo còn được dùng để đóng thuế. Cơm trắng, vì thế cũng trở thành một món cao sang, chỉ thường xuyên hiện diện trong bữa ăn của các gia đình quyền thế và giàu có. Ở các gia đình thường dân, cơm xuất hiện dưới dạng các món trộn như Boribap (gạo và lúa mạch), Kongbap (gạo và đậu). Các món ăn theo kiểu trộn hay thập cẩm rất phổ biến ở Hàn quốc cho tới nay cũng bắt đầu hình thành do đây. Mãi tới nửa sau thế kỉ XX, cơm mới trở thành món ăn chính trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của họ.
Các món cơm trộn.
Văn hóa Trung Hoa còn ảnh hưởng mạnh mẽ tới tư duy ẩm thực xứ sở kim chi, mà triết lí ngũ vị (chua, cay,mặn, ngọt, chát) và sự hòa hợp màu màu sắc (xanh, đỏ, đen, trắng, vàng) trong bữa ăn theo nguyên tắc âm dương chính là minh chứng rõ nhất.
Từ thời xa xưa, thịt vốn rất được những cư dân Hàn xưa yêu thích. Nhưng chính sự truyền bá rộng rãi của đạo Phật vào đời sống xã hội Hàn Quốc vào thế kỉ thứ IV cũng tạo ra những sự thay đổi nhất định trong đời sống ẩm thực Hàn thời kì này, mở ra thời kì ăn chay trong suốt chín thế kỉ. Khi đạo Phật trở thành quốc đạo của Hàn Quốc cũng là lúc việc giết mổ động vật gần như bị cấm hoàn toàn và việc có thịt xuất hiện trong bữa ăn là điều cực kì hiếm hoi. Chế độ gần như ăn chay này chỉ bị thay đổi bởi văn hóa ăn thịt của đế quốc Mông Cổ xâm lược. Tới lúc này, người dân Hàn bỗng nhận ra rằng chính loại thực phẩm mà họ lãng quên bao lâu nay mới có đủ sức cung cấp năng lượng và khiến họ tỉnh táo hơn. Họ dần dần mang thịt trở lại với bữa ăn của mình.
Không chỉ thay đổi chế độ ăn cơ bản, Mông Cổ còn đem tới cho Hàn Quốc rất nhiều món ăn đậm đà mà điển hình là mỳ hay bánh bao mandu (bánh bao hấp nhân thịt nướng), nay đã trở thành những đặc trưng của Hàn Quốc. Thói quen sử dụng gia vị: hạt tiêu, hành, tỏi…. và cách gia giảm hợp lí trong từng món ăn, đem lại hương vị mới lạ và đậm đà hơn cho các món ăn.
Thời kì này cũng đánh dấu sự hình thành và bắt đầu lớn mạnh của văn hóa ẩm thực Hàn quốc. Sự trở lại của loại thực phẩm này đem lại nguồn nguyên liệu tiềm năng cho nhiều món ăn bằng các cách chế biến phong phú. Người dân Hàn đã tìm cách tận dụng tất cả các phần của lợn và bò, từ đầu tới đuôi, móng… với phương pháp hấp, nướng, phơi khô, ngâm giấm…
Kim chi.
Tới triều đại Choson hùng mạnh (1392 – 1910), khi Nho giáo thay thế Phật giáo làm quốc giáo chính, thì quy định ăn thịt hoàn toàn bị hủy bỏ. Không những vậy, nền nông nghiệp Hàn Quốc dưới sự trị vì của các vị hoàng đế này cũng đạt được những bước tiến vượt bậc, nhờ cải tiến trong cách thức canh tác và học hỏi các nước bạn.
Cuộc xâm lấn về nông nghiệp và công nghiệp của những người châu Âu lên vùng đất châu Á huyền bí đem tới rất nhiều nguyên liệu mới mẻ, làm phong phú hơn bữa ăn của người Hàn như cà chua, khoai tây, đậu quả và điển hình là ớt, với vị hăng cay – gia vị phổ biến trong những đa phần các món ăn Hàn Quốc, kể cả kim chi đặc trưng. Sự kết hợp của các phương pháp chế biến truyền thống và công nghệ tiên tiến đã góp phần làm phong phú thêm bức tranh ẩm thực Hàn Quốc.
(Nguồn Món ngon Hà Nội)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét