Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

(THVL) Đập nước ở Nhật Bản

Người Nhật có tình yêu đặc biệt đối với đập nước. Ở đó, họ thấy được sức mạnh của con người trong nỗ lực chế ngự thiên nhiên cũng như ý thức được vai trò của đập nước trong cuộc sống của họ từ nhiều thế kỉ qua.
Trong nhiều thế kỉ qua, người Nhật đã tận dụng điều kiện tự nhiên đó để xây dựng các công trình nhân tạo mang lại những lợi ích cho cuộc sống. Kết quả là hàng loạt đập nước nối tiếp nhau ra đời. Đập nước hình thành từ những bệ bê-tông vững chắc chắn ngang thung lũng hẹp. Chúng giống như một bức tường kiên cố chế ngự dòng chảy của nước, đồng thời có tác dụng trữ nước để phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu, làm thủy điện và nhiều mục đích khác của con người.

Đập Taki-zawa

Đập Taki-zawa là một loại đập trọng lực – đập nước dùng trọng lượng bản thân khối đập để chặn dòng nước. Đập được tạo sự vững chắc bằng rất nhiều mối bê-tông lớn để làm giảm áp lực nước tác động lên đập và ngăn cản nước thẩm thấu qua đập. Nhật Bản là quốc gia thường xuyên xảy ra những trận động đất mạnh nên đập trọng lực là lựa chọn tối ưu trên lĩnh vực này.
Đập Kawa-mata ở thành phố Nikko thuộc tỉnh Tochigi cũng là điểm tham quan được nhiều người lui tới. Kể từ khi được khánh thành cách đây gần 19 năm, con đập đã đón tiếp một lượng khách tham quan khổng lồ, đặc biệt là vào những ngày mở cửa đập. Đập nước Kawa-mata được đánh giá là một trong 80 điểm du lịch hấp dẫn của thành phố Nikko. Dòng nước ồ ạt tuôn chảy từ cửa đập tạo cho du khách cảm giác như họ đang chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của một ngọn thác. Không chỉ giữ vai trò quan trọng trong sứ mệnh tạo nguồn điện năng phục vụ cho cư dân trong vùng, đập nước Kawa-mata còn là niềm tự hào của thành phố Nikko.

Đập Kawa-mata

Nukui là đập nước cánh cung lớn thứ 2 tại Nhật Bản nằm ở quận Aki-ota thuộc tỉnh Hiroshima. Kiểu đập này thường được xây dựng ở những nơi có lòng sông hẹp và địa hình có vách núi vững chắc vì nơi chịu lực chính của đập là khu vực hai bên bờ. Cấu trúc cánh cung giúp làm giảm lực nước tác động lên đập, vì vậy, thân đập cánh cung thường mỏng hơn các kiểu đập khác giúp tiết kiệm được bê-tông.

Nukui là đập nước cánh cung

Nhật Bản còn có một kiểu đập với dòng chảy tựa như những đợt sóng. Đó là đập nước Toku-yama ở tỉnh Gifu. Toku-yama là kiểu đập đá, nguyên liệu xây dựng chủ yếu là đất và đá lấy từ núi. Đập Toku-yama là một trong những đập đá lớn nhất Nhật Bản. Sự ổn định của loại đập này dựa trên khối lượng đất đá lớn chịu được áp lực của nước. Vật liệu được sử dụng làm lõi đập phải giúp giảm tối thiểu lượng nước thấm qua đập.
Cách đây khoảng 2300 năm, nền nông nghiệp Nhật Bản chủ yếu dựa vào canh tác lúa nước. Vì vậy, nước là nhân tố không thể thiếu để cây lúa phát triển. Khi kết thúc mùa gặt, đến thời điểm gieo mạ, công việc quan trọng đầu tiên người nông dân phải làm là dẫn nước vào đồng.
Hồ Tame-ike là một công trình thủy lợi được xây dựng từ thời Asuka vào thế kỉ thứ VI. Người Nhật cổ đại đã xây dựng Tame-ike để chứa lượng nước lấy từ một dòng sông nhỏ lân cận. Công trình này được xem là đập nước đầu tiên của Nhật Bản. Tame-ike là hồ nước dùng để tưới tiêu phục vụ cho nông nghiệp. Khi nghề trồng lúa nước mở rộng, rất nhiều hồ chứa như Tame-ike được hình thành trên khắp Nhật Bản.
Đến thời Chiến quốc Sengoku, thế kỉ XVI, các công trình đập nước ở Nhật Bản chứng kiến một sự thay đổi so với ý nghĩa ban đầu của nó. Người khởi xướng sự thay đổi là Tướng quân Hashiba Hide-yoshi, ông còn được biết đến với tên gọi Toyo-tomi Hide-yoshi. Mục đích xây dựng đập nước của Tướng quân Hashiba không nhằm phục vụ cho nông nghiệp mà thiên về động cơ chính trị quân sự.
Năm 1582, Tướng quân Hide-yoshi tấn công và vây hãm lâu đài Taka-matsu. Ông cho xây 2 con đập chắn ngang 2 con sông ở gần lâu đài để thay đổi dòng chảy của chúng. Lâu đài Taka-matsu nằm trên khu vực đất trũng, thời gian vây hãm thành lại rơi vào mùa mưa, 2 con sông thoát nước đã bị chặn dòng nên chẳng bao lâu sau, toàn bộ lâu đài Taka-matsu bị ngập lụt. Sau đó, quân của Hide-yoshi chiếm thành mà không gặp sự phản kháng quyết liệt nào.
Đến thời Minh trị, thế kỉ XIX, đất nước Nhật Bản phát triển mạnh mẽ với trào lưu cách tân học tập theo văn minh phương Tây. Đây cũng là thời điểm dân số Nhật gia tăng nhanh chóng. Tại các thành phố lớn, dân cư tập trung đông đúc; điều này đã nảy sinh vấn đề thiếu hụt nguồn nước uống và sinh hoạt. Để có đủ nước dùng hàng ngày, người dân không ngại đào giếng ở bất cứ nơi đâu. Hậu quả là nhiều người đã mắc bệnh và tử vong do nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.
Đập nước Hongochi Koubu

Trước thực trạng này, một chính trị gia lúc bấy giờ là Yoshio Kusaka đã đưa ra ý tưởng xây dựng những con đập để chủ động nguồn nước sinh hoạt lẫn tưới tiêu. Ông Kusaka là một trong những người Nhật tiếp nhận nền học vấn tiên tiến của phương Tây.
Năm 1891, đập nước Hongochi Koubu ở Nagasaki chính thức được xây dựng với tư cách là con đập cung cấp nguồn nước uống đầu tiên tại Nhật Bản.
Sau công trình đập nước ở Nagasaki, đập Nuno-biki Gohon-matsu ở Kobe cũng được hoàn tất. Con đập này là loại đập bê tông đầu tiên ra đời tại đất nước Mặt trời mọc.
Không chỉ là nơi dự trữ và cung cấp nguồn nước ngọt dồi dào cho vùng Chuo của Kobe, đập Nuno-biki Gohon-matsu còn được xếp vào danh sách di sản quan trọng của quốc gia bởi tính lịch sử của nó. Đập nước này được hoàn thành vào năm 1900.
Đập Nuno-biki Gohon-matsu

Ngay sau thời Minh Trị là giai đoạn Nhật Bản phát triển quân sự. Nhu cầu điện năng trong nước tăng trưởng mạnh mẽ nhằm đáp ứng công cuộc sản xuất phục vụ cho quân đội. Nhận thấy tiềm năng thủy điện rất lớn, chính quyền Nhật Bản bắt đầu xúc tiến các kế hoạch xây dựng đập thủy điện. Đây được xem là mục tiêu trọng yếu của quốc gia.
Năm 1924, đập O-i được chính thức được khánh thành, nó là đập thủy điện đầu tiên của nước Nhật. Đập có khả năng sản xuất lượng điện năng khoảng 40.000 KW, góp phần rất lớn trong việc giải quyết tình trạng khát năng lượng lúc bấy giờ.
Đập O-i

Vào những năm 1940, các nhà máy thủy điện của Nhật Bản cung ứng một lượng điện khổng lồ lên đến 7 triệu KW. Thủy điện trở thành thế mạnh của quốc gia Châu Á này.
Dù được xây dựng với mục đích làm thủy lợi, thủy điện hay điều tiết nguồn nước, trong nhiều thế kỉ qua, đập nước vẫn chiếm một vị trí rất quan trọng tại quốc gia Châu Á này.
Thanh Tâm

Không có nhận xét nào: