Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

(THVL) Bút lông Nhật Bản

Tại Nhật Bản, vào đầu năm mới, người ta thường tổ chức hàng loạt sự kiện, trong đó có lễ hội khai bút đầu năm dành cho các em học sinh tiểu học. Lễ hội là dịp để mọi người bày tỏ ước vọng và cầu may mắn. Người Nhật sử dụng bút lông để viết chữ. Văn hóa này đã ăn sâu vào đời sống của họ trong nhiều thế kỉ qua.
Trong tiếng Nhật, nghệ thuật viết chữ đẹp được gọi là “Sho-do”, nghĩa là Thư đạo. Nó khởi nguồn tại Trung Quốc từ thời cổ đại. Khác với nghệ thuật viết chữ của Trung Quốc và Hàn Quốc, Thư đạo Nhật Bản trọng ý hơn trọng hình.
Người Nhật viết Thư đạo bằng cả hai loại chữ: chữ Hán vay mượn từ Trung Quốc và chữ Kana – hệ thống văn tự do họ sáng tạo. Bút lông là một trong những vật dụng không thể thiếu dùng để viết chữ trong Thư đạo. Kế đến là mực tàu. Đó là loại mực màu đen được mài chung với nước trên nghiên mực bằng đá. Sau khi mực đã mài xong, người ta dùng bút lông nhúng vào mực để viết chữ trên tấm giấy mỏng. Tính biểu cảm của từng nét chữ phụ thuộc vào sự biến đổi tốc độ và sức mạnh mà người viết di chuyển bút lông.
Bút lông là vật dụng rất đơn giản với thành phần cấu tạo gồm ngòi bút và cán bút. Ngòi bút có nhiều hình dáng, thường được làm từ lông động vật hoặc những loại sợi mềm nhưng được sử dụng nhiều nhất là lông động vật. Trong đó, lông hươu và lông cáo từ xưa đã được những người thợ làm bút lông ở Nhật ưa chuộng. Ngoài lông động vật, nguyên liệu làm ngòi bút cũng có nguồn gốc từ thực vật như rơm, tre nứa hoặc bả mía. Dựa vào sự khác nhau của nguyên liệu làm ngòi bút và cán bút, người Nhật chia bút lông ra làm 300 loại. Trong hội họa, người ta dùng bút lông cứng để vẽ đường nét, bút lông mềm dùng để tô màu.
Chữ viết trong Thư đạo không chỉ chứa đựng ý nghĩa tốt đẹp mà còn thể hiện tinh hoa trong từng nét bút. Nhiều thế hệ người Nhật đã cống hiến hết mình cho môn nghệ thuật truyền thống thanh nhã này.
Thị trấn Ku-ma-no thuộc tỉnh Hi-ro-shi-ma là nơi sản xuất bút lông nổi tiếng ở Nhật Bản. Có đến 80% bút lông cung cấp trên thị trường nội địa được làm ra tại đây.
Toàn bộ chiều dài của ngòi bút lông dùng trong Thư đạo được chia ra làm 4 phần, mỗi phần mang một tên gọi khác nhau, tượng trưng cho những bộ phận trên cơ thể người. Phần ngòi bút to, giáp với cán bút được gọi là lông eo, phần ngòi bút dài phía trên eo là lông bụng, phía trên đó là lông yết hầu và phần đầu nhọn của bút với những sợi lông dài nhất được gọi là lông sinh mệnh.
Để hoàn thành một cây bút lông, người thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn. Công việc đầu tiên cần phải làm là lựa chọn những sợi lông phù hợp, từ chuyên môn gọi là Sen-mo. Nguyên liệu thường được sử dụng là lông động vật.
Trong thành phần cấu tạo của ngòi bút, phần lông sinh mệnh được làm từ lông dê cao cấp. Lông dê rất mềm mại, thích hợp cho những loại bút lông mềm. Tuy nhiên, để phần lông sinh mệnh của ngòi bút đạt yêu cầu, phần lông thô phải được tuyển chọn. Phần lông dùng làm lông yết hầu và lông bụng của ngòi bút cũng được tuyển lựa cẩn thận. Vẻ đẹp và chất lượng của ngòi bút tùy thuộc vào độ dài tương đồng và sự mượt mà của lông nguyên liệu.
Bút lông là một trong số 4 vật dụng trong Văn phòng Tứ Bửu của người xưa, bên cạnh giấy, mực và nghiên. Theo nhận định của giới nghiên cứu, bút lông ra đời tại Trung Quốc cách nay trên 3.000 năm. Bút lông được sử dụng chủ yếu để viết chữ và vẽ tranh. Chữ Hán được du nhập vào Nhật Bản khoảng thế kỉ thứ VI cùng với quá trình truyền bá của đạo Phật. Người Nhật gọi chữ vay mượn từ Trung Quốc là “Kan-ji”, nghĩa là Hán tự. Đây cũng là giai đoạn văn hóa viết chữ đẹp ra đời tại Nhật.
Thời Hei-an được xem là thời điểm của cuộc cách mạng viết chữ bằng bút lông. Lúc bấy giờ, người Nhật đã đơn giản hóa chữ Hán của người Trung Quốc để tạo ra chữ viết riêng của họ gọi là Kana. So với Hán tự vay mượn từ Trung Quốc thì chữ Kana của Nhật Bản được viết bằng những nét đơn giản hơn rất nhiều. Khi viết chữ Kana, người viết có thể kéo thành những nét dài nên trông chúng rất mềm mại và bay bổng.
Chữ Kana đã chi phối toàn bộ thế giới văn học của Nhật Bản lúc bấy giờ. Giới quí tộc cung đình sử dụng chữ viết Kana để sáng tác thơ Waka và nhiều thể loại thơ ca khác. Đặc biệt, Kana còn là chữ viết rất được các tác giả văn học nữ thuộc tầng lớp quí tộc Nhật Bản ưa chuộng. Điển hình là nữ tác giả Mu-ra-sa-ki Shi-ki-bu. Nữ sĩ cung đình này là tác giả của “Truyện kể Gen-ji”, một trường thiên tiểu thuyết cổ của Nhật Bản ra đời vào đầu thế kỉ XI. Tác phẩm gồm 54 chương, được viết hoàn toàn bằng chữ Kana. Truyện kể Gen-ji được đánh giá là tuyệt tác hiếm có của văn học nhân loại giai đoạn tiền Phục hưng.
Đến thời Edo, bút lông không còn là dụng cụ dành riêng cho giới quí tộc cung đình mà nó đã được sử dụng rộng rãi trong dân chúng.
Hiện nay, tại các trường phổ thông ở Nhật Bản, người ta đều dành thời gian cho môn học Thư đạo.
Thanh Tâm
 

Không có nhận xét nào: