Lễ là yếu tố trung tâm của văn hóa truyền thống Trung Hoa, từ xa xưa, hôn nhân được xem là gốc của nghi lễ và được người Trung Quốc chú trọng.
Vào thời cổ, hôn nhân không phải là sự kết hợp của hai người mà là sự liên kết hôn nhân của hai gia đình, hai gia tộc. Hôn nhân xuất phát từ yêu cầu liên kết kinh tế, chính trị của hai gia đình nên trong hôn lễ truyền thống, hai bên liên hôn cần hoàn thành một nghi thức hôn lễ vô cùng phức tạp. Nghi thức hôn lễ gồm có lục lễ hay còn gọi là 6 lễ: nghị hôn, vấn danh, nạp cát, nạp trưng, thỉnh kỳ và thân nghinh.
Song hỷ ngụ ý hạnh phúc, vui sướng tăng gấp bội |
Trước hết, nhà trai nhờ người đến nhà gái ướm ý rằng muốn kén chọn con gái nhà ấy làm dâu. Nhà trai nhờ mai mối đến hỏi tên họ và ngày sinh của cô gái để xem hôn sự là xung khắc hay hạp tuổi. Sau đó, nhà trai báo cho nhà gái đã xem tuổi, xem quẻ, mọi chuyện tốt đẹp và muốn tiến hành hôn lễ. Nhà trai đem sính lễ tới nhà gái để ra mắt, và định ngày rước dâu.
Chỉ cần trải qua 5 lễ trên thì đến ngày đón dâu, nhà trai có thể mang kiệu đến nhà gái rước tân nương về và cử hành nghi thức kết hôn. Nhưng hôn lễ ngày này đã đơn giản hóa rất nhiều hoặc giản lược một số trình tự phức tạp.
Vào thời cổ đại, bước đầu tiên của việc trang điểm tân nương là nghiên cứu khuôn mặt. Thông thường, phần lớn trang điểm tân nương điều giống nhau, nhất định phải có đội mũ phượng và khoát áo choàng. Nhưng đôi khi, do khác biệt về thân phận, dân tộc nên cách trang điểm tân nương có khác nhau.
Tân nương Trung Quốc với chiếc mũ phượng dành cho ngày thành hôn |
Lúc xuất giá, người mẹ sẽ đưa cho con gái một trái táo như lời cầu xin và chúc phúc con gái hạnh phúc, bình an suốt đời.
Thời cổ, phụ nữ bị cướp đi từ trong nhà. Để thể hiện lòng yêu thương con gái, thông thường nhà gái sẽ bày ra nhiều mưu kế thử thách, trêu chọc chú rể và đây cũng là một trong những hình thức của phong tục cướp vợ thời cổ. Trong lúc thử thách lòng kiên nhẫn và trí tuệ của tân lang, chỉ khi người nhà tân nương hài lòng thì tân lang mới gặp được người anh thương. Đây chỉ là nghi thức hôn lễ mang tính tượng trưng. Người nhà tân nương hy vọng qua quá trình đón dâu gian nan này, tân lang sẽ càng trân trọng, giữ gìn người vợ của mình.
Đối với người Trung Quốc, màu đỏ tượng trưng cho may mắn, điềm lành, có thể xua đuổi tà ma, phù hộ bình an. Trong một hôn lễ lớn được tổ chức long trọng, màu đỏ chiếm giữ vị trí vô cùng quang trọng, từ kiệu hoa, lễ phục cho đến cây nến đều là màu đỏ. Những vật không phải là màu đỏ cũng được bao bọc một lớp vải màu đỏ hay được trang trí bằng những sợi dây màu đỏ. Vì thế, màu đỏ trở thành màu sắc chuyên dùng trong hôn lễ Trung Quốc.
Chữ song hỷ chỉ xuất hiện trong hôn lễ. Người xưa viết hai chữ hỷ liền kề nhau, tạo thành chữ song hỷ độc đáo thể hiện ý nghĩa hạnh phúc, vui sướng tăng gấp bội.
Tân nương bước qua một chậu lửa và túi gạo |
Trước khi tiến hành hôn lễ, tân lang phải thực hiện nghi thức bắn cung. Cung tên này tượng trưng cho cung tên thần của Bàn Cổ. Tân lang quay mặt về hướng Đông và hướng Tây, giương cung tên ba lần bày tỏ lòng biết ơn chân thành với Nguyệt lão. Tân nương sẽ bước qua một chậu lửa và túi gạo, thể hiện những ngày sau sẽ luôn thịnh vượng cơm no, áo ấm.
Bái đường là phần trung tâm của hôn lễ gồm 3 bước. Thiên địa là đối tượng quỳ lại không thể thiếu trong hôn lễ truyền thống Trung Quốc với hy vọng tình yêu hôn nhân có thể vĩnh hằng như trời đất và mong muốn trời đất làm chứng tính nghiêm túc trang trọng của hôn nhân.
Nghi thức bái đường |
Lạy xong trời đất, tân lang và tân nương sẽ quỳ lại cha mẹ hai bên. Trước sự chứng kiến và chấp thuận của cha mẹ, họ hàng hai bên, hôn lễ mới được công nhận. Và cuối cùng, đôi tân nhân sẽ chào bái lẫn nhau.
Ở Trung Quốc, hôn nhân là cách duy trì nòi giống, nối tiếp huyết thống cho gia tộc, vì thế phong tục cầu tự xuất hiện xuyên suốt trong nghi thức hôn lễ.
Rải giường là một trong những nghi thức có liên quan đến việc cầu tự. Rải giường do người chủ hôn nhà trai hoặc do bé trai và bé gái thực hiện. Trên tay họ cầm chậu vàng, bạc, sau đó rải đồng tiền vàng, bạc, hạt dưa, hạt bí, hạt đậu phộng xung quanh giường hỉ. Đồng tiền đại diện cho sự giàu có. Hạt dưa, hạt bí hy vọng con đàn cháu đống. Đậu phộng ngụ ý sinh con trai trước sau đó sinh con gái. Ngoài ra, ngườiTrung Quốc cũng có thể rải những loại quả khác như táo, đậu phộng, vải khô, hạt dẻ vì chúng đều ngụ ý sớm sinh quý tử.
Sau khi rải giường, sẽ đến nghi thức uống rượu hợp cẩn. Cẩn là đồ đựng rượu được làm từ hai nửa của một hồ lô. Tân lang và tân nương uống rượu bằng hai nửa của hồ lô. Tân lang và tân nương chéo tay uống ly rượu hợp cẩn với ý nghĩa từ nay hai người tuy hai mà một, mãi không chia lìa.
Trong hôn lễ đời Hán, tân lang và tân nương cùng nhau hoàn thành một số nghi thức khác như cộng lao, kết tóc, giải phối, kính trà. Tân lang và tân nương ngồi đối diện với nhau qua chiếc bàn con, trên bàn có thức ăn và rượu. Thức ăn mặn giống nhau được gọi là lao và hai người cùng nhau thưởng thức.
Sau khi uống rượu hợp cẩn và ăn chung mâm, tân lang và tân nương sẽ trao đổi lọn tóc lẫn nhau gọi là kết tóc. Mỗi người sẽ cắt lấy một lọn tóc, buộc chặt lại xem như là tín vật định tình.
Đối với người Trung Quốc, kết hôn có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ thể hiện sự độc lập, trưởng thành của hai người mà còn gắn kết mật thiết hai gia đình lại với nhau, tạo nên mối thân tình nồng ấm.
Hồng Mẫn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét