Ở vùng đất Irian Jaya, bộ tộc Yali chọn nơi sinh sống cheo leo nhất, những dãy núi có độ cao trên 2.500 - 4.000m so với mặt nước biển. Bởi vậy, để diện kiến được những người con của bộ tộc Yali thực sự là một thử thách lớn trong hành trình đến “nơi tận cùng thế giới”.
Yali là bộ tộc từng ăn thịt tù binh |
Từ thị trấn Wamena, trung tâm của đảo Irian Jaya, trải qua bốn ngày đường vượt núi, trèo đèo đến Wuserem, Pukam, Wet và Lilibal với trung bình từ 8 đến 11 giờ đi bộ mỗi ngày mới đến nơi ở của những người Yali hoang dã đang sống trong rặng núi Punkat Trikora có độ cao 4.730m, dãy núi cao thứ hai của Indonesia.
Bộ tộc Yali rất đặc biệt so với các bộ tộc khác, họ có hình dáng bên ngoài thấp bé, với chiều cao trung bình 1,5m nhưng lại được các bộ tộc khác trên đảo Irian Jaya kính nể. Có truyền thuyết rằng, xa xưa có một dân tộc là Papuan Yalis đã tiêu diệt hết kẻ thù của mình, không chỉ dừng lại ở việc ăn thịt người mà họ còn xay xương kẻ thù rải khắp thung lũng. Từ đó, mọi bộ tộc ở Irian Jaya đều tỏ ra nể sợ người Yalis, đó chính là người Yali ngày nay.
Những bộ trang phục kỳ lạ
Ngày thứ tư của cuộc hành trình vượt núi rất gian nan đi tìm người Yali, sau khi vượt qua được một rặng núi cao, những cánh rừng dương xỉ dày đặc, một ngôi làng nhỏ hiện ra trước mắt, người thổ dân dẫn đường hô to: Yali, Yali… Mọi cảm giác cực nhọc, đói khát gần như tan biến hết, chúng tôi đã đặt chân đến được Lilibal, làng của bộ tộc Yali!
Nhưng rắc rối bắt đầu từ đây. Vị tù trưởng và nhiều chiến binh Yali của làng Lilibal chạy ra tận bìa rừng để quan sát những người lạ mặt xâm nhập vùng đất của họ. Một trục trặc nhỏ lại đến khi tất cả những người thổ dân dẫn đường cho chúng tôi đều nói ngôn ngữ khác, họ không thể hiểu người Yali nói gì, nên buổi sơ giao chỉ là ánh mắt và những cái bắt tay lạnh lùng.
Vị tộc trưởng nhỏ thó ngoắc tay ra hiệu cả đoàn theo ông về làng để tìm “thông dịch viên”, bởi con trai ông biết một trong những thổ ngữ mà những thổ dân dẫn đường cho chúng tôi sử dụng. Phải mất cả tiếng đồng hồ cho người đi gọi người con trai tù trưởng về để làm “thông dịch”, bởi họ đang ở trong rừng sâu.
Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một người đàn ông nhỏ bé, trong trang phục hết sức độc đáo, cổ đeo miếng ốc lớn đã được mài gọn gàng mà sau này chúng tôi mới biết đó là vật hết sức giá trị, phải đổi bằng cả một con heo rừng mới có được. Tai phải người Yali xiên một khúc cây rừng to bằng ngón tay cái, phần thân người được phủ những vòng mây từ trên xuống dưới, và che dương vật bằng một trái bầu vươn thẳng ra trước rất dài.
Tù trưởng làng Lilibal tên Roni, ông không thể nhớ mình bao nhiêu tuổi, bởi người Yali không có khái niệm về đo đếm thời gian. Khi chúng tôi thắc mắc về bộ trang phục có hình xoắn ốc của người Yali, Yemina, người con trai tù trưởng giải thích: “Đàn ông Yali kết mây rừng thành những vòng và đeo từ ngực xuống đầu gối theo thứ tự từ nhỏ đến lớn. Tổ tiên của người Yali ngày xưa đã ăn mặc như thế và truyền lại cho đời sau cứ theo đó mà mặc. Ngoài tác dụng che thân, những vòng mây xoắn tít chính là chiếc áo giáp để tự vệ mỗi khi chúng tôi tham gia vào các trận chiến chống kẻ thù, nó có thể ngăn được những mũi giáo và cung tên…”.
Khác với đàn ông, phụ nữ Yali làm váy cỏ để che phần hạ thể, để ngực trần. Thân hình của họ cũng rất nhỏ bé. Váy cỏ được kết từ một loại cỏ núi dày ở khu vực núi cao, dẻo dai và to bản. Mỗi lớp váy cỏ được tạo thành bởi hàng chục lớp cỏ xếp chồng lên nhau. Một lớp váy tương đương với khoảng bốn năm tuổi, khi cô gái Yali mặc váy có bốn lớp thì có nghĩa cô đã sẵn sàng cho việc lập gia đình.
Thường chàng trai nào muốn cưới một cô gái, anh sẽ mang cây thuốc lá còn tươi đến cho gia đình cô gái. Khi ấy họ sẽ hiểu rằng, chàng trai cần một người để hong khô lá thuốc lá và nếu chấp nhận, họ sẽ giữ lại cây thuốc lá, chờ khi cô gái lớn lên sẽ gả cho chàng trai kia.
Câu chuyện tù trưởng Roni
Người Yali tuy nhỏ bé nhất trong các bộ tộc ở thung lũng Baliem nhưng rất kiên cường trong chiến trận. Khi nói chuyện cùng ông Roni, chúng tôi hết sức bất ngờ và thú vị khi biết rằng, ông chính là một chiến binh lẫy lừng của khắp vùng rừng núi Trikora, người từng lãnh đạo bộ tộc của mình trong các cuộc chiến lớn và giành được rất nhiều chiến thắng vẻ vang trong suốt cuộc đời ông.
Tù trưởng Roni từng ăn thịt và bàn chân của kẻ thù |
Người chiến binh núi rừng ấy rất tự hào chỉ cho chúng tôi thấy từng vết sẹo còn in hằn trên mặt và các phần thân thể như một minh chứng về sự dũng cảm, gan dạ.
Roni cho biết: “Người Yali không hề có khái niệm thua cuộc mỗi khi ra trận. Khi có chiến tranh xảy ra giữa các bộ tộc, chiến binh Yali chia ra thành ba lớp trong một đội quân. Lớp đầu tiên là những người nhỏ nhất và gan dạ nhất. Những người to nhất và sẵn sàng hy sinh chiến đấu đến cùng ở lớp thứ ba”. Chính lối đánh lăn xả và gan dạ với thế trận nhiều lớp chiến binh như thế đã phần nào lý giải được sự kính nể của các bộ tộc khác với người Yali.
Chúng tôi khá rợn người khi được biết, các chiến binh Yali chỉ mới bỏ hủ tục bắt được tù binh làm lễ tế và ăn thịt. Đó là vào khoảng những năm 1970, khi đó chính tù trưởng Roni đã ăn thịt bàn chân kẻ thù của mình. Sau đó, do áp lực của các bộ tộc khác và chính quyền nghiêm cấm nên người Yali đã bỏ hẳn tập tục đáng sợ này. Nhưng từ ấy, cả vùng phía Tây thung lũng Baliem, các bộ tộc khác đều khiếp sợ mỗi khi nghe đến cái tên tù trưởng Roni của làng Lilibal.
Tuổi đã xế chiều nhưng tù trưởng Roni vẫn sống trong trạng thái của một chiến binh, trong tay ông luôn thủ sẵn bộ cung tên đã gắn với mình bao năm qua. Một ngày của ông bây giờ là những chuyến lặn lội trong những khu rừng quanh làng, săn bắn và giữ gìn sự bình yên cho cả bộ tộc. Những cuộc chiến săn đầu người nay đã không còn, nhưng Roni vẫn là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong cuộc hành trình của chúng tôi đi qua nhiều bộ tộc khác trong vùng rừng núi Trikora thâm u đến nghẹt thở…
Theo SGTT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét