Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Varanasi, cổ thành ngàn năm

Varanasi – một ngôi thành cổ của người Hindu giáo – vẫn còn sống với tinh thần ngàn xưa vào cái buổi bình minh của con người. Chúng tôi đã có những ngày được sống trong những nghi lễ tôn giáo thần bí xa xưa nhất của dòng sông Hằng huyền thoại…

Ngọn lửa hoả táng người đã khuất ven sông Hằng ở thành cổ Varanasi


Người ta đã ví von Varanasi là một thành cổ còn cổ xưa hơn cả lịch sử, bởi đây là thành phố duy nhất trên thế giới tồn tại và phát triển liên tục trong quãng thời gian hơn 3.500 năm. Một thành phố linh thiêng bậc nhất trong tâm tưởng những người theo Hindu giáo khi họ quan niệm rằng, nếu cuộc đời của họ sống trên thế gian được tắm gội mỗi ngày trên dòng sông Hằng, khi chết đi, được chết ở thành phố Varanasi và bụi tro từ thân xác được rải xuống sông Hằng, họ sẽ được lên miền cực lạc.
Ngọn lửa 2.000 năm…
Chúng tôi tìm đường đến sông Hằng, đây cũng là góc đẹp nhất của thành cổ với những toà kiến trúc đồ sộ được xây dựng đa phần bằng đá sa thạch đỏ, nối với bến sông là những bậc cấp tạo thành một quần thể các bến nước liền kề nhau rất ấn tượng. Người bản địa gọi những toà kiến trúc này là ghat - theo tiếng Hindi có nghĩa là bậc cấp. Người ta ước tính mỗi ngày có hơn 60.000 khách lữ hành khắp thế giới đổ về chiêm ngưỡng, đắm mình tắm gội trong dòng sông Hằng linh thiêng, huyền thoại.
Trải dọc suốt 4km bên bờ sông Hằng có đến hơn 100 ghat lớn nhỏ lúc nào cũng nhộn nhịp khách hành hương. Dòng sông Hằng được người Hindu giáo ví là mái tóc của thần Shiva, chảy qua Varanasi trong êm đềm, lặng lẽ. Giữa bờ Tây và bờ Đông là hai sự khác biệt hoàn toàn, bờ Tây nhộn nhịp bao nhiêu thì bờ Đông lại ôm trong mình vẻ lặng lẽ, vắng vẻ bấy nhiêu, dòng sông như lằn ranh kết nối tạo cho cả vùng thành cổ vừa mang nét thâm trầm, lặng lẽ, hoà quyện với những ồn ào, náo nhiệt đem lại một diện mạo khác lạ của một đô thị cổ kính từ ngàn năm.
Ngoài vẻ nguy nga, đồ sộ, các ghat trên sông Hằng còn chứng kiến nhiều nghi thức tôn giáo diễn ra hàng ngày, hàng giờ, mà gây ấn tượng nhất với chúng tôi chính là nghi thức hoả táng ở hai ghat Harishchandra và Manikarnika. Người dẫn đường cho chúng tôi biết ngọn lửa thiêu xác của ghat Manikarnika chưa bao giờ tắt từ suốt hơn 2.000 năm qua, vì người Hindu giáo tin rằng đây chính là ghat linh thiêng nhất trong tất cả ghat ở sông Hằng. Do vậy, ai cũng mong muốn khi chết đi được đưa thân xác đến đây hoả táng, nhưng chi phí vận chuyển, tiền dịch vụ, mua củi hoả thiêu… là con số không hề nhỏ cho một gia đình bình thường ở Ấn Độ. Vì vậy, được hoả táng ở ghat Manikarnika chỉ có tầng lớp giàu có mới đủ chi phí trang trải. Và việc hoả táng phải chờ đợi khá lâu, vì mỗi ngày có quá nhiều ước nguyện được lên miền cực lạc đang chờ đợi tại nơi này.
Trước mắt chúng tôi là ghat Manikarnika nghi ngút khói lẫn trong mùi khét của thi hài đang được hoả táng. Dưới mé sông, những xác người được tẩm liệm kỹ, quấn chặt trong các dải lụa vàng, hai thanh tre nẹp song song với thi thể đặt nằm lấp xấp dưới mé nước, quanh đó những người thân đang tiến hành nghi thức cầu nguyện, hoa cúc vàng và nến được thả trôi trên sông Hằng như cầu cho vong linh người đã khuất được siêu thoát. Những tín đồ Hindu giáo vẫn bình thản tắm gội, tẩy trần, gần những xác người, phía xa xa những chiếc ghe đang chở theo các bao tro tàn từ thân xác mới hoả táng rải khắp mặt sông. Chính nơi đây thế tục và cực lạc như hoà quyện làm một…
Sông Hằng ngày và đêm
Cư dân thành cổ Varanasi thường bắt đầu một ngày mới khá sớm, chưa đầy 5 giờ sáng, tiếng chuông, mõ, lục lạc, tiếng bước chân đã rầm rập khắp mọi ngã đường. Những đạo sĩ đứng ngay trên các ghat, tay cầm các dụng cụ hành lễ quen thuộc như lửa, quạt, dầu, tù và, chuông… bắt đầu lễ cúng trang nghiêm đón chào thần mặt trời.

Những chú bò len lỏi khắp ngõ hẻm ở thành cổ Varanasi


Trong dòng người đông đúc đổ về Varanasi không phải ai cũng hướng về miền cực lạc cao xa, có rất đông người tìm đến bến sông mỗi ngày để mưu sinh bằng đủ thứ nghề, có cả những đạo sĩ giả hiệu, mặc trang phục kỳ quái, râu tóc lê thê, tay cầm gậy lang thang lừa lọc khách hành hương.
Kết thúc một ngày với cư dân thành cổ Varanasi là một nghi lễ tạm biệt thần mặt trời được cử hành rất trọng thể ngay ghat Dasaswamedh vào lúc 7 giờ tối mỗi ngày. Năm đàn thờ được lập nên cho năm vị đạo sĩ trẻ làm đại diện, nghi lễ được bắt đầu bằng một lời kinh ngân vang, sau đó, năm vị đạo sĩ dùng tù và hối thúc thành từng hồi dài. Hàng ngàn người đứng chen nhau ở bến sông thành kính cầu nguyện, nghi thức chào mặt trời được kết thúc bằng những hoa đăng đan từ lá đa thắp nến, gắn hoa thả kín một khúc sông Hằng.
Đó là một nghi lễ tôn giáo rực rỡ nhất mà chúng tôi được chứng kiến. Sau nghi thức ấy, cả cổ thành như chìm ngay vào giấc ngủ. Chúng tôi lang thang trên những con đường cổ xưa hàng ngàn năm tuổi, mà không hiểu mình đang đi giữa thế tục ô hợp hay trên cõi tiên bồng cổ tích…
Theo SGTT



Varanasi - nơi ánh sáng của các vị thần chiếu rọi


EmailIn
150410.hang1(Dân trí) - Người Ấn Độ gọi sông Hằng là sông Thánh, còn Thánh địa Varanasi là một thành phố lịch sử lớn nhất bên bờ con sông này - nơi có lẽ không ở đâu trên thế giới có một phong tục kỳ lạ như ở đây.


Thánh địa Varanasi bên bờ sông Hằng năm 1920 ...
… và mặt trời mặt trời lên trên Thánh địa Varanasi ngày nay
Những ngày này đang là thời điểm diễn ra lễ hội được coi là cuộc tụ họp tôn giáo lớn nhất thế giới tại sông Hằng. Con sông linh thiêng của Ấn Độ thu hút hàng triệu tín đồ Ấn Độ Giáo đến thực hiện nghi thức tắm trên sông.
Nghi thức tắm sông Hằng đánh dấu cao điểm của lễ hội Kumbh Mela của Ấn Độ Giáo kéo dài đến ba tháng. Ngày 15/4 là ngày cuối cùng trong 4 ngày được coi là lành nhất trong lễ hội. Ban tổ chức ước tính chỉ riêng hôm đó đã có hơn 8 triệu người thực hiện nghi thức tắm ở Sông Hằng trên một khúc sông dài 15 km.
Lễ hội Kumbh Mela được tổ chức ba năm một lần, mục đích là để tưởng niệm một trận chiến huyền thoại giữa các thần linh và ma quỷ để giành một bình chứa mật hoa trường sinh bất tử. Theo truyền thuyết, bốn giọt mật đã rơi xuống bốn thị trấn khác nhau của Ấn Độ và lễ hội sẽ được tổ chức luân phiên tại các thị trấn này. Lễ hội Kumbh Mela vẫn được mô tả là một cơ hội thể hiện lòng mộ đạo độc nhất vô nhị trên thế giới về tầm cỡ cũng như về màu sắc.
Hàng triệu người hòa mình vào dòng sông trong lễ hội Kumbh Mela...

… để gột rửa mọi tội lỗi và cầu nguyện
Người Ấn coi sông Hằng là hóa thân của nữ thần Ganga, vợ của thần Shiva. Ở Ấn Độ, phần lớn tín đồ đạo Hindu cả đời có 4 lạc thú đó là: Kinh thờ thần Shiva; Đến sông Hằng tắm nước thánh và uống nước ở đây; Kết bạn với thánh nhân; Cư trú ở Thánh địa Varanasi. Hàng năm, khi hành hương đến thánh địa Varanasi các tín đồ đều xuống sông này tắm rửa, gột bỏ mọi tội lỗi. Đây là một biện pháp an ủi tâm linh tốt nhất cho tín đồ và cũng là vinh dự của họ.
Những người đầu tiên thực hiện nghi thức này là hằng trăm tu sĩ khổ hạnh Hindu được gọi là “naga sadhus”. Đây là những nhà tu khổ hạnh ở trần, sống đơn độc và thiền trong các rừng núi, họ chỉ xuất hiện trong lễ hội Kumbh. Ngoài ra, có hàng chục người nước ngoài tham gia nghi thức tại sông Hằng. Người theo Ấn Độ Giáo tin rằng tắm tại sông Hằng sẽ rửa sạch tội lỗi của họ và giải phóng họ khỏi vòng luân hồi.
Chính vì vậy, mà hai bên bờ sông trong Thánh địa Varanasi có tới 64 bến tắm xây thành bậc để phục vụ lễ tắm rửa.
Tu sĩ khổ hạnh Hindu sống đơn độc và thiền trong rừng núi ...


... và họ chỉ xuất hiện trong các lễ hội
Thành phố Varanasi trước kia được gọi là “Benares”, lịch sử còn gọi là “Gasi” (nơi ánh sáng của các vị thần chiếu rọi). Tương truyền, 6000 năm trước thành phố này do thần Shiva-một vị thần của Đạo Hindu lập ra, bất kỳ người nào chết ở đây đều đến được với thần Shiva. Từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ VI trước Công Nguyên, Varanasi đã trở thành trung tâm tôn giáo của Ấn Độ. Thế kỷ thứ V trước Công nguyên, Đức Phật tổ Thích Ca Mâu Ni đã từng đến đây. Thế kỷ VII, Cao tăng đời Đường Trung Quốc-Huyền Trang cũng đã từng đến đây.
Nói trên thế giới, không ở đâu có một phong tục kỳ lạ như ở Varanasi, khi trên các bậc đá ở ven sông Hằng, đống củi để hỏa táng cháy suốt ngày đêm. Đó là vì đối với tín đồ đạo Hindu, cái chết là sự kiện quan trọng nhất đời người. Khi biết mình không sống được lâu nữa, điều đầu tiên tín đồ Hindu nghĩ đến đó là hành hương về Varanasi. Vì vậy, thánh địa Varanasi có rất nhiều người già, ốm, người chết và quả phụ. Tín đồ đạo Hindu cho rằng, thi thể của người phàm phải được thiêu cháy. Chỉ có thánh nhân là ngoại lệ, bởi họ đã hợp nhất với thần. Sau khi chết, thi thể của thánh nhân được các tín đồ đặt lên vòng hoa, buộc đá đặt xuống sông Hằng.
Alamgir, một trong rất nhiều ngôi đền cổ ở Varanasi, bên bờ sông Hằng
Thành phố Varanasi hiện nay vẫn giữ được hơn 2000 ngôi đền lớn nhỏ. Có ngôi đền hùng vĩ huy hoàng, có ngôi đền bé nhỏ xinh xinh, điêu khắc tinh xảo. Phong cách kiến trúc đền miếu ở đây đa dạng, biểu hiện sắc thái tôn giáo đậm đà. Trong đó, có ngôi đền Hồi giáo được xây dựng từ thời Vương triều Mughal (1526-1857). Hàng năm, ở thánh địa Varanasi có tới hơn 400 lễ hội tôn giáo. Thậm chí trong một ngày có tới hai lễ hội. Hoạt động lễ hội tôn giáo hầu như diễn ra trong các đền thờ.
Nguyễn Viết
Sưu tầm

Không có nhận xét nào: