Hoa anh đào, loài hoa tượng trưng cho nước Nhật, được người dân của đất nước này gọi là Sakura. Cái tên này chỉ có một âm đọc, nhưng khi viết, người Nhật có nhiều cách viết khác nhau đề cập đến danh từ hoa anh đào, tùy thuộc vào hệ thống chữ viết khác nhau.
Bảng chữ cái Hira-gana có tất cả 48 mẫu tự |
Hiện nay, có 4 hệ thống chữ viết cùng tồn tại song song trong tiếng Nhật. Đầu tiên là chữ Kan-ji, kế đến là Hira-gana, Kata-kana và chữ Roma-ji hay còn được gọi là hệ alphabet. Trong số đó, chữ viết hira-gana được sử dụng phổ biến nhất. Đặc trưng của chữ viết Hira-gana là những đường thẳng và hình tròn.
Tại Nhật, trẻ em học Hira-gana ngay khi vào tiểu học. Bảng chữ cái Hira-gana có tất cả 48 mẫu tự. Lần lượt đọc theo các âm như: a, i, ư, ê, ô; ka, ki, kư, kê, kô… Ngôn ngữ Nhật được biểu thị bằng 48 mẫu tự này.
Chữ Hira-gana ra đời vào cuối thế kỉ thứ IX, dựa trên chữ Kanji, còn gọi là Hán tự. Kanji là chữ viết được người Nhật vay mượn từ chữ viết của Trung Quốc, vốn được du nhập vào Nhật Bản vào khoảng thế kỉ thứ V.
Hira-gana là chữ tượng thanh của người Nhật, do đó, một âm của hira-gana có thể dùng để đọc nhiều chữ kanji khác nhau. Xét về cơ bản, âm đọc của Hira-gana và chữ viết tay, hay còn gọi là Kai-sho trong tiếng Hán, gần như tương đồng nhau. Về hình thức, chữ Hira-gana có sự biến đổi để trở thành là chữ viết riêng biệt của người Nhật.
Khi mới được hình thành, Hira-gana không được xã hội Nhật Bản chấp nhận. Nhiều người cho rằng, chữ Hán mới là ngôn ngữ của người có học vấn. Trong giai đoạn đầu, Hira-gana chỉ phổ biến ở giới nữ. Tuy nhiên, nó đã đóng góp rất lớn cho sự ra đời của nhiều lĩnh vực văn hóa.
Điển hình là trò chơi bài Karuta. Trò chơi này thường được tổ chức vào dịp năm mới. Trong ván bài, người chơi nghe giám khảo đọc một đoạn của bài thơ waka, họ phải nhanh chóng xác định quân bài có nội dung tương ứng. Từ ngữ trên mỗi quân bài được viết bằng chữ Hira-gana.
Ngâm thơ waka là hình thức văn hóa đặc sắc khác của người Nhật. Thơ waka là một loại cổ thi viết bằng Hira-gana trong văn học Nhật Bản, ra đời vào thời Hei-an, khoảng đầu thế kỉ thứ VIII. Ngâm thơ waka là một trong những hoạt động được tổ chức thường xuyên trong giới quí tộc ngày xưa. Ngày nay, nó được tái hiện như một nét văn hóa truyền thống mang tính chất cung đình.
Nữ giới Nhật Bản có công rất lớn trong việc hình thành và phát triển chữ viết kana để nó trở thành một trong những ngôn ngữ chính của đất nước này. Phụ nữ quí tộc thời Hei-an dùng chữ kana, cụ thể là hira-gana, để viết thư và nhật kí. Vào thời điểm đó, có những qui tắc rất khắt khe dành cho nữ giới, các cô gái chưa lập gia đình không được phép giáp mặt với nam giới. Khi nam và nữ tiếp chuyện với nhau, giữa họ có một bức mành ngăn cách. Một khi người nữ có cảm tình với ý trung nhân, cô ta bắt đầu viết thư bày tỏ tình cảm đến đối tượng. Thư tình được viết bằng chữ Hira-gana dưới dạng những bài thơ đầy ẩn ý, chúng được thể hiện trên giấy trắng hoặc trên quạt giấy. Khi thư đến tay người nam, nếu có cảm tình với cô gái, người nam sẽ đáp lại bằng thư cũng được viết dưới dạng kana-moji. Thư từ qua lại nhiều lần, đến khi tình cảm chín mùi, cả hai sẽ tiến đến hôn nhân.
Tác phẩm “Truyện kể Genji” của nữ sĩ cung đình Mura-saki Shikibu |
Thế kỉ XI, thời Hei-an đánh dấu sự ra đời của một trong số các tác phẩm văn học nổi tiếng nhất của Nhật Bản, đó là tác phẩm có tên gọi “Truyện kể Genji” của nữ sĩ cung đình Mura-saki Shikibu. Nội dung truyện xoay quanh hình tượng nhân vật hoàng tử đa tình Genji và Kaoru – con trai của Genji, cùng mối quan hệ giữa họ với những người phụ nữ. Tác phẩm có 54 chương được viết hoàn toàn bằng chữ Hira-gana. Truyện được đánh giá là tiểu thuyết theo nghĩa hiện đại đầu tiên của nhân loại.
Hiện tại, cách viết Hira-gana của người xưa đã trở thành nghệ thuật viết chữ đẹp kana-moji hay còn gọi là thư pháp Nhật Bản.
Cùng với chữ Hira-gana, người Nhật cũng phát triển một hệ thống chữ viết khác là Kata-kana. Cũng giống như Hira-gana, bảng chữ cái Kata-kana có tất cả 48 mẫu tự. Hai hệ thống chữ viết này còn có một số điểm tương đồng khác, chẳng hạn như cách phát âm của chúng hoàn toàn giống nhau và đều được phát triển từ chữ Hán.
Kata-kana được hình thành từ một phần của các kí tự vay mượn từ tiếng Trung Quốc. Trong tiếng Nhật, Kata-kana còn được gọi là kiểu chữ cứng bởi cách chủ yếu bằng những nét thẳng của chúng. Chữ viết Kata-kana ra đời sau Hira-gana khoảng 1 thế kỉ. Nó được người Nhật sử dụng lần đầu tiên vào thế kỉ thứ IX.
Lúc đầu, Kata-kana được dùng phổ biến trong Phật giáo. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đạo Phật tại Nhật Bản, các nhà sư đã sử dụng chữ viết Kata-kana để phiên âm cách đọc một số chữ Hán trong kinh Phật. Sự góp mặt của Kata-kana giúp cách phát âm những từ Kanji khó trở nên dễ dàng hơn đối với đa số tín đồ Phật giáo lúc bấy giờ.
Người có công tạo nên sự thay đổi lớn trong chữ viết Kata-kana là nhà hoạt động chính trị thời Minh Trị, ông Saka-moto Ryoma. Ông chủ trương Nhật Bản cần học tập tiến bộ của phương Tây để thoát khỏi tình trạng trì trệ kéo dài nhiều thế kỉ. Ông Saka-moto là người đầu tiên giới thiệu quyển tự điển dùng tiếng Nhật, chủ yếu là Kata-kana, để phiên âm tiếng Latinh. Kata-kana giúp vốn từ vựng của Nhật Bản phong phú hơn.
Sự đa dạng trong hệ thống chữ viết Nhật Bản khiến nó trở thành một trong những ngôn ngữ phức tạp trên thế giới. Tuy nhiên, điều này cũng là một lợi thế, bởi lẽ, sự đa dạng trong ngôn ngữ giúp họ có nhiều cách biểu đạt ngôn từ khác nhau.
Đối với người Nhật, chữ viết không chỉ là phương tiện giao tiếp mà nó còn tượng trưng cho cái đẹp và sự sáng tạo. Chính vì vậy, Hira-gana đã không ngừng thay đổi trong hơn 11 thế kỉ qua, điều đó vẫn tiếp tục duy trì trong hiện tại và cả trong tương lai.
Thanh Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét