Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

(THVL) Đậu nành đối với người Nhật Bản

Đậu nành là nguồn thực phẩm rất có lợi cho sức khỏe bởi nó chứa nhiều đạm, axit amin, vitamin và muối khoáng. Tuy nhiên, mãi đến thế kỉ thứ XVIII, đậu nành mới được các nước Âu Mỹ biết đến và nhanh chóng được ưa chuộng.

Đậu nành là nguồn thực phẩm rất có lợi cho sức khỏe


Trong khi đó, tại các quốc gia Châu Á, chẳng hạn như Trung Quốc, Nhật Bản, người ta đã phát hiện ra nguồn đạm quí báu của đậu nành và sử dụng nó như loại thực phẩm thiết yếu cách đây hàng ngàn năm.
Đậu nành là nông sản được gieo trồng phổ biến tại Nhật. Tại Nhật Bản, người ta canh tác đến trên 80 loại đậu nành khác nhau. Người Nhật dùng đậu nành làm nguyên liệu chính cho rất nhiều món ăn như nước tương, tương miso, Natto….
Từ thời xa xưa, đậu nành đã đóng vai trò quan trọng trong tập quán và tín ngưỡng tại Nhật Bản. Món ăn mừng Năm Mới của người Nhật gọi là Osechi. Nguyên liệu để làm nên món này là đậu nành, đậu đen và một số thực phẩm khác. Người Nhật quan niệm rằng, ăn Osechi trong dịp Năm Mới sẽ có được sức khỏe, bình an.

Osechi


Vào khoảng trung tuần tháng 2 hàng năm, ở nhiều nơi trên khắp Nhật Bản lại diễn ra sự kiện truyền thống gọi là Setsubun. Trong ngày này, một số người cải trang thành quỷ dữ và thần may mắn và đi đến từng nhà trong vùng. Để ngăn chặn quỷ dữ tiến vào nhà, chủ nhà dùng đậu để ném vào lũ quỷ. Đậu được tin là có tác dụng xua đuổi điều xấu và mang lại những điều tốt lành. Không chỉ dùng đậu nành để xua đuổi quỷ, người Nhật còn rang nó lên và ăn trong những ngày đầu Năm Mới với hy vọng cả năm sẽ may mắn, khỏe mạnh.

Lễ hội Setsubun


Đậu nành được du nhập vào Nhật cách đây khoảng 2.000 năm. Nguồn gốc xuất xứ của nó là từ Trung Quốc đại lục. Vào thời Nara, người Nhật đã sử dụng đậu nành làm nguyên liệu chế biến món ăn. Cùng với sự lớn mạnh của Phật giáo, đậu nành dần phổ biến trong đời sống của người Nhật dưới hình thức tương miso, nước tương và đậu hủ.
Việc canh tác đậu nành bắt đầu được mở rộng mạnh mẽ vào thời Kamakura. Lúc bấy giờ, đạo Phật hưng thịnh, các tín đồ Phật giáo không được phép ăn thịt, cá nên họ phải tìm nguồn cung cấp chất đạm khác. Đến thời Edo, đậu nành không còn là thực phẩm dành riêng cho giới tăng lữ nữa mà nó đã lan rộng ra dân chúng và rất được mọi người ưa chuộng.
Một lần nữa, đậu nành đóng vai trò quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của người Nhật. Đó là giai đoạn sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, cuộc sống tại quốc gia Châu Á này hết sức khó khăn. Đậu nành được dùng như nguồn đạm chính lúc bấy giờ.

Eda-mame


Đến thời hiện đại, người Nhật lại có thêm món ăn eda-mame làm từ đậu nành tươi. Ngày nay, tại các quán rượu ở Nhật Bản, bạn dễ dàng bắt gặp những đĩa đậu eda-mame luộc. Chúng là thức nhấm quen thuộc dùng để uống bia của giới nhân viên văn phòng. Eda-mame được cho là rất tốt cho sức khỏe và trí óc của những người thường xuyên phải làm việc trong môi trường đòi hỏi sự tư duy.
Trong từng giai đoạn của lịch sử Nhật Bản, đậu nành đều phát huy tốt vai trò là nguồn đạm thực vật quí báu. Chính vì vậy, sau gạo, đậu nành là thực phẩm được người Nhật rất trân trọng.
Thanh Tâm

Không có nhận xét nào: