Tại Nhật, vào những ngày đầu Năm Mới, mọi người có thói quen đi viếng chùa và đền thờ Thần Đạo. Truyền thống này được gọi là Hatsumode.
Hàng năm, có rất đông người đến viếng tại các ngôi đền Thần Đạo trên khắp cả nước |
Hàng năm, có rất đông người đến viếng tại các ngôi đền Thần Đạo trên khắp cả nước, riêng những ngày Hatsumode, số lượng này lên đến 3 triệu người. Đối với nhiều người Nhật, Thần Đạo là nơi linh thiêng, nhiều sự kiện quan trọng trong đời người được tổ chức tại đây. Lễ hội ShichiGoSan là một trong số đó. Đây là lễ hội dành cho những bé trai lên 3 và lên 5 tuổi, còn bé gái lên 3 và lên 7 tuổi. Các bé ở độ tuổi này sẽ được cha mẹ cho đi viếng đền để cầu cho chúng khỏe mạnh, chóng lớn.
ShichiGoSan là lễ hội dành cho những bé trai lên 3 và lên 5 tuổi, còn bé gái lên 3 và lên 7 tuổi |
Đền thờ Thần Đạo cũng là nơi thường xuyên diễn ra các lễ cưới. Trong buổi lễ, cô dâu chú rể tỏ lòng cảm ơn thần linh đã gắn kết họ lại với nhau, đồng thời cầu nguyện gia đình hòa hợp, vợ chồng hạnh phúc.
Đến mùa thi, các em học sinh lại đến Thần Đạo để cầu mong sẽ thi đậu, kết quả học tập mỹ mãn. Đền thờ cũng là nơi người Nhật dâng những tấm thẻ bài bằng gỗ lên thần linh, trên thẻ bài họ ghi những lời cầu nguyện và ước mơ.
Thần Đạo là tôn giáo đa thần cổ xưa của người Nhật. Trong Thần Đạo có đến 8 triệu thần. Đền thờ Thần Đạo được gọi là Thần xã. Trên khắp Nhật Bản hiện có trên 80.000 ngôi đền Thần Đạo, rất nhiều vị thần đang được tôn thờ tại đây.
Đền thờ Ise Jingu tọa lạc giữa khu rừng thiêng tại thành phố Ise thuộc tỉnh Mie. Đây là khu phức hợp gồm nhiều đền thờ với 2 ngôi đền chính nằm ở trung tâm. Mỗi năm có khoảng 6 triệu người trên cả nước đến viếng đền.
Đền Ise Jingu thờ Nữ thần Mặt trời Amaterasu Omikami. Ngoài ra, tại đây còn thờ rất nhiều vị thần khác. Đó là những hiện thân của sự vật trong tự nhiên gắn bó mật thiết với cuộc sống của con người, chẳng hạn như Thần Nước, Thần Gió. Có tổng cộng 123 ngôi đền trong quần thể đền Ise Jingu.
Thần xã Naiku |
Thần xã Naiku là một trong hai ngôi đền chính của Ise Jingu. Naiku là khu điện thờ hoàng gia, chuyên thực hiện các nghi lễ thờ phụng Nữ thần Mặt trời Amaterasu Omikami. Cho đến tận ngày nay, Nhật hoàng vẫn là người chủ trì trong các dịp lễ quan trọng.
Theo thông lệ, đền Naiku được xây dựng lại mỗi 20 năm một lần. Nó thể hiện quan điểm của Thần Đạo về sự sống, cái chết và sự hồi sinh.
Đền Izumo Taisha ở tỉnh Shimane được xem là một trong những ngôi đền Thần Đạo cổ xưa nhất của Nhật Bản. Đền thờ Thần Okuninushi no Mikoto, vị thần của tình yêu và se duyên. Con thỏ là sứ giả của thần. Theo quan niệm của người Nhật, thần tình yêu chỉ có tại Izumo Taisha.
Đền Izumo Taisha |
Điện chính của đền cao 24 mét, toàn bộ hình dáng của kiến trúc này trong giống như ngọn núi. Cấu trúc của nó rất độc đáo, đó là sự kết hợp giữa các cột gỗ cao liên tiếp nhau như một cầu thang đi lên thiên đàng. Có thể người xưa xem Izumo Taisha là nơi giao tiếp giữa trời và đất. Tuy nhiên, cho đến nay nó vẫn là một bí ẩn.
Bên cạnh những ngôi đền trên, Nhật Bản cũng có đền thờ Thần Biển. Đó là ngôi đền nổi tiếng Itsukushima Jinja được xây dựng trên mặt biển. Muốn đến được ngôi đền, trước tiên mọi người phải đi qua chiếc cổng Torii sơn đỏ, nằm cách khuôn viên chính của đền khoảng 160 mét.
Đền Itsukushima Jinja thờ Thần Biển |
Ngôi đền được xây dựng đầu tiên vào khoảng thế kỉ thứ XI, nhưng sau đó, nó bị phá hủy nhiều lần. Kiến trúc hiện nay của ngôi đền tuân thủ theo nguyên mẫu vào thế kỉ XII, cuối thời Hei-an.
Đền Itsukushima Jinja thờ Thần Biển, vị thần bảo hộ của ngư dân, che chở cho họ những chuyến đi biển bình an và cá đầy khoan thuyền. Toàn bộ kiến trúc của đền được xây dựng trên biển nên khi thủy triều lên, nước phản chiếu ánh nắng mặt trời tạo ra những luồng sáng lấp lánh tựa như ảo giác. Khi thủy triều xuống, các tòa kiến trúc của ngôi đền nằm trơ trọi trên nền cát, lúc này, du khách viếng đền không cần phải dùng thuyền đi qua cổng Torii mà có thể đi bộ trên lớp bùn nhão. Ngôi đền Thần Đạo mang vẻ đẹp độc đáo này của Nhật Bản đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại.
Ngoài những vị thần trong truyền thuyết hoặc được thần thánh hóa từ sự vật trong tự nhiên, người Nhật cũng xây đền để thờ phụng các nhân vật có thật. Đền Kitano Tenmangu ở cố đô Kyoto là một ví dụ điển hình. Đền thờ Sugawara no Michizane, một chính trị gia và cũng là một học giả, một nhà thơ sống vào thời Hei-an.
Đền Kitano Tenmangu là nơi thu hút rất nhiều học sinh lui tới để cầu nguyện cho mùa thi cử thành công |
Michizane phải sống lưu vong sau một biến cố chính trị với phe đối nghịch. Đền được xây vào năm 947 nhằm an ủi linh hồn phẫn nộ của Michizane. Ông được xem như một trong những vị thần linh thiêng của Nhật Bản. Sinh thời, thần Michizane là nhà thơ và học giả uyên thâm nên mỗi năm, vào mùa thi, đền Kitano Tenmangu là nơi thu hút rất nhiều học sinh lui tới để cầu nguyện cho mùa thi cử thành công.
Thần xã Nhật Bản không chỉ là nơi thờ phụng các vị thần trong tự nhiên mà còn thờ cả các bậc vĩ nhân trong lịch sử. Đây là một trong những nét đặc trưng của tín ngưỡng Thần Đạo. Có rất nhiều đền thờ Thần Đạo tại Nhật Bản với qui mô lớn nhỏ khác nhau, tuy nhiên, cho dù ở hình thức nào thì người đi viếng đền cũng tuân thủ một số qui tắc căn bản.
Khi đến thăm một ngôi đền Thần Đạo, vật đầu tiên mà khách vãng đền nhìn thấy là chiếc cổng Torii. Cổng torri tượng trưng cho Thần xã, là nơi chuyển tiếp giữa thế giới linh thiêng của thần thánh bên trong đền với thế giới trần tục của con người. Khi bước qua chiếc cổng torii, nghĩa là con người đã chính thức đi vào khu vực linh thiêng của thần thánh. Khách viếng đền cần thực hiện nghi thức cúi đầu chào torii nhằm tỏ lòng tôn kính thần linh.
Cổng Torii của đền Itsukushima Jinja |
Qua khỏi cổng torii, khách viếng đền sẽ đặt chân lên một đoạn cầu thang dài nối với điện thờ. Các Thần xã thường được xây trên núi hay đỉnh đồi, dù rất mỏi chân và mệt nhưng khách viếng đền phải đi bộ qua tất cả các bậc thang đá kéo dài từ torri lên đền thờ, nghi thức này nhằm bày tỏ sự thành tâm.
Đi hết cầu thang, khách viếng đền sẽ nhìn thấy 2 bức tượng sư tử bằng đá gọi là Komainu. Chúng có nhiệm vụ bảo vệ các vị thần. Komainu thường có một cặp, một con há miệng tượng trưng cho sự xua đuổi tà ma và một con ngậm miệng lại tượng trưng cho việc giữ linh khí. Tại một số đền thờ, tượng cáo, chó hoặc trâu cũng được sử dụng.
Komainu |
Khi tiến gần đến điện thờ, khách viếng đền phải trải qua nghi thức bắt buộc tại Te mizuya hay còn gọi là Giếng thanh tẩy. Đó là một giếng nước hoặc hồ nước nhỏ được xem là nước thánh. Trước khi tiến hành lễ cúng, khách viếng đền phải thanh tẩy bản thân sạch sẽ bằng cách rửa tay, súc miệng ở đây.
Trước tiên, khách sẽ cầm lấy gáo nước bằng tay phải, sử dụng gáo hứng dòng nước đang tuôn chảy từ bên trong bể chứa bằng đá; dùng nước trong gáo để rửa tay trái trước, sau đó đến tay phải. Không đưa cả bàn tay vào gáo nước mà xối nước từ trong gáo ra. Kế đến, hứng nước từ gáo bằng lòng bàn tay trái và thực hiện động tác rửa miệng. Cuối cùng, dựng gáo nước thẳng đứng để lượng nước còn sót lại trong gáo chảy hết ra ngoài. Úp gáo lại vị trí ban đầu.
Sau khi hoàn tất nghi thức thanh tẩy cơ thể, khách viếng đền tiếp tục hướng về điện thờ. Nơi mà họ sẽ đến là tòa nhà Haiden, hay còn gọi là điện cúng bái. Haiden là kiến trúc chính của một ngôi đền nhìn từ cổng vào. Đây là nơi để người đi lễ khấn nguyện thần linh và cũng là nơi tiến hành các nghi lễ. Bên trong Haiden, phía sau bức màn là nơi thờ thần và cất giữ những vật linh thiêng, người thường không thể nhìn thấy những gì ở trong đó.
Khi đứng trước Haiden, việc đầu tiên khách viếng đền cần phải làm là ném những đồng tiền vào thùng lễ vật Saisenbako. Đây cũng là một trong những nghi thức thanh tẩy. Tiền cúng dường dâng lên thần linh để xóa đi những tội lỗi và hoen ố.
Tiếp theo, khách viếng đền rung chiếc lục lạc to ở ngay phía trên đầu. Tiếng kêu của lục lạc có ý nghĩa mời gọi thần linh về chứng kiến lời cầu nguyện của họ. Khi làm lễ, khách viếng đền cúi đầu hai lần trước điện, sau đó vỗ tay hai cái và bắt đầu cầu nguyện. Mục đích của quy trình trên là nhằm bảo đảm các thần linh nghe được lời khấn nguyện của họ.
Kết thúc lễ cầu nguyện, khách viếng đền cúi đầu thêm một lần nữa
Trải qua nhiều thế kỉ, các ngôi đền Thần Đạo đã trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc trong cuộc sống hàng ngày của người Nhật. Nhiều người đã cống hiến cả cuộc đời để giữ đền trước sự đe dọa của cuộc sống hiện đại và đô thị hóa.
Đền thờ Thần Đạo Nhật Bản đã trải qua nhiều biến đổi theo từng giai đoạn phát triển chính trị, xã hội. Đền thờ vốn ra đời từ tín ngưỡng tôn sùng tự nhiên của người Nhật. Thần Đạo tôn thờ mọi vật trong tự nhiên từ núi, sông, suối, cây cỏ và đá. Theo quan niệm của người Nhật, thần linh cư ngụ khắp nơi trong thiên nhiên bao la. Không chỉ thờ cúng thần linh trong thân cây và trên các tảng đá, chẳng bao lâu sau, người ta bắt đầu lập bàn thờ thô sơ để tiến hành các nghi thức tế lễ. Và điều đó đã trở thành qui tắc của Thần xã. Từ xa xưa, tín ngưỡng tự nhiên đã là cội nguồn hình thành nên đền thờ.
Izanagi và Izanami là 2 vị thần tạo nên nước Nhật |
Ngoài ra, đền thờ Thần Đạo cũng có sự gắn bó mật thiết với công việc đồng áng. Ngày xưa, Nhật Bản là quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào việc canh tác lúa nước, công đoạn cấy lúa và thu hoạch hoa màu mang ý nghĩa sống còn đối với người dân. Nhưng kết quả của vụ mùa lại do thời tiết quyết định. Người Nhật quan niệm rằng, trong tự nhiên có rất nhiều vị thần chi phối thời tiết, chẳng hạn như Thần Mặt trời, Thần mưa. Vì vậy, mỗi khi đến mùa thu hoạch, người ta lại mang lúa hoặc hoa màu dâng lên thần linh tại các đền thờ nhằm cảm tạ thần đã cho họ vụ mùa bội thu. Cho đến nay, truyền thống này vẫn được duy trì tại nhiều ngôi đền.
Qúa trình phát triển của đền thờ Thần Đạo Nhật Bản còn thể hiện sự hòa hợp với một loại hình tôn giáo khác.
Cổng torri ở Izushi |
Vào thế kỉ thứ VI, cùng với sự du nhập của Phật giáo, các chùa chiền cũng xuất hiện tại Nhật. Điều này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến kiến trúc tôn giáo trong nước, người Nhật bắt đầu xây dựng những ngôi đền kiên cố để thờ thần. Tuy nhiên, kiểu dáng kiến trúc của các Thần xã lúc bấy giờ vẫn là sự kế thừa lối xây dựng từ thời Yayoi, khoảng năm 300 trước Công nguyên với phần nền nhà cao.
Đám cưới truyền thống được tổ chức trong một ngôi đền thờ Thần Đạo |
Tiếp nhận tôn giáo mới nhưng người Nhật vẫn duy trì tín ngưỡng bản địa, Thần xã tôn thờ các vị thần và chùa là nơi thờ Phật. Sự hợp nhất giữa Phật giáo và Thần đạo đã diễn ra trong một khoảng thời gian dài.
Đến thế kỉ XIX, vào thời Minh Trị, chính quyền lúc bấy giờ đã ra sắc lệnh “Thần Phật phân ly”, tách Thần Đạo ra khỏi Phật giáo, đồng thời nổ lực chấn hưng tôn giáo bản địa. Đây là thời kì Thần Đạo phát triển mạnh mẽ với sự bảo trợ đặc biệt của chính quyền. Thần Đạo trở thành quốc giáo của Nhật Bản, gắn liền với các hoạt động của nhà nước. Việc viếng đền cũng như thực hiện các nghi lễ theo qui tắc của Thần Đạo được đề cao.
Đền thờ Thần Đạo trên khắp cả nước được tu sửa, xây dựng, Thần Đạo trở thành biểu tượng quan trọng trong đời sống tâm linh của người Nhật. Lượng tín đồ theo tôn giáo này không ngừng gia tăng.
Bàn thờ Thần Đạo tại nhà |
Cùng với sự hưng thịnh của Thần đạo, các cuộc hành hương đến đền thờ của tín đồ cũng gia tăng mạnh mẽ. Những ngôi đền nổi tiếng như Ise Jingu là điểm đến của tín đồ Thần đạo trên khắp cả nước. Mọi người quan niệm rằng, trong một năm ít nhất họ phải hành hương đến đền Ise một lần. Đó có thể là hành trình kéo dài nhiều ngày thậm chí nhiều tháng trời.
Sau Chiến tranh Thế giới Thứ 2, Thần Đạo tách ra khỏi nhà nước để trở lại là một tôn giáo bình thường. Cùng với việc này, số người theo đạo cũng sụt giảm.
Đối với người Nhật, đền thờ Thần Đạo là nơi linh thiêng, mỗi năm, họ đi viếng đền khoảng vài lần vào các dịp đặc biệt hoặc để cầu bình an, may mắn trước lúc đi xa…Đền thờ cũng là điểm dừng chân của du khách nước ngoài muốn tìm hiểu về văn hóa truyền thống Nhật Bản và là nơi diễn ra các lễ hội tưng bừng trong năm.
Thanh Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét