Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

(THVL) Ẩm thực trên tàu hỏa ở Nhật

Đối với những hành khách sử dụng phương tiện đi lại là xe lửa ở Nhật Bản, điều thú vị nhất của cuộc hành trình là vừa thưởng thức cơm hộp ekiben ngay trên tàu vừa ngắm phong cảnh thiên nhiên xinh đẹp trôi qua hai bên đường.

Ekiben là cơm hộp bán ở nhà ga xe lửa

Trong tiếng Nhật ekiben là từ viết tắt của “Eki uri bento” nghĩa là “Cơm hộp bán ở nhà ga xe lửa”. Trên mỗi nắp hộp ekiben là đôi đũa tre và miếng khăn giấy được đóng gói cẩn thận. Khi thưởng thức cơm hộp ekiben, có một thứ không thể thiếu, đó là chai trà xanh Ryokucha. Trước bữa ăn, người Nhật sẽ chắp hai tay phía trước và nói “Itadakimasu” nghĩa là “Chúc ngon miệng”.

Một hộp ekiben được đóng gói cẩn thận với đôi đũa tre ở phía trên

Makunouchi bento là một dạng cơm hộp phổ biến, được bày bán ở bất kì ga xe lửa nào trên khắp nước Nhật. Thành phần của nó gồm: cơm trắng rắc 1 ít mè đen và 1 quả mơ ngâm rượu, ngoài ra còn có cá, thịt, trứng chiên, rau củ và một ít dưa chua.
Makunouchi bento ra đời vào thời Edo, thế kỉ XVII. Lúc đầu, loại cơm hộp này được dùng để phục vụ khán giả xem kịch Noh và Kabuki trong thời gian nghỉ giải lao giữa các buổi diễn. Đến thời Minh Trị, thế kỉ XIX, makunouchi bento được phổ biến tại các ga xe lửa.

Makunouchi bento

Khi đã trở thành món ăn bán dọc theo các tuyến đường sắt trên khắp cả nước, mỗi địa phương cho ra đời những loại ekiben khác nhau làm từ đặc sản của vùng. Nếu như ekiben trứng cá hồi là đặc sản của thành phố Otaru, Hokkaido thì cơm bạch tuộc tako-meshi là sản vật của thành phố Kobe. Ngoài việc sử dụng nguồn nguyên liệu địa phương, mỗi vùng, miền còn tự thiết kế những hộp ekiben với các kiểu dáng khác nhau. Ekiben cũng được giới thiệu trong tạp chí hướng dẫn các tuyến xe lửa trên khắp nước Nhật nhằm giúp hành khách hiểu thêm về các loại ekiben được bày bán ở từng nhà ga.

Tako meshi

Bên cạnh ekiben dạng hộp gỗ, gỗ sơn mài hay hộp nhựa còn có cả ekiben đựng trong những chiếc thố bằng gốm. Kama-meshi là cơm hộp thố đặc thù của nhà ga Yoko-kawa của tỉnh Gunma.
Những chuyến tàu hỏa thường dừng lại ở nhà ga để đổi đầu tàu và đây cũng là thời gian hành khách tranh thủ đến cửa hàng để mua những hộp cơm thố Kama-meshi mà họ yêu thích. Bên trong thố cơm có thịt gà, trứng cút, nấm đông cô, vài hạt đậu hòa lan, ngoài ra không thể thiếu 1 quả mơ ngâm rượu cùng 1 số rau củ ngâm chua khác.

Kama-meshi

Kama-meshi là sự phối hợp tuyệt vời từ dụng cụ đựng thức ăn đến màu sắc và thành phần thực phẩm có tác dụng kích thích thị giác lẫn vị giác của thực khách. Đối với những chuyến xe lửa đi trong đêm, hành khách luôn cần đến những hộp ekiben để lót dạ trong suốt cuộc hành trình dài. Ekiben không chỉ làm người ăn no bụng mà còn giúp họ khám phá đặc sản từng vùng miền.

Hiện nay có khoảng 2000 – 3000 loại ekiben ở Nhật Bản

Được phát triển mạnh mẽ vào thời Minh Trị, hiện nay, có khoảng 2.000 đến 3.000 loại ekiben khác nhau được bày bán tại các ga xe lửa trên khắp Nhật Bản. Dạng cơm hộp đặc thù này không chỉ làm ấm lòng hành khách bản xứ mà nó còn mang lại sự thích thú cho du khách nước ngoài


Ekiben giờ đã trở thành một nét văn hóa độc đáo trong nền ẩm thực Nhật Bản. Tuy nhiên, có thể nhiều người vẫn chưa biết về lịch sử ra đời của nó.
Nguồn gốc của cơm hộp, hay còn gọi là Bento, bắt đầu từ thời Kama-kura, khoảng thế kỉ XII. Lúc bấy giờ, ở Nhật phát triển một kỹ thuật rang gạo nếp gọi là Hoshi-ii. Loại gạo rang hoshi-ii này có thể dùng để ăn liền hoặc đổ nước sôi vào để nấu. Hoshi-ii thường được người Nhật đựng trong chiếc túi nhỏ và mang theo bên mình trong những chuyến đi xa.
Đến thời Edo, thế kỉ XVI, hộp đựng cơm bằng gỗ đã bắt đầu xuất hiện, người Nhật khi đó thường mang theo bento khi đi hành hương hoặc tham dự những sự kiện ngoài trời như ngắm hoa anh đào. Tuy nhiên, bento phổ biến của giai đoạn này không quá cầu kì. Đó chỉ là 2 vắt cơm hình tam giác bên trên rắc một ít mè đen. Chúng thường được gói trong miếng bẹ măng tre hoặc đặt bên trong hộp gỗ.

Bento thời kỳ Edo chỉ đơn giản là vắt cơm hình tam giác, bên trên rắc ít mè đen

Tháng 10/1872, tuyến xe lửa đầu tiên của Nhật Bản nối giữa Shinbashi ở Tokyo đến Yoko-hama chính thức đưa vào hoạt động. Khi tàu hỏa đã trở thành phương tiện di chuyển được nhiều người lựa chọn, người ta bắt đầu nghĩ đến việc bán cơm hộp cho hành khách đi tàu. Thế là ekiben ra đời.
Nhà ga Utsu-no-miya ở tỉnh Tochigi là nơi đầu tiên bán ekiben. Những hộp cơm bán tại ga xe lửa lúc bấy giờ được gọi là oni-giri bento. Ngày xưa, người bán ekiben không đứng tại quầy hàng như bây giờ mà thay vào đó, họ mang những khay chứa đầy cơm hộp trước bụng và đợi trên sân ga. Khi tàu đến, người bán ekiben tới từng cửa sổ các toa tàu để mời khách mua hàng.

Một người bán ekiben ở nhà ga xe lửa
Bản đồ phân phối ekiben đặc sản của từng địa phương

Chẳng bao lâu sau, ekiben trở nên thịnh hành và được bán dọc theo tất cả các tuyến đường sắt trên khắp Nhật Bản. Để tạo sự độc đáo, đồng thời cũng nhằm giới thiệu đặc sản của mình, mỗi địa phương bắt đầu tung ra những hộp ekiben riêng. Năm 1942, các nhà ga ở thành phố Hokkaido giới thiệu ika-meshi, loại ekiben này đến nay vẫn rất nổi tiếng.

Ika-meshi được làm từ mực nguyên con và cơm nếp, ăn cùng với nước sốt đậu nành

Ika-meshi được làm từ mực nguyên con và cơm nếp, ăn cùng với nước sốt đậu nành. Món này còn được gọi là mực nhồi cơm nếp. Người có công biến Ika-meshi trở thành mặt hàng thương phẩm là ông Esao Abe, một doanh nhân trong lĩnh vực nhà hàng. Ông cho rằng, sự kết hợp giữa đặc sản mực tươi ngon của Hokkaido hòa quyện cùng hương vị của nước sốt và độ dẻo của cơm nếp tạo nên sức hấp dẫn khó quên của Ika-meshi.
Năm 1970, bộ phim truyền hình mang tên “Gia đình phương Bắc” của Nhật được phát sóng và nhanh chóng nổi tiếng khắp cả nước. 3 năm sau khi bộ phim được công chiếu, một loại ekiben lấy theo tên của bộ phim có mặt trên thị trường. Cơm hộp ekiben “Gia đình phương Bắc” ngay lập tức thu hút những khách hàng hiếu kì. Không chỉ gây tò mò cho thực khách mà loại cơm hộp này thật sự rất ngon, do đó, nó được ưa chuộng đến tận ngày nay.
Tuy nhiên, cùng với sự ra đời của nhiều phương tiện giao thông khác, ngành đường sắt không còn hưng thịnh như trước. Trước thực trạng này, số lượng cửa hàng kinh doanh ekiben tại các nhà ga cũng giảm đáng kể. Năm 1987, số cửa hàng ekiben chỉ còn khoảng phân nửa so với trước đó 20 năm. Nhằm hấp dẫn hành khách đi xe lửa, gần đây, các cửa hàng ekiben đã nỗ lực cải tiến sản phẩm của họ từ chất lượng bên trong đến mẫu mã bên ngoài.

Các ekiben được cải tiến về mẫu mã bên ngoài để phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng

Ngày nay, ekiben không đơn giản là cơm hộp để hành khách đi xe lửa lót dạ mà nó đã phát triển theo nhiều hướng nhằm thỏa mãn thị hiếu của mọi người.
Ở Nhật Bản, Hội chợ Ekiben toàn quốc thu hút rất đông khách tham quan đến tham dự để được tận mắt nhìn ngắm, thưởng thức và mua những hộp ekiben nổi tiếng của các vùng miền. Hội chợ chỉ được tổ chức mỗi năm 1 lần, qui tụ khoảng 50 nhãn hiệu ekiben khác nhau. Mỗi loại ekiben là đại diện cho từng địa phương, do đó, các gian hàng tham gia hội chợ tận dụng cơ hội này để quảng bá sản vật của họ.

Cơm hộp ekiben đã trở thành một phần của nền ẩm thực phong phú của Nhật Bản

Cơm hộp ekiben đã trở thành một phần của nền ẩm thực phong phú của Nhật Bản. Khác với sushi được phổ biến trên toàn thế giới, ekiben chỉ gói gọn trong phạm vi nội địa, tuy nhiên, vai trò của nó trong đời sống hàng ngày của người Nhật không thể phủ nhận. Ekiben còn được xem là một nét văn hóa, một sản phẩm du lịch của ngành đường sắt Nhật Bản.
Thanh Tâm

Không có nhận xét nào: