Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

(THVL) Đồ thủy tinh khắc hoa văn

Kiriko là vật dụng thủy tinh được chạm khắc những đường nét hình học tinh tế, hoa văn trang nhã. Kiểu trang trí này giúp món đồ thủy tinh trong suốt càng trở nên lấp lánh.

Phần lớn sản phẩm dòng Edo-kiriko có màu trắng thuần khiết

Kiriko được sử dụng trong các bữa ăn. Trong bữa ăn hàng ngày, người Nhật rất chú trọng đến việc phối hợp những loại kiriko có kiểu dáng và hoa văn khác nhau cho từng món ăn phù hợp. Đồ thủy tinh khắc hoa văn kiriko góp phần tạo nên nhiều sắc thái trong sinh hoạt của người Nhật.
Trong ẩm thực, người Nhật rất xem trọng vẻ đẹp bề ngoài. Bên cạnh hương vị, sự tinh tế trong các món ăn còn thể hiện qua cách phối hợp giữa hình dáng, màu sắc của món ăn với các dụng cụ đựng kèm. Yếu tố này giúp kích thích vị giác lẫn thị giác của thực khách. Vẻ lấp lánh của đồ thủy tinh khắc hoa văn kiriko góp phần tạo nên danh tiếng cho ẩm thực Nhật Bản.
Kiriko thủy tinh khắc hoa văn có nhiều chủng loại khác nhau.
Edo-Kiriko. được sản xuất vào thế kỉ XIX, thời Edo. Đặc trưng của Edo-kiriko là vết cắt trên bề mặt sản phẩm và màu sắc, phần lớn sản phẩm thuộc dòng thủy tinh này đều có màu trắng thuần khiết.
Edo-kiriko được tán thưởng bởi sự mượt mà của những vết cắt. Nếu quan sát kỹ mặt cắt của sản phẩm, chúng ta dễ dàng nhận thấy vô số hoa văn hình học tinh xảo. Những mẫu hoa văn này giúp người sử dụng sản phẩm cầm nắm dễ dàng hơn.
Ngoài ra, do được làm từ loại kính trong, kết hợp với đường cắt phức tạp nên Edo-kiriko phản chiếu ánh sáng lung linh của cầu vòng ngũ sắc.
Đối trọng với Edo-kiriko là dòng sản phẩm thủy tinh được sản xuất tại thị trấn Satsuma, thuộc tỉnh Kagoshima hiện nay. Tên gọi chính thức của dòng sản phẩm này là Satsuma- kiriko.
Satsuma-kiriko ra đời vào thế kỉ XIX, khoảng cuối thời Edo. Khác với dòng sản phẩm thủy tinh khắc hoa văn Edo-kiriko chỉ tập trung vào màu trắng, các sản phẩm của Satsuma-kiriko chú trọng vào 2 tông màu đỏ và xanh. Ngoài ra, đường cắt trang trí trên thủy tinh Satsuma-kiriko cũng lớn hơn.

Satsuma-kiriko chú trọng vào 2 tông màu đỏ và xanh

Bên cạnh các yếu tố trên, sản phẩm thủy tinh Satsuma-kiriko còn có một đặc trưng quan trọng, đó là sử dụng phương pháp tạo màu nhạt dần. Khi nhìn vào bề mặt của các vết cắt trên nền thủy tinh, chúng ta có thể nhìn thấy màu sắc trang trí dọc theo đường cắt chuyển từ màu đỏ sậm ở trung tâm sang nhạt dần về hai bên. Kỹ thuật vẽ màu nhạt dần được đánh giá là kỹ xảo độc đáo ra đời tại Nhật Bản.

Kỹ thuật vẽ màu nhạt dần được đánh giá là kỹ xảo độc đáo ra đời tại Nhật Bản

Kỹ thuật trang trí thủy tinh kiriko không đơn thuần chỉ dùng để sản xuất bát đĩa phục vụ trong các bữa ăn mà nó còn được sử dụng trong nhiều mục đích khác, chẳng hạn như dùng làm chụp đèn trong lĩnh vực trang trí nội thất. Sản phẩm thủy tinh kiriko còn được sử dụng ở hệ thống đèn đường chiếu sáng tại các khu đô thị. Hoa văn trang trí trên các chụp đèn này thường là những đường cắt đơn giản. Không những thế, các nghệ nhân kiriko của Nhật Bản đã dùng thủy tinh để tạo ra mặt dây chuyền, vỏ đồng hồ và vô số mặt hàng trang sức khác. Mục tiêu của họ là đưa sản phẩm thủy tinh kiriko vào đời sống hàng ngày từ những vật dụng đơn giản đến các mặt hàng chất lượng cao.


Chuông gió làm từ thủy tinh
ể có được những sản phẩm kiriko, trước tiên, người ta phải làm ra thủy tinh. Nguyên liệu chính dùng để sản xuất thủy tinh kiriko là dioxit silic, hay còn gọi là silicat, có trong cát và là thành phần hóa học của thạch anh. Nguyên liệu trở nên nóng chảy khi được đưa vào lò nung ở nhiệt độ 1050 độ C. Trong thủy tinh có chứa chì tinh thể, thành phần này giúp tạo ra sự lấp lánh.

Trong thủy tinh có chứa chì tinh thể, thành phần này giúp tạo ra sự lấp lánh

Người ta thổi không khí vào ống thổi thủy tinh để tạo hình khi thủy tinh còn ở dạng nóng chảy. Sau khi đã thành hình, thủy tinh sẽ được khắc hoa văn để tạo ra sản phẩm thủy tinh kiriko.
Vì là một vật liệu cứng và không hoạt hóa nên thủy tinh rất có ích và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Từ sản xuất vật dụng trong gia đình như chén, đĩa, chai, lọ đến ứng dụng trong ngành xây dựng và cả lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Silicat được đưa vào lò nung ở nhiệt độ 1050 độ C

Tuy chú trọng mục tiêu đa dạng sản phẩm nhưng ngành thủy tinh kiriko của Nhật Bản vẫn giữ thế mạnh về sản xuất vật dựng trong gia đình.
Ngày nay, phương pháp khắc thủy tinh có nhiều cải tiến, trong đó có một kỹ thuật được gọi là mài thủy tinh. Dụng cụ được sử dụng trong kỹ thuật này là máy tiện. Cắt gọt thủy tinh theo phương pháp mài tạo hoa văn trên bề mặt có ưu điểm là nhanh nhưng cần độ chính xác cao. Hoa văn ở những sản phẩm thủy tinh màu là các vết cắt sâu, màu trắng. Đối với loại thủy tinh này, màu chỉ được trang trí ở mặt ngoài của sản phẩm.

Người ta thổi không khí vào ống thổi thủy tinh để tạo hình khi thủy tinh còn ở dạng nóng chảy

Máy tiện không chỉ cho phép nghệ nhân cắt thủy tinh thực hiện những mẫu hoa văn lớn mà cả những chi tiết nhỏ, phức tạp. Nét độc đáo của kỹ thuật cắt này là người thợ không dựa theo mẫu hoa văn được vẽ sẵn trên thủy tinh mà dựa vào kỹ năng tích lũy từ kinh nghiệm lâu năm của họ.
Đặc điểm dễ nhận dạng nhất đối với dòng sản phẩm thủy tinh Satsuma kiriko là màu sắc. Những vật đựng bằng thủy tinh Satsuma kiriko thật thụ rất đắt tiền và hiếm vì chúng được làm hoàn toàn bằng thủ công. Ngoài ra, còn một điểm đáng lưu ý nữa đó là khi cầm sản phẩm Satsuma kiriko trên tay, bạn sẽ cảm nhận được sức nặng của thủy tinh.

Đặc điểm dễ nhận dạng nhất đối với dòng sản phẩm thủy tinh Satsuma kiriko là màu sắc

Tuy nhiên, nghệ nhân Satsuma kiriko nổi tiếng với bí quyết tạo màu nhạt dần trên thủy tinh. Trong tiếng Nhật, kỹ thuật đó được gọi là bokashi. Trước khi tạo hình cho sản phẩm, người thợ sẽ ốp lớp thủy tinh màu lên bên ngoài lớp thủy tinh trong suốt. Kỹ thuật tạo màu nhạt dần bokashi tiếp tục được thực hiện với công đoạn cắt gọt trên lớp thủy tinh dày Satsuma kiriko. Những vết cắt xuyên qua lớp thủy tinh màu bên ngoài, ăn sâu vào phần thủy tinh trắng tinh khiết bên trong, khi đó, phần màu ở rãnh của vết cắt nhạt dần và đường giữa của rãnh là màu trắng. Đó là yếu tố cốt lõi của kỹ thuật tạo màu nhạt dần bokashi.

Vết cắt xuyên qua lớp thủy tinh màu bên ngoài, ăn sâu vào phần thủy tinh trắng tinh khiết bên trong

Bokashi là một trong những sáng tạo quan trọng của người làm thủy tinh kiriko Nhật Bản, góp phần hình thành nên nét đặc thù cho dòng sản phẩm này.
Theo giới nghiên cứu, thủy tinh đã có mặt ở Nhật Bản từ thời cổ đại.
Kiriko là vật dụng thủy tinh được chạm khắc những đường nét hình học tinh tế, hoa văn trang nhã

Hiện nay, trong Viện bảo tàng Shosoin, ở thành phố Nara vẫn còn lưu giữ một di vật bằng thủy tinh quí giá được cho là ra đời vào khoảng thế kỉ thứ 6. Đó là chiếc chén thủy tinh màu xám trắng có tên gọi “Hakururi no wan”. Thành chén cao 8 cm, bề mặt chén được trang trí hoa văn có hình dạng giống như tổ ong. Chiếc chén được xem là bằng chứng quan trọng của quá trình giao thương trong khu vực. Giới khảo cổ cho rằng, nó là một trong số nhiều mặt hàng thủy tinh nhập khẩu vào Nhật Bản từ Ba Tư hoặc Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhận định trên chỉ là giả thuyết, mãi đến giữa thế kỉ XVI, Nhật Bản mới tiếp cận những sản phẩm thủy tinh thật sự đến từ nước ngoài. Lúc bấy giờ, giáo sĩ Francisco Xavier đã đến Nhật Bản để truyền bá đạo Thiên Chúa giáo, ông mang theo những cặp mắt kính từ Châu Âu. Đó là sản phẩm thủy tinh Châu Âu đầu tiên có mặt tại Nhật.
Giáo sĩ Francisco Xavier

Vào thời Edo, chính quyền Mạc Phủ thực hiện chính sách bế quan tỏa cảng. Nagasaki là cửa ngõ duy nhất để Nhật Bản giao thương với nước ngoài. Từ đây, sản phẩm thủy tinh của Trung Quốc đã thâm nhập vào thị trường Nhật. Đến thế kỉ XVIII, các mặt hàng thủy tinh nội địa do chính tay người thợ Nhật Bản chế tạo chính thức ra đời.
Sản phẩm thủy tinh vào thời điểm này khá đơn điệu về kiểu dáng, chủ yếu được sản xuất từ phương pháp thổi thủy tinh. Tuy nhiên, xét về mặt thẩm mỹ, chúng vẫn rất đẹp – vẻ đẹp của sự đơn giản và tinh tế.
Đồ thủy tinh khắc hoa văn ki-ri-ko góp phần tạo nên nhiều sắc thái trong sinh hoạt của người Nhật

Khi những thương nhân người Hà Lan đến Nhật Bản giao dịch, mua bán, họ đã cung cấp cho thị trường Châu Á này dòng sản phẩm thủy tinh khắc hoa văn Bohemian nổi tiếng của Cộng hòa Czech. Rất nhanh chóng, kỹ thuật khắc hoa văn trên thủy tinh này được du nhập và phát triển mạnh mẽ ở Nhật vào thế kỉ XIX. Dòng sản phẩm này dần trở nên nổi tiếng và được ca tụng vì sự mượt mà trong từng vết cắt tinh tế trên bề mặt thủy tinh. Không chỉ vẻ đẹp của hoa văn mà màu sắc cũng là nét hấp dẫn của dòng thủy tinh này.
Cuối thế kỉ XIX, Nhật Bản bước vào thời kì Minh Trị, Nhật hoàng Minh Trị lúc bấy giờ ưu tiên đẩy mạnh công nghiệp hóa bằng cách tích cực học tập những tiến bộ của phương Tây. Đây cũng là thời điểm có rất nhiều người Châu Âu sinh sống tại Nhật.
Vẻ lấp lánh của đồ thủy tinh khắc hoa văn kiriko góp phần tạo nên danh tiếng cho ẩm thực Nhật Bản

Đầu thế kỉ XX, bên cạnh ảnh hưởng của lối sống phương Tây, tầng lớp thượng lưu ở Nhật cũng tăng mạnh. Sản phẩm thủy tinh cao cấp là mặt hàng rất được ưa chuộng vào thời điểm này. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, ngoài sản phẩm thủy tinh với các mẫu mã hoa văn truyền thống, người thợ làm thủy tinh của Nhật đã cải tiến kỹ thuật để đa dạng chủng loại hàng hóa cũng như kiểu dáng sản phẩm.
Thủy tinh không phải là sản phẩm khởi nguồn từ trong nước mà được du nhập từ nước ngoài vào thời điểm tương đối muộn nhưng giờ đây, thủy tinh của Nhật Bản rất nổi tiếng trên thị trường thế giới với phong cách rất riêng.

Thành phố Hagi thuộc tỉnh Yamaguchi cũng là vùng sản xuất đồ thủy tinh khắc hoa văn từ thời Edo. Sản phẩm thủy tinh do nơi đây làm ra có tên gọi Hagi kiriko. Thủy tinh Hagi kiriko ra đời vào năm 1860 nhưng chỉ 6 năm sau đó, nó không còn được sản xuất nữa. Vào năm 2002, nhà khoa học Fujita Kotaro đã vực dậy ngành nghề này ở Hagi.
Cận cảnh những vết cắt tinh xảo của nghệ thuật kiriko

Màu sắc cùng với hoa văn trang nhã đã tạo nên vẻ đẹp đặc trưng cho dòng thủy tinh Hagi kiriko so với thủy tinh Edo kiriko hay Satsuma kiriko. Những nổ lực của nhà khoa học Fujita đã làm sống lại thời hoàng kim của thủy tinh Hagi kiriko và điều quan trọng hơn cả đó là nó đã góp phần tạo nên sự đa dạng ngành chế tác thủy tinh của Nhật Bản.
Thủy tinh còn được chế tác thành các vật dụng trang trí

Thanh Tâm

Không có nhận xét nào: