Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

(THVL) Kiến trúc cầu Nhật Bản

Đất nước Nhật Bản được hình thành từ vô số đảo lớn nhỏ, địa hình có nhiều sông ngòi, đồi núi và thung lũng dốc. Từ xa xưa, người dân xứ sở này đã rất chú trọng đến việc phát triển hệ thống cầu bởi lẽ chúng là động lực thúc đẩy kinh tế, đồng thời là phương tiện kết nối cộng đồng.

Nhịp cầu Iwa-hashi là những phiến đá to đặt trực tiếp trên đáy sông Asuka

Làng Asuka thuộc tỉnh Nara, khu vực từng là trung tâm hành chính văn hóa của nước Nhật cách đây 1400 năm, hiện vẫn còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử cổ xưa, trong đó có cây cầu đá Iwa-hashi. Cầu đá Iwa-hashi được xem là khởi nguồn của lịch sử ngành xây dựng cầu ở Nhật Bản.
Tương truyền rằng, ngày xưa, có một chàng trai đã sử dụng đá làm nhịp cầu bắc qua dòng sông Asuka để qua bờ bên kia thăm người yêu. Khác với những cây cầu đá thông thường, nhịp cầu Iwa-hashi là những phiến đá to đặt trực tiếp trên đáy sông Asuka ở đoạn nước cạn và lòng sông hẹp nhất.
Sau những cây cầu được làm từ các phiến đá như Iwa-hashi, người Nhật bắt đầu xây dựng cầu gỗ. Bị hạn chế về độ bền của chất liệu, cầu gỗ thường xuyên được tu sửa, nhưng không vì thế mà chúng mất đi dáng vẻ vốn có.
Horai-bashi là một trong những cầu gỗ nổi tiếng của Nhật Bản, cầu bắc qua sông Oi ở tỉnh Shizu-oka. Cầu Horai-bashi có chiều dài gần 900 mét, được xem là cây cầu gỗ dài nhất thế giới. Tuy nhiên, hiện nay, một đoạn cầu đã bị gãy đổ do thời tiết, cây cầu giờ chỉ phục vụ cho mục đích du lịch hơn là thương mại.

Horai-bashi là một trong những cầu gỗ nổi tiếng của Nhật Bản

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của cư dân 2 bên bờ sông, đồng thời thúc đẩy giao thương giữa các vùng miền, người Nhật cho ra đời những cây cầu đá vững chắc.
Cầu đá Megane-bashi ở tỉnh Nagasaki được xây dựng vào đầu thời Edo, thế kỉ XVII. Cầu sử dụng kỹ thuật xây dựng cầu đá được du nhập từ Trung Quốc. Từ Nagasaki, những cây cầu đá lần lượt mọc lên khắp đảo Kyushu và phổ biến rộng rãi trên cả nước.

Cầu đá Megane-bashi

Cầu Tsu-junkyo ở tỉnh Kuma-moto trên đảo Kyushu là một trong những cầu đá dẫn nước lớn nhất Nhật Bản. Cầu được xây dựng vào năm 1854 dưới thời Edo với sự tham gia của hàng ngàn nhân công là nông dân địa phương. Kiến trúc cầu dạng vòm, có vẻ ngoài rất tao nhã. Cầu Tsu-junkyo có chiều dài 75 mét và cao 20 mét, là cây cầu dẫn nước cung cấp cho 3 kênh đào bên dưới.

Cầu Tsu-junkyo là tài sản văn hóa quan trọng của Nhật Bản

Trước khi cầu Tsu-junkyo được xây dựng, người dân vùng cao nguyên Shiro-ito thường xuyên chịu cảnh đói kém do thiếu nguồn nước tưới và sinh hoạt hàng ngày. Cầu dẫn nước là công trình thủy lợi quan trọng, nó mang đến sức sống cho những cánh đồng lúa nước địa phương. Hiện nay, 100 hecta đất nông nghiệp của Shiro-ito được tưới mát nhờ nguồn nước quí báu từ cầu dẫn nước Tsu-junkyo.
Trong hơn 1 thế kỉ qua, người dân địa phương luôn đề cao công tác cải tạo hệ thống kênh đào, bảo quản nguồn nước, nhờ đó mà vùng cao nguyên khô cằn ngày nào giờ đã trở nên trù phú. Nhận thức về tầm quan trọng của cầu dẫn nước nên ngay khi cầu Tsu-junkyo hoàn tất, chính quyền địa phương đã cử người trông nom, giám sát.


Cầu dẫn nước Tsu-junkyo đã được chính phủ Nhật Bản công nhận là tài sản văn hóa quan trọng của quốc gia vì tính lịch sử cũng như những đóng góp của nó cho sự phát triển kinh tế khu vực
Ngoài ý nghĩa là công trình lưu thông, cầu còn mang ý nghĩa biểu tượng. Cầu Seto Ohashi được xem là một biểu tượng của tình yêu.
Là một trong những cây cầu nổi tiếng nhất Nhật Bản, cầu Seto Ohashi, dài 9,4 km bắc qua biển nội địa Seto, nối liền giữa đảo Honshu và Shikoku, là điểm đến ưa thích của nhiều đôi lứa. Để minh chứng lời thề nguyền tình yêu, nhiều đôi tình nhân đã gắn ổ khóa ghi tên của họ cùng những lời yêu thương lên hàng rào bảo vệ trên cầu. Chìa của những ổ khóa này đều bị ném đi với ý nghĩa họ muốn gắn kết nhau suốt đời, không tách rời.

Seto Ohashi nối liền giữa đảo Honshu và Shikoku

Đến thời Minh Trị, cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, cuộc cách mạng công nghiệp ở các nước Phương Tây đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến Nhật Bản. Những cây cầu bằng sắt và bê tông lần lượt ra đời đáp ứng nhu cầu vận chuyển của nhiều loại phương tiện như xe lửa, ô-tô, xe khách. Ưu điểm của loại cầu này là có độ dài, rất vững chắc, chịu được tải trọng lớn và cường độ giao thông cao.
Năm 1998, Nhật Bản khánh thành cây cầu dây văng hiện đại bằng thép dài nhất thế giới, đó là cầu Akashi Kaikyo Ohashi hay còn được gọi là cầu Ngọc Trai. Cầu bắc ngang eo biển sầm uất Akashi, nối giữa đảo Honshu và Shikoku. Trước khi cầu được đưa vào hoạt động, phà là phương tiện lưu thông chính đáp ứng nhu cầu qua lại của người dân dọc eo biển.
Cầu Akashi Kaikyo có chiều dài gần 4 km, được thiết kế các tính năng chống động đất, các cơn bão lớn và sóng to. Để xây dựng công trình vĩ đại này, thép là nguồn nguyên liệu tối quan trọng. Dây cáp của cầu Akashi Kaikyo có đường kính 112 cm được phối hợp từ 36830 dây thép nhỏ. Chi phí để hoàn tất cây cầu dây văng khổng lồ này khoảng 5 tỉ USD. Nó được đánh giá là công trình kỳ công của thời hiện đại và là biểu tượng nổi tiếng của ngành xây dựng cầu Nhật Bản.

Akashi Kaikyo được đánh giá là công trình kỳ công của thời hiện đại và là biểu tượng nổi tiếng của ngành xây dựng cầu Nhật Bản

Hiện nay, cầu Akashi Kaikyo là tuyến đường trọng yếu nối liền giữa 2 hòn đảo lớn của nước Nhật. Lưu lượng xe cộ qua lại trên cầu mỗi ngày ước tính khoảng 23.000 chiếc.
Cầu Kintai-kyo ở thành phố Iwa-kuni thuộc tỉnh Yama-guchi là đại diện cho kỹ thuật xây dựng cầu gỗ vòm của người Nhật. Cầu có chiều dài 193 mét, là một trong số những cây cầu cổ lớn có cấu trúc độc đáo nhất thế giới. Cầu được hoàn thành vào đầu thời Edo với sự tham gia của hàng trăm thợ xây dựng cầu gỗ vòm chuyên nghiệp lúc bấy giờ. Người dân địa phương cũng như khách du lịch có thể dạo bước trên cầu để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của 1 kiệt tác kiến trúc đại diện cho ngành mộc của đất nước Phù Tang.

Cầu Kintai-kyo là đại diện cho kỹ thuật xây dựng cầu gỗ vòm của người Nhật

Đối với người Nhật Bản, cầu cổ Nihon-bashi là một niềm tự hào. Cầu được xây dựng vào năm 1603, đầu thời Edo với kiến trúc ban đầu là gỗ. Nó là tuyến đường giao thông nối liền giữa kinh thành Edo với những địa phương lân cận lúc bấy giờ. Ngày nay, cầu Nihon-bashi trở thành điểm du lịch hấp dẫn của Tokyo bởi tính chất lịch sử và vẻ đẹp kiến trúc của nó.
Xét về lịch sử, cầu Nihon-bashi ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế vùng. Ngày xưa, kinh thành Edo được bao bọc bởi mạng lưới sông ngòi chằng chịt, việc di chuyển chủ yếu bằng thuyền bè. Khi kinh tế phát triển mạnh mẽ, hoạt động giao thương trở nên sầm uất. Chính quyền quyết định cho xây dựng 1 cây cầu đá kiên cố để tạo thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. Cầu Nihon-bashi chính thức được xây dựng.
Hình dáng ngày nay của cây cầu đã được cải tiến vào năm 1911 vào thời Minh Trị, khi thành phố Edo được đổi tên thành Tokyo và trở thành thủ đô của nước Nhật. Người thực hiện sự thay đổi này là kiến trúc sư nổi tiếng người Nhật Tsumaki Yori-naka. Vẫn được đặt trên vị trí cũ của chiếc cầu gỗ, nhưng kiến trúc sư Yori-naka đã xây dựng một cây cầu mới bằng đá có những cột đèn và các bức tượng điêu khắc trang trí xung quang cầu. Sự cách tân này khiến cầu Nihon-bashi phảng phất nét phương Tây, song vẫn không đánh mất nét đặc trưng của tư tưởng phương Đông. Ở đoạn trung tâm của cầu là bức tượng mãnh thú mình kì lân, đầu rồng và có đôi cánh. Đó là biểu tượng cho sức mạnh và quyền lực. Trên 2 góc của mỗi đầu cầu là những bức tượng sư tử, hình ảnh rất phổ biến ở phía trước các ngôi đền Thần Đạo. Tượng sư tử trên cầu Nihon-bashi hàm ý cái xấu bị trấn áp, công trình được bảo vệ bình yên, an toàn.

Nihon-bashi là một di tích mang tính văn hóa lịch sử

Ngày nay, cầu Nihon-bashi là một di tích mang tính văn hóa lịch sử hơn là một công trình dân dụng trọng yếu. Cảnh quan nguyên thủy của nó đã phần nào bị phá vỡ bởi yêu cầu phát triển của xã hội hiện đại.
Bên cạnh cầu đá, cầu thép và bêtông, Nhật Bản còn có những cây cầu treo làm từ chất liệu tự nhiên rất thô sơ.
Cầu Kazura-bashi thuộc tỉnh Toku-shima có chiều dài 45 mét, cao 14 mét là cầu treo làm từ dây leo dại Shira-kuchi Kazura. Cầu bắc qua dòng sông chảy ngang hẻm núi Iya, hẻm núi sâu nhất ở Nhật Bản. Sàn cầu Kazura-bashi được kết sơ sài bằng dây leo và những mảnh gỗ. Dây văng của cầu treo là sự phối hợp của nhiều sợi dây leo. Sự cheo leo của cây cầu mang đến cảm giác phiêu lưu, mạo hiểm cho du khách.

Cầu dây leo Kazura-bashi

Từ xưa, dây leo shira-kuchi kazura là thực vật phổ biến của vùng rừng núi này. Dây leo shira-kuchi kazura có đặc tính rất dẻo dai và bền chắc. Cư dân địa phương nhận thấy tính năng ưu việt của loại dây leo này vì vậy, họ đã tận dụng chúng để làm nguyên liệu xây dựng cầu.
Cầu Kazura-bashi được tu bổ 3 năm 1 lần. Tuy hiện nay không còn được sử dụng cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa hàng ngày nhưng cây cầu treo này vẫn có một vị trí rất quan trọng trong lòng người dân Iya.
Thanh Tâm

Không có nhận xét nào: