Các tu sỹ Ấn Độ giáo cả đời chỉ tắm 2 lần lúc sinh và lúc chết, trên người phủ một lớp tro, thậm chí là của người chết, để mong được siêu thoát và sớm lên thiên đàng.
Những thầy tu khổ hạnh theo Ấn Độ giáo thường xuất hiện trên các con phố của thủ đô Kathmandu (Nepal). Họ là những người đàn ông trung niên có bề ngoài rách rưới, trên mặt tô vẽ các hoa văn sặc sỡ. Nếu được họ chấm trên trán một nốt ruồi may mắn, người nhận sẽ phải trả cho họ 10 đến 20 rupee.
Những tu sỹ người Nepal được gọi là Baba (có nghĩa là một vị thánh), được coi là thiên sứ của thần linh và nhận được sự kính trọng của người dân. Họ thường tụ tập bên ngoài ngôi đền Pashupati. Phần lớn các tu sỹ có tuổi trên 40 và ở trần, được phủ lên một lớp tro than hoặc thậm chí là tro của người chết. Họ hầu như chẳng có một tài sản gì ngoài một cái bát.
Các tu sỹ nhiều năm không tắm không rửa, tóc được búi qua loa trên đầu và râu được buộc lại. Những người này chỉ tắm 2 lần trong đời, đó là lúc sinh ra và lúc chết đi, do vậy trên người luôn bốc mùi khó chịu. Trên mặt họ vẽ nhiều hoa văn có màu sắc khác nhau tượng trưng cho các giáo phái. Do vậy, trông họ có vẻ dữ tợn nhưng thực ra rất hiền lành.
Lúc thời tiết nóng nực, họ thường tập trung dưới mái hiên của các ngôi nhà để hóng mát, chuyện trò. Lúc đêm lạnh thì họ đốt lửa và ngủ bên đống lửa. Các tu sĩ khổ hạnh cố gắng giảm tối đa các nhu cầu của cuộc sống. Gối là những viên gạch cứng đờ, dưới thân chỉ lót một lớp vải và chẳng có gì để đắp. Bình thường họ không uống nước.
Những tu sỹ ở Kathmandu chủ yếu đến từ Ấn Độ vì biên giới giữa Nepal và Ấn Độ được mở tự do cho người dân đi lại. Nepal có khí hậu ôn hòa, phong cảnh thiên nhiên đẹp đẽ do vậy đây là điều kiện tuyệt vời cho tu sỹ các tôn giáo tu luyện. Trong khi đó, chính phủ Nepal cũng không hề can dự đến họ. Từ tháng 2 đên tháng 3 hàng năm, tại lễ thần Shiva, rất nhiều tu sỹ đổ về thủ đô Kathmandu, có lúc hơn 10.000 người. Những người này thường tập trung khoảng 1 tháng mới dần dần rời đi.
Thông qua việc giảm thiểu tối đa nhu cầu vật chất, các tu sỹ khổ hạnh hy vọng sẽ được siêu thoát, nhận được sự che chở của thần linh và thoát khỏi mọi khổ đau của kiếp luân hồi vô tận. Việc khổ hạnh có liên quan đến sự áp bức giai cấp cách đây hàng ngàn năm. Các nhà tu hành muốn tu luyện đến cùng cự để đạt được sự bình đẳng. Họ cho rằng, con người sinh ra đều bình đẳng như nhau, chỉ cần có lòng sùng kính thì đều được sự che chở của thần thánh. Họ muốn giũ bỏ mọi bụi trần và theo đuổi cuộc sống thanh tịnh. Đó chính là một trong những nguyên nhân để các tu sỹ khổ hạnh tồn tại đến bây giờ.
Theo buudienvietnam, zing
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét